Về hoạt động Ủy ban nhân dân cấp quận, phường

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 75)

- Luận văn cung cấp 06 bảng số liệu dẫn chứng về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong thời gian thực hiện thí điểm

3.2.2.Về hoạt động Ủy ban nhân dân cấp quận, phường

- Đảm bảo căn cứ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường

Liên quan đến việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường cần xem xét và sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 có liên quan đến Hội đồng nhân dân để mở rộng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ra phạm vi cả nước.

Do một số chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cùng cấp chuyển cho Ủy ban nhân dân trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của Ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung một số luật chuyên ngành khác có liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong đó có Ủy ban nhân dân quận, phường như: Luật ngân sách nhà nước, Luật tổ chức tòa án nhân dân (liên quan đến bầu Hội thẩm tòa án nhân dân huyện, quận) và ban hành quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Pháp luật hiện hành chưa có sự phân biệt rõ ràng, thích đáng về địa vị pháp lý, đặc điểm khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô

thị.Việc gộp mô hình tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn với một địa vị pháp lý chung là chưa phù hợp. Các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh ở đô thị cần có luật hoặc nhóm các điều luật điều chỉnh riêng. Đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị, trong đó có quận, phường theo mô hình đặc thù, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần ban hành một đạo luật mới về tổ chức chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý thích hợp cho tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, trong đó có tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường, cần có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 75/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn khi không có Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hoặc ban hành mới Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, phường

Theo tên gọi mới Ủy ban hành chính quận, phường thay thế cho Ủy ban nhân dân quận, phường ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân với địa vị pháp lý mới là cơ quan hành chính có nhiệm vụ chấp hành, thừa hành, thừa lệnh, thực thi các nhiệm vụ cấp trên giao và các nhiệm vụ ở địa bàn quận, phường. Cụ thể là:

Ủy ban hành chính quận có thể thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã giao trực tiếp, hoặc thực hiện các nhiệm vụ về triển khai các kế hoạch kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường theo quy định của pháp luật.. Một số nhiệm vụ mới có thể bổ sung như sau:

+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban hành chính phường về xây dựng kế hoạch ngân sách, tổ chức thực hiện ngân sách hằng năm của phường.

+ Thảo luận và quyết định các đề án phát triển các tổ chức sự nghiệp công lập theo phân cấp của chính quyền cấp thành phố;

+ Thảo luận và quyết định đề án thành lập mới, tách, nhập, điều chỉnh các đơn vị tự quản tổ dân phố trình Ủy ban nhân dân thành phố;

+ Quyết định biên chế sự nghiệp, dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban hành chính;

+ Kiểm tra việc thực hiện các quy tắc an toàn và vệ sinh trong hoạt động thương mại, du lịch trên địa bàn

+ Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở quận.

Đối với Ủy ban hành chính phường cũng giống với Ủy ban hành chính quận, với địa vị pháp lý là cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ thừa hành, thừa lệnh, là "cánh tay nối dài" của chính quyền đô thị, thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban hành chính quận, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, Hội đồng nhân dân thành phố giao trực tiếp hoặc thực hiện nhiệm vụ khác về triển khai thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… theo quy định của pháp luật. Một số nhiệm vụ mới có thể bổ sung như sau:

+ Thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị đảm bảo trật tự công cộng và vệ sinh môi trường.

+ Triển khai Các đề án tổ chức thực thi dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban hành chính cấp trên.

+ Bố trí nhân sự cho các chức danh công chức phường.

- Phân công, phân cấp nhiệm vụ giữa chính quyền trung ương và địa phương, tiến tới chính quyền địa phương tự quản.

Việc phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam đã được hình thành từ thời kỳ đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ

cộng hòa. Đến những năm đầu đổi mới, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VI vẫn khẳng định điều này: "có sự phân cấp rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm từng cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ". Đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương VIII quy định cụ thể hơn: "việc nào do cấp nào giải quyết sát với thực tế hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó".

