Hai phương pháp đông tụ thường dùng để tạo vi nang bao gồm:
Quá trình đông tụ đơn giản (simple coacervation) dựa trên phương thức đẩy một polymer ra khỏi pha nước bằng cách bổ sung các chất (ví như muối hay rượu) có ái lực với nước mạnh hơn polymer đó. Quá trình này có bản chất của một quy trình tách nước trong đó quá trình phân tách pha lỏng giúp hình thành nên các phần tử dạng rắn do các giọt dầu được bao trong lớp vỏ polymer và khi lớp vỏ cứng lại sẽ tạo thành các hạt vi nang.
Quá trình đông tụ phức hợp (complex coacervation) lại hình thành nên phức hệ mang điện trái dấu. Quá trình này bao gồm việc phối trộn hai dung dịch keo tại giá trị pH thích hợp sao cho một dung dịch keo tích điện âm, trong khi dung dịch keo còn lại sẽ tích điện dương, việc phối trộn như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng tách pha và các phần tử dạng rắn hay các giọt lỏng sẽ được bao trong lớp vỏ hình thành từ hỗn hợp keo trên (Rabiskova và Valaskova, 1998).
Một số thông số như trọng lượng phân tử của polymer, tỷ lệ về khối lượng giữa các polymer sử dụng, nhiệt độ và thời gian tiến hành đều có thể tác động đến quá trình hình thành cũng như mức độ hoàn thiện của giọt đông tụ. Phương pháp đông tụ thích hợp khi vật liệu nhân nang ở thể rắn hoặc lỏng thuộc nhóm chất không tan trong nước, như vậy các hoạt chất sẽ không bị hòa tan vào pha nước. Có thể sử dụng các chất hoạt động bề mặt kỵ nước nhằm tăng hiệu suất bao quanh pha dầu (Rabiskova và Valeskova, 1998)
Các giọt tụ coacervate được hình thành thông qua cơ chế tách pha lỏng-lỏng từ một dung dịch nước thành một pha lỏng giàu polymer (pha đông tụ) và một pha lỏng nghèo polymer. Tùy theo số lượng các dạng polymer hiện diện trong chất lỏng mà quá trình có thể được xếp loại như sau: quá trình đông tụ (đơn giản) khi chỉ có một loại polymer hiện diện, hay là quá trình đông tụ phức hợp khi trong dung dịch
có chứa ít nhất hai loại polymer tích điện trái dấu. Trong đó, dạng giọt tụ phức hợp thường được dùng để tạo vi nang chứa các chất mang hoạt tính.