6. Bố cục của luận văn
2.4.5 Trong văn học nghệ thuật
Bênh cạnh truyền thuyết, kho tàng ca dao Tày cũng chiếm một số lượng đáng kể trong đời sống văn hoá tinh thần của người Tày. Như Hoàng Triều Ân đã khẳng định "nền thơ ca truyền miệng (chủ yếu là ca dao) của hai dân tộc Tày và Nùng phong phú. Với nền văn hoá lúa nước - nương rẫy - ao vườn (văn hoá thung lũng) người Tày và người Nùng có cùng trình độ tổng hợp nhiều mặt (kể cả đời sống văn hoá) khá cao và ổn định" [4; tr 6]. Cũng theo Hoàng Triều Ân thì "Ca dao là những bài thơ lưu truyền trong dân gian, có chương khúc hoặc không có chương khúc, có hai ba câu hoặc có hai ba chục câu, nhằm diễn tả nhận thức, tâm lí, tình cảm (chủ yếu là tình cảm) của mình đối với thiên nhiên vũ trụ, đối với cuộc sống xã hội có giai cấp, đối với đời sống tình cảm cha con, vợ chồng, nhất là tình yêu nam nữ..." [4; tr 7]. Kho tàng ca dao của người Tày rất phong phú, tuy nhiên, trong khuôn khổ luận văn này tôi chỉ đề cập đến những bài ca dao có nói đến yếu tố nước như một thành tố văn hoá xuất hiện trong các câu ca dao. Người Tày từ xa xưa đã chọn địa bàn định cư chủ yếu là ở các thung lũng ven các con sông, con suối. Và cuộc sống lao động sản xuất ở vùng thung lũng chắc chắn thuận tiện hơn cho việc canh tác. Có một bài ca dao ngắm thung lũng, ngắm nhà cửa của đồng bào rất điển hình:
Vào thung, ta ngắm thung này to Vào mường ta ngắm mường này rộng Đầu thung có chim phượng biết bay Cuối mường có kỳ lân biết nhảy
Trên cao có nước biển vượt đèo Trước nhà có ruộng ao vịt lội... ... Ta lại bước đi lên
Xem vườn hoa vườn quả Xem đến khóm cây cau
Xem đến bụi trầu không nặng võng Mỏ nước trải gỗ vác đẹp không? Hai bên gỗ vông áp sát
Mồ côi xem bóng đến soi Thiếu phụ về giặt áo...
(Bài 175) [4; tr 103 - 105].
Để có được mùa màng tốt tươi, vụ mùa bội thu thì đồng bào đã phải đổ mồ hôi, vắt óc sáng tạo hoặc khai thác những điều kiện sẵn có của thiên nhiên để áp dụng vào sản xuất. Họ đã tạo ra các cọn nước, lợi dụng dòng chảy xiết cho guồng quay để chuyển nước từ suối lên ruộng đồng:
Gầm trời khô cạn ruộng se
Thần Nông mới tính trở về cọn quay Đưa nước suối lên tràn đầy...
(Bài 179) [4; tr 107].
Họ còn có câu ca dao hướng dẫn việc chọn mạch nước như sau:
Khỏm pát tênh tôm quá khoẳng Njẩư lăng pát tên thứa lẻ mỳ nặm
Có nghĩa là: Úp bát trên đất để qua đêm
Sáng hôm sau bát đọng mồ hôi là có nước
Lớp người trước sáng tạo, lớp người sau tiếp bước, bổ sung và hoàn thiện cọn nước để dẫn thuỷ nhập điền. Vậy, Thần Nông thực chất là ai? Thực chất, đó là chủ nhân của ruộng đồng, là chính người nông dân chân chất, thật thà.
Họ là những con người cần cù, đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên. Nơi nào có điều kiện thuận lợi hơn, độ cao giữa mặt ruộng với mặt suối không quá chênh lệch thì họ bắc máng: "Nước khe bắc máng dẫn về" (bài 110) [4; tr 81].
