Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 57)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam

3.2.1. Vài nét chung

Khái niệm văn học trung đại Việt Nam dùng để chỉ nền văn học viết Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, gắn liền với nhiều vấn đề văn hoá thú vị, và với các nhà thơ lớn của văn học dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Đây là một mảnh đất màu mỡ thu hút sự chú ý, tìm tòi, khám phá của các nhà phê bình và nghiên cứu văn học, trong đó có Đặng Thai Mai. Đến với văn học trung đại, Đặng Thai Mai có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu. Ông là cháu đích tôn của một gia đình Nho học vốn có truyền thống học hành, thi cử, vì vậy ông có một vốn liếng có thể nói là “trời cho” về văn học trung đại. Mặc dù không viết một bộ lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại nhưng Đặng Thai Mai có những bài viết quan trọng, có tính gợi mở, đưa lại một cách nhìn, một phương pháp cho các nhà nghiên cứu văn học. Không kể những bài ông viết trước Cách mạng tháng Tám, những kiến giải về văn học cổ trong nhiều tập sách, bài báo khác, thì có những bài viết chung như: Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa Văn học Việt Nam và

Văn học Trung Quốc, lời bạt Tổng tập văn học Việt Nam… Có những bài viết riêng từng giai đoạn như: Mấy điều tâm đắc trong khi đọc lại văn học của một thời đại. Bên cạnh những công trình mang tính chất tổng quan về một thời kỳ văn học, Đặng Thai Mai dành nhiều tâm huyết viết về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại như: Nguyễn Trãi; Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước của nhân dân Việt Nam; Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung “Truyện Kiều”; Giảng văn “Chinh phụ ngâm”. Có thể nói: “Đặng Thai Mai đã viết không ít về văn học trung đại Việt Nam. Và trên những trang viết ấy, bằng trí tuệ uyên bác và sự mẫn cảm tinh thông Hán học của mình, đã xuất hiện nhiều phát hiện mới mẻ, nhiều kiến giải thông minh, những tổng kết, khái quát nhận xét, có ý nghĩa quy luật của cả một tiến trình hình thành và phát triển của văn học trung đại, qua hàng chục thế kỷ” [27, tr. 282].

Nền văn học trung đại Việt Nam hình thành và phát triển trên cơ sở lấy nền văn học Trung Quốc làm khởi nguyên, do đó có mối quan hệ mật thiết với văn học Trung Quốc từ hệ thống những tư tưởng mang tính thẩm mĩ và quan niệm văn học chung của cả nền văn học; hệ thống chủ đề - đề tài đặc thù; hệ thống những hình tượng văn học cơ bản tồn tại ổn định tương đối trong cả một khoảng thời gian dài nhất định của nền văn học cho đến hệ thống thể loại văn học và ngôn ngữ. Năm 1961, Đặng Thai Mai đã viết một bài dài

Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa Văn học Việt Nam và Văn học Trung Quốc, sau đó mười năm là Mấy điều tâm đắc trong khi đọc lại văn học của một thời đại trình bày ảnh hưởng và mối quan hệ giữa hai nền văn học. Qua các bài viết, ông đã khẳng định ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam thời kỳ này gần như chỉ mang tính một chiều: Chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam. Văn học Việt Nam thời kỳ này chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm văn học Nho giáo: đề cao chức năng giáo huấn, coi

nhẹ hoặc không công nhận những chức năng khác của văn học. Phật giáo chỉ thịnh hành ở những thế kỷ đầu, sang giữa thế kỷ XI, Nho học ngày càng được đề cao và dần dần chiếm địa vị độc tôn. Tất cả những triều đại phong kiến Việt Nam đều lấy Khổng giáo làm quốc giáo, Nho học làm quốc học, lối học từ chương trở thành “khuôn vàng thước ngọc”. Đặc biệt, thời trung đại, người Việt Nam không có mặc cảm rằng chữ Hán là thứ chữ của kẻ đi xâm lược; trái lại coi đó là chữ thánh hiền, kính trọng văn chương chữ Hán - một trong hai bộ phận văn học thời kỳ này và xem chữ Hán là chữ viết của Nhà nước. Bộ phận văn học còn lại - văn thơ viết bằng chữ Nôm cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của văn học Trung Quốc trên thể tài và kỹ thuật sáng tác. Tất cả các thể loại văn học thống trị đời sống văn chương đương thời đều có nguồn gốc từ Trung Hoa, sáng tác thành công của các tác gia lớn cũng đều là các sáng tác bằng thơ Đường luật (có lẽ trừ Chinh phụ ngâm - bản dịch của Đoàn Thị Điểm và Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng hai tác phẩm này lại có nguồn gốc thể tài từ Trung Quốc).

