1. Một số thành tựu về giảm nghèo
Trong 5 năm qua từ năm 2006-2010, tỷ lệ nghèo đói5 ở Việt Nam đã giảm được hơn 10%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 20% (với khoảng 4,4 triệu hộ nghèo) vào thời điểm cuối năm 2005 xuống còn 18,1% năm 2006, 14,35% năm 2006; 14,8% năm 2007; 12,1% năm 2008; 11,3% vào năm 2009 với khoảng 2 triệu hộ và ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 9,45%. Một trong những dấu hiệu đáng mừng là tốc độ giảm nghèo ở vùng nông thôn cao hơn so với ở vùng đô thị. Tỷ lệ nghèo nông thôn đã giảm từ 25% năm 2004 xuống còn 14.1% năm 2009.
Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam đã sớm đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Nhưng điều làm cho Việt Nam khác với những nền kinh tế mới nổi khác - như Trung Quốc hay Ấn Độ - là việc tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng. Hệ số Gini, một chỉ số xem xét bất bình đẳng thu nhập, chỉ tăng từ 0,34 năm 1993 lên 0,43 năm 2008 - thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác - đã giải thích tốc độ giảm nghèo mạnh.
Một chỉ số khác về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là tỷ trọng tổng thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 1 và nhóm 2) trong tổng thu nhập (của cả 5 nhóm) của Ngân hàng Thế giới đưa ra nhằm đánh giá phân bố thu nhập của dân cư. Tỷ trọng này nhỏ hơn 12% là có sự bất bình đẳng cao về thu nhập, nằm trong khoảng từ 12%-17% là có sự bất bình đẳng vừa và lớn hơn 17% là có sự tương đối bình đẳng. Số liệu thống kê cho kết quả: tiêu chuẩn 40% (tính theo số hộ) của Việt Nam năm 2004 là 17,4% và năm 2008 là 16,4%.
2. Một số đặc điểm của hộ nghèo
Kết quả của các cuộc điều tra năm 2006 cho thấy hộ gia đình nghèo ở Việt Nam có những đặc trưng đó là quy mô hộ gia đình tương đối lớn, bố mẹ có trình độ văn hoá thấp, sống chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa có cơ sở hạ tầng, nhà cửa kém phát triển. Hộ nghèo thường là những hộ có số con trung bình dưới 15 tuổi (1,85) nhiều hơn so với những gia đình giàu có (0,72). Hộ gia đình mà chủ hộ được đào tạo nghề thường chi tiêu nhiều hơn 19% so với hộ gia đình mà chủ hộ không được đào tạo, nếu hộ gia đình mà chủ hộ có trình độ giáo dục cao hơn thi chũng chi tiêu nhiều hơn (31%).
5 Tính theo chuẩn nghèo của Việt Nam: khu vực nông thôn là 200.000đ/người/tháng; khu vực thành thị: 260.000 đồng/người/tháng;
Hiện nay nghèo đói vẫn tập trung chủ yếu vào các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Hiện nay, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 12% tổng dân số của Việt Nam những lại chiếm tới gần 40% của tổng số hộ nghèo.
3. Những thách thức
Mặc dù, trong những năm qua số hộ nghèo trong cả nước đã giảm mạnh, song trên thực tế công cuộc xóa đói, giảm nghèo còn vô cùng gian nan. Kết quả giam nghèo chưa thật bền vững, mức độ cải thiện đời sống của các hộ nghèo chậm, sô shộ nghèo nằm trong diện cận nghèo lớn; nguy cơ tái nghèo có thể tăng do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; do đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng chưa đồng đều; cơ hội về việc làm của người nghèo ngày càng khó khăn hơn do đổi mới công nghệ trong sản xuất, yêu cầu trình độ của người lao động ngày càng cao. Đói nghèo trở lại là vấn đề luôn rình rập một bộ phận khá lớn số hộ nghèo vừa vượt khỏi ngưỡng nghèo. Chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh, đau ốm hoặc biến động giá cả, thì các hộ này lại dễ rơi vào tình trạng đói nghèo.
Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn có sự chênh lệch lớn, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc có tỷ lệ nghèo cao. Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Tình trạng chênh lệch và bất bình đẳng xã hội giữa các vùng, giới tính và nhóm dân cư đang ngày càng gia tăng. Trong khi các vùng đô thị được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng nghèo vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều vùng nông thôn của Việt Nam và ở mức độ rất cao ở các vùng dân tộc thiểu số.
Mặc dù tăng trưởng và giảm nghèo diễn ra trên diện rộng song tỷ lệ giảm nghèo đang chậm dần. Theo điều tra của Action Aid Việt Nam và Oxfarm thực hiện năm 2009, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong phạm vi cả nước theo chuẩn nghèo của Chính phủ hiện nay tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm dần.
Hơn nữa, nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà còn thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ, như giáo dục, văn hóa, thuốc men, không chỉ thiếu tiền mặt, thiếu những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống mà còn thiếu thể chế kinh tế thị trường hiệu quả, trong đó có các thị trường đất đai, vốn và lao động cũng như các thể chế nhà nước được cải thiện có trách nhiệm giải trình và vận hành trong khuôn khổ pháp lý minh bạch cũng như một môi trường kinh doanh thuận lợi.