1.3.1.Giai đoạn trƣớc cách mạng

Một phần của tài liệu Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 25)

Trước cách mạng, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên là chủ tướng của nhóm thơ Bình Định với cái tên Trường thơ loạn. Qua tập Điêu

tàn, Chế Lan Viên đưa ra một quan niệm thơ độc đáo: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi nói thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên,

là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lí”. Chính quan niệm độc đáo

khác người này đã hướng hồn thơ Chế Lan Viên đến một thế giới đầy “kinh dị, lẻ loi và bí mật” như Hoài Thanh đã nhận xét về Điêu tàn. Có thể nói, những tháp Chàm điêu tàn là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

Trước hiện thực bế tắc lúc bấy giờ, khi các thi sĩ khác thoát li trong mộng tưởng, đắm mình trong thế giới tình yêu cá nhân, hay trốn mình vào cái tôi rợn ngợp thì Chế Lan Viên lại chọn cho mình một khách thể thẩm mỹ mang tính hư cấu- siêu hình – kinh dị: Thế giới của xương khô, sọ người, sự diệt vong của Chiêm Quốc.

Cũng là nhà thơ nổi tiếng trong Phong trào Thơ Mới, khác với Chế Lan Viên, Thế Lữ thoát li vào cõi bồng lai tiên cảnh. Ông trở về Thiên thai để chiếm lĩnh một không gian trong sáng, xa vắng và yên bình tuyệt đối. Ở đây, cảnh sắc đẹp như trong mơ, bồng bềnh, dịu nhẹ, nó như ngưng đọng và nằm ngoài quy luật thời gian:

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu Mây hồng ngừng lại sau đèo

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi ( Tiếng sáo thiên thai)

Mơ cõi tiên là một cách tỏ thái độ chán ghét cõi trần. Song sự mơ nào cũng có chút ít bóng dáng hiện thực. Thế Lữ đã gửi vào cõi tiên một nỗi buồn mênh mang xa vắng của một cái tôi cô đơn:

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng

Nỗi buồn trong thơ Mới đã trở nên ám ảnh không cùng khi Xuân Diệu có một câu thơ bất hủ :

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Xa lánh nỗi buồn, mỗi nhà thơ lại tìm đến một nguồn an ủi : Xuân Diệu đi sâu vào tình yêu, còn Chế Lan Viên thì sao ? Đối với ông, thi sĩ phải là người thoát ly triệt để thực tại để tìm giải thoát ở cõi siêu hình bất tận:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh Một vì sao trơ trọi cuối trời xa Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.

(Những sợi tơ lòng)

Đối với ông, cảm xúc thẩm mỹ lẫn đối tượng thẩm mỹ của thơ chính là nỗi đau khổ khôn cùng của thi nhân trên cõi trần gian.

-Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết

Những sắc màu hình ảnh của trần gian

(Tạo lập)

-Vì u buồn là những đoá hoa tươi Và đau khổ là chiến công rực rỡ

(Đừng quên lãng)

Với một quan niệm về thơ như vậy lại sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Định – nơi vẫn còn chứng tích của thành cổ Đồ Bàn cùng những ngọn tháp Chàm gợi nhớ về một dĩ vãng đau thương, uất hận- đã hướng thơ Chế Lan Viên càng ngày lạc sâu vào cõi siêu hình, mờ ảo. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh, có những lúc ông phải thốt lên :

Có ai không? Nắm giùm tay ta lại Hãy bẻ giùm cán bút của ta đi ! Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi. Đầy hơi thịt, yêu ma cùng xác chết”

(Tiết trinh).

Và ông nghi ngờ chính sự tồn tại, hiện hữu của mình “Ai bảo dùm: Ta

có có ta không?”.

Cũng chính quan niệm “làm thơ là làm sự phi thường”, quyết không đi lại những con đường của các nhà Thơ Mới thời ấy, đã khiến cho

Điêu tàn trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử thơ ca dân

tộc. Ngay từ lúc ấy, Chế Lan Viên đã ý thức được sự cô đơn trên nẻo đường riêng của thơ mình:

Đường về thu trước xa lắm lắm Mà kẻ đi về chỉ một tôi.

Những câu thơ đã khẳng định một tài năng thơ và hướng đi của người cầm bút đồng thời “cho thấy phần nào tâm trạng cô đơn bế tắc của một lớp người tiểu tư sản trước thực tại” ( Vũ Tuấn Anh, Tiếng thơ Chế Lan Viên )

Đọc “Điêu tàn”, ta thấy những đối cực luôn tồn tại trong con người Chế Lan Viên như một phần máu thịt, không sao dứt bỏ được. Cái tôi trong Điêu tàn luôn phân cực: Mùa xuân về, đất trời khởi sắc nhưng Chế Lan Viên vẫn còn loay hoay giữa hai tâm trạng buồn và vui:

“ Ta những muốn vui cười ta những muốn Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi

Nhưng than ôi, xuân về trong nắng sớm Mà lòng ta đông lạnh giá băng thôi

( Xuân về - Điêu tàn)

Tràn ngập trong Điêu tàn là một khối buồn, buồn sâu, buồn nặng. Nhưng không phải lúc nào tác giả của nó cũng chỉ biết đến u hoài chán nản. Trong bài thơ “ Xuân về” ở trên, ta thấy con người đó có ý thức rõ ràng, cũng mong muốn “ vui cười”, “ dẹp sầu tư”, muốn hát bài ca chào đón xuân như bao người chứ không phải đơn độc một mình “chắn nẻo xuân sang”. Nhưng mâu thuẫn đã nảy sinh giữa mong muốn và hiện thực.

