Công trình Giảng văn “Chinh phụ ngâm”

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 63)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.2.Công trình Giảng văn “Chinh phụ ngâm”

Niềm say mê nghiên cứu văn học Việt Nam và thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt thành cùng tài năng khám phá, phát hiện bản chất của đối tượng nghiên cứu làm nên những thành công lớn trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai. Ông được mệnh danh là “cây đại thụ trong làng văn bút ở thế kỷ này” [27, tr. 289]. Trong những công trình nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, cuốn Giảng văn “Chinh phụ ngâm” có “một giá trị đặc biệt về kiến thức và phương pháp” [27, tr. 34].

Chinh phụ ngâm là một tác phẩm viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn được hai dịch giả là Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích dịch sang chữ Nôm, trong đó bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được đánh giá thành công hơn và có nhiều điểm vượt trội so với bản gốc bằng chữ Hán về mặt nghệ thuật. Trong công trình này, Đặng Thai Mai chỉ lấy bản nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn như một tư liệu để so sánh. Cuốn sách Giảng văn “Chinh phụ ngâm” gồm năm phần được sắp xếp theo trật tự lôgích, từ khái quát đến cụ thể, từ phương pháp đến thực hành, từ hình thành đến cấu trúc.

Đáng chú ý trước hết là Đặng Thai Mai trình bày quan niệm và phương pháp giảng văn ngay từ phần thứ nhất, “như là chìa khoá để mở ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm” [27, tr. 35]. Theo ông, giảng văn không phải chỉ là nhận định về nghĩa đen của câu chữ một cách khô khan theo lối “tầm chương trích cú”, không phải là diễn nôm một cách không mấy thú vị những lời văn thú vị, giảng văn cũng không phải là trổ tài thôi miên học sinh, không phải là khơi gợi trực cảm để khơi dậy sự tiếp nhận hồn nhiên phản lý luận. Giảng văn trong quan niệm của Đặng Thai Mai là: “Theo dõi trong nếp áng văn tất cả cái tinh vi về tư tưởng, cái độc đáo về nghệ thuật của một tác giả. Hiểu như vậy,

giảng văn trước hết là chỉ rõ sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, giữa kỹ thuật và tư tưởng trong một tác phẩm văn chương” [1, tr. 345]. Đây là một quan niệm đúng đắn, khoa học, phù hợp với bản chất của giảng văn hiện đại. Người giảng văn phải là người phát hiện, giải mã được ngôn ngữ tác phẩm văn chương, khám phá cấu trúc nội tại của tác phẩm, tìm thấy những vẻ đẹp nội dung và hình thức nghệ thuật ẩn giấu dưới lớp ngôn từ trên các văn bản. Một nhà văn tài năng thực sự bao giờ cũng lựa chọn cho tác phẩm - đứa con tinh thần từng thai nghén, ấp ủ - một hình thức nghệ thuật phù hợp nhất để diễn đạt nội dung hiệu quả nhất. Đối với những tác phẩm văn chương ấy, người giảng văn có nhiệm vụ chỉ ra các yếu tố hình thức và dựa vào các yếu tố hình thức của tác phẩm để tìm đến các giá trị nội dung cũng như những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc. Để chỉ rõ sự thống nhất nội dung và hình thức, kỹ thuật và tư tưởng trong tác phẩm, người giảng văn cần phải “tìm ra cái trọng tâm hứng thú - le centre d’intéret - của áng văn” [1, tr. 349]. Đặng Thai Mai không tán thành lối bình giảng tuỳ tiện, mặc dù ông không hề xem nhẹ sự cảm nhận hồn nhiên, trực tiếp. Ông đề cao mục đích của việc giảng văn là nâng cao năng lực “hiểu cái hay” của con người: “Về phương diện chủ quan, một kỹ thuật giảng văn sâu sắc và chính xác cũng là một động cơ để xây dựng và bồi dưỡng trong tâm hồn người nghe, người đọc những hứng thú văn chương dồi dào và đứng đắn” [1, tr. 345]. Với quan niệm giảng văn là công việc của khoa học và trí tuệ, công trình Giảng văn “Chinh phụ ngâm” của Đặng Thai Mai được Trần Đình Sử đánh giá: “như một cố gắng đầu tiên để phân tích trọn vẹn một tác phẩm văn học cổ điển theo phương pháp chỉnh thể. Và lịch sử bộ môn phương pháp giảng dạy văn học Việt Nam sẽ ghi nhận đây là công trình đặt nền móng cho khoa giảng văn hiện đại nước nhà” [27, tr. 307].

