6. Bố cục của luận văn
2.4.4 Trong truyền thuyết
Trong dân gian, vẫn còn lưu truyền truyền thuyết: Nạn hồng thủy, nước ngập đến tận ngôi sao (nặm thổng đao đí) làm chết cả loài người và muôn vật, chỉ còn hai anh em sống sót (1 trai và 1 gái) trong quả bầu. Hai anh em đành phải lấy nhau để cho loài người khỏi bị diệt vong. [78, tr 14-15].
Truyền thuyết Báo Luông - Sao Cải đề cập đến quá trình hình thành cộng đồng của người Tày ở Cao Bằng, trong đó, việc lựa chọn định cư gần nguồn nước là một yếu tố quan trọng để hình thành nên tập quán sản xuất của người dân nơi đây. Chính yếu tố nước đã góp phần xây dựng nên bản sắc văn hoá
của đồng bào Tày. Trải qua bao nhiêu thế hệ, đến nay họ vẫn sinh sống và phát triển trên mảnh đất này. Không chỉ chọn địa bàn cư trú gần nguồn nước mà từ truyền thuyết Báo Luông - Sao Cải ta biết được cội nguồn của hình thức canh tác trồng lúa nước. Như vậy, ngay trong truyền thuyết khởi nguyên của người Tày đã đề cao vai trò của nước trong việc hình thành tộc người. Nước không chỉ giúp cho người Tày chọn được nơi cư trú lí tưởng mà còn giúp họ trong việc lựa chọn hình thức canh tác hợp với địa bàn cư trú. Qua đó, văn hóa nước đã có mặt trong văn hóa chung của người Tày như một yếu tố thiết yếu để đảm bảo cho nền văn hóa chung ấy phát triển bền vững.
Hình tượng thuồng luồng hiện lên trong các truyền thuyết, truyện cổ của các cư dân nói tiếng Thái là khá phổ biến. "Thuồng luồng "Tô ngược" trong thực tế chỉ là con vật trong tưởng tượng. Vì hễ ai nhìn thấy con vật này đều bị chết, bị điên hay mất trí... Nghĩa là không ai biết cụ thể, chính xác về nó mà chỉ biết nó hình rắn to, có mào đỏ, có thể biến hóa khôn lường... Thật ra, đây là một con vật chỉ có trong thần thoại hoặc là một loại ma, một sức mạnh siêu nhiên ở dưới nước, thậm chí là vua nước. Nhưng khi đã có quan hệ với con người, thuồng luồng lại thường biến thành hình hài con người. Hình hài đó khi hoàn chỉnh, có khi chỉ là nửa người, nửa vật, đầu người, thân rắn..." [46]. Hình tượng thuồng luồng "Tô ngược" xuất hiện khá nhiều trong truyện cổ, truyền thuyết, lễ hội hay trong quan niệm của các cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam. Trong cộng đồng dân tộc Tày - Nùng cũng có một câu chuyện về hình tượng thuồng luồng "Tô ngược", đó là truyện "Sự tích hội Bưa Lừa" kể về tục thờ rắn của đồng bào được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm tại Pác Cáp, Văn Mịch, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Truyện kể rằng: Ngày xưa, có một đôi vợ chồng đánh cá nghèo không có con. Một hôm, họ vô tình kéo lưới được một quả trứng có chấm đỏ, họ mang về cho gà ấp và nở ra một con rắn có mào đỏ trên đầu. Họ liền nhận rắn làm con nuôi. Từ
ngày có con rắn, họ thường bắt được rất nhiều cá nên cuộc sống dần sung túc hơn. Sau đó, bà còn mang thai và sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Một hôm, bố mẹ đi đánh cá xa, buổi trưa nóng hai anh em rủ nhau ra sông Văn Mịch tắm. Rắn lặn rất sâu và bơi được xa hơn em. Thừa lúc rắn không để ý, thuồng luồng đã bắt mất cậu em trai. Bố mẹ về thấy em trai bị thuồng luồng bắt đi nên rất đau khổ, buồn bã, họ chẳng thiết làm gì nữa. Của cải trong nhà dần vơi đi và họ không thể nuôi nổi rắn nữa, họ nói: "Nay bố mẹ đã già yếu và nghèo khó quá nên không nuôi nổi con nữa. Con hãy tự đi kiếm sống ở nơi nào đó cho đỡ khổ. Nhưng nhớ thỉnh thoảng về thăm bố mẹ". Rắn rất buồn vì mất em và phải xa bố mẹ nên rắn quyết định giết hết sạch thuồng luồng để trả thù. Sáng ngày 4 tháng 4 âm lịch, rắn quăng mình xuống dòng sông Văn Mịch, bơi vào tận các hang hốc và giết hết thuồng luồng xong rắn về từ biệt bố mẹ, hẹn cứ 3 năm về thăm bố mẹ một lần rồi rắn nhảy xuống sông đi theo dòng sông Kỳ Cùng. Dân làng rất biết ơn rắn vì nhờ rắn mà dân làng không phải lo sợ thuồng luồng như trước nữa. Bố mẹ rắn mất đi, dân làng xây hai cái đình: Đình Ông và Đình Bà để thờ cúng. Từ đó trở đi, cứ năm nhuận vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, rắn lại về Văn Mịch thăm bố mẹ và bà con làng xóm. Biết ơn rắn đã trừ được thuồng luồng độc ác nên vào ngày này bà con Văn Mịch lại tổ chức lễ hội long trọng để đón rắn về thăm. Đó là hội Bưa Lừa (bưa là bơi chèo, lừa là thuyền). [8, tr 3 - 7].
