- Luận văn cung cấp 06 bảng số liệu dẫn chứng về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong thời gian thực hiện thí điểm
3.2.1. Về tổ chức Ủy ban nhân dân cấp quận, phường
- Về tên gọi của Ủy ban nhân dân
Qua các giai đoạn lịch sử của nước ta, về tên gọi của Ủy ban nhân dân có sự thay đổi nhất định. Sau Cách mạng tháng 8/1945, theo Sắc lệnh 63/SL ngày 22/11/1945, chính quyền địa phương ở nước ta được tổ chức theo 4 cấp: cấp kỳ, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Theo sắc lệnh này, chính quyền cấp kỳ và chính quyền cấp huyện là những cấp chính quyền chỉ có Ủy ban hành chính. Đây được xem là chính quyền địa phương không hoàn chỉnh, có nghĩa một cấp chính quyền chỉ có cơ quan hành chính nhà nước, không có Hội đồng nhân dân.
Ủy ban hành chính kỳ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu ra với cơ cấu hết sức gọn nhẹ gồm 5 ủy viên chính thức gồm: 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch, 1 thư ký và 2 ủy viên (ngoài ra có 02 ủy viên dự khuyết) với nhiệm kỳ là 03 năm.
Chính quyền cấp huyện cũng chỉ tổ chức Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính huyện do đại biểu Hội đồng nhân dân các xã trong huyện bầu ra, bao gồm 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch, 1 thư ký và 2 ủy viên dự khuyết với nhiệm kỳ 2 năm. Ủy ban hành chính thi hành các mệnh lệnh của cấp trên và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với Hội đồng nhân dân.
Theo Điều 58 - Hiến pháp 1946 đã xác định:
Ở tỉnh, thành phố, thị xã, xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông trực tiếp bầu ra; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Ủy ban hành chính;
Ở Bộ (Kỳ) và ở huyện chỉ có Ủy ban hành chính, Ủy ban hành chính do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra [19, tr. 20].
Theo Điều 79 - Hiến pháp 1959 xác định: "Các đơn vị hành chính đều thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ" [19, tr. 51].
Như vậy, khu phố theo Hiến pháp 1959 xác định là tiền thân của quận sau này có thể không có Hội đồng nhân dân, bởi việc việc thành lập Hội đồng nhân dân ở khu phố là theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ.
Việc phân chia các đơn vị hành chính như hiện nay theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) bắt đầu có từ năm 1980 và các đơn vị đều có cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Như vậy, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường theo chủ trương của Đảng và nhà nước như hiện nay không phải là không có tiền lệ và tên gọi của Ủy ban nhân dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp bộ (kỳ) và huyện như Hiến pháp 1946, 1959 là Ủy ban hành chính.
Về tên gọi của Ủy ban nhân dân như hiện nay, theo hướng dẫn tại Thông tư số 03/2009/ TT-BNV ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tên gọi Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, quận và biển tên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân: Đối với các huyện, quận những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân trước đây gọi Văn phòng Hội đồng nhân dân nay thống nhất gọi là Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân nên thay đổi tên gọi Ủy ban nhân dân là Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính được tổ chức ở quận, phường là cơ quan trực thuộc cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp, do cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và
chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên. Đây là cơ quan hành chính đảm nhận các nhiệm vụ được phân công, thừa hành, thừa lệnh.
- Về cơ cấu:
Với cơ cấu tổ chức như hiện nay: Ủy ban nhân dân quận, thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 2 có 9 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 ủy viên; Ủy ban nhân dân phường, thị trấn có 5 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 2 ủy viên là khá hợp lý, song tùy thuộc vào nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng địa phương mà có cơ cấu lại cho phù hợp. Khi xác định cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính cần xuất phát từ quy mô, khối lượng và tính chất nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Tổ chức cơ quan hành chính quận, phường cần gọn nhẹ, phù hợp với đặc thù của chính quyền đô thị, có cơ cấu thứ bậc hợp lý. Với sự phát triển của đô thị trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như hiện nay đòi hỏi cơ quan hành chính phải được tổ chức theo mô hình mới với yêu cầu tập trung điều hành thống nhất, thông suốt trên toàn địa bàn. Việc tổ chức bộ máy hành chính không nhất thiết ở trung ương có bộ, ngành nào thì ở quận, phường có bộ phận phòng, ban tương ứng, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, "thẩm quyền nào trách nhiệm đó" để bộ máy hành chính có đủ thẩm quyền giải quyết nhanh nhạy, chính xác các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ở quận, phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân, có một số nhiệm vụ đã chuyển cho Ủy ban nhân dân và có tăng thêm một số nhiệm vụ mới nhưng chưa có thành viên đảm nhận như: sao y, chứng thực, quản lý, điều hành ngân sách từ Hội đồng nhân dân cùng cấp…
Do vậy trong cơ cấu tổ chức Ủy ban hành chính quận, phường cần tổ chức lại theo hướng tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo giải quyết được khối lượng công việc tăng thêm thường xuyên và đột xuất. Thay vì nhiều thành viên Ủy ban là một số ít cấp phó để giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân với những nhiệm vụ, thẩm quyền nhất định, số lượng cấp phó ở mỗi quận,
phường nên có sự khác nhau (không nên quy định theo cơ cấu cứng) tùy thuộc vào khối lượng và yêu cầu nhiệm vụ, quy mô, tính chất, đặc điểm của mỗi quận, phường mà cân đối khác nhau.
