Một số kinh nghiệm nước ngoài về tổ chức chính quyền đô thị

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 35)

Mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào hình thức tổ chức nhà nước, truyền thống văn hóa, đặc điểm dân cư... Tuy

nhiên, có thể nêu ra một số điểm chung về tổ chức chính quyền đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiệm vụ chính của chính quyền đô thị là: Cung cấp các loại hình dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ban hành các quy định có lợi cho người dân đô thị về sức khỏe, phúc lợi xã hội và trật tự an ninh.

- Địa vị pháp lý và nguồn kinh phí cho hoạt động của tổ chức, quản lý chính quyền đô thị: Tổ chức chính quyền đô thị được quy định rõ trong Hiến pháp một số nước ở Châu Á, Châu Phi, Đông Âu, Mỹ la tinh, ngược lại, các quốc gia như Mỹ, Anh... vấn đề này không được đề cập trong Hiến pháp mà được quy định bởi các văn bản luật của chính quyền địa phương. Ví dụ ở Anh, thẩm quyền cho chính quyền thành phố là: "Các thành phố tự quản có thể làm bất kỳ việc gì có lợi cho công dân địa phương mình và không thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương" [24, tr. 54]. Về nguồn kinh phí cho hoạt động của chính quyền đô thị cũng có sự khác biệt đáng kể: ở một số nước châu Á, thường do Trung ương cấp và các nguồn thu trực tiếp của chính quyền đô thị trên địa bàn đô thị đó. Tuy nhiên ở nhiều nước phương tây, nguồn kinh phí này được quy định trong luật tự quản địa phương và chính quyền đô thị được đồng nhất với chính quyền tự quản địa phương.

- Mô hình tổ chức chính quyền đô thị: Mô hình Thị trưởng - Hội đồng được áp dụng khá nhiều ở các quốc gia khác nhau. Với mô hình này, tùy thuộc vào sự phân quyền, cách thức tổ chức nhà nước mà mỗi đô thị có mô hình Thị trưởng mạnh hay Hội đồng mạnh.

+ Thị trưởng: Ở một số nước, thị trưởng được bầu trực tiếp song ở nhiều quốc gia thì thị trưởng lại được bổ nhiệm từ trung ương. Ví dụ, ở Trung và Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản thị trưởng thành phố là do người dân bầu trực tiếp. Quyền điều hành thành phố được tập trung vào thị trưởng và thị trưởng chỉ đạo hoạt động dưới sự giám sát của hội đồng. Hội đồng và thị trưởng hoạt động dưới cơ chế giám sát lẫn nhau, song hội đồng không có quyền miễn nhiệm Thị trưởng.

Một số nước ở Châu Á và Châu Phi, thị trưởng không phải do nhân dân bầu mà do chính quyền hành pháp trung ương bổ nhiệm. Theo đó, quyền lực của thị trưởng phụ thuộc vào mức độ độc lập mà chính quyền trung ương cho phép.

+ Hội đồng: Hội đồng thường là cơ quan có quyền quyết định những vấn đề về chính sách, tài chính, quyết định những dự luật có liên quan đến thành phố. Hội đồng ở nhiều đô thị là do nhân dân bầu. Ví dụ ở Hàn Quốc, Hội đồng thành phố do dân bầu, có nhiệm kỳ hoạt động 4 năm. Chủ tịch là người đứng đầu Hội đồng, đại diện cho hội đồng thực hiện chức năng giám sát hành chính và tiếp nhận, giải quyết các đơn thư kiến nghị của người dân. Giúp việc cho Chủ tịch có các phó chủ tịch, thay mặt chủ tịch giải quyết công việc khi được ủy quyền hoặc khi chủ tịch vắng mặt.

