I. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN LUẬT BV & PTR NĂM 2004
8 .1 Tương quan giữa Luật BV & PTR và Luật bảo vệ môi trường
- Thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật bảo vệ rừng với các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Cụ thể như sau:
+ Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, các loại rừng được chuyển mục đích sử dụng khác không phải là lâm nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều đó có nghĩa, tất cả các dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng đều phải thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường quy định chỉ một số dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, như: diện tích từ 5 ha trở lên đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn sóng, rừng đặc dụng; diện tích từ 10 ha trở lên đối với rừng tự nhiên; diện tích từ 50 ha trở lên đối với các loại rừng khác.
- Thiếu quy định hướng dẫn cụ thể về tiêu chí và điều kiện chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác. Vấn đề này hiện mới được quy định chung tại Điều 27 Luật BV & PTR. Theo đó, trách nhiệm hướng dẫn cụ thể vấn đề này được quy định cho Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BV & PTR không có quy định cụ thể về vấn đề này và cho đến nay cũng vẫn chưa có Nghị định nào được ban hành hướng dẫn chi tiết về điều đó.
8.2. Tương quan với Luật đất đai
- Điểm bất cập đáng quan tâm nhất giữa Luật BV& PTR và Luật đất đai năm 2003 là phân loại đất. Điều 13 Luật đất đai năm 2003 phân loại đất thành đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mỗi loại đất này đều được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Theo Luật đất đai thì không có khái niệm đất lâm nghiệp (Luật đất đai năm 2013 không có sự thay đổi so với Luật đất đai năm 2003 về phân loại đất).
- Theo Điều 4 Luật BV & PTR, rừng được phân thành 3 loại theo mục đích sử dụng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Mỗi loại rừng này lại được phân thành nhiều loại, trong khi đó Luật đất đai chỉ phân thành 3 loại đất rừng: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
Sự khác nhau giữa phân loại đất rừng và rừng tạo ra sự bất cập lớn. Đất mà trên đó có rừng tự nhiên thì được coi là loại đất gì để từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể được giao rừng tự nhiên hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Sự khác nhau trong cách phân loại đất rừng theo Luật đất đai và phân loại rừng theo Luật BV & PTR đương nhiên tạo ra những bất cập cho việc giao đất và giao rừng, xác định thẩm quyền giao đất, giao rừng. Một thực tế không thể nằm ngoài nhận thức của các cơ quan có chức năng soạn thảo luật đó là rừng gắn với đất, không thể tách rời rừng và đất. Luật đất đai năm 2003 cũng không qui định rõ khái niệm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất nên có cách hiểu khác nhau, dẫn đến số liệu thống kê giữa ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành NN và PTNT khác nhau.
8.3. Tương quan với Luật đa dạng sinh học
- Ban hành sau so với Luật BV & PTR song Luật đa dạng sinh học vẫn chứa đựng một số qui định không tương thích, thậm chí mâu thuẫn trong lúc đa dạng sinh học gắn liền mật thiết với môi trường rừng. Rất nhiều định nghĩa, qui định trong Luật đa dạng sinh học dễ tạo ra sự bất tương thích và mâu thuẫn với Luật BV& PTR. Nếu phân tích kỹ những thuật ngữ được giải thích trong Điều 3 Luật BV&PTR với Điều 3 Luật đa dạng sinh học sẽ thấy được rất rõ nguy cơ này. Trên thực tế, khi thực hiện Luật đa dạng sinh học và Luật BV& PTR một số bất cập trong cách phân loại phân khu bảo tồn đa dạng sinh học với việc phân loại rừng đặc dụng. Những qui định liên quan đến qui chế pháp lý về khu bảo tồn trong Luật đa dạng sinh học và các qui định về quản lý rừng đặc dụng cũng có một số mâu thuẫn (được thể hiện chi tiết ở mục “ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”- trang 22-26)
8.4. Mức độ cân bằng giữa bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường chưa được thể hiện rõ
trong Luật BV & PTR
Luật BV & PTR được xây dựng và ban hành trước khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực nên sự kết hợp giữa yếu tố bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường chưa được quán triệt toàn diện trong các qui định của Luật này. Đây chính là điểm mà Luật BV & PTR năm 2004 yếu hơn so với những pháp luật về rừng mà một số quốc gia mới ban hành trong những năm gần đây. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau:
- Luật BV& PTR thiếu quy định về dịch vụ môi trường rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trong văn bản Luật làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động này trên thực tế. Dịch vụ môi trường và chi trả dịch vụ môi trường đã được quy định chung trong Luật Đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Luật BV & PTR, văn bản QPPL chuyên ngành có hiệu lực pháp lý cao nhất trong bảo vệ và phát triển rừng lại chưa có quy định về loại hình dịch vụ này áp dụng riêng cho lĩnh vực bảo vệ rừng. Luật BV & PTR
có quy định nguồn tài chính để BV & PTR nhưng không quy định rõ thu từ chi trả dịch vụ môi trường là một nguồn tài chính để bảo vệ và phát triển rừng.
- Thiếu quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cộng đồng theo hướng tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các cam kết chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong chi trả dịch vụ môi trường nói chung, chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan tham gia cam kết chi trả dịch vụ môi trường rừng đều phải có đủ tư cách pháp để tham gia ký kết hợp đồng, quản lý, làm chủ và nhận lợi ích từ việc sử dụng rừng. Tại Việt Nam, theo quy định chung của pháp luật dân sự, các cá nhân và các tổ chức có tư cách pháp nhân có quyền ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, quyền để tham gia ký kết hợp đồng và các quan hệ hợp pháp dân sự khác của cộng đồng còn bị hạn chế. Riêng đối với cam kết chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng không có quy định cụ thể cho vấn đề này.
8.5. Tương quan với các công ước quốc tế liên quan
- Luật BV & PTR nói riêng và pháp luật BV & PTR nói chung vẫn còn có nhiều điểm chưa phù hợp với một số công ước quốc tế có liên quan như CITES, RAMSAR, Công ước về biến đổi khí hậu, Công ước về đa dạng sinh học, như thiếu sự thống nhất trong quy định về phân loại khu bảo tồn, thẩm quyền quyết định thành lập khu bảo tồn, thành lập vườn quốc gia, thiếu thống nhất trong việc phân cấp tổ chức quản lý khu bảo tồn, thiếu các quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của các trung tâm cứu hộ động vật, quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật rừng quý hiếm thuộc phụ lục của Công ước CITES hoặc chưa phù hợp, hoặc thiếu cụ thể (được thể hiện chi tiết ở mục “ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”- trang 22-26)