Giai đoạn sau cách mạng (những năm 80 trở về sau)

Một phần của tài liệu Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 42)

1.3.2.Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

1.3.3. Giai đoạn sau cách mạng (những năm 80 trở về sau)

Khi những trận đánh hào hùng lịch sử đã qua đi, Chế Lan Viên quay trở lại những suy nghĩ về cái tôi của mình. Do vậy, trong Di cảo

chúng ta bắt gặp một Chế Lan Viên trầm lắng hơn, ông đã chuyển giọng: “ Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm”

Trầm giọng hơn nhưng cũng sâu sắc hơn, Chế Lan Viên lùi lại phía sau để suy tư về cuộc đời và sự nghiệp, cái tôi lúc này hướng nội để chiêm nghiệm, triết lí những vấn đề có liên quan đến con người. Chuyển sang giọng trầm, Chế Lan Viên cũng dễ dàng bắt mạch với hiện thực một cách nhanh chóng. Những quan niệm mới của ông về phạm trù sống - chết, lao động – sáng tạo, thời gian đời người- thời gian vĩnh hằng được thể hiện trong một loạt các bài thơ. Giờ đây, cái tôi trong Di cảo thơ

không còn hướng tới cuộc sống tràn đầy tươi vui với khát vọng cống hiến như trong Ánh sáng và phù sa nữa. Nó đã chọn cho mình một khách

thể thẩm mỹ khác đúng như nhận xét của Hồ Thế Hà: “Nếu ở thời Điêu tàn đó là một chủ thể Cực đoan - Thần bí – Quái đản, tự dựng lên một khách thể Hư cấu- Siêu hình – Kinh dị, đến thời 1945 – 1975 đó là một chủ thể Tái sinh- Tích cực – Giao hoà trước hiện thực mới của Tổ quốc – nhân dân thì đến thời này, đó là một chủ thể Sống qua - Dự cảm - Triết lí với một khách thể Đa diện – Đa chiều – Vi diệu” [16, tr 43-44].

Chọn chủ thể Sống qua - Dự cảm - Triết lí (đi sâu vào cái tôi cá nhân), trong Di cảo thơ, Chế Lan Viên hay làm những cuộc giải phẫu

trong thơ để tự mổ xẻ tâm hồn mình:

“ Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu”

Dùng màu sắc để nói lên sự phân cực trong con người mình, Chế Lan Viên đã rất thành công khi thức gợi những biểu tượng trong lòng người đọc: Màu đỏ là màu của sức sống, nhiệt huyết, là màu mạnh, nóng. Màu tím mát nhẹ thường gắn với sự thuỷ chung, nỗi buồn. Vậy là, Chế Lan Viên không chỉ là màu đỏ hoa sen mà sâu thẳm trong tâm hồn ông còn có màu tím hoa súng, xúc cảm hơn, riêng tây hơn. Điều đó cho thấy sự phong phú trong tâm hồn nhà thơ. Có khi, Chế Lan Viên còn muốn lộn trái mình ra như “đào lộn hột”:

“Vỏ tâm hồn lộn tuốt Cho thân thể phô bày”

( Lộn trái- Di cảo thơ I)

Con mắt ông nghiêm khắc đánh giá lại sự nghiệp thơ mình: Xưa, ông viết những câu thơ tràn đầy khí thế, cổ vũ người ra trận thì nay chính ông lật lại mọi thứ. Ông trăn trở, đau xót khi cho rằng người chịu trách nhiệm trước cái chết của những người lính là mình:

“Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó? Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ

Ông trăn trở day dứt vì bây giờ không có câu thơ nào:

“ Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười”

( Ai? Tôi?- Di cảo I)

Trong Di cảo thơ, ta thấy nỗi buồn được nhà thơ nhắc đến nhiều

hơn là niềm vui. Nhưng đó không phải là “nỗi buồn thế hệ” từng xuất hiện trong “Điêu tàn” mà là một nỗi buồn thấm đượm vị chua chát. Nỗi

buồn được khơi gợi từ cơ sở hiện thực: buồn vì cuộc đời với nhiều đảo điên, buồn vì nghề: “ Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng” và hơn hết là nỗi

buồn vì biết cuộc đời hữu hạn, biết mình đang trong hành trình đến lò thiêu:

“Ta trên đường đi đến lò thiêu

Cuộc hành trình nhẩn nha mà rất gấp”

( Lò thiêu – Di cảo thơ III)

Giờ đây, nhà thơ cảm thấy hơn bao giờ hết dòng thời gian “nước siết” đang chảy trôi. Không còn ước muốn “ thơ ngây” cản thời gian lại như thuở nào:

“Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi”

Tác giả hiện thực hơn khi viết:

“Lúc nào anh cũng có thể thành Hàn Mạc Tử, Bích Khê… Phải tranh thủ làm thơ giữa hai chớp mắt”

Câu thơ không chỉ cho ta thấy cảm nhận về thời gian khác trước của tác giả mà nó còn cho thấy những đối cực không thể phủ nhận. Khi xưa, tác giả yêu mùa thu là thế vậy mà nay:

“ Trời vào thu, anh ê ẩm khớp xương Anh bải hoải thân mình với gió lùa..”