Ngày nay, ở xã Thông Hòe, huyện Trùng Khánh có miếu thờ Long vương và còn lưu truyền một câu truyện truyền thuyết gần giống với câu chuyện Sự tích hội Bưa Lừa ở Lạng Sơn. Nội dung của câu truyện như sau: Ngày xưa, ở Thông Hòe có hai vợ chồng người quét chợ lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con. Một hôm, họ vô tình nhặt được một quả trứng. Họ mang về và một thời gian sau quả trứng nở ra một con thuồng luồng. Họ nhận thuồng luồng làm con nuôi và ngày ngày họ vẫn đi quét chợ để nuôi thuồng luồng. Thuồng
luồng bơi rất giỏi và rất thích nhảy xuống sông bơi lội. Một hôm, thuồng luồng lặn xuống nước và gặp bố mẹ đẻ của mình. Sau đó, thuồng luồng quay lại gặp bố mẹ nuôi chào từ biệt để quay lại với bố mẹ đẻ. Bố mẹ nuôi bảo với thuồng luồng rằng: "Con hãy cùng bố mẹ đẻ đi nơi khác mà sinh sống, đừng ở đây quấy rối dân làng nữa". Từ đó trở đi, dân làng ở Thông Hòe không còn bị thuồng luồng quấy rối nữa. Sau khi thuồng luồng chết, người dân lập miếu Long vương ở Thông Hòe để thờ. (Ghi lại theo lời kể của người cấp tin Vương Hùng, xã Ngọc Xuân, Cao Bằng).
Không những vậy, ở một số địa phương người dân còn tự nhận mình là con cháu của thuồng luồng "Tô ngược" như nhân dân các xã Yên Thịnh, Yên Thượng, bản Thi (Chợ Đồn), Mẫu Ninh, Thượng Giáo (tỉnh Bắc Kạn), Đài Thị (Chiêm Hóa, Tuyên Quang)... Trong bài viết "Tín ngưỡng thờ thuồng luồng của các dân tộc nói tiếng Thái ở Việt Nam", PGS. TS Hoàng Lương đã khẳng định như sau: "... đối với các cư dân trồng lúa nước, kể cả các cư dân
sinh sống bằng nghề nông nghiệp khác, đều coi yếu tố nước đóng vai trò quan
trọng hàng đầu trong quá trình canh tác. Đối với các cư dân nói tiếng Thái, những cư dân trồng lúa nước lâu đời, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu. Biểu tượng sức mạnh của nước chính là ma nước hay vua nước là thuồng luồng "Tô ngược" - vì là ma nên hình hài nó chỉ có trong tưởng tượng và linh thiêng - hễ ai nhìn thấy nó thì chết hoặc điên... Để chung sống được với nó
hay tránh được sức mạnh của nó, phải biến chúng thành người. Nói cách khác,
phải đối xử với chúng như đối xử với con người, nên phải nhân hóa chúng thành người". [46; tr 52].
Như vậy, ta có thể khẳng định nước có vai trò rất lớn trong đời sống của đồng bào nói tiếng Thái ở Việt Nam nói chung và của người Tày ở Cao Bằng nói riêng. Họ đều là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, họ tôn thờ nước, dựng lên hình tượng thuồng luồng "Tô ngược" để tôn thờ, thậm chí một
số nơi còn coi thuồng luồng "Tô ngược" là tổ tiên của dân tộc mình. Những lễ hội thờ thuồng luồng "Tô ngược" như lễ hội Bưa Lừa (Bình Gia, Lạng Sơn), lễ hội Thẳm Bua (Quỳ Châu, Nghệ An) vẫn được tổ chức.