5. Cấu trúc luận văn
3.1. Nguồn ảnh hưởng văn học dân gian Việt Nam
Văn học dân gian là toàn bộ những sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Trong quá trình lao động sản xuất, nhân dân lao động đã sáng tạo những giá trị vật chất và tinh thần độc đáo. Qua con đường truyền miệng, những sáng tác dân gian được phổ biến rộng rãi, được nhân dân yêu thích và trở thành món ăn tinh thần, xua tan những giờ làm việc vất vả, mệt nhọc. Đặc biệt, những sáng tác dân gian vô cùng gần gũi, gắn bó với tuổi thơ. Những câu chuyện kể nhẹ nhàng, ấm áp, giàu sức tưởng tượng của bà, của mẹ dẫn dắt tâm hồn trẻ thơ vào thế giới thần tiên với hình ảnh những ông Bụt, bà Tiên luôn che chở, bảo vệ người dân lương thiện và trừng phạt kẻ thống trị độc ác;
rồi những bài ca dao - dân ca mượt mà, đằm thắm trở thành nguồn suối ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, đưa các em vào giấc ngủ ngon lành.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Đặng Thai Mai từng có một tuổi thơ tuy thiếu vắng hơi ấm tình thương của cha mẹ, nhưng khi về ở cùng ông bà nội, đặc biệt dưới sự chăm sóc, dạy dỗ ân cần của bà, Đặng Thai Mai được sống hoà mình cùng với những sinh hoạt văn hoá tinh thần dân gian, với những câu chuyện giàu sức tưởng tượng. Ký ức trong lành ấy đã khắc sâu vào tâm hồn, trái tim nhạy cảm của ông. Những trang viết trong Hồi ký và Văn thơ Phan Bội Châu của Đặng Thai Mai đậm đà màu sắc dân gian và qua đó khẳng định Đặng Thai Mai có cả một kho kiến thức phong phú về văn học dân gian, nhất là văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh. Những câu thành ngữ, quán ngữ như: “Ông ba bị chín quai mười hai con mắt”, những câu chuyện về ông Bợ thần lửa, về ông Đùng khổng lồ, những câu hò, vè hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ từ môi trường sinh hoạt văn hoá dân gian xứ Nghệ, mang đậm bản chất của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Vốn hiểu biết về văn hoá - văn học dân gian của Đặng Thai Mai không chỉ bao gồm văn học dân gian xứ Nghệ, mà còn trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều: văn học dân gian Việt Nam và văn học dân gian thế giới. Khảo sát văn học dân gian trong văn chương và học thuật Đặng Thai Mai, các nhà nghiên cứu đều thống nhất: “Ít có nhà văn, hoặc nhà nghiên cứu văn học nào, bao quát một pho tư liệu và thể loại văn học dân gian rộng như thế” [27, tr. 270]. Phạm vi tư liệu văn học dân gian được Đặng Thai Mai sử dụng bao trùm hầu như toàn bộ các thể loại, từ thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết lịch sử đến truyện cười, từ phương ngôn, tục ngữ đến dân ca, ca dao.
Một đặc điểm nổi bật trong cách sử dụng nguồn tư liệu văn học dân gian của Đặng Thai Mai là phần lớn những tác phẩm ông sử dụng đều chưa được ai sưu tập, vì thế càng tăng sức hấp dẫn và có giá trị hơn đối với các nhà
nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đang ngày đêm miệt mài khám phá những tư liệu mới. Chẳng hạn, câu chuyện ông Bợ thần lửa lấy lửa trời về để báo thù, báo oán, làm oai, làm phúc; chuyện ông Đùng khổng lồ qua giúp nước láng giềng chống ngoại xâm và hàng loạt câu chuyện khác về thần linh xứ Nghệ đều là những sáng tác dân gian mới mẻ, ít hoặc chưa ai biết đến.
Còn nếu là truyện kể, câu ca đã được phổ biến, thì bản ông cung cấp vẫn có giá trị của dị bản mới. Qua lăng kính của Đặng Thai Mai, các sáng tác dân gian mang bóng dáng khác. Nét độc đáo ấy xuất phát từ cách thức Đặng Thai Mai đã sử dụng những nguyên liệu có sẵn theo một phương thức hoàn toàn khác. Ông thay đổi âm điệu của câu thơ, nhịp biến tấu nhanh chậm của câu chuyện… Nói cách khác, Đặng Thai Mai trở thành người đồng sáng tạo văn học dân gian. Dựa trên nguyên tắc lưu truyền dưới hình thức truyền miệng của văn học dân gian, Đặng Thai Mai đã sáng tác ra những “dị bản” trên nền tảng các câu chuyện cũ vốn đã trở nên quen thuộc theo một hướng khác nhằm phục vụ cho bài viết của mình.
