Sau khi xây dựng xong dụng cụ đo và chọn mẫu, bạn sẽ triển khai kế hoạch thu thập dữ kiện. Công việc này đòi hỏi bạn phải thâm nhập thực tế, tiếp cận các địa điểm đã chọn. Việc thu thập dữ kiện có thuận lợi hay không, tuỳ thuộc sự chuẩn bị từ trước. Cụ thể là có được sự ủng hộ của cán bộ quản lí, của giáo viên trường đó không ? Công việc có kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần không ? Thời điểm thu thập có trùng vào các hoạt động thi, kiểm tra giữa học kì của trường ? Các phiếu điều tra có in đủ số lượng ? Các câu hỏi phỏng vấn có chuẩn bị cẩn thận ?, v.v...
Các dữ kiện thu về cần phải qua khâu xử lí mới có được kết quả. Tuỳ thuộc vào các loại thông tin, phải sử dụng cách xử lí khác nhau. Những câu hỏi trong phiếu điều tra thường có hai loại:
– Nếu là câu hỏi cho phép các câu trả lời tự do: dùng phương pháp phân tích nội dung để phân loại các ý và thống kê tần số.
– Nếu là câu hỏi có nhiều mức, buộc người trả lời phải chọn lựa: dùng các số thống kê để mô tả và thống kê suy diễn để phân tích, đối chiếu.
Tuỳ thuộc vào từng phương pháp nghiên cứu mà có cách xử lí khác nhau.
Nhiệm vụ
Hãy phác hoạ trên một tờ giấy thứ tự các việc phải làm từ khâu chuẩn bị tại nhà cho đến khi phát và thu lại được các phiếu điều tra trên một mẫu đã chọn.
Nhiệm vụ 6.2: Làm việc theo nhóm (15 phút).
Bảng điều tra của bạn có 12 câu hỏi với 5 mức chọn (từ rất ít đến rất thường xuyên) và 3 câu hỏi với trả lời tự do. Người trả lời chỉ chọn 1 trong 5 mức bằng cách đánh dấu X đằng trước. Số phiếu thu về được 360. Hãy trình bày cách thức xử lí của mình và thảo luận trong nhóm để đi đến thống nhất cách xử lí thông tin về số người chọn và tỉ lệ % cho từng mức.