Sự vận động của cái tôi trữ tình kéo theo sự thay đổi cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Đặc biệt, nó có ảnh hưởng chặt chẽ đến phương

thức tư duy của nhà thơ. Thời kỳ này, qua những bài thơ, bài tiểu luận phê bình của ông, ta thấy những quan niệm nghệ thuật mới, thoạt nhìn tưởng như trái ngược với trước đó. Những câu hỏi có tính chất triết học: “

ta là ai?”, “ ta vì ai?” tưởng chừng đã được giải đáp trọn vẹn ở giai đoạn

trước giờ đây được đào xới lại. Nhà thơ tự vấn:

“ Ta vì ai? Về đâu? Hạt móc

Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời

Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối”

( Hỏi – Đáp)

Khi viết bài thơ đề tựa cho tập thơ “Hoa trên đá”, xuất bản năm 1984, Chế Lan Viên thổ lộ:

Đời ngoài tuổi năm mươi Mong gì hương sắc lạ Mọc chùm hoa trên đá Mùa xuân đâu chịu lùi.

Chế Lan Viên khiêm tốn đó thôi. Bạn đọc nào cũng nhận ra rằng mùa xuân trong thơ ông vẫn bừng nở những hương sắc mới lạ quyến rũ bao người, ngay cả khi ông ngoài sáu mươi, thậm chí cận kề cái chết. Với ba tập Di cảo thơ, mà phần lớn những bài thơ này được viết ở cuối đời, ông vẫn tiếp tục làm ngạc nhiên độc giả. Hàng loạt những bài thơ trong di cảo vẫn tiếp nối những suy nghĩ không ngừng, không nghỉ của Chế Lan Viên về quan niệm nghệ thuật ở một hoàn cảnh xã hội mới.

Nếu nhìn khái quát cả ba tập di cảo thơ , chúng ta có thể nhận ra khá rõ điều này: quan niệm nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ của ông có nhiều thay đổi, thậm chí đối lập với các thời kỳ trước.

Chẳng hạn, nếu ở giai đoạn thơ chống Mỹ, Chế Lan Viên sung sướng tự hào biết bao khi nhà thơ có sứ mạng vinh quang của một nhà

thơ – chiến sĩ: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ / Bên những chiến

sĩ ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”, thì nay trở lại đời thường, vị trí của

nhà thơ trở nên thật khiêm tốn:

“Tôi chỉ là một nhà thơ cưỡi trâu

Đánh giặc cờ lau...

Đã lâu ta không còn nghe hồn lau gọi nữa Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố ....”

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)

Và trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động phức tạp, các thang giá trị thay đổi đến bất ngờ, có lúc ông đã phẫn uất thốt lên:

“Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc Của quyền lực tuổi tên đốp chát

Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”

(Thời Thượng)

Nếu trước đây, ông đề cao, khẳng định và ước mong thơ mình thành “Tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Thành giao liên dẫn dắt đưa đường”, thì nay ở những năm tháng cuối đời, ông thật sự xót xa, cay đắng nhận ra:

“Tôi chưa có câu thơ nào

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười” “Ôi văn chương có lỗi với bao người”, “Nghìn lẻ câu viết ra

Người ta quên cả một nghìn”

“Chữ nghĩa thơ anh, nước ốc nhạt phèo”....

Chế Lan Viên cũng viết nhiều bài thơ có tính chất tổng kết về đời thơ mình. Nhưng khác với một số bài thơ “nhìn lại” thời “Ánh sáng và phù sa” trước đây (nhìn lại là để tự kiểm điểm, nhằm dứt khoát dứt bỏ

tại), những bài thơ sau này như đem toàn bộ thơ ông lên bàn cân để chính ông ngồi trầm tư cân đong thành những còn - mất, được – thua, để nhận ra những khiếm khuyết của thơ mình. Tổng kết lại thơ mình không phải để phủ nhận, quay lưng, chối bỏ quá khứ mà là sự phản tỉnh, tự vấn đầy ý thức trách nhiệm với thơ mình hôm nay. Nhờ đó, Chế Lan Viên đã gợi mở biết bao điều thú vị, bất ngờ qua các trang di cảo:

Câu thơ phải luôn luôn bất ổn và xôn xao Không thể nằm yên mà ngủ được nào.

