5. Cấu trúc luận văn
2.2. Nghiên cứu văn học phương Tây
Giới nghiên cứu văn học phương Tây trong nước cho rằng thiệt thòi thuộc về họ khi Đặng Thai Mai không tìm hiểu nhiều về nền văn học này. Dường như đối với văn học phương Tây, ông chỉ tìm hiểu chứ không dày công nghiên cứu. Ông tập trung khám phá các giá trị của nền văn học phương Tây và chỉ ra những tác động, ảnh hưởng của nó đối với văn học Việt Nam.
Đặng Thai Mai phản đối các Tạp chí Nam Phong và Đông Dương Tạp chí đặt những bài thơ của Bôđơle ngang với Từ đồng ruộng đến núi rừng của Jean Máckét; hoặc giới thiệu tư tưởng của Pascan hay Đềcác bên cạnh bài viết về tư tưởng của Xavierde Maistre, bởi vì những bài báo được đăng trên hai tờ Tạp chí này rất lôn xộn, không theo tiêu chí nhất định nào. Hơn nữa, chúng lại được trình bày một cách sơ lược làm cho người đọc không tìm ra mục đích cuối cùng của bài báo. Từ đó, ông yêu cầu đối với văn học Pháp cũng như đối với các ngành khoa học khác, cần phải trình bày văn bản một cách khoa học, hợp lý, tránh tình trạng bạ đâu đăng đấy, giúp người đọc thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu. Đó là lương tâm, là trách nhiệm của người làm báo (cụ thể trong trường hợp này) và người làm khoa học (trong nhiều trường hợp khác).
Đặng Thai Mai đánh giá cao những đoạn kịch thơ được dịch sang tiếng Việt của La Fônte, Môlie và cho rằng, dưới tác động của văn học Pháp, thị hiếu thưởng thức của người dân An Nam đối với văn học đã có sự thay đổi. Chẳng hạn, sự ra đời tiểu thuyết Tố Tâm của tác giả Hoàng Ngọc Phách đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Vị trí của tiểu thuyết chương hồi cổ điển có nguồn gốc từ Trung Hoa vốn được yêu thích từ xưa đến nay, tưởng chừng như đã bám rễ chắc chắn vào nền văn học Việt Nam đang có nguy cơ bị thay đổi trong kỹ thuật sáng tác của nhà văn.
Để tìm hiểu một tác phẩm văn học, Đặng Thai Mai luôn coi trọng quá trình cảm nhận chủ quan của bản thân, đồng thời đặt tác phẩm trong hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh lịch sử để tìm hiểu được toàn thể sáng tác của nhà văn. Đối với văn học phương Tây, Đặng Thai Mai luôn trân trọng những tác phẩm của Rabơle, Xécvăngtét và nhấn mạnh đó là những “công trình sáng tác của nhân tài”, là cả “một pho nghệ thuật được xây dựng bằng tiếng nói của nhân dân” [1, tr. 249]. Đặng Thai Mai đặc biệt ưu ái văn học Phục hưng, trước hết
bởi tính nhân văn cao cả mà nền văn học này hướng tới. Ông đã cho ra đời những bài viết mang giá trị khoa học cao về văn hoá Phục hưng như Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá Phục hưng. Ngoài ra, ông còn có những trang viết về các sáng tác của: Xécvăngtét, Sếchxpia như bài viết về Kỷ niệm 350 năm Tập truyện nhà Kỵ sĩ Đông Kisốt (1955-1960), bài viết trong lễ kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Sếchxpia (1964)… Đó là những bài viết thể hiện sâu sắc niềm tâm đắc, phấn chấn và hào hứng của ông với chủ nghĩa nhân văn. Hoà mình vào không khí thời đại Phục hưng ở Châu Âu, Đặng Thai Mai chỉ ra chủ nghĩa nhân văn là tư tưởng “lấy cõi người, lấy con người làm trọng”, “lấy con người, cõi người làm bản vị”, “thừa nhận năng lực con người”, “thừa nhận tính cách con người”, “phải có tính cách nhân đạo”, “luôn đổi mới để thích hợp với đời sống” [1, tr. 324].
