Hệ thống biểu hiện là một trong các yếu tố quyết định đến khả năng biểu hiện của các protein tái tổ hợp. Mỗi loại protein thích hợp với từng hệ thống biểu hiện riêng. Đặc biệt, hệ thống biểu hiện sẽ là một trong những yếu tố quyết định hoạt tính của protein tái tổ hợp có cấu trúc bậc 2 phức tạp [76]. Như đã trình bày ở phần tổng quan, các hệ thống biểu hiện đã được sử dụng phổ biến để biểu hiện cecropin gồm có nấm men, tế bào côn trùng và vi khuẩn. Trong đó, đặc biệt phải kể tới vi khuẩn E. coli. Trong trường hợp biểu hiện cecropin tái tổ hợp, nhờ lợi thế có cấu trúc bậc 2 là dạng xoắn α-helix và không có cầu disulfit nên cecropin dễ dàng được biểu hiện trong vi khuẩn mà vẫn giữ được hoạt tính [15]. Hiện nay, có nhiều chủng E. coli thương mại sử dụng cho biểu hiện protein tái tổ hợp. Tuy nhiên, khi sản xuất tái tổ hợp AMPs nói chung và cecropin nói riêng trong hệ thống tế bào vi khuẩn, khó khăn hay gặp là tính độc của chúng ảnh hưởng tới tế bào chủ nên khó biểu hiện cũng như do kích thước nhỏ nên chúng dễ bị phân hủy bởi protease nội bào, ... [3, 36]. Vì vậy, lựa chọn chủng vi khuẩn biểu hiện thích hợp là một trong các yếu tố đóng vai trò quyết định đến khả năng sản xuất cecropin tái tổ hợp. Điều này được minh chứng khi chúng tôi tiến hành biểu hiện các protein dung hợp cecropin trong 2 hệ thống tế bào E. coli là BL21 (DE3) và JM109. Kết quả cho thấy GST-cecH, GST-cecN và GST-cecT biểu hiện như nhau trong 2 chủng này. Trong khi đó, His+GST-cecropin và Trx-cecropin không thể biểu hiện trong JM109 nhưng lại biểu
hiện tốt trong BL21 (DE3). Điều này cho thấy chủng E. coli BL21 (DE3) phù hợp hơn cho việc biểu hiện các protein dung hợp của cecropin. Kết quả này khá hợp lý bởi E. coli BL21 (DE3) là một chủng biểu hiện protein phổ biến, còn E. coli JM109 ít được sử dụng để sản xuất các protein tái tổ hợp mặc dù chủng này cho phép biểu hiện protein NS3 (DENV-2 nonstructural protein 3) [59].