5. Bố cục
3.3. Nhà nho thị dân hoá đầu tiên ở Việt Nam
Có thể nói, cuối thế kỷ XIX là giai đoạn chuyển biến quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhà nho đối diện với một hoàn cảnh chưa từng có, đó là sự đô hộ của một thế lực khác hoàn toàn về văn hoá. Sự xa lạ đó khiến nhiều nhà nho bối rối trên con đường hành đạo, và đã có nhiều hành xử cho một vấn đề, tuỳ vào hoàn cảnh và nhân cách của mỗi người. Đa phần, các nhà nho vẫn lựa chọn con đường học làm
quan, vẫn ưu ái một tấm lòng với nước, hoặc khi ẩn dật về với chốn nông thôn: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích… hoặc ngay cả những nhà thơ theo khuynh hướng trào phúng như Nguyễn Văn Lạc, Từ Diễn Đồng, Nguyễn Thiện Kế… vẫn gắn bó với vùng thôn quê, lấy thi liệu, đề tài ở nông thôn. Xét vào giai đoạn này chỉ thấy Tú Xương là nhà nho sinh ra và được nuôi dưỡng trong môi trường thành thị, nên, trước khi thành nhà thơ, học theo “ngòi bút chí công” thì ông đã là một thị dân, do đó, chỉ có tìm thấy trong thơ Tú Xương ở giai đoạn này hơi thở văn chương mang đậm cảm hứng thị dân.
Có những nhà nho yêu nước, dấn thân vào con đường đấu tranh để cứu nước, nhập quân nhóm khởi nghĩa của Đề Thám, tham gia vào phong trào Cần Vương…. Nhà nho Lê Trung Đình hy sinh trong phong trào Cần vương, để lại cho hậu thế bài thơ
Lâm hình thời tác. Bài thơ phảng phất âm hưởng châm ngôn ứng xử của một nhà nho hành đạo trầm luân trong cảnh nước mất nhà tan, trong tình thế “chim trong lồng, cá trên thớt” vẫn hiên ngang đối diện với sự an nguy của bản thân. Ở đó, không phải là sự băn khoăn, day dứt về một sự nghiệp còn dang dở mà là sự suy ngẫm miên man về vận mệnh đất nước trong một tâm trạng đầy giông bão. Ông thuộc trong số những người mà tên tuổi trường tồn cùng sông núi miền Ấn Trà. Bởi lẽ ông chọn một ứng xử thuận với lương tri. Bởi lẽ ông sống và hành động theo tâm niệm “Quốc trọng thân khinh”:
Nay là chim trong lồng, Mai đã cá trên thớt ? Thân này tiếc gì đâu, Gian nan tình đất nước.
(Lâm hình thời tác - Hoàng Tạo dịch)
Và hay như nhà thơ mù xứ Đồng Nai Nguyễn Đình Chiểu vẫn chọn cho mình một cách hành xử, một thái độ cứng rắn với kẻ thù, qua đó thể hiện khí tiết và phẩm cách khảng khái của một nhà nho.
Nguyễn Đình Chiểu, một con người tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam trong thời kỳ đất nước đầy biến cố, đau thương, nhưng vô cùng vĩ đại. Đất nước bị ngoại xâm, nỗi nhà tai biến, nỗi mình bi thương, bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời trút lên vai một người mù lòa, sự nghiệp công danh nửa đường dang dở. Sự thách thức nghiệt ngã ấy đặt ra cho Nguyễn Đình Chiểu thái độ phải lựa chọn lối sống và cách sống như thế nào cho thích hợp với vai trò người trí thức trước thời cuộc “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”, và ông đã chọn con đường sống, chiến đấu, bằng ngòi bút “chí công” với cái tâm “đã vì nước phải đứng về một phía”.
Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chính tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa nho giáo. Nhà thơ mù lòa ấy là một trong những người đầu tiên đưa ra thông điệp tố cáo hành động phản văn hóa, mất tính người của bọn thực dân xâm lược.
Các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu có sức sống bền vững trong tình cảm nhân dân. Lý tưởng thẩm mỹ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hóa và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đó là lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội, trọng con người và căm ghét áp bức bất công. Cái “hào khí Đồng Nai” ấy được thể hiện qua hành động của các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên, trong các nghĩa sĩ Cần Giuộc và nghĩa sĩ lục tỉnh thời Nam Kỳ kháng Pháp.