Bàn về sáng tác của các tác giả thiên tài như Xécvăngtét, Sếchxpia, Đặng Thai Mai nhận xét: “Những hư cấu táo bạo nhất cũng không hề làm cho người ta thấy chối, mà trái lại chỉ cảm thấy khoan khoái trước những hình thức diệu huyền của sự sống… của một sinh mệnh… sinh mệnh nghệ thuật, trong đó mâu thuẫn giữa sự vật và hư cấu, giữa thực tế và lý tưởng, giữa tính bi kịch và tính hài hước, giữa chất liệu và sáng tạo dường như luôn luôn được xử lý, giải quyết một cách ổn thoả, nhẹ nhõm…có thể nói là rất lịch sự [2, tr. 217].
Xét cụ thể mối quan hệ của Đặng Thai Mai và văn học Đức, chúng ta nhận ra một thực tế khá thú vị. Đặng Thai Mai không biết tiếng Đức, nhưng tên tuổi của Gớt - đại văn hào Đức với tác phẩm Faust được ông biết đến ngay từ thời còn đi học. Ông cho rằng, văn học Đức là một nền văn học vĩ đại với những bộ óc tầm cỡ thế giới. Trong số các nhà văn Đức, người mà ông dành nhiều tình cảm nhất là nhà văn nữ Anna Seghers với các tiểu thuyết nổi tiếng Cây thập tự thứ bảy, Những người chết còn trẻ mãi. Không biết tiếng
Đức nhưng với lòng ham thích các sáng tác của của Anna Segher và mong muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam, Đặng Thai Mai đã dịch truyện vừa
Cuộc gặp gỡ lạ thường của bà từ một bản dịch Pháp văn sang tiếng Việt. Về Anna, Đặng Thai Mai đánh giá đây là một nữ văn sĩ có tầm nhìn rất xa, rất rộng và là một trong những văn sĩ hạng nhất của nước Đức đương thời.
Là người nhạy cảm với thời cuộc nên từ rất sớm Đặng Thai Mai đã nhận ra văn hoá và các hoạt động của giới trí thức phương Tây có những ảnh hưởng tích cực đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Vì thế, ông khéo léo sử dụng những gì đến từ phương Tây để chống lại bọn thực dân đế quốc. Đặng Thai Mai sử dụng nhiều kiến thức từ văn học phương Tây trong các chuyên khảo của mình, từ những bài viết về văn học Trung Quốc hay văn học Việt Nam trung đại. Chẳng hạn, trong bài viết Về tội đánh cắp văn chương, bên cạnh việc sử dụng những điển tích, điển cố có nguồn gốc từ văn học cổ điển Trung Hoa và văn học trung đại Việt Nam như câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi, câu chuyện về người thổi sáo trong cung vua Tề, Đặng Thai Mai còn sử dụng những giai thoại văn học có nguồn gốc xuất xứ từ phương Tây. Đó là chuyện những mảnh giấy xé từ các trang báo dưới nệm của Victor Hugô mà người ta phát hiện ra sau khi ông mất, và hai câu thơ của nhà thơ lớn nhất nước Pháp Alfrep de Musset được Đặng Thai Mai sử dụng nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy cho bài viết của mình:
“Tôi ghét cái nghề đánh cắp văn chương như ghét cái chết
Cái cốc của tôi bé nhưng tôi chỉ uống trong cái cốc của tôi” [2, tr. 580] Trước diễn biến của tình hình sinh hoạt văn hoá phương Tây, Đặng Thai Mai cũng kịp thời đưa ra những bài viết thể hiện chính kiến của mình, nhất là những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng Việt Nam như: Ủng hộ cuộc đấu tranh của người Mỹ da đen, Thư gửi các nhân sĩ trí thức Mỹ đã gửi bức thư ngỏ đề ngày 1-3-1963 cho Tổng thống
Kenedy. Qua những trang viết sôi sục lòng căm thù đế quốc Mỹ và bừng bừng ý chí đấu tranh, Đặng Thai Mai đã khẳng định niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa, của công lý trong cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc chống giặc Mỹ - “kẻ thù số một của nhân loại ngày nay” [2, tr. 577]. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, cương quyết và nhân đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ và sự hành động đoàn kết, nhất trí của dân tộc Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt tình của các dân tộc yêu chuộng độc lập, hoà bình và những con người có lương tâm trên thế giới, con thuyền cách mạng Việt Nam tất yếu sẽ cập bến bờ vinh quang, thắng lợi. Sự hiểu biết văn hoá phương Tây và cách lập luận chặt chẽ, uyển chuyển trong những bài viết thấu tình đạt lý của Đặng Thai Mai làm nên sức thuyết phục và hấp dẫn của những bài viết nóng hổi giá trị thời sự và thấm đẫm tinh thần cách mạng, nồng nàn lòng yêu nước ấy.