Để đạt hiệu quả khai thác tối ưu với nguồn nguyên liệu có sẵn này, bao giờ Đặng Thai Mai cũng đặt nó vào bầu không khí và môi trường sinh hoạt văn hóa dân gian, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và chắp cánh những tư liệu văn học dân gian ấy. Với hành động này, Đặng Thai Mai đã biến độc giả trở thành một đồng tác giả của các tác phẩm văn học dân gian bên cạnh nghệ sỹ nhân dân. Nó đồng thời cũng làm cho nguồn tư liệu ấy trở thành một nguồn tư liệu “sống”. “Phải là người hiểu rất sâu bản chất của các sáng tác nghệ thuật truyền miệng của nhân dân, thấu suốt cái hay, cái sâu sắc, cái hồn của loại nghệ thuật này mới nhận thức rõ nghĩa lý của công việc tái tạo lại cái cầu trường sinh hoạt trong đó một truyện kể dân gian, một câu dân ca đã nảy sinh và lưu truyền” [27, tr. 271]. Từ lời kể chuyện hóm hỉnh, giản dị và đầy chất tươi tắn dân gian của Đặng Thai Mai, nhiều giai thoại lý thú được sinh ra làm
mê say hấp dẫn người đọc. Một bầu không khí dân gian trải lên những trang viết mượt mà của nhà nghiên cứu: “Trong đời sống kinh tế lúc bấy giờ, đò với
chợ là chỗ tình duyên thắm thía. Đò là chú liên lạc dắt duyên cho chợ nọ với chợ kia, cho làng quê với thị thành. Đó cũng là địa điểm “nói trạng” của các chú lái, các cô hàng xén. Vào những đêm trăng trong gió mát, khi mấy chiếc mái chèo từ từ vỗ loe toe trên mặt nước, nhịp nhàng của các trai bạn đạp xuống nơi mấy tấm sạp đầu lái, đầu mũi, thì thỉnh thoảng khách đi thuyền vẫn được thưởng thức những câu nô đùa trêu ghẹo trong một câu hát “tức cảnh” chứa chan những tình với tứ” [2, tr. 339].
Đọc những câu dân ca dưới đây:
“ Mười lăm năm em mới một lần Hé gương cho khách hồng trần thử soi”
Hay:
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Sẵn đây ta đúc một toà thiên nhiên”
chúng ta không phân biệt được đâu là phong cách nghệ sỹ dân gian, đâu là dấu ấn Đặng Thai Mai.
Ông luôn chú ý đến toàn bộ các giá trị xã hội của văn học dân gian. Từ rất sớm, ông đã chỉ rõ ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười: “lý do lịch sử của nội dung những câu cười xưa kia có lẽ cũng không khác gì các bài hài văn nước Pháp về hồi Trung cổ” [1, tr. 137]. Vì thế, ông rất chú trọng hướng khai thác ý nghĩa giáo dục của các thể loại văn học dân gian, của những câu chuyện truyền kỳ, những câu chuyện thần thoại, những câu chuyện “trạng”, của hát dặm, hát ví, hát đò đưa, hát phường vải, hát xẩm, hát điên…
Có thể nói, Đặng Thai Mai am hiểu sâu sắc văn học dân gian và luôn đưa ra những ý kiến độc đáo, những lời bàn, lời bình có giá trị sâu sắc. Tình cảm chân thành và những ý nghĩ thú vị của ông dường như đều nảy nở trong
ngọn nguồn văn hoá - văn học dân gian mát mẻ, trong lành. Đặng Thai Mai gần gũi với nhân dân lao động, thấu hiểu vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử xã hội, lịch sử văn hoá nghệ thuật dân tộc và trân trọng giá trị xã hội to lớn của sáng tác dân gian. Ông luôn khuyến khích mọi người trở về nguồn suối mát lành của văn hoá dân gian và bảo tồn những giá trị ấy. Nhìn lại “Một cuộc đời chiến sĩ, một đời văn” của Đặng Thai Mai, Trương Chính có nhận xét: “Ông chỉ nhìn những đỉnh cao”; và sau này Đỗ Bình Trị đã bổ sung: “Thật ra, thầy không chỉ nhìn những đỉnh cao. Thầy còn nhìn những cội rễ” [27, tr. 280]. Đặng Thai Mai có được cái nhìn hài hoà đó bởi vì tâm hồn ông kết tinh những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc và những tinh hoa của nhân loại.