6. Bố cục của luận văn
3.2 Những biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước
Bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ những thứ hiện hữu xung quanh đời sống hàng ngày của người dân: rừng, đất, nước, cây cối... Không chỉ chú trọng đến bảo vệ nguồn nước, người dân còn bảo vệ những thứ khác nữa bởi chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể tách rời yếu tố nước ra đứng riêng một mình được. Bởi lẽ, nguồn nước ngầm xuất phát từ trong lòng núi, qua các khe ngầm dưới đất để rồi cung cấp nước cho đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Nếu không quan tâm đến việc bảo vệ tài nguyên rừng,
chống xói mòn đất, trồng cây gây rừng thì hậu quả rất nghiêm trọng. Các yếu tố trong tự nhiên luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau và không thể thiếu bất cứ yếu tố nào cả. Mỗi yếu tố đều đóng một vai trò quan trọng nhất định trong sự phát triển của tự nhiên. Không thể chỉ bảo vệ môi trường nước và quên đi các môi trường tự nhiên khác được.
Bên cạnh đó, người dân còn bảo vệ các dòng sông, suối tự nhiên xung quanh xóm. Không có quy định cụ thể nào cả nhưng người dân Tày vốn bản tính hiền lành, chất phác, thuận hòa nên mọi người bảo ban nhau cùng khai thác nguồn lợi tự nhiên chung đó trong hòa bình từ bao đời nay. Hình ảnh các cô gái Tày rủ nhau đi gội đầu hay giặt quần áo ở ven bờ suối trong khung cảnh núi rừng Đông Bắc hùng vĩ là hình ảnh đẹp và thơ mộng khiến bao người phải nao lòng.
Ngày nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước đã dẫn đến một loạt các biến đổi trong văn hóa của cộng đồng nói chung. Những quan niệm xưa kia được coi là đã lạc hậu, cũ kĩ so với thời đại máy móc phát triển. Không tránh khỏi vòng xoáy của sự phát triển, cư dân Tày cũng có một loạt biến đổi trong văn hóa cũng như trong sinh hoạt để thích nghi với thời đại mới. Tuy nhiên, cho dù xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì những cư dân Tày vẫn là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên nguồn nước luôn là yếu tố sống còn với họ. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường nước luôn được người dân coi trọng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hay nói cách khác, tri thức bản địa về việc bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau và thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, không dám làm sai cho dù không có điều khoản phạt cụ thể.
Tri thức địa phương của người Tày nói chung và tri thức địa phương về bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước không được hệ thống hóa thành văn bản cụ thể. Có chăng chỉ là những câu ca dao, tục ngữ nói về các kinh
nghiệm làm ruộng nước, cách chọn địa bàn cư trú... mà thôi. Tùy từng vùng mà cộng đồng nơi đó có cách bảo vệ môi trường và nguồn nước riêng của vùng mình. Nhưng chung quy lại, với người Tày ở vùng thung lũng có ba nguồn nước chính mà họ luôn chú trọng bảo vệ, đó là: bảo vệ mó nước thiêng; bảo vệ hệ thống tưới tiêu, thủy lợi và bảo vệ nguồn nước về từng nhà.
Mó nước thiêng của từng làng là khu vực thiêng liêng trong tâm thức của người dân. Từ xa xưa, khi mó nước thiêng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và nước tâm linh trong việc thờ cúng cho cả làng cho đến ngày nay, mó nước thiêng chỉ chủ yếu phục vụ nước cho lĩnh vực tâm linh thì việc bảo vệ nguồn nước trong mó nước thiêng là điều không thay đổi. Người Tày không hề rào dậu mó nước thiêng bằng bất kì hình thức nào. Nhưng người dân trong làng không bao giờ thả trâu quanh khu vực mó nước thiêng, không bao giờ giặt giũ, rửa lá ngay tại mó nước thiêng. Mặc dù không hề có luật tục nào được ghi lại quy định việc phải bảo vệ mó nước thiêng hay việc xử phạt những người xâm phạm mó nước thiêng nhưng người dân trong vùng không ai dám làm những điều cấm bất thành văn đó. Tôi khảo sát cụ thể tại xóm Khau Coi, xã Bế Triều, huyện Hòa An thì được ông Lâm Văn Tường - trưởng xóm - cho biết:
H: Chú ơi! Mó nước thiêng này bắt nguồn từ đâu ạ?
