Thủ tục xét xử phúc thẩm là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả xét xử phúc thẩm. Vì vậy việc quy định một thủ tục phúc thẩm có căn cứ khoa học và hợp lý là một vấn đề cần được quan tâm và sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta hiện nay. Thủ tục xét xử lại các vụ án hình sự ở Tòa án cấp phúc thẩm được quy định khác nhau trong pháp luật của các nước (tùy thuộc vào quan niệm về tính chất và nhiệm vụ của cấp phúc thẩm ở mỗi quốc gia) và thường được thể hiện ở 3 hình thức:
- Phiên tòa phúc thẩm hình sự; - Thủ tục phúc thẩm rút gọn; - Thủ tục phúc thẩm bút lục.
* Phiên tòa phúc thẩm hình sự
Phiên tòa phúc thẩm là hình thức phổ biến được các nước áp dụng khi xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự. Ở các nước này, phúc thẩm được xác định là cấp xét xử thứ hai có nhiệm vụ xét xử lại về nội dung các vụ án mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Do đó việc xét xử vụ án phải được tiến hành tại phiên tòa công khai như phiên tòa sơ thẩm (trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định). Hầu hết các quy định về trình tự, thủ tục ở phiên tòa sơ thẩm cũng được áp dụng đối với phiên tòa phúc thẩm. Bên cạnh đó, phúc thẩm là cấp xét xử lại vụ án nên các nước đều quy định thêm một số thủ tục tố tụng đặc thù cho phiên tòa phúc thẩm.
Một số nước quy định một thủ tục xét xử phúc thẩm tại phiên tòa áp dụng chung cho tất cả các vụ án như Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Việt Nam... Trong khi đó, theo pháp luật của một số nước khác như Nhật Bản, Hàn
Quốc... thì ngoài việc quy định thủ tục xét xử tại phiên tòa còn cho phép xét xử phúc thẩm theo bút lục trong một số trường hợp nhất định.
Việc quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục phiên tòa phúc thẩm ở các nước cũng rất khác nhau. Bộ luật Tố tụng hình sự của một số nước khi quy định về trình tự thủ tục phiên tòa phúc thẩm theo hướng viện dẫn các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm cần áp dụng đối với phiên tòa phúc thẩm, đồng thời quy định bổ sung một số thủ tục tố tụng khác so với phiên tòa sơ thẩm. (Ví dụ: Điều 512, 513 của Bộ luật Tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp). Lại có nước quy định thủ tục phiên tòa phúc thẩm theo hướng liệt kê cụ thể trình tự, thủ tục cần phải tiến hành ở phiên tòa phúc thẩm đồng thời viện dẫn các quy định về thủ tục như ở phiên tòa sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm phải áp dụng (Điều 377 Bộ luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga).
Pháp luật của một số nước khác quy định về thủ tục phiên tòa phúc thẩm theo hướng áp dụng tương tự các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm, nếu trong Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định khác. (Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc, Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản)...
Ở Việt Nam, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng quy định thủ tục xét xử phúc thẩm bắt buộc phải tiến hành tại phiên tòa theo hướng áp dụng tương tự các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm đồng thời quy định bổ sung một số thủ tục tố tụng khác so với phiên tòa sơ thẩm. Tại Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định:
Phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo, kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án [35].
Thủ tục phúc thẩm rút gọn là một dạng đặc biệt của thủ tục xét xử phúc thẩm tại phiên tòa. Theo thủ tục này thì trong một số trường hợp pháp luật quy định, việc xét xử phúc thẩm vụ án vẫn được tiến hành tại phiên tòa nhưng được lược bỏ một số thủ tục tố tụng không cần thiết để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Theo quy định của các nước, thủ tục rút gọn (còn gọi là thủ tục giản lược) không áp dụng để xét xử phúc thẩm mà chủ yếu áp dụng trong xét xử sơ thẩm đối với một số vụ án hình sự thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. (Ví dụ: Điều 524 Bộ luật Tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp; Điều 318 Bộ luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga, Điều 461 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản...).
