Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện,quận, phường

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 26)

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện bộ máy nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương, Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nêu rõ yêu cầu: "Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường". Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân nằm trong bối cảnh, yêu cầu cải cách hành chính phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong thực tế hoạt động, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Hội đồng nhân dân đã phát huy tốt vai trò của mình, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân còn có một số hạn chế nhất định, mà nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức của chính quyền địa phương chưa hợp lý. Cả ba cấp của chính quyền địa phương đều có tổ chức Hội đồng nhân dân, nhưng nhiệm vụ, thẩm quyền được quy định gần như giống nhau, không phân định rõ ràng, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo trong tổ chức thực hiện, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hạn chế.

Tuy nhiên, khi tiến hành giải quyết những bất cập đó của Hội đồng nhân dân lại vướng mắc bởi các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và các văn bản khác. Với tinh thần chủ

động cải cách mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 1/8/2007 đã đề ra chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Qua việc thí điểm sẽ có tổng kết, đánh giá và xem xét để có chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp. Ngày 16/1/2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số: 724/2009/UBTVQH12 về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Theo đó, có 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, gồm: Tỉnh Lào Cai (8 huyện, 12 phường), Vĩnh Phúc (7 huyện, 13 phường); Thành phố Hải Phòng (7 huyện, 7 quận, 70 phường); Nam Định (9 huyện, 20 phường); Quảng Trị (7 huyện, 13 phường); thành phố Đà Nẵng (1 huyện, 6 quận và 45 phường); Phú Yên (7 huyện, 12 phường); Thành phố Hồ Chí Minh (5 huyện, 19 quận, 259 phường); Bà Rịa - Vũng Tàu (5 huyện, 24 phường) và Kiên Giang (11 huyện, 15 phường).

Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường được thực hiện bởi những lý do sau:

- Không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận:

Thứ nhất, việc không tồn tại Hội đồng nhân dân huyện, quận không phải là việc làm mới mẻ, lịch sử tổ chức nhà nước ở Việt Nam đã có thời gian không có Hội đồng nhân dân ở huyện, quận. Cấp huyện được hình thành trong điều kiện nhất định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và ý chí chính trị của Đảng cầm quyền. Theo từng thời kỳ lịch sử mà cấp này được tổ chức khác nhau, có khi có đầy đủ cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (có thời kỳ gọi là Ủy ban hành chính), và có khi chỉ có Ủy ban hành chính. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước mà có thể nhìn nhận vai trò của Hội đồng nhân dân cấp huyện một cách khác

nhau. Để quản lý các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn quận, huyện, cần có một đội ngũ cán bộ, công chức, chính quyền đảng, đoàn thể làm trong cơ quan tổ chức của bộ máy cấp huyện. Điều này dẫn đến cần khoản chi phí rất lớn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồng thời duy trì tổ chức và hoạt động của bộ máy này.

Thứ hai, việc tồn tại Hội đồng nhân dân huyện, quận và bộ máy hành chính cấp huyện đồng nghĩa với đặt một chính quyền cấp trung gian trong bộ máy chính quyền địa phương, làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, gây khó khăn cho sự quản lý điều hành công việc của cơ quan nhà nước. Thực tế hiện nay là những vấn đề quan trọng chi phối sự phát triển của tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, còn những vấn đề cụ thể, xuất phát từ chính người dân do Hội đồng nhân dân xã quyết định. Chính quyền huyện chủ yếu thực hiện các quyết định của cấp trên và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của chính quyền cấp xã. Việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân và quyết định những chủ trương biện pháp phát triển kinh tế - xã hội về cơ bản thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và xã là chủ yếu. Trong điều kiện cải cách nền hành chính, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, việc tồn tại một cấp hành chính trung gian hoạt động kém hiệu quả, với nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế của địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Do vậy, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận giảm bớt cồng kềnh, tăng hiệu lực hiệu quả hoạt động trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương là việc làm phù hợp và có cơ sở.

- Không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, tổ chức Hội đồng nhân dân xã: Phường và xã xét về cấp hành chính là hai đơn vị có địa vị pháp lý tương đương nhau, đều là cấp hành chính nhỏ nhất, gần dân, sát dân nhất. Song xét về nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội, hai cấp hành chính này có sự khác nhau. Phường là đơn vị hành chính thuộc địa bàn đô thị, xã là cấp

hành chính thuộc địa bàn nông thôn. Tổ chức quản lý phường thực chất là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố, là cơ quan hành chính trong một chính quyền đô thị chứ không phải là chính quyền cơ sở của cộng đồng dân cư có mối quan hệ chặt chẽ như ở xã. Thực tế là đối với việc phát triển kinh tế, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của đô thị phải được cấp thành phố trực thuộc trung ương quyết định, phường chỉ là đơn vị tổ chức thực hiện, không được quyết định những vấn đề này. Trong khi đó, sự phát triển của một xã là do chính quyền xã quyết định và quyết định này có liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của xã. Như vậy, hoạt động quyết nghị của phường trong thực tế là mang tính hình thức, không hiệu quả, việc bỏ Hội đồng nhân dân phường là việc làm đúng đắn và có cơ sở. Còn xã là tổ chức cơ sở, cần giữ nguyên bởi đây là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Như vậy, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là chủ trương nhằm tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, khắc phục được vấn đề chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, phân định rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm đảm bảo tính thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Một phần của tài liệu Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp quận, phường trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)