Nghiên cứu văn học Trung Quốc

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 32)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.Nghiên cứu văn học Trung Quốc

Đặng Thai Mai tiếp xúc với văn học Trung Quốc ngay từ những ngày đầu cắp sách đi “ăn mày” chữ thánh hiền. Thứ văn chương cử tử ấy đến với Đặng Thai Mai trong tình trạng không còn đáp ứng được những nhu cầu của xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới. Nói đúng hơn, nó trở nên bất lực trước sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Tình hình này không chỉ diễn ra trên mảnh đất Việt Nam mà còn xảy ra ở Trung Quốc. Lúc này, Hán học và văn học cổ điển Trung Hoa cùng với hệ tư tưởng Khổng Mạnh chỉ tồn tại như một di sản lỗi thời. Trong buổi đầu tiếp xúc với Hán học, Đặng Thai Mai không tìm thấy niềm vui và sự yêu thích. Sau này, đi nhiều, hiểu nhiều, Đặng Thai Mai biết rằng, văn học Trung Quốc không chỉ đơn thuần là Tam cương ngũ thường, là Tứ thư ngũ kinh. Ông bắt đầu yêu thích những thành phần còn lại của văn học Trung Quốc. Suốt một khoảng thời gian rảnh rỗi, ông đọc những tác phẩm của văn học Trung Quốc như Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ Hử,… những pho sách thật sự có giá trị nằm trong tủ sách vốn có tiếng lớn nhất vùng của gia đình. Những pho sách ấy đã cuốn hút tâm trí Đặng Thai Mai, tạo cho ông sự yêu thích và say mê. Nhưng gần như chỉ dừng lại ở mức độ say mê, văn học cổ điển Trung Hoa không phải là môi trường văn học để ông dấn thân vào nghiên cứu. Đóng góp lớn nhất mà nó đưa lại

cho ông là vốn kiến thức văn học sử cần thiết để sau này ông đi sâu tìm hiểu văn học hiện đại Trung Hoa.

Trong Hồi ký, Đặng Thai Mai kể về lần đầu tiên biết đến một Trung Hoa hiện đại với Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi và những tư tưởng duy tân, qua Tân dân tùng báo - một tờ báo xuất bản vào thời kỳ chiến tranh Nga - Nhật năm 1904-1905. Đọc tờ báo này, Đặng Thai Mai tìm thấy những bản phân tích khác nhau về tình hình thời sự quốc tế theo một quan điểm mới, lập trường mới. Hấp dẫn Đặng Thai Mai hơn cả là phần Văn tuyển trên Tân dân tùng báo. Các sáng tác của Lương Khải Siêu và các nhà văn mới của Trung Quốc đã cung cấp những kiến thức về đất nước Trung Hoa thời kỳ mới, mở ra chân trời rộng lớn trước mắt cậu thanh niên Đặng Thai Mai. Sau này, ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu cảm thấy tất cả cái ý nghĩa cảm động trong thân thế những người suốt đời đấu tranh cho chân lý, cho chính nghĩa, cho sức quyến dỗ huyền diệu của văn học nghệ thuật về nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi” [1, tr. 635].

Nhưng rồi, ông phải tạm xa sách vở chữ Hán trong một thời gian dài để học các trường tiểu học, trung học Pháp Việt rồi trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Một hôm, trên chuyến tàu từ Vinh ra Hà Nội, ông gặp một người thanh niên Trung Hoa. Qua cuộc trò chuyện với người ấy, Đặng Thai Mai biết được tình hình chính trị xã hội Trung Quốc đương thời, biết đến phong trào Ngũ tứ, Ngũ tạc và bắt đầu biết là trong số các nhà văn mới Trung Quốc có những tên tuổi như Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Tiêu Huyền Đồng, Băng Tâm, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược, và có một Lỗ Tấn. Đặng Thai Mai nhận thức được sự lạc hậu của bản thân mình, đồng thời ý thức được tình hình thực tế của tình trạng biên giới nước Việt được phong toả quá kỹ càng “sao mà mười mấy năm nay, bọn thực dân Pháp đã có thể phong toả biên giới văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc kín mít thế này?” [1, tr. 633]. Với tham vọng

thống trị nền văn hoá Việt Nam, thực dân Pháp đã cố tình bưng bít, cách ly biên giới văn hoá giữa hai nước, ru ngủ tinh thần và ý thức chiến đấu của thanh niên Việt Nam bằng những Ngọc Lê hồn của Từ Trẩm Á, bằng những thứ văn học uyên ương hồ điệp. Hiểu rõ điều đó, Đặng Thai Mai đau đáu niềm thiết tha khám phá văn học Trung Quốc hiện đại, hy vọng có thể lấp được những thiếu hụt về kiến thức này.

