Áp dụng các nguyên tắc của tố tụng hình sự trong xét xử phúc thẩm

Một phần của tài liệu Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự (Trang 31)

kháng nghị nên chỉ có những người có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị mới được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập tham gia phiên tòa. Do đó thành phần tham gia phiên tòa phúc thẩm hạn chế hơn so với phiên tòa sơ thẩm.

1.1.7. Áp dụng các nguyên tắc của tố tụng hình sự trong xét xử phúc thẩm phúc thẩm

Về cơ bản, các nguyên tắc của tố tụng hình sự (như nguyên tắc suy đoán vô tội; xác định sự thật khách quan về vụ án; Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xét xử công khai; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; tranh tụng...) áp dụng cho giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng được áp dụng ở giai đoạn phúc thẩm nhưng ở mức độ và phạm vi khác nhau. Chỉ có một số trong các nguyên tắc này (như: suy đoán vô tội, Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo) được áp dụng đầy đủ ở giai đoạn phúc thẩm như ở giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án. Ví dụ: nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn được áp dụng triệt để ở giai đoạn phúc thẩm, bởi vì, cho đến khi tuyên án phúc thẩm, bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo chưa có hiệu lực pháp luật và bị cáo vẫn được coi là vô tội.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có quyền tự do kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, bổ sung, thay đổi hoặc rút kháng cáo; có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình trước Tòa án cấp phúc thẩm, được nói lời sau cùng; Tòa án và các cơ quan có trách nhiệm bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền này và phải cử người bào chữa cho bị cáo trong các trường hợp pháp luật quy định. Vì vậy, ở giai đoạn phúc thẩm, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo vẫn được áp dụng đầy đủ.

Bên cạnh đó, do tính chất và đặc điểm của phúc thẩm nên trong giai đoạn tố tụng này một số nguyên tắc của tố tụng hình sự (như nguyên tắc xác định sự thật khách quan về vụ án, xét xử công khai, tranh tụng,...) có thể được áp dụng đầy đủ trong trường hợp này nhưng ở trường hợp khác lại chỉ ở một phạm vi và mức độ hạn chế. Ví dụ, nguyên tắc xác định sự thật khách quan về vụ án chỉ có thể áp dụng triệt để ở giai đoạn phúc thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị toàn bộ theo hướng không có lợi cho bị cáo. Trong các trường hợp khác, nguyên tắc này sẽ bị hạn chế bởi nội dung của kháng cáo, kháng nghị và yêu cầu không làm xấu hơn tình tình trạng của bị cáo trong xét xử phúc thẩm. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", Viện kiểm sát không kháng nghị, người bị hại không kháng cáo mà chỉ có bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mặc dù có căn cứ xác định bị cáo phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không có quyền xác định lại sự thật khách quan này.

Nguyên tắc xét xử công khai và tranh tụng chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án tại phiên tòa với sự có mặt đầy đủ của những người tham gia tố tụng như ở phiên toà sơ thẩm. Nhưng các nguyên tắc này không thể áp dụng đối với trường hợp phúc thẩm vụ án theo thủ tục bút lục (không mở phiên tòa). Nguyên tắc tranh tụng cũng không thể áp dụng đối với thủ tục xét xử phúc thẩm rút gọn, bởi vì, ở các phiên tòa này, vấn đề thẩm vấn và tranh luận (về nội dung sự việc, cũng như về mặt vận dụng pháp luật, đường lối, chính sách) không đặt ra.

Một phần của tài liệu Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự (Trang 31)