(Bất hoàn toàn)

Góc nhìn, tầm nhìn của thơ ông giờ đây không còn ở tư thế cao vòi vọi – tư thế của cái ta cộng đồng đứng ở đỉnh cao của thời đại để phát ngôn cho toàn dân tộc mà là từ đời thường, từ chính cuộc sống cá nhân với bao đa đoan, phức tạp của kiếp người. Trước đây, dù ông luôn tâm niệm nhà thơ “phải đào, phải xới, phải chắt, phải lọc” các chất liệu của

đời sống, phải nhìn vào ba chiều của hiện thực để đưa vào trang thơ “hai

mặt phẳng”, thì vẫn chỉ để đi đến một mục đích: tìm ra chất thơ cao đẹp

của cuộc đời. Giờ đây, cuộc sống vào các trang thơ từ nhiều phía, nhiều góc độ: mặt phải và mặt trái, bề nổi và chiều sâu, niềm vui và nỗi đau, thế giới hữu hình và vô hình... Do đó, nhiều mặt còn khuất lấp của hiện thực và tâm trạng như được phơi trần trên các trang thơ di cảo. Đó cũng chính là hành trình đi tìm lại chính mình của Chế Lan Viên

“Con rồng ôm hạt châu

Rồi nhả ra Rồi tìm lại

Ta là ta mà luôn bối rối? Tìm lại ta ...”

(Bất hoàn toàn)

Để tiếp tục sáng tạo ở tâm thế mới của đời thường, Chế Lan Viên đã chủ động thay đổi giọng điệu trang nghiêm xen vào giọng điệu cười

cợt, giọng xót xa phẫn uất, xen lẫn giọng tự trào hóm hỉnh, giọng độc thoại đan vào giọng đối thoại, giọng trữ tình thấm đẫm cảm xúc bên cạnh giọng tự sự khách quan lạnh lùng, v.v...Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là cái giọng trầm buồn của một thi nhân đang trầm tư, chiêm nghiệm, triết luận về thế sự và con người.

Ba tập Di cảo thơ của Chế Lan Viên ngổn ngang bao ý tưởng. Ông đã ra đi nhưng còn bao dự định chưa thành, bao câu hỏi còn vương vấn chưa đủ lời giải đáp. Và những câu trả lời của Chế Lan Viên không phải không còn những điều bất cập. Song có một điều mà không ai có thể phủ nhận được – Đó là ý thức trách nhiệm rất cao của ông về nghề, về thơ trong suốt cả cuộc đời.

Tổng kết lại cuộc đời thơ của Chế Lan Viên, chúng ta thấy : cái tôi trữ tình trong thơ ông có lúc hướng ngoại, có lúc hướng nội nhưng ở khía cạnh nào nó cũng được đẩy lên đến cực điểm. Ở Điêu tàn nó đi đến tận

đáy của cái tôi, có khi trốn trong thế giới cô độc ấy mà không có lối thoát, chỉ có nhà thơ và một Chiêm thành đổ nát với những bóng ma Hời. Nhưng đến thời kì sau, với Ánh sáng và phù sa, nhà thơ trải lòng mình

trong niềm vui chung hội ngộ:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

( Tiếng hát con tàu)

Sau Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên phủ nhận quyết liệt cái tôi cũ trong sự đối chiếu với cái tôi mới xuất hiện. Sự tương phản đối lập chủ yếu được thể hiện thông qua việc liên hệ cái tôi cũ trong Điêu tàn với cái tôi nhà thơ đã được cách mạng “ lột xác”, từ bỏ cái tôi cá nhân cũ để đi đến với cái ta chung. Thời kì này cái tôi thiên về hướng ngoại.

Thời kì sau này, Di cảo thơ lại đánh dấu một sự chuyển biến mới của cái tôi trữ tình trong thơ thi sĩ họ Chế. Đi sâu vào chiêm nghiệm, những bài thơ trong Di cảo đậm chất suy tư triết lí. Nhà thơ lộn trái mình ra, làm những cuộc tự giải phẫu, cái tôi lúc này lại hướng nội để chiêm nghiệm triết lí về những vấn đề có liên quan đến con người.

Tóm lại, ở Chế Lan Viên cái tôi trữ tình rất phong phú và đa dạng nhưng chúng không mâu thuẫn mà thống nhất với nhau và có sự chuyển hoá giữa các đối cực, có sự vận động, sinh thành và phát triển. Những quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên phản ánh một tư duy triết học biện chứng, có phủ định, kế thừa và phát triển, bổ sung cho phù hợp tinh thần thời đại và quy luật thơ ca. Sự phức tạp trong quan niệm và tư duy thơ của Chế Lan Viên là một nghịch lý hợp lí kiểu triết học biện chứng chứng tỏ ông là nhà thơ lớn, chưa bao giờ tự bằng lòng, thoả mãn với những gì đã có, trái lại luôn tìm tòi thể nghiệm để khẳng định cái mới.

Một phần của tài liệu Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)