Ngoài Thị trưởng và Hội đồng, tùy thuộc mỗi đô thị khác nhau của các quốc gia mà có thêm các ủy ban giúp việc cho Hội đồng hoặc các cơ quan hỗ trợ, hội đồng tư vấn... Các cơ quan này thường được Thị trưởng hoặc Hội đồng trực tiếp thành lập, có nhiệm vụ giúp Thị trưởng, Hội đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được pháp luật quy định. Thông thường nhiệm vụ chính của các cơ quan này là phụ trách các vấn đề mang tính chất chuyên môn như: môi trường, giao thông, vận tải, ngân hàng hoặc Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ tư vấn những vấn đề có tính chất chiến lược, chính sách phát triển bền vững, lâu dài của đô thị.

Mối quan hệ giữa Thị trưởng và Hội đồng: Thông thường thị trưởng và hội đồng là hai cơ quan độc lập và bình đẳng do mỗi cơ quan đảm nhiệm một loại công việc khác nhau. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Như vậy có thể thấy, có nhiều mô hình tổ chức chính quyền địa phương trên thế giới, nhưng việc thiết lập cơ quan hội đồng của chính quyền địa phương phụ thuộc vào các nguyên tắc cơ bản sau:

- Các chính quyền địa phương không kể trong nhà nước đơn nhất hay nhà nước liên bang, nếu là chính quyền phân quyền, tự quản thì có hội đồng để giải quyết các công việc của mình. Còn nếu là cấp hành chính thì không có hội đồng.

- Tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới nói chung đều theo mô hình một cấp chính quyền. Tùy theo quy mô, tính chất đô thị mà có các cấp hành chính đại diện khác nhau nhưng đó không phải là các cấp chính quyền đầy đủ.

Kết luận chương 1

Trong chương 1 của luận văn gồm có các nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, luận văn đã đưa ra một số khái niệm cơ bản có liên quan đến nội dung cần giải quyết của đề tài gồm: khái niệm chính quyền địa phương; đô thị; chính quyền đô thị.

Theo đó, chính quyền địa phương được hiểu là một bộ phận cấu thành hữu cơ của hệ thống chính quyền nhà nước, là bộ máy thực thi quyền lực nhà nước ở ba cấp tỉnh, huyện, xã. Ở mỗi đơn vị hành chính - lãnh thổ đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Chính quyền đô thị là chính quyền địa phương (chính quyền thành phố thuộc trung ương), hoặc là một bộ phận của chính quyền địa phương (chính quyền thành phố thuộc tỉnh; thị xã; thị trấn) thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa bàn đô thị.

Thứ hai, luận văn khái quát về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường theo quy định của pháp luật hiện hành. Luận văn đã khái quát về thay đổi tổ chức sau thời điểm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Theo đó, ở quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính thực hiện chức năng thừa hành, thừa lệnh từ Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân cấp trên.

Thứ ba, luận văn đã đi sâu phân tích việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, lý giải nguyên nhân của việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhưng vẫn tồn tại Hội đồng nhân dân xã. Đồng thời, đưa ra các yêu cầu về cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân, bao gồm các yêu cầu sau:

- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường là khách quan, phù hợp với xu hướng đổi mới, cải cách bộ máy chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay.

- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường là yêu cầu khách quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quản lý, điều hành chính quyền đô thị.

- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phải đảm bảo thực hiện các quyền của nhân dân tại quận, phường.

- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm đảm bảo đời sống nhân dân tại địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội.

- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường phải đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương.

Thứ tư, trên cơ sở tham khảo các tài liệu trong nước và nước ngoài về chính quyền địa phương, luận văn đã nêu một số kinh nghiệm nước ngoài về tổ chức chính quyền đô thị. Nhìn chung, tổ chức chính quyền đô thị ở mỗi quốc gia có sự khác biệt, do khác nhau về lịch sử phát triển, văn hóa, kinh tế - xã hội, tổ chức nhà nước. Song chính quyền nhà nước ở địa phương ở mỗi quốc gia, nếu là chính quyền phân quyền, tự quản thì có Hội đồng. Đối với chính quyền đô thị có thể có các cấp hành chính đại diện, song không phải là cấp chính quyền đầy đủ.

Chương 2

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 35)