Tương quan của tỷ số S/D với tuổi, tần số tim và diện tích da

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tỷ số giữa thời gian tâm thu và thời gian tâm trương ở người bình thường và người tăng huyết áp bằng siêu âm Doppler tim (Trang 60)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ số S/D không có tương quan với tuổi. Tỷ số S/D tương quan nghịch biến lỏng lẻo với diện tích da (r = - 0,34, p < 0,05). Trong nghiên cứu của Roberto Sarnari và cộng sự trên 179 trẻ bình thường, khi phân tích hồi quy đơn biến, tỷ số S/D có tương quan yếu với tuổi và diện tích da.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ số S/D, thời gian tâm thu, thời gian tâm trương đều có tương quan tuyến tính chặt chẽ với tần số tim. Phương trình biểu diễn mối tương quan giữa tỷ số S/D và tần số tim là: S/D = 0,007 x Tần số tim + 0,206 (r = 0,5, p < 0,05). Qua đó cho thấy, khi tần số tim tăng thì tỷ số S/D tăng và ngược lại. Điều này giải thích sự khác biệt về tỷ số S/D trong hai nghiên cứu được phân tích trong mục 4.1.1.

61

Trong nghiên cứu của Roberto Sarnari và cộng sự [36] trên 179 trẻ bình thường, tỷ số S/D cũng có tương quan tuyến tính chặt chẽ với tần số tim theo phương trình : S/D = 0,0072 x Tần số tim + 0,2969 (r = 0,7224, p< 0,0001). Cho đến nay, mặc dù chưa tham khảo được công trình nghiên cứu nào về tỷ số S/D ở người trưởng thành nhưng phải nói rằng đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến mối quan hệ tuyến tính chặt chẽ giữa tần số tim và thời gian tâm trương toàn bộ. Trong nghiên cứu gồm 66 người bình thường, tuổi đời từ 21-78 với tần số tim từ 50 - 88 chu kỳ/phút, Gardin và cộng sự [27] xác nhận tần số tim và thời gian tâm trương toàn bộ có mối liên quan tuyến tính ngược rất chặt chẽ (r = - 0,85, p < 0,001). Tương tự, trong nghiên cứu của Tạ Mạnh Cường [2] trên 107 người bình thường với tần số tim dao động từ 52 – 91 chu kỳ/phút, tác giả này cũng cho biết có mối tương quan tuyến tính ngược chặt chẽ giữa tần số tim và thời gian tâm trương toàn bộ (r = - 0,80, p < 0,05). Trong nghiên cứu của chúng tôi, tần số tim từ 56 - 100 chu kỳ/phút, hệ số tương quan giữa hai thông số này là r = - 0,92 (p< 0,001).

Về mặt sinh bệnh học, các nhà nghiên cứu cho rằng tần số tim tăng có thể gây rối loạn đến chức năng tâm trương thông qua một số cơ chế mà trong đó rút ngắn thời gian đổ đầy khi nhịp tim nhanh là tác nhân quan trọng [12], [40].

4.2. Nhóm đối tượng tăng huyết áp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tỷ số giữa thời gian tâm thu và thời gian tâm trương ở người bình thường và người tăng huyết áp bằng siêu âm Doppler tim (Trang 60)