Mong ước là thế nhưng phải đến hơn mười năm sau, Đặng Thai Mai mới có điều kiện đọc văn học Trung Quốc hiện đại qua các sách báo bán tại hiệu sách nhỏ ở một góc phố Hà Nội. Sự kiện quan trọng in đậm trong ký ức ông là khi tình cờ bắt gặp tập đặc san Lỗ Tấn tiên sinh kỷ niệm đặc tập. Niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn khi tìm thấy những sáng tác của Lỗ Tấn - một nhà văn mà tên tuổi từ lâu Đặng Thai Mai đã nghe nhắc đến. Sau này, cảm xúc ấy được ông ghi lại trong Hồi ký thật cảm động và tươi nguyên như vừa mới xảy ra:

“Tôi mới biết là Lỗ Tấn vừa chết.

Lỗ Tấn, người mà mười năm trước, một người bạn Trung Quốc - một người bạn tôi không hề biết tên - đã giới thiệu với tôi là nhà văn vĩ đại, tiêu biểu hơn hết của văn học hiện đại Trung Quốc, Lỗ Tấn chết rồi.

Tôi cảm thấy buồn buồn. Mười năm vừa qua, tôi đã có bao giờ tìm lấy một tập tác phẩm của Lỗ Tấn mà đọc thử chưa? Bài thơ đầu tập san ví Lỗ Tấn với một “ngôi sao to vừa rẽ ngang gầm trời mà biến đi, để lại một tia sáng, một tiếng ầm”, giữa lúc “lá thu đang nuốt nước mắt, nghẹn ngào vật lộn với phong sương…”. Lâu nay, tôi đã bao giờ chịu khó ngẩng mặt lên gầm trời mà nhìn tận vị trí và ánh sáng của ngôi sao ấy chưa?

Lỗ Tấn chết rồi. Tôi hối hận với cái “noạ lực” của người trí thức. Lỗ Tấn chết rồi. Tôi bắt đầu đi tìm Lỗ Tấn” [1, tr. 635].

Đặng Thai Mai bắt tay vào những việc đầu tiên trong hành trình đi tìm Lỗ Tấn. Bước đường ấy không đơn giản dễ dàng. Ông dành nhiều thời gian và công sức học tiếng Trung Quốc để đọc văn bạch thoại, để tìm và hiểu được văn chương của Lỗ Tấn và văn học hiện đại Trung Quốc. Trong sáu năm trời, thỉnh thoảng ông mới bắt gặp một đôi bài viết nhỏ về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn. Bằng giác quan nhạy bén và khả năng suy luận có thể từ một vài biểu hiện để nhận biết được bản chất của đối tượng, Đặng Thai Mai phát hiện được: “Đằng sau Lỗ Tấn còn có cả một tư trào văn học, một cuộc đấu tranh, một thời đại oanh liệt với nhiều nhà văn khác nữa (…) Trên bước đường đi tìm Lỗ Tấn, tôi cảm thấy cần phải tự nhận định ý nghĩa của cuộc vận động văn hoá mới của Trung Quốc với tất cả nội dung sâu sắc, tích cực của nó. Lỗ Tấn không phải chỉ là một nhân vật, Lỗ Tấn là cả một thời đại” [1, tr. 635]. Nhận biết được tầm vóc vĩ đại của Lỗ Tấn cũng như của các nhà văn Trung Quốc hiện đại khác như Tào Ngu, Ba Kim, Mao Thuẫn… Đặng Thai Mai bắt đầu nghiên cứu một cách có hệ thống quá trình vận động, phát triển và tinh thần cách mạng của văn học Trung Quốc từ Ngũ tứ đến đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong suốt quá trình “đi tìm” văn học tiến bộ Trung Quốc, Đặng Thai Mai dành nhiều thời gian hơn cho Lỗ Tấn - người mà ông cho là “nhà văn vĩ đại hơn hết của văn học hiện đại Trung Quốc”, “người lãnh đạo cho văn nghệ của Trung Hoa” [1, tr. 187] .