- Về lựa chọn nhân sự:
Có thể có các phương án lựa chọn nhân sự cho tổ chức của Ủy ban nhân dân quận, phường (theo tên gọi mới là Ủy ban hành chính quận, phường) như sau:
Phương án 1: Ủy ban hành chính quận, phường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm: 1, Chủ tịch Ủy ban hành chính quận; 2, các Phó chủ tịch Ủy ban hành chính quận, 3, các Ủy viên Ủy ban hành chính quận.
+ Chủ tịch Ủy ban hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm: 1, Chủ tịch Ủy ban hành chính phường; 2, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban hành chính phường theo đề nghị của chủ tịch ủy ban hành chính phường.
Nhiệm kỳ của Ủy ban hành chính quận, phường là 5 năm (theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân giống Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành)
Đây là phương án đang thực hiện tại thời điểm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Theo phương án này cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, bởi họ là người quyết định người đứng đầu Ủy ban hành chính quận, lựa chọn người có đủ tài năng để đảm đương nhiệm vụ của Ủy ban khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp này. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khó khăn trong việc nắm bắt năng lực, trình độ để bổ nhiệm Phó chủ tịch quận, ủy viên Ủy ban hành chính quận. Việc này nên giao cho Chủ tịch Ủy ban hành chính quận, bởi đó là người gần gũi và
tiếp xúc công việc hằng ngày với nhân viên, dễ hơn trong việc lựa chọn người xứng đáng đứng vị trí Phó chủ tịch và Ủy viên Ủy ban hành chính.
Phương án 2: Ủy ban hành chính quận, phường gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban hành chính quận.
+ Chủ tịch Ủy ban hành chính quận bổ nhiệm: 1,các Phó chủ tịch, 2, các Ủy viên Ủy ban hành chính quận; 3,Chủ tịch Ủy ban hành chính phường; 4, Ủy viên ủy ban hành chính phường.
Nhiệm kỳ của Ủy ban hành chính quận, phường là 5 năm (theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân giống Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành)
Theo phương án này, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ bổ nhiệm người đứng đầu Ủy ban hành chính quận. Quyền bổ nhiệm phó chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban hành chính quận, bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban hành chính phường được giao cho chủ tịch Ủy ban hành chính quận. Cần đề cao tinh thần trách nhiệm và tính minh bạch, công khai trong việc lựa chọn ứng viên là người đứng đầu Ủy ban hành chính phường, bởi đây là cấp gần dân nhất trong tổ chức chính quyền đô thị, mọi hoạt động của Ủy ban hành chính phường đều có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của người dân. Theo chúng tôi, nên lựa chọn phương án này.
- Về phân định rõ thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tập thể Ủy ban nhân dân và đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Hiện nay, Ủy ban nhân dân đang thực hiện chế độ làm việc tập thể kết hợp với chế độ thủ trưởng. Tập thể Ủy ban nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, còn chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện việc điều hành, chỉ đạo các công việc còn lại. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân và các
thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Mặc dù theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đã có điều chỉnh theo hướng tăng chế độ thủ trưởng nhưng chưa phù hợp với hoạt động quản lý hành chính nhà nước và yêu cầu về tính quyết đoán, chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Trên thực tế, việc không phân định rõ trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân và tập thể Ủy ban nhân dân đã dẫn đến hậu quả là khó xem xét, quy kết trách nhiệm cá nhân khi có sự việc xảy ra, trong khi đó trách nhiệm thuộc về tập thể hết sức chung chung, khó quy kết.