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian của người Tày còn lưu truyền cho đến ngày nay, ta cũng thấy sự hiện diện của yếu tố nước. Đó là các buổi lễ cúng cầu phúc, cầu may nhân dịp đầu xuân. Đồng bào mời thầy cúng đến cúng và hát trong những dịp lễ này. Bài hát cúng nổi tiếng nhất của đồng bào Tày là khúc hát "Khảm hải", tức là khúc hát "Vượt biển". "Khảm hải" là một bài hát truyền miệng dài hàng nghìn câu nói lên cảnh bất công trong xã hội phong kiến, những đau khổ của người lao động nghèo khó, sự bế tắc của con người sống trong xã hội ấy. Con người ở đây là con người bị trị, những sa dạ, sa dòng quanh năm nai lưng làm lụng một nắng hai sương mà vẫn nghèo xơ nghèo xác "dưới bãi chẳng có một cọng rơm, cổng vườn không có một vỏ trấu". Những người ấy, sinh thời đã bị bọn vua quan ép đi phục dịch "chèo thuyền qua sông qua biển" mang đồ cống lễ lên quan trên. Khi chết, họ lại bị bọn quan sláp, chúa tể xứ ma, bắt đi phục dịch "chèo thuyền qua sông qua biển" mang đồ cúng lễ lên quan trên miền âm phủ. Như vậy, con người dưới chế độ xã hội phong kiến lúc sống đã phải làm tôi tớ, đến khi chết vẫn không thoát vòng tôi tớ. "Khảm hải" là khúc hát lâm ly, đau khổ của những con người bế tắc cùng cực ấy. Từng lời thơ là từng dòng nước mắt, cũng chính là từng giọt máu. Mặc dù tiếng hát "Khảm hải" ít nhiều có nét tiêu cực của những con người tiêu cực nhưng xét một cách tổng thể thì đây chính là lời tố cáo mạnh mẽ và xót xa, mang tính hiện thực. "Khảm hải" là khúc ca ai oán nổi tiếng của người Tày, qua đó bức tranh cuộc sống của người dân dưới thời phong kiến hiện lên một cách sinh động và đầy cảm xúc. Trong xã hội tưởng tượng đó, hình ảnh nước hiện lên thật hãi hùng với những người dân bị trị. Lúc sống cũng như khi chết, cuộc sống của họ không thoát khỏi những áp bức,
bất công từ quan trên với những chuyến hành trình lênh đênh trên sông trên biển dài bất tận. Có lẽ trong tâm thức của người dân, hình ảnh về nước vừa thật mềm mại nhưng cũng thật khó nắm bắt và chế ngự (nhất là trên các con sông và những trận lũ quét đáng sợ) nên họ đưa hình ảnh sông nước mênh mông vào khúc hát Khảm hải để tỏ lòng sợ hãi thiên nhiên. Như trong cuốn "Khảm hải" tác giả Vi Hồng Nhân có nói: "... Biển trong trường ca Khảm hải là đại dương nước mắt của chúng sinh, là bể khổ của nỗi cực nhọc, nỗi trầm luân chết chóc của chúng sinh. Cái nước biến hóa kì ảo của đại dương trong trường ca là nước của máu, nước mắt của mồ hôi chúng sinh ngưng đọng để thành bể khổ bể thảm, bể trầm luân của mọi kiếp người. Phải chăng đó là một thứ triết lí đạo Phật đã biến hóa mang tính chất Tày đậm đặc. Vì thế nước biển trong Khảm hải nó kì ảo đến vậy, rùng rợn và khủng khiếp đến vậy, lạ lẫm và ma quái đến vậy" [54, tr 11].
Truyện thơ Nôm Tày hầu như là truyện cổ tích dân gian truyền miệng thể hiện bằng văn vần mà hình thức là thơ bảy chữ trường thiên, gieo vần ở từ thứ năm và thứ bảy của mỗi câu. Truyện thơ Nôm Tày cũng là một kho tàng tri thức chứa đựng nhiều bài học và được lưu truyền đến ngày nay. Những truyện này được các nhà nho viết ra. Lúc đầu, tác phẩm được ghi lại bằng chữ Nôm để dùng làm bản gốc, sau đó truyền miệng lại cho những người yêu thích cho đến khi thuộc lòng để trở thành văn học truyền miệng, truyền từ người này sang người khác và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điểm đáng chú ý là hầu hết truyện thơ Nôm Tày đều khuyết danh và không ghi niên đại xuất xứ, truyện nào cũng mượn địa danh Trung Quốc (nước Hán, nước Tần, nước Sở, nước Việt, Tràng An...). Tên nhân vật cũng lấy từ lịch sử văn học Trung Quốc. Điều này có thể là do nguồn gốc của người Tày rất gần với dân tộc Choang của Trung Quốc. Nơi cư trú chủ yếu của người Tày là nơi biên cương địa đầu Tổ quốc, luôn luôn bị quân xâm lược bên ngoài đe doạ. Đó là hiện thực xã hội
từ xa xưa. Và chính hiện thực xã hội ấy được phản ánh sâu sắc vào trong văn học. Trong nhiều truyện thơ Nôm Tày với chủ đề chống giặc ngoại xâm thì nhân vật chính đều là người có võ nghệ phi thường để chống lại kẻ thù. Trong hệ thống truyện thơ Nôm Tày, tôi chỉ kể ra các truyện có liên quan đến yếu tố nước, qua đó thấy được ảnh hưởng của nước trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào nơi đây. Và truyện “Đính Quân” là một truyện thơ nổi tiếng về chủ đề người anh hùng yêu nước và quyết tâm vượt mọi gian nguy để bảo vệ non sông đất nước mình. Truyện “Đính Quân” được kể tóm tắt như sau:
"Đính Quân là con trai quan tư mã Hán Độ nước Sở. Hán Độ được nhà vua cử đi đánh giặc, bắt được tướng giặc là Cao Dũng. Nhưng Cao Dũng có tài phép thuật cao cường đã trốn thoát làm cho Hán Độ bị nhà vua nghi ngờ ngầm tha Cao Dũng.