Trong khoảng thời gian từ năm 1942-1945, Đặng Thai Mai tập trung thời gian tâm huyết để dịch, giới thiệu và khảo luận về văn học hiện đại Trung Quốc. Những thành quả nghiên cứu của ông về Lỗ Tấn công bố tiếp nối trên báo Thanh nghị: Lỗ Tấn, thân thế (số 45 - 1943); Nhân cách Lỗ Tấn (số 46 - 1943); Địa vị Lỗ Tấn trong văn học Trung Quốc (số 47 - 1943). Cũng thời gian này Đặng Thai Mai dịch và giới thiệu Người qua đường (1942), Khổng Ất Kỷ (1943), AQ chính truyện (1943) và một số bài tạp văn của Lỗ Tấn. Tất

cả những bài viết và tác phẩm dịch này được tập hợp lại trong cuốn Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ. Ngoài ra ông còn dịch hai vở kịch Nhật xuất, Lôi vũ của Tào Ngu và cho xuất bản tập sách Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay. Đặc biệt, với sự kiện Lôi vũ - một tác phẩm do Đặng Thai Mai dịch từ nguyên tác chữ Hán của Tào Ngu được dàn dựng và đưa lên trình diễn tại sân khấu Nhà hát lớn vào tháng 2 năm 1946 đã tạo nên vị thế cho một người mới bước vào làng văn như Đặng Thai Mai. Từ đây, tên tuổi của một nhà dịch thuật văn học Trung Quốc xuất thân là một giáo viên dạy Pháp văn bắt đầu thu hút sự chú ý của độc giả cả nước.

Tuy nhiên, sự độc đáo đồng thời cũng là đóng góp lớn của Đặng Thai Mai khi dịch những tác phẩm Hán văn là ở chỗ Trung Quốc có một nền văn học cổ điển rất phong phú, đồ sộ, đạt tới đỉnh cao của nhân loại như Sở từ, Đường thi, tiểu thuyết Minh - Thanh… nhưng Đặng Thai Mai lại quan tâm nhất đến văn học hiện đại Trung Quốc? Hơn nữa, trong khi các nhà văn, nhà thơ cùng thời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của văn học cổ điển Trung Hoa như Tản Đà dịch Thơ Đường, dịch tác phẩm Liêu trai chí dị, Ngô Tất Tố dịch Lão Tử, Kinh Dịch, Nhượng Tống dịch thơ Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, thì Đặng Thai Mai lại lựa chọn dịch văn học Trung Quốc hiện đại - những tác phẩm gắn bó với hiện tại và hướng tới tương lai - sang tiếng Việt. Mối quan tâm ấy hẳn không phải vì tính nghệ thuật đơn thuần. Niềm say mê yêu thích văn học Trung Quốc là một trong những nguyên nhân giúp Đặng Thai Mai lựa chọn và thực hiện tốt công việc của mình, bởi có yêu thích người ta mới có thể hoàn thành công việc một cách thành công đến thế. Nhưng lý do chính xuất phát từ quan niệm tiến bộ cách mạng của ông như nhận xét của N.I.Niculin: “Đối với ông, văn học, cũng như nghiên cứu văn học, không nhằm mục đích tự thân” [27, tr. 398]. Đặng Thai Mai dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại sang tiếng Việt với mục đích tối cao là phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Ông nhìn thấy trong tác phẩm của các nhà văn tiên phong của Trung Quốc như Lỗ Tấn, Tào Ngu… một tinh thần cách mạng và muốn “mượn” tác phẩm của họ thức tỉnh ý thức dân tộc, thức tỉnh nhận thức và tinh thần tranh đấu của người Việt Nam. Mặt khác, qua việc giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc, Đặng Thai Mai “mong muốn góp phần định hướng nền văn học nước nhà phát triển theo hướng tích cực, lạc quan, giàu tính chiến đấu” [27, tr. 29].

Trong nền văn học hiện đại Trung Quốc, có nhiều “cây đại thụ” như Quách Mạt Nhược, Hồ Thích, Chu Tác Nhân, Lâm Ngữ Đường… nhưng Đặng Thai Mai đặc biệt quan tâm ưu ái Lỗ Tấn, một nhà văn vĩ đại xuất hiện trong phong trào Ngũ Tứ. Ngoài câu trả lời vì Lỗ Tấn là “nhà văn vĩ đại nhất Châu Á”, là chủ tướng tiêu biểu nhất của nền văn hoá mới Ngũ tứ nên Đặng Thai Mai muốn giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc thông qua sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn, thì lý do chủ yếu là sự gặp gỡ trong quan niệm nhân sinh và thế giới quan, là sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa ông và Lỗ Tấn.