Ngoài ra, khi thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể không bảo đảm tính kịp thời, nhanh nhạy của công tác quản lý điều hành. Bởi Ủy ban nhân dân họp định kỳ mỗi tháng 1 lần (trừ trường hợp đột xuất). Như vậy, khi có công việc đòi hỏi phải giải quyết nhanh nhạy, kịp thời Ủy ban nhân dân không đáp ứng kịp.
Đôi khi quyết định của tập thể về một vấn đề chỉ là hình thức hợp lý hóa ý chí của người đứng đầu và vô hình chung là lá chắn cho sự trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Với chế độ tập thể lãnh đạo như hiện nay cũng như có sự hạn chế về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong công tác quản lý, điều hành dẫn đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban nhân dân nói chung và Ủy ban nhân dân quận, phường nói riêng còn nhiều yếu kém, bất cập trong việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Do vậy, giải pháp quan trọng là cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, chuyển chế độ làm việc tập thể sang chế độ lãnh đạo (thủ trưởng) và chịu trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách nhóm lĩnh vực.
Khi trách nhiệm người đứng đầu được khẳng định cũng đồng thời ý thức về trách nhiệm đó chắc chắn được nâng cao. Khi xảy ra sai phạm, họ có
thể bị miễn nhiệm ngay mà không cần chờ đến kỳ họp của Hội đồng nhân dân đồng cấp. Khi đề cao trách nhiệm người đứng đầu thì vai trò người đứng đầu được phát huy, vì thế mà mang lại hiệu quả cao trong công việc. Theo đó, người đứng đầu hành chính các cấp ở đô thị sẽ là Thị trưởng, Quận trưởng, Phường trưởng. Chế độ thủ trưởng hành chính đều đã được áp dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay ở Trung Quốc cũng đã chuyển từ chế độ ủy ban sang chế độ thủ trưởng từ những năm 80 của thế kỷ XX.
Việc thực hiện chế độ thủ trưởng hành chính không những không mâu thuẫn với nguyên tắc tập trung dân chủ mà trái lại, nó cho phép thực hiện tốt hơn trên thực tế nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành hành chính, đảm bảo một cách hữu hiệu, có trách nhiệm cao quyền quyết định của người đứng đầu trên cơ sở dân chủ thảo luận, bàn bạc trong tập thể với các cấp phó của người đứng đầu và cả những người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, tham mưu trong bộ máy hành chính. Về thực chất, nguyên tắc tập trung dân chủ không có nghĩa là vừa tập trung, vừa dân chủ (vì không thể đồng thời thực hiện cả hai về đối lập nhau) mà là: tập trung trên cơ sở dân chủ. Thực tế thì bất kỳ một dạng quản lý điều hành nào (kể cả điều hành doanh nghiệp, điều hành quân sự…) đều phải theo chế độ thủ trưởng thì mới có hiệu lực, hiệu quả.
Trách nhiệm của thủ trưởng là người đứng đầu thể hiện trên các phương diện:
+ Chịu trách nhiệm trước dân, trước cơ quan dân cử, trước người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước theo pháp luật trên địa bàn quận, phường. Tổ chức triển khai, thực hiện các nghị quyết của cơ quan cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
+ Chịu trách nhiệm giải trình trước dân, trước cơ quan dân cử về những quyết định của mình, phân tích rõ những ưu, nhược điểm, hiệu quả và
hậu quả của những quyết định đó. Thực hiện công khai, minh bạch các nội dung có liên quan đến cán bộ, công chức, kinh phí, phân công, phân nhiệm nhiệm vụ.
- Về cán bộ, công chức:
Thực trạng về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước nói chung và chất lượng cán bộ, công chức tại quận, phường nói riêng đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Có 2 vấn đề nổi cộm cần quan tâm. Một là, trình độ bằng cấp tuy có được nâng lên nhưng trình độ về nghiệp vụ, kỹ năng hành chính trên các mặt đang rất bất cập so với nhiệm vụ, kể cả cán bộ chuyên môn nghiệp vụ hay cán bộ lãnh đạo quản lý.
Hai là, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. Tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, tỏ thái độ không tôn trọng người dân khi tiếp xúc, tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ để gây phiền hà cho người dân vẫn đang xảy ra làm giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy hành chính nhà nước.
Để phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay, đồng nghĩa với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, chuyên nghiệp, có đủ năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, đồng thời có phẩm chất đạo đức tốt. Để thực hiện tốt mục tiêu trên cần nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, có nghĩa làm cho cán bộ, công chức nhận thức được sâu sắc rằng công dân đóng thuế để nuôi mình, ăn cơm, mặc áo là để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó cần có cơ chế khen thưởng,