5. Bố cục
2.2.3. Hệ thống hình tượng
Lấy bối cảnh là môi trường thành thị tấp nập, ồn ào, nên hình ảnh, hình tượng trong thơ nhà nho thị dân không mang nét đẹp vũ trụ bao la như thơ truyền thống, và cũng hiếm thấy những cảnh đề thiên nhiên ngụ tình. Tú Xương xô vào thơ tất cả những gì ông nhìn thấy xung quanh thành Nam đô hội. Cũng chỉ có trong thơ Tú Xương, hệ thống nhân vật lại phong phú và sinh động đến vậy. Như chúng ta đã biết, thơ là một loại thể đặc biệt của văn học. Thơ đẹp và kiệm lời. Do đó, nhà thơ thường phải chắt chiu ngôn ngữ rất công phu và thường chọn từ ngữ rất đắt. Khác với văn xuôi, là địa hạt rộng rãi để nhà văn tha hồ thể hiện tài nghệ ngôn ngữ phong phú của mình. Chỉ có ở văn xuôi, các nhân vật mới được xây dựng đậm nét nhất, sinh động nhất. Nhưng Tú Xương lại đã làm ngược lại, nhân vật trong thơ ông rất phong phú, thậm chí lấy nguyên mẫu trong đời sống thực, nên rất cụ thể. Làm được điều này, Tú Xương không chỉ phá vỡ cách làm thơ truyền thống là ý nằm ngoài lời, và thơ rập khuôn theo luật, mà ông thổi vào thơ nét hiện đại mang hơi thở của cuộc sống hiện thực.
Cao Huy Khanh thống kê năm 1997, trong thơ Tú Xương còn có cả một bản danh sách “đen” về các nhân vật. Theo ông, đây là những nhân vật có thực ngoài đời, có lí lịch hẳn hoi, được xướng tên cụ thể. Bản thống kê có viết:
“Với hơn 130 bài thơ để lại (đã qua khảo chứng, còn khoảng 70 bài tồn nghi), Tú Xương đã khắc họa ngắn gọn mà sinh động vô vàn khuôn mặt người đương thời. Trong khuôn khổ của thể thơ Đường cổ điển, có thể nói đó là một sáng tạo đáng kể, nhất là khi nghệ thuật rất gần gũi với phong cách hiện đại: hiện thực hóa bằng những chi tiết cụ thể, chính xác (tên tuổi, quê quán, hoạt động…) trích ra từ cuộc sống, xã hội trần trụi chung quanh, trước mắt là Nam Định quê ông.
Trước hết là tuyến nhân vật “đắc địa” nhất của ông– nhân vật tiêu cực: vợ chồng toàn quyền Pháp, Thành Pháo, Đốc Kinh, Cử Nhu, Bố Cao…
Bên cạnh đó cũng có tuyến nhân vật tích cực (ít nhiều) cũng được chỉ định tên tuổi rõ ràng kèm theo những nét phác họa điển hình mà khuôn khổ luật thơ cũ không cho phép dài dòng. Nhiều nhất là bạn bè: Ấm Các, Ấm Điềm, Cử Hồng, Cử Kiều, vợ chồng Cử Phỏng, vợ chồng Phạm Tuấn Phú, mẹ của bạn Trần Song Ứng. Hoặc một số nhân vật có thật khác ngoài đời nêu một tấm gương tốt nào đó đáng suy nghĩ : Cụ Phan Bội Châu, cụ Cao Xuân Dục, cụ Khóa Cự, chú Mán, cô Cáy chợ Rồng. Hay người tình cũ: Cô Hai Đích, cô đầu Tuyết; người trong gia đình: Vợ (nhiều bài), em gái Trần Thị Khiết, ông chú Trần Đăng Chu….
Và cuối cùng, đặc biệt nhất là mẫu nhân vật số một bao trùm tất cả, bàng bạc khắp nơi, một nhân vật nửa tích cực nửa tiêu cực – chính là bản thân tác giả với số lượng đồ sộ là trên 35 bài:
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành Mắt thời thao láo, mặt thời xanh. Vuốt râu nịnh bợ, con bu nó Quắt mắc khinh đời , cát bộ anh!
Bản danh sách “Người thật việc thật” thật phong phú, đa dạng với 54 gương mặt con người hiện diện sinh động vẽ nên bức tranh sinh hoạt xã hội nước ta thu nhỏ vào đầu thế kỷ này (nếu tính cả số nhân vật ám chỉ nhưng cũng hoàn toàn có thật thì số lượng nhân vật kể trên có thể lên đến con số 70). Có thể nói đây là “chuyên gia viết loại tiểu phẩm thơ hiện thực đầu tiên của ta” (Cao HuyKhanh).
