CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HẠ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY TNHH ĐỈNH VÀNG
3.2.1.2. Giải pháp 2: Dùng đòn bẩy kinh tế kích thích người lao động tiết kiệm nguyên vật liệu
tiết kiệm nguyên vật liệu
Lý do đưa ra giải pháp
Hành động của con người bao giờ cũng gắn liền với lợi ích mà phần nhiều đó là lợi ích về kinh tế. Lợi ích, đặc biệt là lợi ích về kinh tế là một phần vô cùng quan trọng, là yếu tố cần được quan tâm khi muốn hướng con người tới những mục tiêu mà chủ thể đang có ý định thực hiện.
Đối với Công ty TNHH Đỉnh Vàng, hiện nay Công ty chỉ áp dụng chế độ thưởng phạt đối với đa số với người lao động gián tiếp mà ít quan tâm đến việc tăng hiệu quả sản xuất bằng cách tác động đến những người lao động trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Trong khi đó họ là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nguyên vật liệu. Do ý thức của người lao động chưa cao, nên những gì không thuộc sở hữu của riêng họ thì sẽ không tiết kiệm, hoặc do trình độ tay nghề kém nên làm tăng lượng phế phẩm,phế liệu
gây ra lãng phí. Vì vậy Công ty cần sử dụng chế độ thưởng phạt tới từng đối tượng cụ thể để đạt được kết quả tốt hơn.
Nội dung giải pháp
Các mức thưởng cho việc tiết kiệm nguyên vật liệu mà Công ty đang áp dụng thường cố định, không linh hoạt. Công ty cần đề ra mức thưởng căn cứ vào mức chi phí tiết kiệm được. Cụ thể, Công ty có thể hưởng bằng tiền đối với từng đối tượng cụ thể như sau:
Đối với nhân viên mua vật tư, nếu khai thác được nguồn cung ứng mới với giá rẻ hơn và bảo đảm về sản lượng, chất lượng nguyên vật liệu và tiến độ giao hàng, Công ty có thể thưởng bằng tiền tương đương với 20% giá trị tiết kiệm được.
Với cán bộ quản lý, thủ kho, Công ty cần có mức thưởng phạt hợp lý. Nếu thủ kho đảm bao nguyên vật liệu không bị hư hỏng, hao hụt thì sẽ được thưởng. Ngược lại nếu làm hư tổn do nguyên nhân chủ quan thì Công ty cần áp dụng hình thức phạt theo từng mức độ khác nhau (phê bình, cảnh cáo, bồi thường,…).
Đối với công nhân sản xuất, nếu đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm lại thực hiện tiết kiệm hơn so với định mức được giao thì được thưởng tùy theo giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm được. Với những loại có giá trị cao như PU, giả da, da,… mức thưởng có thể là 15% giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm được. Đối với các nguyên vật liệu có giá trị thấp hơn thì có thể thưởng 40% giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm được. Công ty cũng có thể khuyến khích bằng cách thưởng cho tổ sản xuất có nhiều lao động thực hiện tốt việc tiết kiệm nguyên vật liệu.
Đối với các cán bộ quản lý (quản đốc, tổ trưởng tổ sản xuất,…) nếu như bộ phận mình quản lý thực hiện tốt định mức đề ra, giảm tiêu hao nguyên vật liệu thì tùy theo giá trị nguyên vật liệu mà đề ra mức thưởng.
Chẳng hạn nếu tiết kiệm hơn 20 triệu đồng thì mức thưởng là 10% giá trị tiết kiệm, từ 10 đến 20 triệu, mức thưởng là 7,5% còn dưới 10 triệu là 5% giá trị tiết kiệm được.
Điều kiện thực hiện
Để áp dụng được hình thức thưởng phạt trước hết Công ty cần phải xây dựng được một hệ thống các quy chế, quy định về các tiêu chuẩn, các hình thức thưởng phạt, văn bản hóa các quy định và thông báo công khai trong phạm vi toàn thể Công ty để mọi thành viên được biết
Ngoài ra để đánh giá việc thực hiện định mức tiết kiệm hay không, Công ty cũng cần phải dực trên cơ sở đánh giá được chất lượng và số lượng sản phẩm. Muốn vậy, công tác kiểm kê số lượng, công tác đánh giá chất lượng đối với khâu thu mua cũng như khâu bảo quản, cấp phát cần phải được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo sự chính xác. Còn đối với đội ngũ cán bộ thủ kho, công tác kiểm kê phải được thực hiện thường xuyên và đảm bảo chính xác.
Kết quả dự kiến
Với việc thực hiện gắn mức thưởng với giá trị của lượng nguyên vật liệu bị hao hụt, dự kiến đội ngũ cán bộ của Công ty sẽ tham gia nhiệt tình, phấn đấu hết mình trong việc tiết kiệm nguyên vật liệu không chỉ trong các đợt có phong trào thi đua thực hành tiết kiệm mà ở mọi lúc, mọi nơi, họ đều có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi phí nguyên vật liệu cho Công ty. Cùng với nó, tỉ lệ phế liệu, phế phẩm cũng giảm bớt.