Hình thức hợp đồng bảo hiểm thân tàu

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải 2 (Trang 45 - 48)

Theo điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam "Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định". Còn theo điều 203 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định, hợp đồng bảo hiểm chỉ được cấp dưới hình thức đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm, trong đó, "đơn bảo hiểm có thể được cấp theo hình thức đơn bảo hiểm đích danh, đơn bảo hiểm theo lệnh hoặc đơn bảo hiểm vô danh". Tuy nhiên, theo điều 12 khoản 3 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định thì, "Những vấn đề mà Bộ luật Hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của luật này". Do vậy, có thể khẳng định hợp đồng bảo hiểm thân tàu có thể được lập dưới các hình thức giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có hai loại hợp đồng bảo hiểm thân tàu được sử dụng là đơn bảo hiểm và giấy chứng nhận do bảo hiểm. Dưới đây là hai hình thức của hợp đồng này:

- Theo điều 203 khoản 1, 2 Luật kinh doanh bảo hiểm, đơn bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm được hiểu như sau:

+ Đơn bảo hiểm là bằng chứng về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm. Theo luật các nước cũng như luật Việt Nam quy định, nếu đơn có nội dung như hợp đồng thì có giá trị như hợp đồng. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm thì người bảo hiểm có nghĩa vụ cấp đơn bảo hiểm cho người được bảo hiểm.

+ Tuy nhiên, ngay khi hai bên ký kết hợp đồng, có thể người bảo hiểm chưa thể cung cấp cho người được bảo hiểm đơn bảo hiểm ngay. Vì vậy, trước khi cấp đơn bảo hiểm chính thức, người bảo hiểm có nghĩa vụ cấp cho người được bảo hiểm giấy chứng nhận về việc ký kết hợp đồng, nếu người đó yêu cầu. Trong trường này, giấy chứng nhận bảo hiểm cũng được coi là bằng chứng của hợp đồng bảo hiểm.

- Ngoài cách hiểu trên thì khái niệm đơn bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm còn được hiểu như hai loại chứng từ bảo hiểm có tính chất khác nhau:

+ Đơn bảo hiểm: Bộ luật Hàng hải Việt Nam, điều 203 quy định "Đơn bảo hiểm là bằng chứng về việc ký kết hợp đồng" và "Đơn bảo hiểm có thể được cấp theo hình thức đơn bảo hiểm đích danh, đơn bảo hiểm theo lệnh hoặc đơn bảo hiểm vô danh". Đơn bảo hiểm là chứng từ do tổ chức bảo hiểm cung cấp, bao gồm những điều khoản chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm, và nhằm hợp thức hoá hợp đồng này, đơn bảo hiểm gồm các nội dung sau:

Các điều khoản chung có tính chất thường xuyên, trong đó, người ta quy định rõ trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm và người được bảo hiểm.

Các điều khoản riêng biệt về đối tượng bảo hiểm (như tên tàu, số lượng hàng chuyên chở, mã hiệu,…) và về việc tính toán chi phí bảo hiểm (như giá trị bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm đã được thoả thuận v.v.).

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm : Là chứng từ do tổ chức bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm để xác nhận một lô hàng nào đó đã được bảo hiểm theo điều kiện của một hợp đồng bảo hiểm dài hạn.

Nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ bao gồm những điều khoản nói lên đối tượng được bảo hiểm, các chi tiết cần thiết cho việc tính toán bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm đã thoả thuận.

Luật bảo hiểm hàng hải Mỹ 1893, Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906, Luật bảo hiểm hàng hải Ấn Độ 1963, Bộ luật thương mại hàng hải Canada 1993, Luật hợp đồng bảo hiểm Phần Lan 1994 và Luật bảo hiểm hàng hải Singapore 1997 quy định hợp đồng bảo hiểm thân tàu phải được trình bày trên một bản viết đó là đơn bảo hiểm, dùng từ thông dụng. Các đơn bảo hiểm đều được in sẵn, mỗi nước có cách trình bày riêng về hình thức, sáng sủa, đẹp đẽ làm tăng thêm giá trị của một văn bản pháp lý nhưng về cơ cấu, nội dung thì căn bản giống nhau. Về phương diện tài chính, đơn bảo hiểm là một thứ chứng từ gốc để làm cơ sở giải quyết tiền bồi thường, thanh toán tổn thất. Về mặt pháp lý, đó là một văn bản gốc hợp pháp làm cơ sở giải quyết tranh chấp, tố tụng... Hợp đồng bảo hiểm phải được làm bằng văn bản. Hợp đồng bảo hiểm phải được thể hiện bằng đơn bảo hiểm hoặc bằng giấy chứng nhận bảo hiểm và chỉ có hợp đồng mới có giá trị dẫn chứng và ngược lại. Đơn bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hợp đồng bảo hiểm. Một hợp đồng sẽ bị vô hiệu khi mà chủ tàu không thông báo cho người bảo hiểm biết một trong các trường hợp sau:

- Tàu bị thay đổi người quản lý hay thay đổi quốc tịch. - Tàu bị hoán cải về cấu trúc.

- Tàu thay đổi vùng hoạt động, thay đổi loại hàng vận chuyển. - Tàu bị thay đổi cấp tàu.

- Tàu bị cầm giữ .v.v...

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải 2 (Trang 45 - 48)