Có thể nói, Cao Huy Khanh đã tổng kết khá gọn những hình tượng thường xuất hiện trong thơ Tú Xương, đặc biệt là ở mảng trào phúng mang đậm chất hiện thực. Thế giới nhân vật trong thơ Tú Xương phong phú nhiều kiểu người, nhiều hạng người với nhiều tâm thế khác nhau, nhưng tựu trung đều góp phần thể hiện sự biến chuyển của thời thế, của xã hội thông qua sự thay đổi trong cuộc sống và tâm lý của những con người cụ thể.
Điều đặc biệt, nhân vật cuối cùng trong bản danh sách ấy là hình tượng bản thân tác giả. Có thể nói đây là hình tượng trung tâm trong kho tàng thơ Tú Xương. Tuy nhiên, hình tượng cái tôi tác giả cũng hiện lên với hai thái cực. Một bên là hình tượng của một nhà nho thành thị với những vần thơ trào phúng hóm hỉnh, đối diện với nhiều vấn đề của xã hội: gia đình, thi cử, sinh hoạt đô thị... Và một hình tượng cái tôi luôn xuất hiện trong những vần thơ trữ tình, trầm lắng hơn. Cái tôi tác giả trong thơ trào phúng mang tính chất đả kích và tâm tính không phóng khoáng, có khi còn đẩy lên mức hẹp hòi. Ngược lại, cái tôi trong những bài thơ như Đêm buồn, Đêm dài... sâu sắc hơn, tinh tế hơn mà nỗi lòng cũng da diết hơn, đó là nhân vật trữ tình với bi kịch của sự phức tạp và đa cảm. Theo chúng tôi, đây mới là hình tượng trung tâm trong thơ Tú Xương. Có thể cái tôi thứ nhất xuất hiện nhiều hơn trong thơ, nhưng những tác phẩm tuyệt tác của Tú Xương được đếm trên đầu ngón tay ấy lại diễn tả con người có nội tâm phong phú và sâu lắng này.
Bài thơ được nhiều người biết đến và được thuộc nhiều nhất có lẽ phải kể đến bài thơ Sông lấp của ông:
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai Vẳng nghe tiếng ếch bên tai Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
(Sông lấp)
Nhà văn Nguyễn Tuân đánh giá cao bài thơ này của Tú Xương. Ông cho rằng: Thơ “cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi một tấm lòng sứ điệp”. Và “Thơ là mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như bị phong kín. Bài Sông lấp đã cho thấy rõ cái điệu mở ra mở vào đó” [13;tr.71].
Hai câu đầu là hiện thực, hiện thực có thật của thành Nam đương thời. Nó miêu tả sự biến chuyển của quê hương ông, của cái vùng quê “ai khéo quay ra phố nửa làng” ấy một cách chân thực. Sự thay đổi thể hiện ngay ở sự vật. Sự vật được hiện lên trong sự so sánh xưa- nay. Mới chỉ đọc hai câu thơ này, người đọc cũng chưa thể thăm dò ngay được thái độ và cảm xúc của nhà thơ đối với sự biến chuyển ấy: đồng tình, hay tiếc nuối. Chỉ đến hai câu sau, chúng ta mới vỡ ra:
Đêm nghe tiếng ếch bên tai Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Tiếng ếch đã trở thành ranh giới cho hiện thực và tưởng tượng, cho xưa và nay. Nhưng ranh giới ấy cũng thật mong manh và cũng khó đoán. Liệu tiếng ếch ấy là có thực hay cũng chỉ là tưởng tượng. Xuân Diệu viết: “hai câu dưới là cái ngân nga vang hưởng, nó là cái lãng mạn ở trong tâm hồn. Đêm ngủ chập chờn nghe tiếng ếch kêu mà tưởng chừng như ai gọi đò qua sông thuở xưa”. Và vì sao, tác giả lại mượn tiếng ếch như là cầu nối để trở về với tiếng vọng của quá khứ. Có thể âm thanh tiếng ếch rất đặc biệt. Tiếng “ộp ộp, oạp oạp” của ếch là một âm thanh mà khi nghe từ xa có độ dính vào nhau bởi không có phụ âm. Đặc biệt tiếng ếch kêu trong một “dàn đồng thanh” thì độ rời của các tiếng lại càng không có. Cũng giống như tiếng gọi đò “đò ơi” vậy. Thông
thường người ta kéo dài từ “ơi”, vì nó là âm mở và vang, nên sẽ ngân được xa và lâu hơn. Tú Xương đã “mượn” tiếng ếch kêu là rất hợp lý, dù đó là hiện thực hay là tưởng tượng. Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Tú Xương đã đưa vào thơ tiếng gọi đò vang vang man mác. Những âm ba ấy chính là cái còn lại truyền mãi của con sông lấp kia, hơn nữa nó lại chập vào tiếng ếch kêu”. Và âm thanh của quá khứ ấy ùa về trong tâm trí của nhà thơ như một vọng tưởng, một luyến tiếc, một nét hoài cổ kín đáo nhưng rất hiện đại, vì nó cụ thể và riêng tư nên nó rất sâu lắng. Ở đây ta bắt gặp một nội tâm bình tĩnh và đẹp hơn cả, hiếm hoi hơn cả trong thơ Tú Xương.