Là một học giả uyên bác, am hiểu cổ kim Đông Tây, vì thế trong quá trình giảng văn Chinh phụ ngâm, Đặng Thai Mai đã triệt để sử dụng phương pháp so sánh - một ưu thế giúp tác giả “có thể xem xét đối tượng nghiên cứu từ nhiều điểm nhìn tham chiếu” [27, tr. 35]. Để khẳng định những đặc điểm tạo nên sự khác biệt cũng như nét đặc sắc của Chinh phụ ngâm, và đi đến kết luận: “Khúc ngâm của người chinh phụ là kết tinh trên thời cuộc nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII” [1, tr. 354], Đặng Thai Mai tìm hiểu Chinh phụ ngâm của tác giả Đặng Trần Côn trong tương quan với văn học cổ điển Trung Hoa và bản dịch Chinh phụ ngâm của dịch giả Đoàn Thị Điểm.

Trước hết, xét trong tương quan với văn học cổ điển Trung Quốc, tác giả Giảng văn “Chinh phụ ngâm” cho thấy sự khác nhau trong nhân sinh quan, thế giới quan của Đặng Trần Côn và các thi sĩ Trung Quốc. Ông nhấn mạnh lợi ích của sự khác nhau đó trong việc giúp người đọc đánh giá toàn diện và sâu sắc giá trị của tác phẩm Chinh phụ ngâm: “Quan điểm của Đặng Trần Côn không phải là quan điểm của một người đã “nhìn thấy những nỗi biệt ly trong dân gian” với cặp mắt Tàu. Người thiếu phụ trong khúc ngâm cũng không phải là người của dân gian. Chiến tranh đối với gia đình này là khó nhọc, là ly biệt, là thương nhớ, nhưng cũng là hy vọng về công danh, là chờ đợi cái “ấn phong hầu” mà ông chồng sẽ mang về, sau ngày thắng trận. Đứng về lập trường của dân chúng thì thái độ của người thiếu phụ trước những trận chiến tranh phong kiến lúc bấy giờ, nếu không tức tối, giận ghét, thì hẳn cũng phải chịu đau đớn, ai oán hơn. Một nhà nho sống dưới sự nuôi dưỡng của chúa Trịnh hồi đó, dẫu biết rằng giữa Trịnh Giang với Lê Duy Mật, hay Hoàng Văn Chất, nếu nói chuyện chính nghĩa thì vị tất ai hơn ai, dầu biết rằng chiến tranh phong kiến là chiến tranh tư lợi, thì cũng không dám có một thái độ gì đối với những câu chuyện mà họ gọi là vương sự” [1, tr. 354]. Điều đó chứng tỏ để đưa ra một kết luận, bao giờ Đặng Thai Mai cũng tìm

hiểu, nghiên cứu và diễn giải ngọn nguồn mọi vấn đề từ nguyên nhân sâu xa, đến việc so sánh các nguồn ý kiến khác nhau. Đó cũng là phương pháp nghiên cứu khoa học nhất quán của ông.

Đặng Thai Mai trong quá trình tìm hiểu Chinh phụ ngâm còn thực hiện thêm hai phép so sánh nữa. Phép so sánh thứ nhất là phép so sánh giữa hai bản dịch, một bản của Phan Huy Ích, một bản của Đoàn Thị Điểm. Kết quả so sánh là lời lý giải lý do ông lựa chọn bản dịch của Đoàn Thị Điểm, mà không chọn bản dịch của Phan Huy Ích cho bài giảng của mình, mặc dù độc giả hầu như đã quên mất sự tồn tại của bản dịch thứ hai do dịch giả Phan Huy Ích dịch từ nguyên văn chữ Hán. Bên cạnh đó, Đặng Thai Mai còn sử dụng phép so sánh giữa văn bản chữ Hán của tác giả Đặng Trần Côn và bản dịch của dịch giả Đoàn Thị Điểm. Mục đích của phép so sánh thứ hai này là tạo cơ sở ban đầu cho kết luận và cho những nhận xét sau này của Đặng Thai Mai về sự khác biệt của hai phong cách nhà thơ, hai nền kỹ thuật sáng tác trên cùng một nội dung. Bản dịch của Đoàn Thị Điểm đã vượt ra ngoài phạm vi của một bản dịch thông thường và trở thành một kiệt tác được nhiều người thừa nhận.

Vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu Giảng văn “Chinh phụ ngâm”

của Đặng Thai Mai là việc ông đưa ra vấn đề sự khác nhau giữa phong cách hai nhà thơ và hai nền kỹ thuật sáng tác Việt Nam - Trung Hoa. Bởi lẽ, có lúc Đặng Thai Mai đã khẳng định Đặng Trần Côn tạo dấu ấn riêng cho Chinh phụ ngâm chủ yếu vì tác giả có nhân sinh quan, thế giới quan khác các thi sĩ Trung Hoa; nhưng trên thực tế ông vẫn là một môn sinh cửa Khổng sân Trình, vẫn là nhà thơ viết bằng chữ Hán, chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Trung Quốc cổ điển về thể loại, ngôn từ, kỹ thuật, đề tài… Đặng Trần Côn tuy là người có tư tưởng triết lý của một con người đã trải qua những trầm luân, cũng là người trực tiếp thể nghiệm những hoàn cảnh, tình cảm trong khúc ngâm nhưng về mặt phương pháp sáng tác thì “Đặng Trần Côn vẫn chỉ là học trò của những

ông thầy Tàu” [1, tr. 369]. Trong khi đó, bằng thể thơ song thất lục bát - thể thơ tương đối tự do, có khả năng dồi dào trong diễn tả tư tưởng, tình cảm, với những cách luyến láy chỉ có trong ngôn ngữ Việt Nam - dịch giả Đoàn Thị Điểm đã mang lại cho người đọc âm hưởng của một nền văn học dân tộc thân quen gần gũi. So sánh hai tác phẩm nguyên văn chữ Hán và bản dịch chữ Nôm (trong luận văn này, chúng tôi xin gọi bản dịch chữ Nôm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một tác phẩm văn học), Đặng Thai Mai đã chỉ ra sự khác nhau về hình thức sáng tác và bút pháp của hai nhà thơ. Từ những đối sánh này, ông chỉ ra những đóng góp quan trọng của bà Đoàn Thị Điểm trong việc đưa một khúc ngâm bằng chữ Hán có phần xa lạ trở thành tiếng nói gần gũi thân thuộc của người dân Việt Nam. Ông đã nhắc lại điều ấy một lần nữa dưới hình thức một lời phát biểu: “Sự thực thì hai trăm năm sau khi tập Chinh phụ ngâm đã được viết bằng chữ Hán và phu diễn vào trong hình thức Việt văn của nó, người ta chỉ biết có một bài Chinh phụ, người ta chỉ nhớ đến một khúc ngâm chinh phụ, ấy là tập Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm” [1, tr. 390].

Đặng Thai Mai luôn đề ra yêu cầu đối với nhà văn và những người làm công tác văn chương cần phải có một vốn hiểu biết chính xác về từ học và âm học. Ông cho rằng: “Kỹ thuật thơ trước hết là kỹ thuật hài hoà về âm hưởng và tiết tấu. Âm nhạc của bất kỳ một thứ tiếng nào cũng đều xây với hai âm tố chính của ngôn ngữ: tiếng câm và tiếng âm” [1, tr. 385]. Vì thế, khi đánh giá tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, Đặng Thai Mai đưa ra lời bình về ngôn ngữ, về cách sử dụng chữ nghĩa trong tác phẩm này. Số lượng những lời phê bình về ngôn ngữ chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong Giảng văn “Chinh phụ ngâm” (2 trên tổng số 48 trang), và điều đáng chú ý là những lời bình ấy vô cùng hiện đại, nó chỉ có được từ một nền giáo dục theo lối Tây học. Bên cạnh đó, ông còn đưa lối thưởng thức văn chương của các cụ đồ Nho vỗ đùi khen “hay tuyệt” mà không biết cụ thể cái hay ấy ở đâu để đặt cạnh những phân tích về

mặt ngữ âm học và từ vựng học. Đọc những lời bình này, chúng ta bắt gặp “sự ảo diệu của các nhà nho uyên thâm với sự tinh tế của một nhà Pháp học sắc sảo. Nghĩa là chúng thấy được phương Đông và phương Tây kết tinh trong lời bình về ngôn ngữ tác phẩm của thầy” [27, tr. 302]. Đồng thời, qua những trang viết sắc sảo, hấp dẫn, Đặng Thai Mai đã đặt vấn đề cần phải có một cách nhìn mới về các tác phẩm cũ.