Mặc dù vậy, Đặng Thai Mai vẫn khẳng định, trong các tác phẩm Nôm, ông cha ta “vẫn giữ được nhãn hiệu của cá tính, và của dân tộc”, “Truyện Kiều của Nguyễn Du là một thành công vẻ vang nhất”, “là áng văn chương tiêu biểu nhất” [2, tr. 273]. Còn phú Nôm thì rất sáng tạo khi đi vào con đường tả thực để mô tả đời sống hàng ngày của đất nước. Các nhà văn, nhà thơ trung đại vẫn cố gắng gìn giữ nền tảng văn hoá dân tộc, tiếp thu những yếu tố văn hoá lành mạnh từ Trung Quốc trên tinh thần dân tộc, tự tôn, tự chủ nhằm phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân dân vào trong tác phẩm chữ Hán của họ.

Để có những nhận định chính xác, cụ thể về mối quan hệ giữa văn học nước ta và văn học Trung Quốc thời trung đại, Đặng Thai Mai phải nắm vững đặc điểm và bản chất của cả hai nền văn học ấy, phải tôn trọng thực tế khách

quan và những quy luật lịch sử của quá trình tiếp thu văn hoá văn học của nền văn học dân tộc. Cùng với việc sử dụng thành thục phương pháp so sánh, Đặng Thai Mai đã đưa ra những kiến giải khoa học và thuyết phục về đặc điểm, tính chất và sự sáng tạo của văn học dân tộc trong mối quan hệ với văn học Trung Quốc. Đó cũng chính là những đóng góp quan trọng của nhà nghiên cứu văn học uyên bác Đặng Thai Mai.

Nói đến cái nhìn tinh tế, độc đáo, ở mức tâm đắc, phải kể đến bài viết

Mấy điều tâm đắc trong khi đọc lại văn học của một thời đại. Đặng Thai Mai vừa nêu ảnh hưởng của Hán học đối với văn học Lý - Trần với mức độ đậm nhạt khác nhau qua các thời kỳ, vừa trình bày những đặc sắc của tác phẩm văn chương ở giai đoạn mở đầu. Từ những lý lẽ và dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục, Đặng Thai Mai đưa ra nhận định: điều làm cho thơ Lý -Trần hay, lại do “tâm lý thời đại”, “hào hứng của cả nước”, “sự giản dị trong quan hệ giữa người với con người” [2, tr. 234]. Ông viết: “Bảo là đời sống hồi này “tự do”… “bình đẳng” thì e dè quá. Nhưng tôi thiết tưởng nói rằng đời sống xã hội phong kiến thời này còn có những ngày dễ chịu vui vẻ, gần gũi nhau thì cũng không phải là nói ngoa. Đây là tâm lý chung của thời đại: vui độc lập, tự chủ của dân tộc. Hồi ấy người ta biết sống, biết sống trong tinh thần, trong vui vẻ, trong tin tưởng” [2, tr. 233].

Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân đánh giá rất cao giá trị của hai bài viết trên, xem như “những cột mốc quan trọng”, như “chiếc chìa khoá thần kỳ để giải mã cái hay, cái đẹp của toà thơ Lý - Trần” [27, tr. 285]. Nó có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại: “Theo dõi những bài bản nghiên cứu về văn học Lý - Trần mười năm lại đây, thấy hầu hết đều chịu ảnh hưởng của hai bài viết trên đây” [27, tr. 285]. Lời phát biểu của một người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lâu năm như cụ Bùi Duy Tân đã khẳng định những phát hiện độc đáo, mới mẻ và sáng tạo trong những

công trình, những khảo cứu của Đặng Thai Mai về văn học trung đại Việt Nam.

Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, dấu ấn Đặng Thai Mai để lại không chỉ trong những công trình viết chung, hoặc viết về một giai đoạn văn học. Đặng Thai Mai còn dành nhiều thời gian và tâm huyết viết về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của thời đại văn học thứ nhất của nền văn học dân tộc. “Ở mỗi bài viết, Đặng Thai Mai đều có những phát hiện độc đáo, thâu tóm được thần thái của đối tượng, có ý nghĩa gợi mở, định hướng cho người đi sau nghiên cứu” [27, tr. 34]. Chẳng hạn, bài viết về Nguyễn Trãi - một trong những thiên tài Việt Nam thời trung đại, một con người toàn tài toàn đức có tâm hồn sáng rực như sao Khuê, một đại trí thức suốt đời canh cánh tấm lòng ưu dân ái quốc, yêu nước lo đời - tuy độ dài không lớn (chỉ non năm chục trang in) nhưng nó có giá trị của một công trình mẫu mực khi viết về một tác gia vĩ đại. Đặng Thai Mai đã đưa ra những nhận định thoả đáng, đầy sức thuyết phục, mà lại tinh tế, sắc sảo, khái quát được thân thế và sự nghiệp, về văn xuôi và thơ ca Nguyễn Trãi. Những nhận định ấy sẽ là chỗ dựa, là cơ sở vững chắc và đáng tin cậy cho các nhà Nguyễn Trãi học sau này. Ông rút ra đặc điểm lớn nhất, nổi bật nhất trong tư tưởng, bản lĩnh của con người Nguyễn Trãi là tinh thần nhân đạo cao cả. Và Bình Ngô đại cáo - áng thiên cổ hùng văn hào sảng, toát lên chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, mãnh liệt và toả sáng một chủ nghĩa nhân văn tích cực, sáng suốt mênh mông.

Đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Đặng Thai Mai gọi đó là “ kiệt tác bậc nhất của văn học cổ Việt Nam”, là “một thành công vẻ vang nhất” đến từ tài năng của “nhà thơ cổ điển vĩ đại nhất” [2, tr. 273]. Ông gọi Truyện Kiều

là một bản “linh kinh” có thể báo cho người ta những bước rủi may trên đường đời. Mặc dù Nguyễn Du dựa vào cuốn sách Kim Vân Kiều truyện - một tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc nhưng với

tấm lòng nhân đạo, yêu con người và cuộc sống, Nguyễn Du đã sáng tạo

Truyện Kiều thành “pho sách của tình yêu, yêu tự nhiên, yêu nhân loại, yêu lý tưởng” [2, tr. 287].

Không chỉ với riêng Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi, mà với các tác giả, tác phẩm khác, Đặng Thai Mai luôn chú ý tìm tòi, phát hiện những giá trị cơ bản, những đặc điểm nổi bật và bản chất nhất để định danh đối tượng. Chẳng hạn, viết về Nguyễn Đình Chiểu, thông qua những đặc trưng sáng tác của nhà thơ, Đặng Thai Mai gọi đây là “nhà thơ yêu nước lớn nhất của miền Nam Việt Nam, người mở đầu nền thơ ca yêu nước chống đế quốc xâm lược của Việt Nam” [2, tr. 294 ]. Và Lục Vân Tiên là sáng tác tiêu biểu nhất của Nguyễn Đình Chiểu đồng thời cũng là tác phẩm đạt giá trị vào bậc nhất của thơ ca yêu nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ.

Đặng Thai Mai còn đưa ra những nhận định mang đậm dấu ấn cá nhân, sắc sảo và nhạy bén. Ông viết: “Lục Vân Tiên là một điển hình anh hùng nghĩa hiệp” [2, tr. 300] hoặc “Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng danh hiệu Thi sĩ của nhân dân” [2, tr. 303].

