5. Cấu trúc luận văn
1.2. Những tiểu luận khác
Văn học khái luận là đỉnh cao lý luận của học giả Đặng Thai Mai nhưng không phải là những phát biểu duy nhất của ông về lý luận văn học. Trong một thời gian dài, nhất là trước yêu cầu của tình hình cách mạng, Đặng Thai Mai còn viết nhiều tiểu luận sắc sảo khác như: Nhân vật và lịch sử
(1944), Vấn đề dân tộc hoá (1946), Chân lý nghệ thuật (1946), Vấn đề lập trường trong văn nghệ (1946), Kháng chiến và văn hoá (1947), Một vài vấn đề về lý luận văn nghệ kháng chiến (1948)… Những bài viết này được tập hợp lại trong cuốn Đặng Thai Mai toàn tập.
Tiếp tục những vấn đề còn chưa giải quyết hoặc chưa đề cập đến, Đặng Thai Mai dựa vào những quan điểm của triết học duy vật biện chứng mà tiếp cận dần đến những vấn đề cốt yếu của văn học cách mạng. Một điều hết sức thú vị là Đặng Thai Mai có khả năng tóm tắt các luận điểm, luận đề cần giải quyết trong một mệnh đề ngắn gọn và lấy đó làm tiêu đề cho bài viết của mình. Do đó tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả khi muốn nắm bắt nội dung
bài viết. Với ngòi bút uyên thâm, sắc sảo, Đặng Thai Mai lần lượt giải quyết những vấn đề không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa lâu dài.
Khi giải quyết vấn đề về Nhân vật và lịch sử, Đặng Thai Mai đã phát biểu Một ít ý nghĩ về anh hùng chủ nghĩa. Ông quan niệm anh hùng là những người “trội hẳn lên trên những người tầm thường, một hạng người khác đã sống một cách vẻ vang, chết một cách oanh liệt”[1, tr. 55]. Đối với lịch sử, họ có thể có hai tác động: một là, “có những kẻ được liệt vào đầu công”, “xô đẩy lịch sử theo đà tiến hoá”; hai là, “có những kẻ là tên thủ phạm”, “lôi kéo nhân loại giật lùi, những kẻ phản xã hội” [1, tr. 55]. Đặc tính của hạng người này là "phi thường” và họ đều hơn người thường ở khí tiết, trí tuệ, cảm tình và nghị lực. Vấn đề đặt ra ở đây là mối quan hệ giữa anh hùng và xã hội. Đặng Thai Mai luôn nhìn nhận hiện tượng ở đặc tính hai chiều. Một mặt, ông không phủ nhận địa vị nhân vật anh hùng trong tiến trình phát triển của lịch sử; mặt khác, ông thừa nhận mỗi người, kể cả người phi thường đều chịu những tác động, ảnh hưởng có tính quyết định của lịch sử. Đồng thời, với thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, Đặng Thai Mai đưa ra yêu cầu cần phải nhìn nhận anh hùng như những người bình thường khác trong một tiến trình phát triển.
Bổ sung cho chương VII Tinh thần quốc gia và văn học của công trình
Văn học khái luận, năm 1946, trên đặc san Nguồn sống mới, Đặng Thai Mai luận bàn Về vấn đề dân tộc hoá trong một bài viết cùng tên. Ông khẳng định: “Cái mới, ở đây cũng vẫn chỉ có thể gây dựng trên một nền tảng cũ”[1, tr. 210]. Riêng đối với văn hoá, sự tiếp xúc với cái mới, với các dân tộc khác là cần thiết và có những ích lợi nhất định. Ngay như văn hoá Trung Quốc - một nền văn hoá được xem là tương đối thuần Hán, nhưng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của “di tộc” và ngoại quốc. Trên cơ sở nền văn hoá Trung Quốc, Đặng Thai Mai cho rằng: “Dân tộc hoá cố nhiên không phải là ôm bo bo lấy hình
hài văn hoá cũ” [1, tr. 213]. Ông đặt ra vấn đề học hỏi cái mới, giữ lại cái cũ để xây dựng nền văn hoá mới có phải chỉ đơn thuần trong cái công thức:
“Văn hoá mới = Văn hoá ngày xưa + Văn hoá Âu Mỹ” [1, tr. 213] hay không? Đặng Thai Mai đã trả lời câu hỏi ấy bằng luận điểm: “Dân tộc hoá là một chính sách cần phải thực hành” [1, tr. 213], dựa trên cơ sở “kiểm điểm trong văn hoá cũ để xem những gì là còn thích hợp với hoàn cảnh xã hội Trung Quốc hiện giờ” [1, tr. 213]. Đó là bài học có giá trị mà Đặng Thai Mai xây dựng từ thực tế văn hoá Trung Hoa.
