5. Bố cục
2.2.1.1. Cảm quan thời đại của Tú Xương
Bối cảnh văn hóa buổi giao thời và đặc trưng môi trường đô thị hóa ở Nam Định tác động sâu sắc đến con người nho gia như Tú Xương. Sự va chạm giữa văn hóa cổ truyền với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ cùng với tính chất đô thị hóa trong xã hội Phương Đông có sự khác biệt làm nên những đổi thay nhanh chóng, chắc chắn sẽ khiến tâm thế và tâm lý của con người mang những nét rất riêng. Với sự nhạy cảm vốn có, Tú Xương thấy được sự đổ vỡ của trật tự đời sống; tính áp đặt của cái chính thống; sự đảo lộn của các thang bảng giá trị; sự bất an, mất niềm tin của con người.
Những thay đổi căn bản từ bên trong thể hiện qua cái nhìn nhuốm màu bất lực của ông:
Nhà kia lỗi phép con khinh bố, Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng. Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở những hơi đồng. (Đất Vị Hoàng)
Tú Xương đã nhìn nhận những biến đổi của đất Vị Hoàng bằng cảm nhận thế sự:
Trời kia xui khiến sông nên bãi Ai khéo xoay ra phố nửa làng
(Vị Hoàng hoài cổ)
Vị Hoàng là quê cha đất tổ của nhà thơ Tú Xương. Làng Vị Hoàng xa xưa có sông Vị Thủy chảy qua. Ngày Tây chiếm đóng thành Nam, khi cờ ba sắc xuất hiện thì sông Vị Thủy bị lấp dần. Vị Hoàng vốn là “nơi sang trọng, chốn nhiều quan”. Nhưng rồi biển dâu biến đổi, trong buổi giao thời hổ lốn dở Tây dở ta, ngày càng lộn xộn tang thương, đạo lý sa sút, suy đồi, cái sự “phố nửa làng” thể hiện sự biến đổi và xáo trộn nhưng không thành một chỉnh thể toàn vẹn, nó khiến cho cuộc sống không mang màu sắc đặc trưng nông thôn, cũng không ra chốn thành thị đô hội. Vùng đất Vị Hoàng nửa tỉnh nửa quê, là cơ hội cho sự du nhập những lối sinh hoạt bát nháo trà trộn. Qua câu thơ ta thấy được sự xót xa của nhà thơ nhưng hoàn toàn bất lực, và qua lăng kính của cái nhìn đạo lý, ông chỉ có thể nêu lên những thói đời thoảng chút mỉa mai cay nghiệt.
Buổi đầu đô thị hóa đã tạo nên sự bát nháo trong các mối quan hệ. Đạo lý và các giá trị xã hội bị đảo lộn. Bắt đầu là tầng lớp nhà nho, những trí thức của thời đại đương thời, là rường cột tương lai của quốc gia hiện lên trong thơ Tú Xương với bộ dạng:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
(Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu)
Bộ dạng “lôi thôi” đối lập hoàn toàn với vẻ cung kính đạo mạo của những bậc trí thức xưa. Hai câu thơ miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh bằng hai nét vẽ đặc sắc. Trường thi không còn là chốn tôn nghiêm nền nếp nữa, quá lộn xộn, quá ồn ào, khác nào cảnh họp chợ. Sĩ tử thì lôi thôi nhếch nhác, mất đi cái vẻ nho nhã thư sinh.
Quan trường, giám thị, cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có. Bức tranh nhị bình biếm hoạ độc đáo này gợi tả lại cảnh hoàng hôn của chế độ phong kiến ở nước ta.
Tú Xương cũng nhìn ra được bản chất của những trí thức của xã hội. Không chú tâm vào cương thường đạo lý mà chỉ lo nỗi cờ bạc rong chơi:
Ông về đốc học đã bao lâu, Cờ bạc rong chơi rặt một màu Học trò chúng nó tội gì thế? Để đến cho ông vớ được đầu.
(Chế ông đốc học)
Cũng chẳng quan tâm đến trung với hiếu, chẳng ôm bão “trí quân trạch dân” mà rặt một phường vừa dốt vừa ngu:
Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu Thực là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương nào phải là đơn thuốc Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu
(Ông cử nhu)
Ông cử nhu là con một nhà bán thuốc bắc, học lực tầm thường nhưng lại có bằng cử nhân, được cử làm chủ trì kì thi sơ khảo trường thi Nam Định khoa Canh Tí (1900). Tú Xương chế giễu ông chấm bài thi như bán thuốc bắc, vì nhà hàng thuốc bắc cũng có kiểu đánh dấu vào đơn thuốc lúc bốc thuốc, giống như dùng bút đỏ khuyên một vòng ở câu văn hay.