Nguyễn Đình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, thương dân và lấy đó làm vũ khí chống giặc; làm ông đồ dạy học không biết mệt mỏi vì sự nghiệp nuôi dưỡng “hào khí Đồng Nai” giữ gìn bản sắc Việt Nam trong đời sống văn hóa của nhân dân giữa thời loạn ly; làm thầy thuốc vì đạo cứu người chứ không chỉ vì nghề để vụ lợi. Đó là lối sống có văn hóa, biết tự hào dân tộc, biết tự trọng của một người trí thức chân chính, biết trân trọng phẩm giá của con người, giữ đúng tiết tháo của một kẻ sĩ.
Các nhà nho cùng thời với Tú Xương, hầu như vẫn chọn cho mình con đường khoa cử và muốn lập thân bằng quan trường. Đây cũng là một cách hành đạo khác của
nhà nho. Nguyễn Thông là một đơn cử. Ông thi thố cũng không lấy gì gọi là cao, song ông lại nhanh chóng thành đạt trên hoạn lộ của mình. Cuộc đời làm quan ông đã có nhiều đóng góp cho nhân dân. Ông cũng làm thơ, những vần thơ ưu ái một tấm lòng với nhân dân, với cuộc sống của những người dân gắn mình với đồng ruộng. Thơ văn Nguyễn Thông là tấm lòng ưu ái đối với những người xấu số, sự quan tâm đến nghề làm ruộng và gắn bó với đời sống của nông dân. Ông ca ngợi và xót thương những người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Nổi bật và bao trùm là tấm lòng yêu mến quê hương mà ông phải lìa bỏ vì không chịu sống trên đất kẻ thù đã chiếm đóng...
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, sớm gần gũi với những người lao động, có vốn học thức, có năng khiếu thơ văn, lại được đi nhiều...nên hầu hết trước tác của ông đều thiên về tả thực, giàu chất trữ tình, mang tính tố cáo cao, không sa đà viển vông hay sáo rỗng...Tuy đôi lúc trong thơ văn ông, cũng không tránh khỏi những nỗi buồn hiu hắt của một nhà nho cảm thấy bất lực trước vận mệnh tồn vong của non sông, của dân tộc mà ông yêu mến. Những vẫn thơ mang đầy tâm sự:
Lịch tận nguy cơ toái phách đô Hải thiên hà xứ nhân quy đồ?
Bán song thuỷ nguyệt Nam Trung cảnh Tứ bích vân sơn vật ngoại đồ
(Trải hết nguy cơ, thể phách tưởng tan nát rồi mà còn sống được Trời bể mênh mang tìm đường về lối nào
Nhớ cảnh Nam Trung, trước cửa trăng thanh nước lặng Xem bản đồ, bốn bể núi dựng mây lồng)
(Giang đình đề bích).
Trên đây là những nhà thơ cùng thời với Tú Xương nhưng chọn cho mình con đường hành đạo khác nhau. Họ cũng có những vần thơ nặng lòng với quê hương đất nước, nhưng dường như ta đều thấy lấy cảm hứng từ cảnh vật thiên nhiên thôn quê.
Ngay cả những nhân vật tiêu biểu trong thơ văn trào phúng bấy giờ như Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Văn Lạc, Từ Diễn Đồng… cũng không nằm ngoài ý kiến trên.
Ngoài việc là chỉ huy quân Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Kế còn làm nhiều thơ trào phúng. Trong dòng thơ trào phúng cận đại Việt Nam, tên tuổi ông chỉ đứng sau Tú Xương. Tuy nhiên, cảm hứng thơ của Nguyễn Thiện Kế vẫn là những con người nghĩa khí, hoặc cảnh thiên nhiên chốn rừng núi, nông thôn. Hay Nguyễn Văn Lạc (1842- 1915) là một nho sĩ nghèo, thất thế, sống nhiều ở nông thôn, nên đối tượng đả kích của ông chỉ là bọn hương chữ cường hào cùng là bọn nha lại lính tráng hay nhũng nhiễu dân đen, mà ông hay gọi là “bợm làng” là “một lũ những quân hoang”.
