6. Bố cục của luận văn
2.4.1 Trong thờ cúng
Người Tày thờ tổ tiên là chính (thể hiện rõ nét nhất qua lễ tết Nguyên đán và tết Tảo mộ), đồng thời thờ một số vị Phật, Thần thường thấy trong Phật giáo như Phật bà Quan âm, trong Đạo giáo như Hắc Hổ Huyền Đàn, Hoa vương, Thánh mẫu... Trong khi làm ma chay cúng bái, đồng bào dùng một số nghi thức trong Thọ mai gia lễ. Tín ngưỡng của đồng bào Tày bắt nguồn từ thuyết vạn vật có linh hồn, chủ nghĩa đa thần nguyên thuỷ, tục thờ thần dòng họ, tục tin ở rất nhiều thứ mà gọi là "phi" kết hợp với một số yếu tố Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo do những người làm nghề cúng bái đem truyền bá trong dân gian.
Bên cạnh đó, đồng bào cũng thờ một số thần công cộng. Thần Thổ công "quản lí" một bản, thần Thành hoàng "quản lí" một xã hay một tổng. Thổ công, Thành hoàng được coi là những vị thần nông có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng và gia súc. Đồng bào thường thờ những người có công giúp dân làng khai phá ruộng nương, xây dựng mường bản. Những người chết vào giờ
thiêng có thể biến thành Thổ công, Thành hoàng. Qua một số thần tích các vị thần Thổ công, Thành hoàng của đồng bào nơi đây cũng có thể thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố nước trong đời sống của đồng bào. Có một số truyền thuyết gắn liền với tên gọi của cánh đồng, nơi canh tác chính của đồng bào. Và vị Thổ công, Thành hoàng mà đồng bào thờ chính là người đã mang nước đến giúp cho cánh đồng đang khô cạn bỗng biến thành cánh đồng trù phú. Điển hình là truyền thuyết ở huyện Quảng Uyên: có một đôi trai gái là cô Xinh và anh Minh quê ở Ngọc Động. Xinh và Minh tha thiết yêu nhau, định cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Một hôm, đôi bạn trẻ cùng hát ở cánh đồng Háng Thong (xã Ngọc Động). Tiếng hát hay và hấp dẫn đến nỗi công chúng kéo nhau đến đông nghịt cả cánh đồng và chen chúc nhau trèo lên một tảng đá lớn để nghe tiếng hát và chiêm ngưỡng đôi trai tài gái sắc ấy. Tảng đá không chịu nổi sức nặng của đám đông bị đổ, mạch nước ở dưới trào lên tưới khắp cánh đồng Háng Thong, trước đây là một cánh đồng khô cạn. Thời đó, có một tên quan lại cường hào tìm cách phá vỡ cuộc tình duyên giữa cô Xinh và chàng Minh để cưỡng bức cô Xinh lấy con trai mình. Nhưng cô Xinh vẫn giữ lòng kiên trinh. Sau cùng, thấy thất vọng vì cuộc tình duyên trắc trở, cô Xinh và chàng Minh tự vẫn bằng cách nhảy xuống một hốc đá ở cánh đồng Phja Cháng (xã Khôn Đoài). Từ đó, nước ở hốc đá trào lên tưới khắp cánh đồng Phja Cháng, trước đây cũng là một cánh đồng khô cạn. Nhân dân xã Khôn Đoài và Ngọc Động nhớ ơn lập miếu thờ và mở hội lồng tồng vào dịp thanh minh. [78, tr 36]
Trong quan niệm của người Tày, trời tức “phạ” là vị thần tối cao ở mường
trời (mường phạ) quản mọi việc lớn nhỏ ở trần gian. Trên bàn thờ của các gia
đình đều có thờ trời đất.
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản của dân tộc Tày. Chữ tổ tiên ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổ tiên gia đình, tổ tiên dòng họ, tổ tiên
ngành nghề, tổ tiên lập làng, tổ tiên dân tộc,… Điều đó phản ánh tâm lí của quần chúng nói chung là luôn ghi nhớ công của những người đầu tiên khai cơ lập nghiệp cho gia đình, làng bản, những thủ lĩnh có công của dân tộc,… Vì vậy, có thể xem xét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày thông qua các cấp độ sau: Thuỷ tổ nhân loại, tổ tiên gia tộc, tổ sư, tổ làng, thần dân tộc.
Thờ thuỷ tổ nhân loại: dân tộc Tày tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa - vị thần sinh sản của họ. Không chỉ người Tày mà cả người Choang ở bên Trung Quốc cũng thờ Mẹ Hoa. Truyền thuyết của người Choang và kinh sách của thầy cúng kể rằng mẹ Hoa là người phụ nữ đầu tiên bước ra từ một bông hoa khi vũ trụ mới hình thành gọi là mẹ Lục Giáp. Bà là người rất thông minh đã tạo ra núi non, sông nước, con người và muông thú. Bà còn ngồi dạng chân ra để tạo thành hang cho con người trú ngụ.Truyền thuyết nói rằng bà quản việc sinh đẻ ở nhân gian, có quyền phân phát con cái cho người trần gian. Động Nham Sơn ở huyện Đông Lan được coi là sinh thực khí của bà, người Choang từ đó mà sinh ra. Vì vậy, hàng năm vào hai dịp 15/1 âm lịch và 15/7 âm lịch dân chúng quanh vùng mang lễ vật đến cúng động gọi là “Tết động sinh dục”, kèm theo hoạt động cúng tế có tục nghe người già kể chuyện mẹ tổ và tục hát giao duyên nam nữ. Có thể việc thờ mẹ Lục Giáp với tư cách là thuỷ tổ của người Choang về sau đã biến hóa thành tục thờ mẹ Hoa tức mẹ sinh sản hiện khá phổ biến trong tất cả các gia đình người Tày, Nùng, Choang dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thờ tổ tiên gia tộc: thờ tổ tiên gia tộc là nội dung cơ bản trong tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Tày. Bàn thờ tổ tiên nơi tổ tiên ngự mỗi khi được con cháu mời hưởng lễ vật. Có thờ cúng tổ tiên thì phải lập bàn thờ. Vì vậy, trong bất kì gia đình Tày nào cũng có một bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được đặt trang trọng ở gian chính giữa của ngôi nhà. Trên bàn thờ đặt ít nhất một
bát hương thờ các vị tổ tiên nhưng các gia đình thường đặt ba bát hương. Người chết dưới 3 năm phải lập bàn thờ riêng ở góc nhà, sau 3 năm mới được đưa lên thờ chung với các vị tổ tiên nhiều đời của gia đình thông qua một nghi lễ gọi là cởi tang.