Trong quá trình giảng văn Chinh phụ ngâm, Đặng Thai Mai luôn xem đây là một sáng tạo tinh thần độc đáo bị chi phối bởi thời đại. Nhận định đó đã được ông chứng minh khi so sánh, phân tích tâm trạng người thiếu phụ của khúc ngâm trong thế đối sánh với người phụ nữ hiện đại. Giải thích tâm trạng người chinh phụ, Đặng Thai Mai cho rằng người phụ nữ này chỉ biết trông chờ, ngóng đợi, biết cúi đầu trước số mệnh. Bà là hệ quả của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo vốn đã tồn tại từ lâu. Đặng Thai Mai đã đứng trên cách nhìn của những người cùng thời đại chứ không dựa trên nhân sinh quan của một thời kỳ tiến bộ hơn với một lối suy nghĩ, lối sống của thời kỳ trước.

Không chỉ đặt mình vào tâm thế nhân sinh của con người thế kỷ XVIII, khi phân tích khúc ngâm, Đặng Thai Mai còn nhìn nó trong bối cảnh thế giới, lấy con mắt của một nhà khoa học phương Tây để nhìn nhận một tác phẩm phương Đông. Từ trước đến nay, người ta chỉ quen với lối đọc và thưởng thức

Chinh phụ ngâm theo cái nhìn của người phương Đông dưới những luận giải và hướng dẫn của các thầy đồ nho. Đặng Thai Mai đã góp phần vào việc thay đổi lối tư duy đã cũ ấy. Cách Đặng Thai Mai đặt Chinh phụ ngâm vào môi trường lý luận thế giới đã cho chúng ta cơ hội so sánh và rút ra nhận định về thế giới quan trong Chinh phụ ngâm “không viển vông, ảm đạm như tín niệm của đạo Gia tô vào thời trung cổ Tây Âu, không có những tin tưởng da diết vào thuyết định mệnh của các dân tộc Ả Rập, cũng không bao hàm những ý vị chua chát, chán chường của đạo Phật” [1, tr. 371]. Đặng Thai Mai cũng kết

luận: “Chinh phụ ngâm không phải là một tập thơ trữ tình… Yếu tố tình cảm của tập Chinh phụ ngâm chỉ có tính cách đại thể, phổ biến” [1, tr. 376].

Tổng kết về cách Đặng Thai Mai tiến hành khảo sát Chinh phụ ngâm, Trần Đình Sử thấy rằng tác giả đã tiếp cận một hướng nghiên cứu hiện đại, đó là:“Nghiên cứu thi pháp tác phẩm trong tương quan với văn hoá nghệ thuật của thời đại, một hướng nghiên cứu văn học hiện đại mà các nhà nghiên cứu nước ngoài như M. Bakhtin, B. Côpêxi, A. Likhasôp rất quan tâm trong mấy chục năm qua” [27, tr. 309], khi nêu vấn đề nghiên cứu văn học trong quan hệ với lịch sử văn hoá. Đánh giá công trình này, Trần Đình Sử cho rằng: “Viết tập Giảng văn “Chinh phụ ngâm” này, Giáo sư Đặng Thai Mai thể hiện phương pháp luận và kỹ thuật nghiên cứu của ông, và đó là giá trị đặc biệt trong tập sách” [27, tr. 309]. Phương pháp nghiên cứu mới mẻ là một đóng góp rất đáng trân trọng của Đặng Thai Mai.

Trong Giảng văn “Chinh phụ ngâm”, Đặng Thai Mai nặng về nêu vấn đề, khêu gợi suy nghĩ hơn là phân tích triệt để những khía cạnh ông đã gợi ra. Có thể là nhà nghiên cứu chưa đánh giá hết giá trị nhân văn và thành công nghệ thuật của Chinh phụ ngâm trong tiến trình văn học dân tộc. Mặc dù vậy, chính thái độ nghiên cứu nghiêm khắc của tác giả cũng buộc người đọc suy nghĩ sâu sắc hơn, tránh sự đánh giá dễ dãi. Đồng thời, những vấn đề mở của chuyên luận là nền móng định hướng cho người đọc đến sau tìm kiếm những chân trời khoa học mới.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 63)