Nhìn chung, văn thơ của ông không bao hàm những vấn đề xã hội rộng lớn. Nguyễn Văn Lạc không đả kích bọn thực dân, cũng không dám đụng đến bọn phong kiến đầu to, mà chỉ dám đánh vào bọn phong kiến và nha dịch lớp dưới. Thái độ của ông với bọn “bợm làng” thật rõ ràng, dứt khoát, nhưng cũng có khi chưa thoát khỏi quan điểm phong kiến. Chỉ trích bọn cường hào, ông cũng chỉ biết miệt thị chúng là dốt nát, vô học, là gốc gác “ti tiểu” “không đài các” “chẳng phải vương công chẳng phải hầu”. Mặc dù vậy, lời đả kích bọn cường hào của ông hoàn toàn nhất trí với lời ta oán, căm ghét bọn cường hào của nhân dân và đã góp phần vạch mặt bọn tay sai mới lập ra ở nông thôn.
Như vậy, mặc dù cùng sống trong một thời đại lịch sử, cùng chứng kiến cảnh nước nhà dần lâm vào tay giặc, nhưng mỗi nhà nho lại thể hiện cách xuất xử khác nhau. Nhưng đa phần đều thể hiện nỗi mẫn thế trước cảnh nước mất nhà tan, đả kích những thế lực thực dân phong kiến mới trong xã hội. Chung quy, đề tài vẫn là chốn trường ốc, quan phủ, nông thôn… quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Chỉ có Tú Xương sống trong môi trường thị thành nên đối tượng trữ tình, đối tượng đả kích có khác hơn. Cái tôi trữ tình thị dân mang những đặc trưng riêng, đối tượng hướng đến là những con người trong đám thị dân thành thị: cô Ký, ông Cò, cô bán sách, anh Khoá, chú Mán… Cảm thức của nhà nho thị dân Tú Xương có sự khác biệt khá cơ bản với
các nhà nho phong kiến truyền thống. Nhà nho Tú Xương cũng đối lập Tài với Đức, đề cao tự do cá nhân nhưng nếu như người ẩn dật và người tài tử dầu có lên án vua quan, tố cáo hiện thực, có bộc lộ xu hướng đòi quyền sống cho con người cũng không chống nho giáo. Và nhìn toàn bộ sáng tác của họ, dường như không thấy họ chống lại quan niệm nho giáo. Trong khi đó, thái độ của Tú Xương đối với nho giáo lại là thái độ châm biếm, phê phán, phủ nhận khá cay độc. Không chỉ dừng lại ở thái độ vạch trần bản chất thực của xã hội phong kiến, Tú Xương còn phơi bày tất cả những cái tàn tạ của chữ nho qua dáng vẻ: Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co (Chữ nho). Cảm hứng nghệ thuật về con người và thế giới trong thơ Tú Xương là cảm hứng thị dân. Cảm hứng thị dân đã quy định nên kiểu hình con người thị dân trong thơ Tú Xương, cũng như quy định nên kiểu phương thức trữ tình: kiểu tả chân không gian phố phường, kiểu tự trào, phúng thế rất đặc sắc trong thơ ca của nhà thơ tú tài đất Nam Định.
PHẦN KẾT LUẬN
Với hướng tiếp cận văn hóa học và so sánh trong chiều lịch đại văn học nho gia, chân dung Tú Xương hiện ra với tư cách là nhà nho hay nhà thơ đều mang những đặc điểm phi truyền thống. Trong bối cảnh đô thị hóa bắt đầu hình thành, sự nhập nhằng giữa cái cũ và cái mới, giữa cái quen và cái lạ, sự phức tạp này không khỏi khiến cho thái độ và tư tưởng của Tú Xương đôi lúc băn khoăn, mâu thuẫn. Sự lệch khỏi vòng cương tỏa của quan niệm nho giáo là có thực nhưng không phải hoàn toàn. Những phản ứng đầu tiên của nhà nho thị dân Tú Xương là dấu hiệu cho sự hình thành một mạch văn học mới mẻ hơn.