Qua những bằng chứng cụ thể, Tú Xương rút ra được bản chất của những trí thức đương thời chẳng khác chi một thằng hề:
Nào có ra chi lũ hát tuồng! Cũng hò cũng hét cũng y uông; Dẫu rằng dối được đàn con trẻ
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn! (Hát tuồng)
Sự nhếch nhác, ảm đạm của con người và không gian trường thi qua cảm nhận của Tú Xương cáo chung cho buổi hoàng hôn của khoa cử Việt Nam. Không khí còn sót lại là sự xô bồ, hỗn độn, trường thi dường như bị biến thành chợ thi, buổi chợ xế chiều chỉ còn sự tẻ nhạt, ảm đạm:
Mười người đi học chín người thôi Cô hàng bán sách lim dim ngủ Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
(Than đạo học)
Tú Xương thấy cái suy đồi và xuống dốc của đạo học. Bằng cái nhìn phủ định, ông phác họa một bức tranh thể hiện sự rệu rã và tâm lý chán chường của kẻ sĩ. Họ không còn sự hưng phấn và quyết chí, kiên trì theo đuổi khoa bảng. Khoa cử không còn có sự sàng lọc tốt nhất nữa, nó như một phương tiện thăng tiến hổ lốn, và đượm mùi kim tiền. Khung giá trị cho sự tiến thân vinh hiển của nhà nho mấy trăm năm nay, đã đến hồi kết. Thấy sự đổ vỡ của sự quy chuẩn một thời, không ai không khỏi xót xa và hụt hẫng. Với Tú Xương, đau lòng nhưng bất lực.
Sự đô thị hóa chưa thực sự vào nếp, sự thay đổi trong văn hóa không chỉ khiến cho đạo học sa sút mà xã hội đang có sự xáo trộn ghê gớm. Chứng kiến cảnh bản sắc đang dần mai một, đạo lý truyền thống đang bị phá vỡ, Tú Xương chỉ muốn:
Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ Giương mắt trông chi buổi bạc tình
(Đau mắt)
Cũng thật dễ hiểu khi mà những thói giả dối, những điều phù phiếm trong xã hội, trong quan hệ con người đều trở thành đối tượng đả kích, trào lộng của Tú Xương. Từ lâu, những cái rởm đời, những cái phù phiếm luôn là đối tượng đả kích, châm biếm của thơ ca. Nhưng chỉ với cái nhìn khách quan và đặc biệt lạnh lùng của Tú Xương thì
những thói đời đó mới được phơi bày trần trụi và mới được bóc tách tới tận cùng. Chính nhờ cảm nhận lạnh lùng mà Tú Xương đã quan sát được những cái tham lam, ích kỉ, vô nghĩa, sáo rỗng đằng sau tiếng “Năm mới chúc nhau”. Hay là phơi bày được những hiện tượng tham lam, nhũng nhiễu, đĩ thõa, dâm ô, cúi luồn, kèn cựa, đủ thứ xấu xa:
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn
(Phố hàng Song)
Thành phố “nửa làng” giống như nơi họp mặt của những thói khoe khoang, dâm đãng, lố bịch, là đất hoạt động của bồi bếp, thông ký, của đĩ già đi tu.
Khác hẳn với cách thể hiên hình tượng con người trong văn chương trung đại bằng tư duy phân loại thiên về khái quát hóa, con người mang kích thước và tầm vóc vũ trụ, Tú Xương lại đi vào phác họa con người cụ thể gắn chặt với không gian thành Nam lúc bấy giờ. Không hề mang tính ước lệ tượng trưng, các nhân vật hiện lên trong thơ Tú Xương mang nét hiện thực sâu sắc, góp phần tạo nên một thế giới nhốn nháo, đầy màu sắc và cũng hết sức sinh động.
Tóm lại, bằng con mắt tinh tế, Tú Xương đã kéo tuột xã hội đương thời lên thơ một cách trần trụi. Ông chứng kiến tất cả những đổi thay theo hướng tiêu cực theo quan điểm của nho gia, ông đau lòng và xót xa trước sự đổ vỡ của thang bảng giá trị cũng như chuẩn mực đã chung đúc và xây dựng qua mấy trăm năm. Đằng sau những hình ảnh tưởng như lạnh lùng là cả một tấm lòng xót xa nhưng bất lực. Bó tay trước thực tại, ông chỉ còn vùng vẫy chơi ngông, một kiểu thoát tục rất nghệ sĩ và rất Tú Xương.