Nỗi ưu tư về sự thay đổi của xã hội day dứt trong tiếng gọi đò, nỗi ưu tư về trách nhiệm cá nhân lại trùm lên trong bài Đêm buồn:
Trời không chớp bể, chẳng mưa nguồn Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện Bút bút, nghiên nghiên khéo dở tuồng Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông (Đêm buồn)
Những vấn đề của cuộc sống, trách nhiệm của một trang nam nhi trong cuộc sống đã không được hoàn thành. Tình duyên không được mặn mà:
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông Đời sống cơm áo gạo tiền có vẻ chật vật: Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Và công danh sự nghiệp lại được như ý: Bút bút, nghiên nghiên khéo dở tuồng
Tất cả đối với ông đang trong thế dở dang, không cái gì được tròn vẹn và viên mãn. Nỗi buồn của cái tôi này không phải vì viện cớ cảnh buồn như trong thơ truyền thống, mà nỗi buồn trở lại nhuốm vào cảnh vật. Tâm sự của nhà thơ thoáng một chút chán nản và bất lực, tỏ thái độ buông xuôi. Nỗi buồn này được trừu tượng hóa trong bài thơ hay khác:
Chợt giấc trông ra ngỡ sáng lòa Đêm sao đêm mãi thế ru mà? Lạnh lùng bốn bể, ba phần tuyết Xao xác năm canh một tiếng gà... Chim chóc hãy còn nương cửa tổ Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc lên soi kẻo lẫn nhà (Đêm dài)
Chắc chắn người đọc sẽ phải ngạc nhiên khi bên cạnh những vần thơ trào phúng bỡn cợt của Tú Xương vẫn có những bài thơ nhẹ nhàng như thế này. Nội tâm ở đây không được diễn tả cụ thể như trong bài Đêm buồn, nhưng nó lại diễn tả nỗi buồn, nỗi trăn trở của nhân vật trữ tình rõ hơn. Nhân vật ở đây như thức cùng đêm khuya, lục lọi và đếm từng khắc thời gian chảy trôi. Đồng thời cảm nhận được từng chuyển động tinh tế của sự vật trong đêm. Nỗi cô đơn càng lớn hơn lên khi một mình trong không gian lặng lẽ và vô tình như thế. Sự vật có, nhưng dấu hiệu của niềm vui, sự sinh động của sự sống muôn màu thì không có. Chìm trong cảnh vật thiên nhiên đó, nỗi buồn như nhân lên, sâu hơn.
Như vậy, bên cạnh một con người ồn ào trong những bài trào phúng, ta còn thấy một con người trữ tình lắng sâu, đa cảm và tinh tế ở Tú Xương. Hình tượng này thể hiện khá toàn diện về nội tâm của một người nghệ sĩ vốn đa cảm. Nhìn ở góc độ này, để ta thấy rõ hơn mâu thuẫn trong con người ông, một nội tâm bề ngoài ồn ào, nhưng
bên trong lại nhạy cảm đến bất ngờ. Trước đó ta vẫn không thấy một thái độ rõ ràng trong hành xử của ông đối với vấn đề thi cử, hành đạo của ông thì ở đây, mặc dù cũng không mấy rõ ràng song vẫn thấy được nỗi buồn ẩn sâu trong con người khi không thực hành trọn vẹn được đạo như một nhà nho. Sự mâu thuẫn này càng thể hiện rõ tính chuyển tiếp ở tác gia Tú Xương giữa văn học truyền thống và cận hiện đại.