Chúng tôi đặt Tú Xương trong hai góc nhìn: với tư cách là một con người xã hội và với tư cách là con người văn học đều nhận thấy được đặc điểm phi truyền thống, cái khác lạ, cái mới so với các trước tác của các nhà nho trong văn học trung đại, kể cả so sánh với các nhà nho cùng thời với ông. Luận văn đang dừng lại ở việc khảo sát thơ Tú Xương bằng những bài thơ được lưu hành quen thuộc bằng chữ quốc ngữ, mà không đi vào khảo sát chi tiết phần văn bản của thơ ông, mặc dù biết là rất quan trọng. Các văn bản Hán Nôm như Quốc văn tùng ký, Vị Thành giai cú tập biên, Nam âm thả, Tiên đan gia bảo, Thi văn tạp lục mở ra nhiều điều mới cho việc nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp thơ Tú Xương. Trong Vị Thành giai cú tập biên, ngoài các tác phẩm cũ, còn có thêm gần 30 bài thơ chưa từng có trong các văn bản quốc ngữ, 1 tác phẩm truyện nôm luận đề và 81 bài thơ được dịch từ các nhà thơ Đường nổi tiếng. Luận văn không nghiên cứu dựa trên các tác phẩm trong văn bản này. Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm Năng nhẫn bất năng nhẫn hành là một truyện thơ được diễn nôm dựa trên một cốt truyện cũ trong dân gian mang đậm tính Phật. Đây là tác giả diễn nôm ra câu chuyện cổ tích Sự tích chim tu hú, phần cốt truyện không có gì thay đổi, nhưng ngôn ngữ đạt đến độ nhuần nhuyễn, đặc biệt thể thơ lục bát hết sức uyển chuyển chuyển tải câu chuyện mang đậm triết lý nhà Phật, làm cho những triết lý đó trở nên nhẹ nhàng và lôi cuốn hơn.
Ngoài ra, trong văn bản này, ta còn thấy một Tú Xương với tài dịch thơ Đường. TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) ghi rõ: “Mới đây nhất, khi khảo sát về lịch sử dịch thuật trong quá khứ, chúng tôi phát hiện Tú Xương là một dịch giả rất đáng chú ý. Đó là việc ông dịch 81 bài thơ Đường. Văn bản được chép trong Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm (AB.194, thư viện Viện Hán Nôm). Tài liệu ghi rõ "Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm; Vị Thành Tú tài Trần Cao Xương Tử Thịnh diễn tập".
Trong suốt tập thơ dịch, Tú Xương đã dịch thơ Đường với một phong cách rất riêng của ông. Bút pháp trào lộng, hóm hỉnh của Tú Xương trong phong cách thơ ông xuất hiện cả trong những bài thơ dịch, tạo nên nét riêng rất đáng chú ý. Về từ ngữ, ông đã sử dụng cả những từ vốn được ông dùng trong thơ sáng tác để dùng trong bản dịch, khiến cho tác phẩm dịch của ông như một sáng tạo mới. Đó là nét đặc sắc của Tú Xương trong thơ dịch. Điều này sẽ góp phần khẳng định chân dung một dịch giả trong văn học Việt Nam. Và vị trí của ông, với tư cách là một dịch giả cần được khẳng định.
Với việc dịch thơ Đường, Tú Xương đã đóng góp vào lịch sử văn học Việt Nam như một dịch giả có phong cách độc đáo, đưa được những từ ngữ đời thường đầy hóm hỉnh vào bản dịch một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một bản dịch hoàn toàn có thể có một đời sống độc lập bên cạnh bản gốc” (Dẫn theo Báo lao động cuối tuần).
Tuy nhiên, luận văn không nghiên cứu dựa trên những bài thơ dịch của Tú Xương. Nhưng không vì thế mà không kể đến công lao Tú Xương trong việc chuyển thể những truyện cũ thành truyện nôm và tài năng dịch thơ Đường. Khảo sát những bài thơ đó, theo chúng tôi nghĩ, vẫn không làm thay đổi những nhận định của chúng tôi trên đây về Tú Xương với những yếu tố phi truyền thống trong thơ văn. Và nó chỉ bổ sung để khẳng định một lần nữa tài năng của Tú Xương, còn bản chất con người cũng như quan niệm về con người, về thế giới của ông vẫn thống nhất trong nhà nho thị dân này. Việc khảo sát chi tiết về các văn bản, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách công phu bằng một nghiên cứu khác. Còn với Tú Xương, ông luôn xứng đáng là nhà thơ chuyển
tiếp từ văn học của xã hội phong kiến sang văn học của xã hội mang tính chất thành thị theo lối tư bản chủ nghĩa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thế Anh (2008), Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nxb Văn học, Hà Nội
2. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Cường b.s (1999), Từ điển văn học Việt Nam: từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội
3. Nguyễn Thị Hoà Bình (1999), Con đường từ Nguyễn Khuyến đến Trần Tế Xương của văn học trào phúng, Luận văn thạc sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
4. Hà Như Chi (2001), Thơ Tú Xương: Tác phẩm, phê bình- nhận định, NXb Đồng