cấp quận, phường
- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường là khách quan, phù hợp với xu hướng đổi mới, cải cách bộ máy chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay.
Chính quyền địa phương (bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) là bộ phận cấu thành hữu cơ của chính quyền nhà nước, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và đã có đóng góp to lớn trong thành quả xây dựng đất nước, về chức năng, nhiệm vụ cơ bản ổn định. Song điều dễ nhận thấy là trong nhiều năm qua, hiệu lực, hiệu
quả hoạt động của chính quyền địa phương chưa thực sự phát huy hết mức. Về thiết chế hiện hành quá rườm rà, nặng nề về nội dung quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân chưa thực sự làm "tròn vai" là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chưa phải là công cụ để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình và chưa là chỗ dựa tin cậy của người dân. Bên cạnh đó, khối lượng và tính đa dạng trong công việc của Ủy ban nhân dân là khá lớn, tuy nhiên tính tự chủ không cao, phụ thuộc khá nhiều vào sự điều hành, chỉ đạo từ cấp trên, điều này dẫn đến việc khó xây dựng một nền hành chính mang tính chất chuyên nghiệp.
Từ yêu cầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Đảng và nhà nước ta thấy không thể không cải cách, đổi mới hợp lý chính quyền địa phương. Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách này. Việc cải tổ lại bộ máy, sắp xếp lại công việc cho hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương là việc làm cần thiết. Do vậy, Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng X tháng 4/2006 đã khẳng định nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo, điều chỉnh cơ cấu chính quyền địa phương cho phù hợp với những thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để tổ chức bộ máy phù hợp. Cải cách về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường góp phần phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Thực tiễn cho thấy nhu cầu quản lý và điều hành các mặt của đời sống đô thị rất khác so với nhu cầu quản lý và điều hành cuộc sống tại nông thôn. Sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại các đô thị cũng khác ở nông thôn. Điểm mấu chốt của sự khác nhau chủ yếu là do đặc điểm, đặc thù, tính chất
và yêu cầu quản lý các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn đô thị và nông thôn khác nhau, từ đó dẫn đến chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì việc cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân là cần thiết, nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình mới và phù hợp với đặc điểm, đặc thù, tính chất của địa bàn đô thị.
- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường là yêu cầu khách quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quản lý, điều hành chính quyền đô thị.
Theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, các cơ quan hành chính đô thị ở cả ba cấp đều đang hoạt động theo chế độ Ủy ban nhân dân, bao gồm chủ tịch, một số phó chủ tịch và một số ủy viên ủy ban. Đây là cơ chế điều hành tập thể, những vấn đề quan trọng đều do tập thể Ủy ban nhân dân quyết định theo đa số trong các phiên họp định kỳ (mỗi tháng một lần). Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu hành chính (chủ tịch Ủy ban nhân dân) rất hạn hẹp, mang nhiều tính hình thức, ít thực quyền. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố bất cập khác như năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân còn yếu kém, việc duy trì kỷ cương, luật pháp không nghiêm, quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội lỏng lẻo, các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công còn nhiều lúng túng, bị động, chất lượng thấp, chi phí cao, thời gian chậm...
Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường, cũng đồng nghĩa với việc quận, phường trở thành đơn vị hành chính nội bộ của đô thị. Trước thời điểm thực hiện thí điểm, Ủy ban nhân dân ở địa phương nói chung và ở quận, phường nói riêng đã bộc lộ nhiều hạn chế trong tổ chức, điều hành, hoạt động. Đến nay, khi thực hiện thí điểm có nhiều vấn đề đặt ra cho cơ quan hành chính này:
Thứ nhất, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, điều hành từ chế độ tập thể (chế độ ủy ban) sang chế độ thủ trưởng hành chính là vấn đề quan trọng, cần xem xét và có cơ chế chính sách cho phù hợp.
Thứ hai, khi tiến hành thực hiện thí điểm, cần xác định đúng địa vị pháp lý của Ủy ban nhân dân quận, phường là một cấp chính quyền ở cơ sở, đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, hay chỉ là cơ quan hành chính, thực hiện các nhiệm vụ được giao, mang tính thực thi trong nội bộ đô thị.
Thứ ba, pháp luật nào điều chỉnh về cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính này cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của đô thị.
Việc cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường là yêu cầu bức thiết, nhằm xác định vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận, phường trong điều kiện thực hiện thí điểm, đồng thời giải quyết được những vướng mắc, hạn chế trong quá trình tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân ở địa phương nói chung và Ủy ban nhân dân quận, phường nói riêng.
- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp quận, phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phải đảm bảo thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân tại quận, phường.
Một trong những yêu cầu đối với cải cách hành chính là phát huy dân chủ đời sống trong xã hội, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào tiến trình phát triển của đất nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho nhân dân ở địa phương. Do vậy, khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường cần tính đến cơ chế đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi không có Hội đồng nhân dân quận, phường quyền đại diện của người dân vẫn được bảo đảm. Người dân vẫn có 2 -3 đại biểu là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân như: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và gần nhất là thông qua cơ quan là Ủy ban nhân
dân, người dân có thể phản ánh đầy đủ, kịp thời nguyện vọng của mình. Cả nước hiện nay có 493 đại biểu Quốc hội, 306.262 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (cấp tỉnh có 3.852 đại biểu, cấp huyện có 23.450 đại biểu, cấp xã có 278.960 đại biểu). Tổng số cả nước có 306.755 người đại biểu đại diện cho nhân dân [24, tr. 34]. Cứ sau 1 nhiệm kỳ 5 năm, một người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đi bầu cử cho 4 người đại diện cho mình đó là bầu cử Đại biểu Quốc hội, bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều cơ quan, đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị và đòi hỏi của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời. Có nhiều cơ quan, người đại diện cho dân dẫn đến nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo, không rõ ràng. Tình trạng một việc có nhiều cơ quan giải quyết, nhiều đại biểu giám sát nhưng hiệu quả lại rất thấp. Điều quan trọng cần giải quyết ở đây là chúng ta cần một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và giải quyết được những bức xúc, mong mỏi của người dân chứ không cần có nhiều người đại diện cho ý chí, nguyện vọng đó. Một cơ quan, tổ chức thực sự là người đại diện cho nhân dân sẽ tốt hơn rất nhiều lần khi có nhiều người đại diện nhưng không mang lại hiệu quả. Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường là nhằm tinh giản bộ phận, tổ chức trong bộ máy của chính quyền địa phương, nhưng không được làm mất đi quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời với việc tinh giản tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường sẽ là củng cố bộ máy của Ủy ban nhân dân, là tổ chức lại cho hợp lý và hoạt động có hiệu quả. Như vậy, cùng với việc tinh giản bộ máy ở quận, phường là Hội đồng nhân dân, việc đổi mới tổ chức và hoạt động Ủy ban nhân dân rất cần thiết và phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân luôn được tôn trọng, thực hiện.
Mặt khác, Hội đồng nhân dân còn có nhiệm vụ quan trọng là quyết định các biện pháp bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền
và lợi ích hợp pháp của công dân… trên địa bàn. Trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân, vai trò của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức đời sống nhân dân và tổ chức các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của nhân dân trên địa bàn là quan trọng. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cho Ủy ban nhân dân có quyền hạn, nhiệm vụ mới này. Do vậy cần cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân nói chung và Ủy ban nhân dân quận, phường nói riêng cho phù hợp với tình hình mới theo hướng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân tại địa phương.
- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm đảm bảo đời sống nhân dân tại địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội.
Vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo luật hiện hành là phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở địa phương. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường có yêu cầu việc đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Khi có thay đổi trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tới việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận, phường, Ủy ban nhân dân quận, phường là cơ quan gánh vác trách nhiệm đó.
Việc phát triển kinh tế - xã hội là động lực thúc đẩy cải cách hành chính và ngược lại tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, trong đó có Ủy ban nhân dân quận, phường là yếu tố quan trọng đạt mục đích ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường, điều chỉnh về mô hình tổ chức, hoạt động cho phù hợp với điều kiện mới là cần thiết.
- Cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường phải đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định về tổ chức, nhân sự ở địa phương nơi tiến hành thí điểm. Vận hành của bộ máy chính quyền địa phương ở nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt so với các địa phương khác và trật tự hoạt động trong một thời gian dài của bộ máy của chính quyền địa phương có sự thay đổi. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra cho việc thí điểm là cần duy trì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, đồng thời yêu cầu đảm bảo tiến độ công việc thường kỳ cũng như đột xuất hằng năm. Do vậy, để đạt được mục đích trên, tại quận, phường cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… trong đó có Ủy ban nhân dân quận, phường nhằm đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Khi không còn Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số nhiều vấn đề quan trọng về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính ngân sách, đầu tư, xây dựng nên thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cần được tăng lên.
Mặt khác, khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường, Ủy ban nhân dân phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Do vậy, việc cải cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường trong giai đoạn này là quan trọng và cần thiết, nhằm duy trì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước tại địa phương.