Căm thù giặc giày xéo đất nước, Đính Quân xin phép mẹ cho đi tìm học võ để trở về phò vua giúp nước, giữ gìn Tổ quốc. Vượt qua bao nhiêu bước gian lao nguy hiểm, Đính Quân đi từ dương gian lên tới thiên đình. Qua nhiều cuộc thử thách lớn, thấy Đính Quân trung thực, có lòng yêu nước yêu dân, vua Thiên đình cử Bụt Luông truyền võ và luyện phép cho chàng. Sau một thời gian dài chịu đựng vất vả, khổ học khổ luyện, chăm chỉ tập rèn, Đính Quân đã học thuộc nhiều phép thuật biến hoá thần thông. Bụt Luông cho chàng trở về nước.
Trên đường về quê nhà, Đính Quân đi qua nước Hán. Nhân lúc công chúa con vua Hán bị Long vương bắt đem về Long cung ép làm vợ, vua Hán mời Đính Quân ở lại giúp nhà vua đi tìm công chúa. Bằng nhiều mưu mẹo khôn khéo, Đính Quân đã mưu trí và dũng cảm cứu được công chúa về cung vua Hán. Bị Đính Quân cướp mất vợ, Long vương sai đại quân giao ngạc, thuồng luồng ra đuổi đánh Đính Quân. Đính Quân võ nghệ cao cường, dùng phép lửa, các phép thần thông biến hoá đánh bại đại quân hung hãn của Long Vương và
bắt được cả Long Vương. Long vương thua phải rút quân về.
Vua Hán cảm phục Đính Quân, phong chức quan tể tướng và gả công chúa cho Đính Quân.
Ít lâu sau, Đính Quân về thăm cha mẹ ở nước Sở. Chàng vào yết kiến vua Sở giữa lúc Cao Dũng lại cất đại quân sang đánh nước Sở và bắt được Thái tử nước Sở đang làm tướng cầm quân ở ngoài trận địa.
Biết Đính Quân có tài võ cao cường và có nhiều phép thuật thần thông biến hoá, nhà vua cử Đính Quân làm tướng cầm quân ra dẹp giặc. Đính Quân phụng chiếu chỉ cất quân ra trận, chàng hùng dũng dùng phép hô phong hoán vũ, phép đảo hải di sơn, hạ phép hoả công, sai quỷ quân, quỷ tướng ra chống đánh Cao Dũng. Cao Dũng cũng là tay tướng đại tài dở hết các phép hoán vũ hô phong, phép di sơn đảo hải ra chống lại. Nhưng vì Đính Quân làm việc chính nghĩa, bảo vệ non sông đất nước nên Bụt Luông cử thêm một số tướng nhà trời xuống giúp Đính Quân. Đính Quân đã dũng cảm đánh thắng Cao Dũng.
Vua nước Sở hết lời khen ngợi Đính Quân, phong chức quan tể tướng cho chàng. Trong buổi tiệc ăn mừng thắng trận, nhà vua làm lễ nhận Đính Quân làm phò mã lấy công chúa nước Sở.
Với lòng quyết tâm diệt giặc, thông minh, dũng cảm và mưu trí, Đính Quân được làm phò mã và giữ chức tể tướng của hai nước Hán, Sở." [18; tr 195-197].
Trích một đoạn thơ dịch: Đính Quân đánh Long vương cứu công chúa nước Hán:
Long vương biết rõ truyện nàng về Liền sai tướng Mãng xà giỏi võ Cùng muôn vàn quỷ sứ chặn đường Nổi sấm sét bốn phương nước lũ
Trước mặt bao rắn dữ thuồng luồng Đính Quân gieo thần thông phép lạ Tay bắn cung Bụt Cả thượng phương Lửa cháy cạn nước dòng biển cả Rắn, giao ngạc, xác bỏ vô vàn...