Như vậy, mặc dù thời gian có hạn và do những yêu cầu khách quan của thời đại, Đặng Thai Mai không đi sâu nghiên cứu nền văn học phương Tây, ông chỉ đến với “những đỉnh cao”, nhưng những đóng góp của ông trong lĩnh vực này đã khẳng định sự am hiểu, khả năng phát hiện vấn đề và khát vọng tìm tòi, tích luỹ, nâng cao nguồn tri thức của Đặng Thai Mai về văn hoá, văn học phương Tây. Lòng yêu nghề và thái độ làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, không mệt mỏi của Đặng Thai Mai là bài học lớn cho các thế hệ nghiên cứu văn học phương Tây sau này.
2.3. Tiểu kết
Đặng Thai Mai luôn đề cao mục đích của văn chương là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ông là người dụng công đi sâu vào văn học Trung Quốc (đặc biệt thời kỳ Ngũ tứ) và văn học phương Tây (đặc biệt thời kỳ Phục hưng và trào lưu cổ điển chủ nghĩa). Đối với việc giới thiệu văn học Trung Quốc hiện đại từ Ngũ tứ vận động thì Đặng Thai Mai là người đầu tiên có công khai phá, mở đường. Các tác phẩm của những nhà văn hiện đại Trung
Quốc, tiêu biểu là Lỗ Tấn đã củng cố thêm cho ông niềm tin và ý chí đấu tranh trong những ngày tăm tối của lịch sử dân tộc. Sự hiểu biết văn hoá cả phương Đông và phương Tây là điều kiện thuận lợi để những bài nghiên cứu văn học nước ngoài của Đặng Thai Mai sâu sắc, thành công và thuyết phục người đọc.
Chương 3. ĐẶNG THAI MAI VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM
Đặng Thai Mai là học giả uyên bác đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều nền văn hoá - văn học khác nhau và ở địa hạt nào cũng gặt hái được những thành tựu đặc sắc. Phan Cự Đệ đã nhận xét rất chính xác: “Uyên bác đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong phong cách của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai” [27, tr. 168]. Thông kim bác cổ, am hiểu Đông Tây nhưng tất cả những hiểu biết của Đặng Thai Mai đều hướng đến một mục đích cuối cùng: phục vụ văn học Việt Nam trên bước đường xây dựng, kiến thiết trở thành một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, sẽ không phải ngạc nhiên khi thấy kết quả của phép so sánh tỷ lệ số lượng các trang viết của ông về văn học Việt Nam với các nền văn học khác. Đóng góp lớn nhất về khoa học của Đặng Thai Mai cũng là những đánh giá về nền văn học Việt Nam. Những trang viết, những luận điểm phê bình mà Đặng Thai Mai dành cho văn học Việt Nam đều được xây dựng trên cơ sở của phương pháp nghiên cứu khoa học, bằng tấm lòng của một người trí thức yêu nước và bằng phong cách phê bình đạt đến trình độ uyên thâm.