Văn hoá công sở ra đời và tồn tại cùng sự ra đời các cơ quan, tổ chức, theo thời gian với sự nỗ lực của tổ chức, cá nhân văn hoá công sở được hun đúc nên những khuôn mẫu riêng để rồi khi tiếp xúc mọi người có thể nhận biết đó là cơ quan, tổ chức nào. Như vậy, văn hoá công sở có nguồn gốc lịch sử và trở thành chuẩn mực chung cho một tổ chức nhất định, do đó, văn hoá còn mang tính tổ chức hay nói cách khác văn hoá công sở ảnh hưởng bởi sự quy định của văn hoá tổ chức. Chính vì những đặc điểm của văn hoá công sở như vậy mà việc xây dựng nên văn hoá công sở cho một tổ chức, cơ quan là điều cần thiết có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tổ chức đó với các thương hiệu nổi tiếng hoặc sẽ là thất bại trong quá trình hoạt động nếu như cách thức, phương châm hành động không phù hợp mà trong đó sẽ chứa đựng cả yếu tố văn hoá công sở thể hiện ở văn hoá ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Để lý giải tại sao quy chế văn hoá công sở ban hành kèm theo Quyết định 129/QĐ- TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ chỉ áp dụng đối tượng điều chỉnh là CQHCNN; Trước hết cần biết những điểm chung về văn hoá công sở của các công ty trên thế giới mà hiện nay đã có thương hiệu nổi tiếng và ổn định trong giới kinh doanh nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Các công ty đó xây dựng uy tín là một công ty tuân thủ theo các tiêu chuẩn cao nhất về sự chính trực và đạo đức ở bất cứ nơi nào mà họ đang có hoạt động kinh doanh. Họ xây dựng bộ Quy tắc xử sự áp dụng cho toàn cầu và được dịch ra các thứ tiếng địa phương nơi có hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, cũng có công ty xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng, nội dung của quy tắc đã
định ra khá đầy đủ như các vấn đề liên quan đến thương mại, đầu tư, đấu thầu, cung cấp, phát triển kinh doanh, và trong tất cả các mối quan hệ kinh doanh và tuyển dụng khác. Họ đề cao và cho rằng đạo đức tốt có nghĩa là thành công; xây dựng môi trường làm việc; thực hiện chính sách đối xử với công nhân viên như một cam kết cùng sự tồn tại và phát triển.
Ở Việt Nam, tại các tổ chức có chức năng kinh doanh đã chú trọng tới việc xây dựng văn hoá công sở từ rất lâu. Thí dụ như hệ thống ngân hàng thương mại. Qua nghiên cứu thực tế cho thấy có tới 100% các tổ chức này xây dựng văn hoá công sở như việc mặc trang phục, đeo thẻ công chức, hướng dẫn khách hàng đến liên hệ công tác hay làm hồ sơ; đặc biệt là thái độ niềm nở luôn hiện diện trên khuôn mặt các nhân viên ngân hàng.
Cơ quan hành chính nhà nước là một bộ phận cấu thành của bộ máy hành chính nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng quản lý, điều hành đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, sự lớn mạnh của một quốc gia thể hiện ở tính chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động của bộ máy nhà nước- một thiết chế không thể thiếu đối với bất kỳ một nhà nước nào, mà ở đó một thành phần rất quan trọng cho thiết chế đó có sứ mệnh điều hành bộ máy chính là đội ngũ CBCC nhà nước. Đây là lực lượng chủ công kiến tạo và thực thi công vụ, họ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, hay nói cách khác đây là khu vực dịch vụ công. Như vậy, lúc này CBCC với vai trò là người phục vụ ngoài sự đòi hỏi về chuyên môn cần phải thể hiện thái độ lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng người đến liên hệ công việc. Do vậy, sự cần thiết phải chuẩn hoá đội ngũ CBCC là một yêu cầu cấp bách đặt ra song song với quá trình cải cách hành chính nhà nước.
Chính phủ chọn CQHCNN mà chủ thể là đội ngũ CBCC để thực hiện văn hoá công sở trong đó có lý do lâu nay, văn hoá công sở của ta có thể nói còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở hai điểm: Thứ nhất là một bộ mặt công sở, thứ 2 là cung cách ứng xử của các công chức (gồm cả người quản lý và
nhân viên thừa hành) đối với dân- những người tìm đến công sở để đến giải quyết mọi công việc. Hiện nay, nhiều công sở đã được thiết kế xây dựng và trang trí đẹp mắt nhưng cái giàu không phải lúc nào cũng đi liền với cái đẹp, sang; trang bị đồ dùng đắt tiền, bày biện lắm thứ cầu kỳ mà vẫn thiếu vẻ sang trọng, lịch sự. Bên cạnh đó là thái độ ứng xử của một số CBCC đối với người đến liên hệ công việc: cửa quyền, hách dịch hoặc nhẹ thì hờ hững thiếu tận tâm, tình trạng phớt lờ, thậm chí vi phạm quyền lợi chính đáng của đối tượng đến giải quyết công việc của CBCC có trách nhiệm vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Tính quốc tế hoá, khu vực hoá các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội đòi hỏi hoạt động quản lý hành chính công phải thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh WTO, gia nhập và là thành viên của các tổ chức khác trong châu lục và trên thế giới. Có thể nói, Việt Nam đang chứng minh cho toàn thế giới biết về một đất nước không chỉ giàu lòng yêu nước, đã đánh thắng những kẻ thù là cường quốc hùng mạnh trên thế. Mà ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới dưới ánh sáng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đạt được nhiều thành tựu đó là sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để quá trình hội nhập quốc tế diễn ra một cách chủ động, hiệu quả và bền vững.
Phải có được một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại với các thủ tục nhanh gọn, thái độ phục vụ của đội ngũ CBCC trong bộ máy đó phải nhiệt tình, niềm nở, đảm bảo cả về đức và tài. Bởi vậy, việc xây dựng, đào tạo đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức, năng lực để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi nhà nước phải đưa ra những chế tài cụ thể nhằm điều chỉnh các quan hệ, thái độ của đội ngũ CBCC trong khi thực
thi công vụ. Qua đánh giá ở trên cho thấy thực trạng đội ngũ CBCC còn tồn tại và bộc lộ những hạn chế về chất lượng và số lượng. Chẳng hạn, như vấn đề ngoại ngữ; khoa học, công nghệ; văn hoá giao tiếp ứng xử, đặc biệt là thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm trong công việc.
Tóm lại, từ sự phân tích ở trên cho thấy sự cần thiết phải xây dựngvà thực hiện quy chế văn hoá công sở mà chủ thể là CBCC trong CQHCNN. Đó cũng là nội dung quan trọng trong kế hoạch cải cách hành chính nhà nước, là yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu của mọi quốc gia ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Đó cũng là cách thức làm cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước của ta hoạt động có hiệu quả hơn, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc cải cách nền hành chính Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3.2. Phương hướng nâng cao văn hoá công sở trong các cơ quan hànhchính nhà nước ở nước ta hiện nay