Vài nét về sự hình thành và phát triển của các Zaibatsu Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 46)

Đặc điểm chung của các Zaibatsu là được hình thành từ các tổ hợp Sogo Shosha (công ty kinh doanh tổng hợp), là một công ty con của các Sogo Shosha tham gia vào các hoạt động kinh tế mũi nhọn, để rồi trở thành trụ cột của các Sogo Shosha. Trong số các Zaibatsu phải kể tới các tổ hợp Mitsui, Mitsubishi, Sumimoto, Yasuda, Fuyo, Sanwa, Kangin, Tokai ... Có thể thấy rõ về các Tập đoàn này qua một số nét khái quát sau:

1.5.2.1. Đặc thù về quy mô và hoạt động tác nghiệp.

Nét đặc trưng lớn nhất trong qúa trình hình thành, phát triển của các Zaibatsu Nhật Bản chính là xuất phát từ truyền thống Khổng Tử kiểu Nhật Bản: Đó là truyền thống gia đình, huyết thống mang màu sắc của “Samurai” với lòng trung thành, tính gia trưởng, sự tận tuỵ hết mực kết hợp với tư tưởng cải cách của phương Tây.

Quyền lực của các Tập đoàn Zaibatsu không dừng lại trong việc kiểm soát các hoạt động tài chính, mà còn vươn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp với các khoản đầu tư lớn vào nhiều xí nghiệp quan trọng cho dù các xí nghiệp đó không nằm trong khu vực ảnh hưởng của họ. Ví dụ ngành than: Tập đoàn tài phiệt Mitsui và Mitsubishi chi phối 50% sản xuất.

Quá trình phục hồi và phát triển của các Zaibatsu Nhật Bản bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ cuối thập niên 1950. Thời kỳ này đã diễn ra các cuộc sáp nhập của các công ty con để tạo ra một công ty lớn hơn có khả năng sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực chất đây là quá trình tập trung hoá, độc quyền hoá, là khởi điểm hình thành các Trust, Concern, conglomerate... Quá trình này diễn ra mạnh mẽ dưới sự trợ giúp của Chính phủ, đánh dấu bước khởi đầu sự bành trướng kinh tế của Nhật Bản trong khu vực và trên thế giới.

Các Zaibatsu Nhật Bản đã sử dụng rất nhiều chiến lược trọng điểm có hiệu quả như: Chiến lược đa dạng hoá trong cơ cấu kinh doanh; Chiến lược nhất thể hoá quốc tế; Chiến lược trọng điểm hoá và tập đoàn hoá kinh doanh toàn cầu; Đẩy mạnh quan hệ mậu dịch nội bộ Tập đoàn; Chiến lược chiếm lĩnh và khai thác thị trường thông qua hoạt động khoa học - công nghệ; ... để vươn tay ra thị trường thế giới. Các chi nhánh của TĐKT xuyên quốc gia còn “ nối dài” bàn tay

của công ty mẹ bằng cách thiết lập các chi nhánh nước ngoài “ thế hệ thứ hai”.Ví dụ: 47% chi nhánh của các Zaibatsu Nhật Bản ở Hồng Kông và 43% chi nhánh ở Xingapo đã tự lập các chi nhánh nước ngoài thế hệ hai [2, 198].

1.5.2.2. Đặc thù về cơ cấu.

Zaibatsu Nhật Bản thể hiện rõ nét sự kết hợp hài hoà giữa tính hiện đại của nền công nghiệp Phương Tây với tính truyền thống của nền văn minh Nhật Bản, giúp Nhật Bản đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế. Cơ cấu của các Zaibatsu Nhật Bản mang đặc điểm nổi bật kể từ sau thế chiến thứ hai đến nay là cơ cấu độc quyền. Các Tập đoàn độc quyền không chỉ thống trị trong các ngành như: gang thép, điện máy, kiến trúc, mà còn vươn sang hầu hết tất cả các ngành sản xuất khác trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Sự tích tụ và tập trung tư bản cũng chuyển biến từ cách thức cổ điển sang cách thức hiện đại. Các Tập đoàn đã mở rộng các quan hệ gia đình sang các quan hệ mới - quan hệ nội bộ công ty. Trong quan hệ mới, nhân viên trong công ty mặc nhiên trở thành bộ phận của DN gia đình dưới hình thức cổ đông. Chẳng hạn, ngân hàng Mitsui được thành lập từ năm 1976, lúc đó với 20 ngàn cổ phần trị giá 2 triệu yên, được chia làm 3 phần, trong đó 10 ngàn cổ phần được dành cho “tổng hành dinh” Mitsui - Gumi, 5 ngàn cổ phần dành cho 9 gia đình Mitsui, 5 ngàn cổ phần còn lại được chia cho 383 công nhân viên [15, 194].