TL: Mó nước này bắt nguồn từ trong núi. Từ đời cha ông ngày xưa nó chưa bao giờ cạn cả.
H: Tại sao mình lại gọi là mó nước thiêng hả chú?
TL: Vì ngày xưa các cụ toàn dùng nước ở đây thôi. Nước ăn uống, nước thờ cúng đều lấy từ nó cả mà chẳng bao giờ nó cạn nên các cụ nói nó là mó nước thiêng.
H: Xóm mình có quy định nào về việc bảo vệ mó nước thiêng không chú? TL: Không có đâu cháu ơi. Chữ Tày thì các cụ biết chứ bọn chú nào có biết. Mà từ thời các cụ chú cũng chưa nhìn thấy văn bản nào bằng chữ Tày cả,
chỉ nghe các cụ bảo có chữ Tày mình thôi. Làm gì viết lại đâu. Chỉ toàn là lời ông bà dặn lại thế, các chú làm theo. Rồi thì các chú dặn lại con cháu để chúng làm theo thôi. Nhưng bọn chúng bây giờ không muốn làm ruộng nữa, đi học rồi đều muốn làm cán bộ hết...
H: Thế xóm mình có phạt những ai vi phạm mó nước thiêng không ạ? Ví dụ như thả trâu gần mó nước, tắm gội ở mó nước, ...
TL: Từ thời ông bà, bố mẹ chú chú chưa nghe đến trường hợp nào vi phạm mó nước thiêng cả. Trước đó thì không biết đâu. Bây giờ đến bọn trẻ cũng không dám vi phạm đến mó nước thiêng đâu vớ.
Không chỉ ông trưởng xóm Lâm Văn Tường nói như vậy, tôi đi đến gặp các vị cao nhân trong xóm thì đều nhận được câu trả lời như vậy. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Nam (cũng là cư dân của xóm Khau Coi) thì "việc bảo vệ mó nước thiêng là một hành động theo tâm thức của người dân nơi đây. Không biết từ bao giờ mó nước thiêng đã đi vào tâm thức của người Tày nhưng có thể khẳng định rằng việc bảo vệ mó nước thiêng là một hành động tự nhiên của người dân nơi đây như là họ đang bảo vệ chính gia đình, làng xóm của mình vậy. Tôi chưa bao giờ nghe đến việc có người xâm phạm mó nước thiêng cả. Đó là điều tối kị. Chẳng cần phải đưa ra luật phạt mà người dân vẫn tuân thủ nguyên tắc". Người Tày không có luật tục thành văn về vấn đề này phải chăng là vì người dân đã coi đó là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày cũng như việc bảo vệ gia đình, làng xóm vậy? Đó là một câu hỏi tôi đặt ra nhưng chưa tìm được lời giải xác thực bởi chưa tìm được những chứng cứ thành văn. Tôi tiếp tục cuộc hành trình về mó nước thiêng của người Tày bằng việc đến với xóm Cốc Lùng, xã Nam Tuấn. Và kết quả thu nhận được cũng chỉ là những lời nói chung chung về việc không ai vi phạm mó nước thiêng và cũng không ai biết về việc họ sẽ bị xử phạt thế nào nếu vi phạm mó nước vì bản thân họ, gia đình và cộng đồng chẳng bao giờ nghĩ đến
việc sẽ làm gì tổn hại đến mó nước thiêng cả. Anh Dùng Văn Thông, một nông dân Tày ở xóm Cốc Lùng nói rằng: "Có bao giờ dám đưa trâu ra gần mó nước đâu, chỉ khi nào đi rừng về khát quá thì uống cho đỡ khát thôi. Nước trong và mát lắm, uống xong khỏe lắm, có sức mà về nhà". Địa điểm có mó nước thiêng thường là ở chỗ giao nhau giữa ruộng và rừng, trên đường vào rừng. Từ trong xóm, muốn đến được mó nước thiêng thì người dân phải đi theo đường vào rừng và qua các mảnh ruộng của mình. Mó nước thiêng là do thiên nhiên tạo thành, được cả xóm tìm ra và phục vụ nhu cầu của cả xóm. Đây là tài nguyên chung của cả xóm nên mọi người cùng nhau giữ gìn. Ngày nay, trên quê hương Cao Bằng đang đổi mới từng ngày, người dân cũng đang có những bước phát triển vượt bậc song hình ảnh mó nước thiêng luôn còn hiện diện trong tâm trí của họ. Không hề có luật tục, không hề có hình thức xử phạt nhưng những người con nơi đây từ đời này sang đời khác không bao giờ vi phạm điều cấm kị của cha ông. Và đối với những người con xa quê hương thì hình ảnh mó nước thiêng cùng dòng sông, dòng suối quê hương là một hình ảnh thơ mộng, đẹp đẽ luôn gắn liền với kỉ niệm của tuổi thơ. Với bản thân tôi cũng vậy, mỗi lần về quê thì việc đi lên rừng thắp hương cho mộ phần của các cụ và thăm lại mó nước mát lạnh là điều không thể thiếu.