Điểm gặp gỡ của Đặng Thai Mai và Lỗ Tấn trước hết là động cơ sáng tác văn chương. Lỗ Tấn từ giã nghề y đến với văn chương vì sứ mệnh cao cả: dùng ngòi bút để đánh thức tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, chống lễ giáo phong kiến lạc hậu và chống đế quốc. Trong tình trạng xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, Lỗ Tấn nhận thấy một căn bệnh tinh thần phổ biến trong nhân dân. Đó là sự trì trệ, mông muội, u mê về dân trí, hậu quả của hàng nghìn năm phong kiến đè nặng lên đời sống dân tộc. Để chữa được căn bệnh tinh thần ấy, phải tìm đúng bệnh, phê phán và chỉ ra con đường khắc phục, đưa đất nước Trung Hoa hướng tới tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Đặng Thai Mai cũng đã thường băn khoăn day dứt rất nhiều trước thời kỳ đen tối của dân tộc lầm than nô lệ, thất vọng trước tình trạng bi luỵ bế tắc của văn học công khai đương thời. Có lẽ vì vậy mà ông dịch và giới thiệu AQ chính truyện của Lỗ

Tấn. Bài Giới thiệu AQ chính truyện “tuy còn sơ sài nhưng Đặng Thai Mai đã nói được một số ý sâu sắc” [27, tr. 235]. Ông khẳng định: “Tác phẩm này nổi tiếng ngay từ lúc mới ra đời” (1921) và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ngoại quốc” [1, tr. 188]. Ông so sánh nhân vật AQ điển hình như nhân vật Đông Kisốt của Xécvăngtét. AQ là một nhân vật đặc biệt - “một bác nhà quê, đất không có nửa tấc, vốn không có nửa đồng, nên hoá ra không tên tuổi, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không một ai là họ hàng bà con, không một mảnh địa vị cỏn con nào trong làng mạc… Thế rồi suốt một đời khổ sở, đói rét, vật lộn điên đảo với cuộc sống, giày vò dưới ngọn đòn gánh, dưới thanh ba toong của kẻ khổ hơn, vùi lấp tiếng cười ồ ạt của người làng để chờ ngày đem thân mà liễu kết đầu mũi súng vô tình của một bọn ác bá cầm quyền” [27, tr. 168]. Hình tượng nhân vật AQ gợi cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của Chí Phèo ở Việt Nam bị xã hội vô nhân tính đẩy đến con đường bần cùng hoá, lưu manh hoá, bị đánh cắp cả nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, thành nỗi lo sợ, ám ảnh của mọi người (tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao); nhớ đến hình ảnh lão Hạc suốt đời tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc, rồi kết liễu đời mình bằng một liều bả chó để dành dụm cho đứa con trai đang phiêu dạt ở đồn điền cao su một món tiền cưới vợ (tác phẩm Lão Hạc

của Nam Cao); nhớ đến hình ảnh chị Dậu lam lũ, vất vả phải bán cả đàn chó mới đẻ và đứt ruột bán đứa con lớn của mình cho nhà cụ Lý mới đủ tiền đóng sưu đóng thuế (tác phẩm Chị Dậu của Ngô Tất Tố)… Tất cả những con người “dưới đáy” của một xã hội bần cùng bằng cách này hay cách khác đang cố gắng vùng vẫy vươn lên, nhưng cánh cửa xã hội không dung nạp. Họ trở thành nạn nhân của cả xã hội kim tiền độc ác, rối ren, xảo trá.

Đặng Thai Mai còn chỉ ra “phép thắng lợi tinh thần” của AQ, tâm lý tự cao tự đại của AQ không chỉ là tình trạng suy nhược tinh thần của kẻ “dưới đáy” xã hội, mà “cũng là tâm lý của cả giai tầng thống trị phong kiến hồi đó:

bọn Tây hậu, Lý Hồng Chương, Viên Thế Khải,… trong khi đối xử với giặc ngoại xâm, với nhân dân, có gì khác với thái độ AQ đâu” [1, tr. 190]. Rõ ràng, tác phẩm AQ chính truyện không chỉ là liều “thuốc đắng dã tật” cho dân tộc Trung Hoa mà còn cho nhiều dân tộc khác, trong đó có Việt Nam. Và điều mà Đặng Thai Mai muốn hướng tới khi chọn dịch AQ chính truyện của Lỗ Tấn là niềm mong muốn nền văn học đương đại Việt Nam cần bám sát hơn nữa vào hiện thực để qua những sáng tác văn học mà thức tỉnh nhân dân. Ông phản đối cách mà thực dân Pháp đang dùng để ru ngủ thanh niên, trí thức và nhân dân Việt Nam dưới chiêu bài phục cổ nhằm “diệt tận gốc, diệt từ trong trứng nước” ý thức cách mạng của nhân dân ta.

Tuy nhiên, sau vài bản dịch được xuất bản trong thời kỳ đầu, Đặng Thai Mai không tiếp tục tham gia vào công tác dịch thuật nữa. Cả văn Lỗ Tấn, Tào Ngu, ông cũng không dịch. Ông chỉ khuyến khích người khác tiếp tục

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Đặng Thai Mai (Trang 32)