Cho đến Nghị quyết 08/2004/NQ-CP về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc phân quyền được tiến hành trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, tổ chức bộ máy cán bộ, công chức… Phân cấp thực chất là việc chuyển dần các công việc, nguồn lực do chính quyền trung ương nắm giữ cho chính quyền địa phương các cấp một cách lâu dài, ổn định bằng các văn bản luật, dưới luật, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương. Trong xu hướng phân cấp bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương sẽ tập trung vào việc xây dựng chính sách, bảo đảm sự thống nhất về thể chế, việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, còn những việc thuộc phạm vi cộng đồng lãnh thổ do cộng đồng lãnh thổ giải quyết. Như vậy, vấn đề phân cấp gắn với vấn đề dân chủ, dân chủ là cốt lõi của nhà nước pháp quyền, không có dân chủ thì không có nhà nước pháp quyền, không mở rộng quyền chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương thì không có nhà nước pháp quyền. Bởi vì chỉ có thể thông qua những thiết chế dân chủ, phát huy tính dân chủ, sáng tạo của cộng đồng lãnh thổ mới có thể tạo lập được môi trường thuận lợi để nhân dân các cộng đồng lãnh thổ kiểm soát được hoạt động của nhà nước.

Về mức độ, phạm vi phân cấp thực chất là yếu tố chi phối mạnh mẽ mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Trong mối quan hệ này, chính quyền địa phương phải thật sự chủ động, phát huy năng lực, tìm ra các giải pháp để huy động được nguồn lực và tiềm năng phát triển cho địa phương.

Chính sách phân cấp tạo đã khắc phục được từng bước việc trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, điều hành từ cấp trên, người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia bàn và quyết định những nhiệm vụ quan trọng tại địa phương, nhưng mức độ phân cấp không thể là tuyệt đối, tùy thuộc vào tình hình thực tế và sự phát triển của địa phương mà Chính phủ, cơ quan cấp trên có thể có mức phân cấp phù hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế việc phân cấp hiện nay ở nước ta đang còn tồn tại nhiều bất cập. Có nhiều công việc đã phân cấp cho chính quyền địa phương nhưng chính sách không rõ ràng nên không thực hiện được hoặc thiếu thống nhất: như đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động của các đơn vị dịch vụ công trên địa bàn quận, phường… Khi đã thực hiện phân cấp, đương nhiên khi quận, phường thực hiện nhiệm vụ không cần xin phép ý kiến. Song thực tế vẫn cần ý kiến chỉ đạo hoặc cho phép từ cấp trên mới được làm. Ví dụ cấp huyện được quyết định quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong các vùng đô thị, các cụm công nghiệp nhưng khi chủ tịch ký phải có văn bản ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng. Những bất cập trong việc phân cấp làm cản trở đáng kể hoạt động của chính quyền, thể hiện sự phân cấp nửa vời, chắp vá, không đồng bộ.

Giải pháp là phân cấp mạnh, giao quyền chủ động hơn nữa cho từng cấp của chính quyền địa phương, trong đó có quận, phường, nhất là trong việc quyết những vấn đề về ngân sách, tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Trung ương. Có thể nhận thấy 3 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Ủy ban nhân dân quận, phường cần giải quyết: Một là, tổ chức thực hiện pháp luật và các quyết định của cấp trên; Hai là, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ của trung ương, của cấp trên ở địa bàn; Ba là, thực hiện các nhiệm vụ mang tính tự quản của quận, phường đặc biệt là tổ chức cuộc sống cộng đồng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Do vậy, khi tiến hành phân cấp phải thực hiện rõ ràng, dứt khoát về thẩm quyền và trách nhiệm. Những công việc đã phân cấp cho quận, phường,

chính quyền quận, phường có quyền quyết định, bố trí kinh phí, nhân lực và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước để thực hiện tốt nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó.

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 75)