Tại Hội nghị Văn nghệ kháng chiến Liên khu IV ngày 16-3-1948, với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hoá, Hội trưởng Hội Văn hoá Việt Nam, Đặng Thai Mai đã thuyết trình báo cáo Một vài vấn đề lý luận về văn nghệ kháng chiến với các nội dung có liên quan trực tiếp đến văn học nghệ thuật kháng chiến. Văn nghệ kháng chiến và tự do văn nghệ là một luận điểm tiếp tục triển khai những vấn đề được đặt ra trong chương VI Vấn đề tự do trong văn nghệ của Văn học khái luận. Vấn đề ấy lúc này đã thu hẹp lại về mặt nội hàm cũng như ngoại diên: quyền tự do của người nghệ sỹ trong nền văn nghệ kháng chiến. Hoàn cảnh hiện thời của văn nghệ Việt Nam có nhiều sự thay đổi so với trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vì thế, “vấn đề tự do sáng tác phải giải quyết và chỉ có thể giải quyết trên lập trường kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Bởi lẽ một điều rất dễ hiểu là quyền tự do cá nhân trong giai đoạn lịch sử ngày nay không thể tách rời ra khỏi lập trường quốc gia, lập trường dân tộc. Nếu nước nhà không được tự do, thì nghệ sỹ và nghệ thuật cũng không thể tự do được” [1, tr. 295]. Đặt vấn đề này lên hàng đầu trong báo cáo, Đặng Thai Mai đã ý thức được tầm quan trọng của nó trong hoàn cảnh nền văn hoá nước ta lúc đó: một số nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ còn đang phân vân và hoài nghi về quyền tự do sáng tác
của họ trong khuôn khổ của văn nghệ kháng chiến nên chưa chọn được cho mình lối đi và hướng sáng tác phù hợp.
Một vấn đề gây tranh cãi là mối quan hệ giữa Nghệ thuật và tuyên truyền cũng được Đặng Thai Mai thuyết trình trong phần II của báo cáo. Ông chỉ ra thực tế về lối suy nghĩ: “Nghệ thuật có thể có tác dụng về thực tế chính trị hay không? Nghệ thuật nếu tuyên truyền cho một mục đích chính trị và đi vào đại chúng có quả là mất giá trị hay không?” [1, tr. 299]. Đặng Thai Mai trả lời những câu hỏi ấy bằng cách khẳng định: “Nhận xét kỹ đến lịch sử mỹ thuật và lịch sử văn học, thì hẳn ngày nay không ai phủ nhận tác dụng của nghệ thuật về phương diện xã hội. Và nếu đã đồng ý rằng nghệ thuật có thể có công dụng tuyên truyền, hay là nghệ thuật nhất định thế nào cũng phải tuyên truyền, tuyên truyền cho tôn giáo, cho chính trị, cho một hệ thống tư tưởng, hoặc một chế độ xã hội, thì trong giai đoạn lịch sử hiện giờ, nghệ thuật Việt Nam phải kháng chiến, phải tuyên truyền cho kháng chiến, tuyên truyền cho dân tộc” [1, tr. 301] - đó là con đường phía trước mà văn nghệ sỹ Việt Nam nên đi và phải đi.
Một tác phẩm văn học ra đời phải dựa trên hai điều kiện thiết yếu là điều kiện chủ quan của bản thân nhà văn và điều kiện khách quan đến từ xã hội, từ hoàn cảnh sống. Vấn đề trọng tâm được Đặng Thai Mai chú ý đưa ra trong tiểu luận là cùng một điều kiện xã hội gần như nhau, liệu các tác giả sẽ nhìn nhận khác nhau như thế nào trong mọi điều kiện khách quan, liệu chủ quan có thể khắc phục được phần nào các trở lực đến từ ngoại cảnh hay không? Phần kết luận, Đặng Thai Mai cho biết: “Lịch sử dân tộc đang dành cho văn nghệ một cơ hội thuận tiện để phát triển thiên tài lên đến độc đáo [1, tr. 309]. Vấn đề của sáng tác bây giờ phụ thuộc vào phía chủ quan: “Thành công hay không, trách nhiệm phần lớn vẫn gác lên vai văn nghệ sĩ” [3, tr. 309].
Đặng Thai Mai còn đề cập đến nhiều vấn đề thiết yếu và quan trọng khác. Những vấn đề ấy phần lớn đều mang tính thời sự, song luận điểm mà ông đưa ra đều có giá trị lâu dài và được kiểm nghiệm bằng thời gian. Nền lý luận non trẻ của văn học nước nhà đã được Đặng Thai Mai đặt cho một gốc rễ, bám chắc vào cội nguồn văn học dân tộc.