Mong muốn là thế song hiện thực là sự đối lập giữa muôn vui tươi – lòng lạnh giá. Điều này phản ánh những đối cực không sao giải quyết được trong lòng tác giả. Xuân về, niềm vui đến nhưng con người đón nhận với một tâm hồn băng giá lạnh lùng. Tác giả Điêu tàn còn vẽ lên một cõi ta

cho riêng mình:

“Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới Đây cõi ta rộng rãi đến vô biên”

Cõi ta của Chế Lan Viên là một thế giới vừa rộng lớn vô cùng nhưng dường như cũng hết sức bé nhỏ:

“ Nhưng cũng là nơi ai ơi bé nhỏ Nơi khó dò, khó biết, khó suy tường”

( Cõi ta, Điêu tàn)

Qua những câu thơ trên, Chế Lan Viên làm hiện ra trước mắt người đọc một cõi ta vừa mênh mông vừa bé nhỏ, vừa rộng rãi lại vừa sâu xa. Đó phải chăng là giây phút trải lòng trên giấy của một tâm hồn phức tạp, không dễ nắm bắt? Một mặt tác giả tự tạo cho mình một cõi ta siêu hình nhưng mặt khác ông cũng muốn vượt thoát khỏi nó nên điều đó không tránh khỏi mâu thuẫn:

Ôi biết làm sao cho ta thoát khỏi Ngoài cõi ta ngập chìm trong bóng tối …..

Cho linh hồn vượt đến xứ Trăng Mây”

Cái tôi trong Điêu tàn nhiều mâu thuẫn dằn vặt trong nội tâm. Nó

luôn được đặt trong mối liên hệ với ngoại cảnh, do đó, tạo ra nhiều tương phản, đối lập. Cảnh vật càng rực rỡ tươi sáng bao nhiêu thì lòng người lại càng chán nản u buồn bấy nhiêu. Đó là nỗi buồn toả ra từ tâm hồn của một người không biết đến ngoại cảnh, hoàn toàn khác với nỗi buồn truyền thống “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thơ Huy Cận cũng nói

nhiều đến nỗi buồn nhưng cái buồn của ông nhiều khi có sự tương đồng với cảnh vật:

“ Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”.

Cái buồn được gợi ra từ một đêm mưa, tiếng mưa nhỏ giọt bên mái hiên làm lòng người thêm u sầu. Cũng có khi, Huy Cận buồn trước cảnh trời rộng sông dài, buồn vì sự chia ly xa cách:

“ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song Thuyền về bến lại sầu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng”

( Tràng giang- Huy Cận)

Nỗi buồn trong thơ Chế Lan Viên lại có sự khác biệt: nó không những không được gợi ra từ cảnh vật mà còn được đặt trong thế tương phản hoàn toàn với cảnh vật. Cảnh vật càng tươi sáng:

“ Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng Những bóng tre cao rủ trước thành

( Thu – Điêu tàn) Thì lòng người càng u ám, trĩu nặng u buồn:

“ Thu đến đây! Chừ, mới nói răng? Chừ đây, buồn giận biết sao ngăn?

Vì vậy, cái buồn được nâng lên ở một mức độ cao hơn, có chiều sâu hơn: Cái buồn đã hoá thạch tâm hồn nhà thơ. Cảnh cứ đẹp nhưng lòng người không đoái hoài tới vì:

“ Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”

( Xuân – Điêu tàn)

Trong tâm lí của hầu hết mọi người, mùa xuân đồng nghĩa với niềm vui và sự hồi sinh, các nhà thơ Mới cũng không nằm ngoài quy luật

cảm xúc ấy. Vậy mà ở đây, với nhà thơ Chế Lan Viên, người đọc được chứng kiến một phản đề: Đem chi xuân lại gợi thêm sầu. Ngay trong lời

từ chối này, Chế Lan Viên đã đối lập tuyệt đối “ tôi” và “ tất cả”, khi không đủ sức tương đồng, nhà thơ đã biến ra thành tương phản. Tại sao lại như vậy? Phải chăng Chế Lan Viên muốn nhấn mạnh sự khác thường giữa bản thân cá nhân mình với mọi ngườixung quanh, với số đông?

Như vậy, đối lập đã được sử dụng triệt để trong Điêu tàn để biểu

hiện một cái tôi nhiều mâu thuẫn, một quan niệm nghệ thuật mang tính chất siêu hình và quan niệm thẩm mỹ cái đẹp nằm ở cái buồn. Đối lập ở đây được khai thác triệt để không chỉ trong bản thân cái tôi mà còn được đặt trong sự đối chiếu với ngoại cảnh. Giai đoạn này, có thể nói, Chế Lan Viên đã xây dựng cho mình một cái tôi hết sức độc đáo, có một không hai trong văn học.

Khảo sát thủ pháp đối lập được sử dụng trong tập “Điêu tàn”, chúng tôi nhận thấy trong 36 bài thơ có đến 12 bài ( chiếm 33,3% ) sử dụng tương phản đối lập ở nhiều cấp độ (Đó là những bài: Những sợi tơ lòng, Điệu nhạc điên cuồng, Ngủ trong sao, Xuân, Cõi ta, Đừng quên lãng, Trên đường về, Tạo lập, Nắng mai, Những nấm mồ, Xuân về, Chiến tượng ). Trong đó, có những bài sử dụng đối lập một cách dày đặc như: Trên đường về, Những sợi tơ lòng, Chiến tượng,…

Một phần của tài liệu Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 25)