Quá trình xuyên quốc gia hoá của các Zaibatsu được thực hiện qua các phương thức cơ bản: cắm nhánh, chuyển giao công nghệ, thương mại quốc tế, hợp nhất giữa các công ty. Đó là những phương thức riêng biệt, song lại thống nhất và tạo điều kiện cho nhau trong bối cảnh tái sản xuất quốc tế diễn ra nhanh chóng. Phương thức mở chi nhánh và chuyển giao công nghệ của các Tập đoàn

từ nước này sang nước khác với hai hình thức chủ yếu là mở chi nhánh hoặc lập các công ty liên doanh.

1.5.2.3. Đặc thù về cơ chế điều hành.

Các TĐKT Nhật Bản có truyền thống tận tuỵ và trung thành của người Nhật, nhất là trong quản lý người lao động, nó trở thành nhân tố chủ yếu quyết định sự thành công của các Zaibatsu .

Về nguyên tắc, người lao động tại các Zaibatsu được hưởng chế độ làm việc suốt đời. Đây là phương thức quản lý lôi kéo được người làm việc gắn bó thật chặt chẽ với công ty tới mức họ buộc phải cống hiến toàn bộ cho lợi ích công ty và cũng cho họ. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với chế độ hợp đồng phổ biến ở phương Tây. Phương pháp này hướng vào con người, lấy con người và lợi ích của họ làm trung tâm, coi đó là đòn bẩy cho sự phát triển của công ty và nền kinh tế Nhật Bản. Chế độ làm việc này gắn liền với cơ chế đề bạt và tăng lương theo thâm niên phục vụ cho công ty, và chỉ khi làm việc duy nhất tại một công ty thì lợi ích của họ mới được đảm bảo. Đặc điểm điển hình, nó được thể hiện ngay cả trong cách thức tuyển dụng lao động tại các Tập đoàn của Nhật Bản tại Việt Nam.

Đặc điểm có tính chất bao trùm tất cả các Zaibatsu Nhật Bản là đa dạng hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nội thương, ngoại thương đến ngân hàng, bảo hiểm... Chẳng hạn, Tập đoàn Mitsui với gần hai nghìn công ty thành viên, có phạm vi hoạt động rất rộng, kinh doanh đa ngành từ ngành thép, đóng tàu, ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí đến các đồ dùng gia dụng, du lịch, năng lượng hạt nhân... Ngày nay, nó đã phát triển rộng khắp thế giới với một hệ thống các đại diện và chi nhánh ở khắp các châu lục.

Sự liên kết kinh tế của Zaibatsu Nhật Bản theo chiều ngang và chiều dọc ngày càng được tăng cường đồng thời kết hợp vốn của nó với nhiều Tập đoàn khác diễn ra nhanh chóng; làn sóng hợp nhất và mua lại các công ty nước ngoài của Zaibatsu Nhật Bản vừa qua không kém phần sôi động: Năm 1988 số lượng hợp nhất và mua lại của các Zaibatsu Nhật Bản là 315 công ty, 6 tháng đầu năm 1989 con số này là 170 công ty, trong khi đó ở Mỹ là 84, Châu Âu là 40, Châu Á và Châu Đại Dương là 34 [39] .

1.5.2.4. Đánh giá về vai trò của các Zaibatsu Nhật Bản.

Cũng giống như TĐKT của các nước phát triển khác trên thế giới, Zaibatsu Nhật Bản đã mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế Nhật Bản trong suốt hàng thế kỷ, đồng thời góp phần thúc đẩy xu thế khu vực hoá, TCH nền kinh tế thế giới, là lực lượng chủ yếu góp phần phân bổ nguồn lực,chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới thông qua các luồng FDI.

Năm 1995 luồng FDI ra nước ngoài trên thế giới đạt được 2000 tỷ USD, so với 113 tỷ USD năm 1967, nghĩa là tăng hàng năm khoảng 200 tỷ USD( khoảng 30%) vượt 4 lần so với mức tăng thương mại thế giới và gấp 8 lần so với mức tăng sản lượng thế giới [15]. Khoảng 3/4 trong số đó thuộc về Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Zaibatsu Nhật Bản có những đóng góp đáng kể vào tiến trình công nghiệp hoá ở các nước Châu Á. Họ nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu của các nước trong khu vực khi tiến hành chiến lược “công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu”.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 46)