Người Tày ở vùng thung lũng là cư dân trồng lúa nước từ lâu đời với những kinh nghiệm trồng trọt phong phú của riêng mình đã làm nên bản sắc văn hóa Tày. Trong nông nghiệp trồng lúa nước, nhắc đến hệ ngôn ngữ Tày-Thái là nhắc đến hệ thống thống thủy lợi đồ sộ từ xa xưa phục vụ cho việc trồng lúa nước. Cùng với người Kinh, các dân tộc trong hệ ngôn ngữ Tày-Thái (mà điển hình là 3 dân tộc: Tày, Nùng, Thái) đã là những công trình sư thủy lợi tài ba từ bao đời nay. Không có được địa hình đồng bằng thuận lợi như người Kinh song các dân tộc trong hệ ngôn ngữ Tày-Thái đã có những phương thức riêng để tiến hành sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Thật
khó mà phân định xem dân tộc nào trong hệ ngôn ngữ Tày-Thái là dân tộc phát kiến ra hệ thống thủy lợi tiêu biểu Mương - Phai - Lái - Lịn, chỉ biết rằng từ xưa đến nay các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã sử dụng hệ thống thủy lợi này một cách thành thục. Tùy vào điều kiện địa hình từng vùng mà các dân tộc làm ra hệ thống thủy lợi phù hợp nhất đối với dân tộc mình. Người Tày ở vùng thung lũng Cao Bằng cũng có hệ thống thủy lợi riêng của mình. Với những vùng thung lũng thấp, có nhiều nguồn nước như sông, suối thì người dân đào mương để dẫn nước vào ruộng. Chỗ nào địa hình cao hơn một chút thì người dân đắp phai để dâng mực nước vào mương dẫn tới ruộng. Và để đưa nước tới các ruộng lẻ thì người ta sử dụng hệ thống lái. Với những địa hình ruộng cao hơn mực nước thì người dân sáng tạo ra cọn nước. Cọn nước là công cụ hữu hiệu để đưa nước tới các chân ruộng xa và cao. Hỗ trợ cho cọn nước, người dân thường dùng hệ thống lịn. Lịn cũng là hệ thống máng dẫn nước vào ruộng gần giống mương, song lịn thường được làm bằng tre, luồng và lịn thường có tác dụng hứng nước từ guồng cọn nước đưa nước tới ruộng. Với hệ thống thủy lợi này, người Tày được coi là những kĩ sư bậc thầy trong nông nghiệp. Hệ thống mương phai ngày trước chủ yếu được đắp bằng đất nên chỉ cần vài trận mưa lớn là có thể vỡ, vì vậy việc bảo dưỡng định kì là một việc làm không thể thiếu. Hàng năm, trước vụ mùa, cả xóm cùng góp công sức để nạo vét mương phai, gia cố cọn nước để đảm bảo việc tưới tiêu cho đồng ruộng. Đó là hoạt động thường xuyên. Nếu có tình trạng bất thường xảy ra với hệ thống mương phai thì cả xóm đều phải tập trung sửa chữa, bảo vệ. Ngày nay, hệ thống mương phai của đồng bào đã thay đổi đáng kể. Mương bây giờ đã được bê tông hóa. Những con mương bê tông chạy bao quanh ruộng là hình ảnh khá phổ biến ở các vùng thung lũng của Cao Bằng. Chính quyền và nhân dân cùng góp sức vào công cuộc đổi mới hệ thống thủy lợi để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất sản lượng. Việc xây