... Long vương vẫn còn giận không tha Gọi Tây Bá, Bạch La hai tướng
Dẫn quân lên chặn đón trần gian Chàng dùng phép sái khang biến hoá Thắt cổ hết các cỡ thuồng luồng Quân Long cung hàng ngàn chết rũ Trận này Long vương tự thân chinh Tướng Mãng Xà Long Lân không trễ Quân kéo đầy các ngả ngoài dinh Quân đầu trâu cùng quân đầu ngựa Quân hổ vằn hung dữ muôn vàn Long vương ngự kiện vàng đi giữa Bên vương có vạn rưỡi thuồng luồng Đính Quân báo thiên nhan cung Bụt Tướng Ngũ Lôi cùng tướng Kim Cang Phép lửa cháy bạt ngàn đại hải
Nước sôi tận đáy bể bốc hơi Bắt giữ cả Long vương hung bạo
Bắt vương cởi hết áo mũ rồng [18; tr 198 - 200]
Nếu ta đi dọc trên con đường về các bản của người Tày ở Cao Bằng, ta sẽ nghe văng vẳng đâu đó những âm thanh trong veo cất lên. Những âm thanh có vần điệu, lúc trầm lúc bổng khiến cho người nghe cảm thấy nao lòng. Đó
chính là những điệu hát sli, lượn của cư dân Tày ở đây. Những âm thanh đó gắn bó với đời sống hàng ngày của cư dân. Khúc hát sli, lượn được coi là một nét văn hoá đặc sắc của cư dân Tày nói chung, đồng thời cũng là nét văn hoá tinh thần đặc sắc của cư dân Tày ở Cao Bằng nói riêng. Hát sli, lượn được cất lên ở mọi lúc, mọi nơi, khi mọi người đang lao động mệt nhọc, lúc giao duyên trong các lễ hội.
Thực ra, hát sli, lượn là một cách thức rất độc đáo của cư dân Tày để giải toả những nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống lao động hàng ngày. Khúc hát sli, lượn luôn thường trực trong tâm tưởng của họ. Ngoài những dịp lễ tết hay các lễ hội, khúc hát sli, lượn luôn được ngân vang trên các sườn đồi trong khi đang làm nương rẫy, lấy củi…
Theo như các tài liệu về hát sli, lượn đã được nghiên cứu và công bố, hầu hết đều thống nhất rằng có hai hình thức hát là hát đôi và hát đơn.
Hát đôi bao gồm: lượn Ngạn, lượn Phủ. Những điệu hát đôi truyền thống, hễ có người cất tiếng lượn “tức lượn” hoặc “tài sli” luôn phải có đôi, giọng cao giọng thấp nâng đỡ nhau, có giai điệu ổn định, cung cách hát thành nền nếp từ lâu. Sở dĩ có hình thức hát đôi này là do: đồng bào Tày chủ yếu sống ở miền núi vốn lắm thú dữ, mỗi khi đi đâu đồng bào thường rủ thêm một người nữa đi cùng cho đỡ sợ. Trong lúc đi qua bản nào đó, có người cất tiếng mời lượn thì lập tức hai người cùng trả lời. Đây có thể coi là một nét tâm lí của đồng bào Tày làm việc gì cũng có người bạn giúp đỡ, thể hiện sự cố kết cộng đồng.
Hát đơn bao gồm: Lượn Sương (Lượn Slương), Lượn Nàng ới, Lượn Cọi, Lượn then, Lượn tại, sli La Hồi
+ Lượn Sương hoặc lượn Slương: phân bố từ phía nam Cao Bằng đi xuống vùng phía bắc Lạng Sơn. Tập trung ở các huyện: Đông Khê, Phục Hoà (Cao Bằng), và Thất Khê (Lạng Sơn).
+ Lượn Nàng ới: phấn bố ở phía Bắc tỉnh như vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng), Vỏ Sốc - Mỏ Sắt, Háng Gải…
+ Lượn Cọi: phân bố chủ yếu ở phía tây tỉnh Cao Bằng - huyện Bảo Lạc, phía bắc tỉnh Bắc Kạn, phía bắc tỉnh Tuyên Quang đến Hà Giang.
+ Lượn Phủ: phân bố chủ yếu ở các huyện: Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Uyên.
+ Sli La Hồi: phân bố chủ yếu ở huyện Phục Hoà đối diện huyện Long Châu - Trung Quốc.
Bên cạnh những khúc hát thường ngày, hát sli, lượn còn được đồng bào Tày sử dụng trong các lễ hội truyền thống. Ví dụ như trong lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nàng Hai... Những khúc hát then, lượn không thể thiếu trong cả phần lễ và phần hội của các lễ hội. Ngay như trong các sinh hoạt nghi lễ mang tinh chất gia đình như ma chay, cưới xin... thì những câu hát then, sli, lượn cũng nằm trong hệ thống nghi lễ. Có những bài hát riêng mang ý nghĩa phù hợp với từng hoàn cảnh nhất định. Ví dụ: trong đám tang của người Tày có những khúc hát riêng cho bố, cho mẹ..., rồi đến lễ cởi tiếng thì cũng có khúc hát riêng cho từng giai đoạn trong nghi lễ cởi tang...