Thờ tổ tiên dòng họ: Ngoài thờ cúng tổ tiên ở trong gia đình ở một số dòng họ Tày còn có tục thờ dòng họ. Nơi thờ dòng họ của các gia đình Tày được chọn tương đối đa dạng, có thể là một gốc cây, một góc rừng, một hòn đá, hay một nhà thờ họ.
Thờ tổ sư: những người làm nghề thầy cúng Tày ngoài thờ cúng tổ tiên gia tộc như các gia đình khác ra họ còn thờ các vị tổ sư là những người truyền nghề thầy cúng cho tổ tiên gia đình họ.
Thờ thần dân tộc: ở một số địa phương dọc biên giới Việt - Trung như ở các huyện Tịnh Tây, Thiên Đẳng của Quảng Tây và khu tự trị Choang Vân Sơn của tỉnh Vân Nam và một số huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn của Việt Nam có khá nhiều nơi lập miếu thờ Nùng Trí Cao, người được tôn là anh hùng dân tộc của nhóm các dân tộc Tày, Nùng, Choang ở khu vực này. Khoảng giữa thế kỷ XI Nùng Trí Cao là thủ lĩnh của khu vực này. Năm 1053, ông bị nhà Tống đánh bại, tàn quân chạy dạt về huyện Nguyên Giang giáp với Xixoangbana của Vân Nam. Nùng Trí Cao được dân chúng của ba dân tộc Tày, Nùng và Choang thuộc khu vực nói trên thờ cúng và tôn là thiên tử. Đền Kỳ Sầm thờ Đại vương Nùng Trí Cao của người Tày, Nùng ở Cao Bằng được đặt tại xã Thượng Cần, huyện Thạch Lâm, nay là Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 5 km. Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm. Nhân dân khắp vùng nô nức đi trẩy hội.
Thờ thần tự nhiên: sản xuất nông nghiệp là phương thức sản xuất truyền thống lâu đời của người Tày nên để cầu mong được mùa, có cuộc sống no đủ, bình an người ta chỉ biết trông chờ vào sự thuận lợi của thiên nhiên. Vì vậy, có thể nói sùng bái tự nhiên là một tín ngưỡng cổ sơ của người Tày liên quan chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và làm ăn sinh sống. Căn cứ vào tính chất và ý nghĩa thờ cúng đối với các loại thần, có thể tạm phân chia các vị thần tự nhiên ra thành: thần quản môi trường thiên nhiên, thần quản việc sản xuất, thần bảo hộ bình an. Trong đó, các thần môi trường tự nhiên gồm thần Mặt Trời, thần Nước, thần Lửa, thần Núi, thần Cỏ cây... Trong đó, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu không chỉ đối với sinh hoạt của con người mà còn đối với việc trồng trọt. Các nghi lễ liên quan đến việc thờ nước khá đa dạng và phong phú. Họ có cả một loạt các thần trông coi về nước, cao nhất trên trời có mẹ trời quản mưa gió và thần sấm, dưới đất có long thần, thuỷ thần, thần sông, thần suối, thần ao hồ... Các nghi lễ liên quan đến việc cúng tế các vị thần này cũng rất đa dạng muôn hình muôn vẻ. Các nghi lễ chủ yếu liên quan đến việc cầu mưa, cầu nước, có các nghi lễ tổ chức định kì hàng năm và có các nghi lễ bất thường. Các nghi lễ bất thường phần lớn được tiến hành khi có hạn hán xảy ra cần phải tế thần cầu mưa, cầu nước. Từ tâm thức thờ nước đã nảy sinh nhiều sinh hoạt nghi lễ khá đặc sắc. Cũng như người Tày, người Choang cũng thờ thần Nước và họ cũng có nghi lễ của riêng mình: chẳng hạn ở huyện Đông Lan của Quảng Tây có tục thờ thần ếch, coi thần ếch là con gái của thần sấm, tôn làm mẫu thần trở thành hình tượng của sự tốt lành. Lễ hội ếch được tổ chức hàng năm rất náo nhiệt kéo dài trong nửa cuối tháng giêng âm lịch. Nhưng cũng từ tâm thức thờ nước mà người Tày có những kiêng kị khá đặc biệt, ví dụ như coi cầu vồng là điềm xấu, nơi cầu vồng chúc xuống sẽ bị mất nước vì cầu vồng hút nước. Vì vậy, bản làng nào bị cầu vồng chúc xuống người ta phải mổ lợn để tế cầu vồng giải hạn.