dựng mương được người dân góp công sức cùng nhà nước để tiến hành, sau đó mỗi xóm sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hệ thống kênh mương của xóm mình. Việc nạo vét kênh mương vẫn được người dân trong xóm tổ chức hàng năm vào trước vụ mùa để khơi thông kênh mương, đảm bảo nhu cầu nước cho đồng ruộng. Ngày xưa, tuy có hệ thống tưới tiêu cung cấp đủ nước cho đồng ruộng nhưng người dân ở đây thường chỉ trồng một vụ lúa mà thôi. Thời gian còn lại họ trồng ngô, hoa màu. Nhưng ngày nay, người dân thường tổ chức cấy 2 vụ một năm là lúa vụ xuân và lúa vụ mùa, qua đó tăng năng suất sản lượng lên một cách rõ rệt. Nhờ có hệ thống mương phai được bê tông hóa một cách chắc chắn nên sản lượng lúa và hoa màu của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, qua đó đời sống của người nông dân cũng ngày một đi lên. Hình ảnh chiếc cọn nước hiện nay còn rất ít trên những cánh đồng vùng thung lũng ở Cao Bằng bởi lẽ sự phát triển của kĩ thuật đã len vào đời sống của người dân nơi đây. Những chiếc cọn nước đó trong một vài trường hợp vẫn góp phần vào việc đưa nước lên các chân ruộng cao, nhất là đối với các xóm thuộc xã vùng sâu vùng xa nơi mà nhà nước chưa kịp bê tông hóa hệ thống kênh mương. Nhưng trong một số trường hợp đồng ruộng đã được kiên cố hóa bằng hệ thống mương phai bê tông thì những chiếc cọn nước vẫn đứng đó minh chứng cho trình độ kĩ sư thiên bẩm của người Tày từ xa xưa và con cháu của họ để lại những chiếc cọn nước đó để ghi nhớ công ơn của cha ông, cũng là một cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đi khắp các cánh đồng trên đất Cao Bằng ngày nay, chúng ta chỉ còn bắt gặp hình ảnh cọn nước ở một số vùng thuộc huyện Hà Quảng, Trùng Khánh... Với hai huyện này thì hình ảnh cọn nước chủ yếu là để làm du lịch vì đây là hai huyện có hai khu di tích lịch sử và du lịch nổi tiếng là hang Pác Bó và thác Bản Giốc còn giá trị sử dụng thực tế thì không còn cao và giữ nguyên bản như ngày xưa nữa. Là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ lâu đời nên người Tày coi việc bảo vệ hệ
thống thủy lợi với mương phai luôn là việc làm cần kíp và được quan tâm một cách sát sao. Dù là từ xa xưa khi sử dụng hệ thống mương phai lái lịn và cọn nước nguyên thủy cho đến ngày nay khi hệ thống mương phai đã được kiên cố hóa bằng bê tông thì việc trùng tu, bảo vệ hệ thống thủy lợi luôn được người Tày tiến hành một cách nghiêm túc. Và họ luôn có ý thức truyền lại cho con cháu đời sau những kinh nghiệm làm hệ thống thủy lợi của lớp người đi trước để con cháu không quên cách làm hệ thống mương phai lái lịn truyền thống.
Có một nguồn nước nữa mà người dân luôn quan tâm gìn giữ, đó là nguồn nước về từng nhà của người dân. Xưa kia, nguồn nước sinh hoạt của người dân được lấy từ hai nguồn chính: nước từ trên trời (nước mưa) và nguồn nước từ mó nước chung của cả xóm. Nhà nào cũng có bể đựng nước mưa riêng. Nước mưa được dùng để nấu ăn là chính. Nhưng lượng nước mưa không có quá nhiều để người dân có thể sử dụng quanh năm, vì vậy họ phải bổ sung thêm nguồn nước được lấy từ mó nước thiêng do các bà, các mẹ, các chị gánh về. Phải đi một quãng đường rất xa để gánh được một gánh nước nên hộ gia đình nào cũng dùng một cách tiết kiệm nhất, chỉ sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu như nấu ăn mà thôi. Còn lại các hoạt động sinh hoạt thường ngày khác như tắm gội, giặt giũ, rửa rau mọi người đều phải ra những dòng suối nhỏ quanh làng để làm. Nước thật sự là một vấn đề khó khăn với đời sống của người dân. Hệ thống mương phai lái lịn chỉ được sử dụng để cung cấp nước cho ruộng đồng mà thôi, mà nguồn nước đó cũng không đủ sạch để