Ngoài những công trình kể trên, khám phá mảnh đất văn học trung đại Việt Nam, Đặng Thai Mai còn có những ý kiến được viết rải rác, đan xen, gài gối trong các bài viết khác. Chẳng hạn, những phát biểu, những tìm tòi của ông về Nho giáo, và văn học, về khái niệm văn học, phạm vi văn học, thời kỳ văn học, về văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm, về các thể tài văn học: thơ, phú, văn xuôi, văn chương hùng biện… So với một số nhà nghiên cứu khác, số lượng trang viết của Đặng Thai Mai có lẽ là không bằng, nhưng những gì mà ông mang đến cho ngành nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam có giá trị to lớn. Đặng Thai Mai cũng là người quan tâm đặc biệt đến đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy văn học cổ. Ông luôn gợi mở các vấn đề và khuyến khích các lớp học trò tiếp tục khám phá những vẻ đẹp của địa hạt văn

học này. Chính vì thế, Đặng Thai Mai được coi là “bậc sư biểu”, là nhà nghiên cứu được nhiều người kính trọng.

3.2.2. Công trình Giảng văn “Chinh phụ ngâm”

Niềm say mê nghiên cứu văn học Việt Nam và thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt thành cùng tài năng khám phá, phát hiện bản chất của đối tượng nghiên cứu làm nên những thành công lớn trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai. Ông được mệnh danh là “cây đại thụ trong làng văn bút ở thế kỷ này” [27, tr. 289]. Trong những công trình nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, cuốn Giảng văn “Chinh phụ ngâm” có “một giá trị đặc biệt về kiến thức và phương pháp” [27, tr. 34].

Chinh phụ ngâm là một tác phẩm viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn được hai dịch giả là Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích dịch sang chữ Nôm, trong đó bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được đánh giá thành công hơn và có nhiều điểm vượt trội so với bản gốc bằng chữ Hán về mặt nghệ thuật. Trong công trình này, Đặng Thai Mai chỉ lấy bản nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn như một tư liệu để so sánh. Cuốn sách Giảng văn “Chinh phụ ngâm” gồm năm phần được sắp xếp theo trật tự lôgích, từ khái quát đến cụ thể, từ phương pháp đến thực hành, từ hình thành đến cấu trúc.

Đáng chú ý trước hết là Đặng Thai Mai trình bày quan niệm và phương pháp giảng văn ngay từ phần thứ nhất, “như là chìa khoá để mở ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm” [27, tr. 35]. Theo ông, giảng văn không phải chỉ là nhận định về nghĩa đen của câu chữ một cách khô khan theo lối “tầm chương trích cú”, không phải là diễn nôm một cách không mấy thú vị những lời văn thú vị, giảng văn cũng không phải là trổ tài thôi miên học sinh, không phải là khơi gợi trực cảm để khơi dậy sự tiếp nhận hồn nhiên phản lý luận. Giảng văn trong quan niệm của Đặng Thai Mai là: “Theo dõi trong nếp áng văn tất cả cái tinh vi về tư tưởng, cái độc đáo về nghệ thuật của một tác giả. Hiểu như vậy,

giảng văn trước hết là chỉ rõ sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, giữa kỹ thuật và tư tưởng trong một tác phẩm văn chương” [1, tr. 345]. Đây là một quan niệm đúng đắn, khoa học, phù hợp với bản chất của giảng văn hiện đại. Người giảng văn phải là người phát hiện, giải mã được ngôn ngữ tác phẩm văn chương, khám phá cấu trúc nội tại của tác phẩm, tìm thấy những vẻ đẹp nội dung và hình thức nghệ thuật ẩn giấu dưới lớp ngôn từ trên các văn bản. Một nhà văn tài năng thực sự bao giờ cũng lựa chọn cho tác phẩm - đứa con tinh thần từng thai nghén, ấp ủ - một hình thức nghệ thuật phù hợp nhất để diễn đạt nội dung hiệu quả nhất. Đối với những tác phẩm văn chương ấy, người giảng văn có nhiệm vụ chỉ ra các yếu tố hình thức và dựa vào các yếu tố hình thức của tác phẩm để tìm đến các giá trị nội dung cũng như những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc. Để chỉ rõ sự thống nhất nội dung và hình thức, kỹ thuật và tư tưởng trong tác phẩm, người giảng văn cần phải “tìm ra cái trọng tâm hứng thú - le centre d’intéret - của áng văn” [1, tr. 349]. Đặng Thai Mai không tán thành lối bình giảng tuỳ tiện, mặc dù ông không hề xem nhẹ sự cảm nhận hồn nhiên, trực tiếp. Ông đề cao mục đích của

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)