Luật kinh doanh bảo hiểm

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải 2 (Trang 110 - 111)

Luật KDBH được ban hành từ cuối năm 2000 và có hiệu lực từ 01/04/2001 đã tạo cơ sở pháp lý căn bản cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam. Cùng với Luật là rất nhiều văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành một cách cụ thể, tạo rất nhiều thuận lợi cho các đối tượng tham gia hoạt động bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế áp dụng trong thời gian qua cho thấy Luật và nhiều văn bản Luật vẫn còn nhiều chỗ chưa thống nhất, chưa đầy đủ, hoặc chưa thích hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Chính vì thế, tới đây, những nhà làm luật cần học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng luật của các nước, đồng thời có những nghiên cứu cụ thể các điều kiện của Việt Nam để có những điều chỉnh thích hợp hơn nữa.

Sự thiếu hụt một khung pháp lý điều chỉnh hoạt động cạnh tranh ở nước ta hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề, trong đó bảo hiểm chịu tác động không nhỏ. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới là Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Nghị định, thông tư, chế tài cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động cạnh tranh và xử lý vi phạm về cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm.

Luật KDBH nên bổ sung cách hiểu các thuật ngữ phổ biến nhằm đảm bảo việc áp dụng được thuận lợi hơn.

Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, mặc dù theo nguyên tắc thoả thuận, phải có sự chấp thuận của DNBH, nhưng để đảm bảo quy định của pháp luật về bên mua bảo hiểm, cần sửa đổi, bổ sung Điều 26 theo hướng quy định cụ thể người nhận chuyển nhượng phải thoả mãn điều kiện là bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, vì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thân tàu không làm thay đổi người được bảo hiểm, nên việc chuyển nhượng phải có sự đồng ý của chủ thể này. Nếu người được bảo hiểm không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp khác là điều kiện để chuyển nhượng hợp đồng.

Cần sửa đổi Điều 19 khoản 2 và khoản 3 theo hướng: bỏ khoản 3 Điều 19 và sửa đổi khoản 2 Điều 19 điểm a, bằng cách bỏ cụm từ "nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm". Khi đó, Điều 19 khoản 2 chỉ áp dụng cho trường hợp bên mua bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin khi thực hiện hợp đồng, còn nếu các bên cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng, sẽ áp dụng quy định tại Điều 22.

Điều 20 khoản 2 Luật KDBH nên quy định theo hướng: khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân từ phía bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm, thì DNBH có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp này, nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì DNBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải 2 (Trang 110 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)