Phân biệt biểu thức chêm xen tình thái và thành phần phụ chú

Một phần của tài liệu Khảo sát những từ ngữ chêm xen biểu thị tình thái trong câu tiếng Việt (có đối chiếu với tiếng Anh (Trang 29)

Nói một cách vắn tắt thì biểu thức chêm xen tình thái là thành phần được chêm vào trong phát ngôn nhằm thể hiện thái độ, tình cảm, đánh giá, mục đích… của người nói đối với hiện thực được nói đến, với các đối tượng tham gia giao tiếp khác, thể hiện mối quan hệ liên nhân giữa các vai tham gia giao tiếp, với hoàn cảnh giao tiếp. Về hình thức chúng có thể được lược bỏ đi một cách dễ dàng mà không làm thay đổi nội dung mệnh đề cốt lõi của câu hay thành phần ngôn liệu của câu. Khi nhìn nhận, đánh giá biểu thức chêm xen tình thái ở những khía cạnh như vậy thì chúng tôi thấy rằng ở góc độ nào đấy những thành phần này có một số nét tương đồng với thành phần phụ chú

27

(parenthesis) trong câu. Chúng đều thuộc vào thành phần biệt lập trong câu mà Diệp Quang Ban gọi là “biệt tố”.

Xét trên quan điểm thành phần phụ chú trong tiếng Việt, một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Thành phần phụ chú là thành phần được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai đầu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.” Ví dụ:

- Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà) - Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

(Lam Cao, Lão Hạc) - Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(dẫn theo sách Ngữ Văn lớp 9, tập 2, NXB Giáo Dục) Một trong những đặc điểm nổi bật của chúng giống với các biểu thức chêm xen tình thái là chúng cũng là những thành phần biệt lập, có thể được lược bỏ đi một cách dễ dàng mà không làm thay đổi đến nội dung mệnh đề của câu.

Tuy nhiên, công dụng chính của thành phần phụ chú ở trong câu là bổ sung thêm một số chi tiết cho nội dung miêu tả của câu chứ không mang một nét nghĩa tình thái nào cả. Chúng thường mang tính chất giải thích, cung cấp thêm thông tin và thường nằm sau các thành phần được chúng bổ sung ý nghĩa, thường được tách với thành phần khác bằng dấu phẩy, dấu gạch ngang hay dấu hai chấm.

28

Ý nghĩa của một thành phần phụ chú là tổng ý nghĩa của các thành viên cấu tạo nên nó gộp lại. Ngược lại, đối với các biểu thức chêm xen tình thái thì ý nghĩa của một biểu thức không thể được suy ra từ ý nghĩa cộng gộp của các yếu tố tạo thành. Tức ý nghĩa của các biểu thức chêm xen tình thái mang tính chất “thành ngữ” (idiom) hơn là mang tính chất tự do. Các biểu thức chêm xen tình thái thường được sử dụng như những đơn vị “có sẵn” trong ngôn ngữ. So sánh:

(3a) Lấy làm gì cái thằng ăn cháo đái bát đó.

(Khẩu ngữ) (3b) Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

(Giang Nam, Quê hương)

(dẫn theo Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, tr. 62) Biểu thức chêm xen tình thái “ăn cháo đái bát” trong câu (3a) không hề có ý nghĩa cộng gộp của các thành viên trong nó mà nó có nghĩa là “Ví thái độ chịu ơn người rồi bội bạc, phụ ơn ngay” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, tr. 12). Còn thành phần “có ai ngờ” trong câu (3b) là thành phần phụ chú với ý nghĩa tương đương tương đối là “không ai nghĩ rằng”. Hơn nữa, biểu thức “ăn cháo đái bát” trong câu (3a) còn vượt ra khỏi ý nghĩa ngôn liệu và biểu thị một loại ý nghĩa phi miêu tả; đó là nghĩa tình thái. Nó thể hiện thái độ chê bai, coi thường của người nói đối với đối tượng được nói tới.

Nói tóm lại, cả hai thành phần “phụ chú” và “biểu thức chêm xen tình thái” đều “là những yếu tố không chịu sự ấn định của vị tố về mặt nghĩa, không trực tiếp tham gia vào phần nghĩa chỉ sự thể trong câu chứa chúng, chúng không nằm trong cấu trúc cú pháp của câu, và chúng có quan hệ với nghĩa của toàn bộ câu hoặc với nghĩa của yếu tố thích hợp trong câu.” (dẫn

29

theo Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, tr. 61). Tuy nhiên, chúng khác nhau cơ bản về sự đối lập giữa ý nghĩa ngôn liệu và tình thái: một đằng (thành phần phụ chú) góp thêm vào nghĩa miêu tả hay ngôn liệu của câu, một đằng (biểu thức chêm xen tình thái) biểu thị đánh giá tình thái cho câu.

Một phần của tài liệu Khảo sát những từ ngữ chêm xen biểu thị tình thái trong câu tiếng Việt (có đối chiếu với tiếng Anh (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)