Ở nước ta, trước khi ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, thủ tục rút gọn được quy định tại Thông tư số 19/TATC ngày 12/10/1974 của Tòa án tối cao và được áp dụng để xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự trong trường hợp mà vấn đề thẩm vấn và tranh luận (về nội dung sự việc, cũng như về mặt vận dụng pháp luật, đường lối, chính sách) ở phiên tòa không đặt ra. Theo thông tư này, thì phiên tòa phúc thẩm rút gọn được tiến hành không cần sự có mặt của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nhưng vẫn phải tiến hành công khai. Bị cáo được báo và có thể đến dự phiên toà hoặc gửi đơn trình bày thêm về lý do kháng cáo. Và thủ tục phúc thẩm rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện như: Bị cáo nhận tội trước tòa sơ thẩm, chỉ kháng cáo xin khoan hồng, giảm án; những người tham gia tố tụng khác không kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị; vụ án đã rõ ràng, chứng cứ đầy đủ; vụ án không thuộc loại quan trọng; khi xét xử sơ thẩm bị cáo có mặt; Viện kiểm sát cũng đồng ý là không cần gọi bị cáo.
Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 ban hành, thủ tục xét xử phúc thẩm này đã bị bãi bỏ. Và trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì thủ tục này không áp dụng để xử phúc thẩm mà chủ yếu áp dụng trong xét xử sơ thẩm đối với một số vụ án hình sự có đủ các điều kiện sau: Người thực hiện hành vi
phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng (Chương XXIV Bộ luật Tố tụng hình sự 2003).
Thực tế cho thấy, về bản chất thủ tục này mới chỉ rút ngắn về thời gian giải quyết vụ án (tức là rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án), còn về thủ tục tố tụng chưa rút gọn được khâu nào và việc xét xử vụ án vẫn phải tiến hành theo thủ tục chung.
* Thủ tục phúc thẩm bút lục
Khi xem xét lại vụ án theo thủ tục bút lục, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không triệu tập bị cáo, các đương sự và người làm chứng. Ngoài Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký phiên tòa, sự tham gia của Đại diện Viện kiểm sát (Viện công tố) cấp phúc thẩm là bắt buộc. Do không có bị cáo, đương sự và người làm chứng nên việc xét hỏi, tranh luận không đặt ra, các thủ tục tố tụng ở phiên tòa được tiến hành đơn giản như ở phiên tòa giám đốc thẩm (tái thẩm). Việc áp dụng thủ tục này cho phép rút ngắn đáng kể quá trình xét xử phúc thẩm các vụ án. Thủ tục phúc thẩm theo bút lục được nhiều nước áp dụng ở các mức độ khác nhau.
Một số nước áp dụng thủ tục phúc thẩm bút lục trong một số trường hợp hoặc đối với một số loại án nhất định. Ví dụ, theo quy định tại khoản 5 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc khi thấy rõ ràng là không có cơ sở gì để kháng cáo thì Tòa án có thể bác đơn kháng cáo mà không cần tố tụng miệng bằng cách thẩm tra đơn kháng cáo, bản trình bày lý do kháng cáo hoặc bất kỳ tài liệu nào của vụ án. (Bộ luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc).
Tại Điều 408 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản quy định:
Trong trường hợp khi xem xét bản trình bày lý do kháng nghị Jokoku, nếu tìm thấy những tài liệu khác chứng tỏ rằng việc kháng nghị là không thể chứng minh được thì Tòa án phúc thẩm có
thể bác bỏ kháng nghị bằng một bản án mà không cần phải tiến hành thủ tục xét xử bằng lời nói [84].
Theo pháp luật tố tụng hình sự Singapore, thủ tục phúc thẩm bút lục được áp dụng đối với hầu hết các vụ án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm chủ yếu chỉ xem xét vụ án căn cứ vào hồ sơ và các thủ tục đã tiến hành ở phiên tòa sơ thẩm để đưa ra kết luận của mình mà không đề cập đến việc xét xử lại vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, trừ trường hợp nếu qua hồ sơ thấy rõ ràng Thẩm phán đã sai lầm trong việc xem xét các sự kiện hoặc đưa ra kết luận không đúng đắn.
Ở nước ta thủ tục phúc thẩm bút lục được áp dụng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965 - 1972). Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 được ban hành thì thủ tục phúc thẩm bút lục không được áp dụng nữa. Theo quan điểm của tôi, việc quy định thủ tục phúc thẩm bút lục trong Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta là cần thiết, phù hợp với điều kiện tình trạng quá tải, tồn đọng quá nhiều án ở các tòa cấp phúc thẩm, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Việc áp dụng thủ tục này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vì nó giúp cho quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, hạn chế được sự quá tải, tồn đọng án trong xét xử phúc thẩm, tiết kiệm đáng kể tiền bạc, thời gian, công sức cho cả Nhà nước và công dân.
Tuy nhiên, do tính chất hạn chế dân chủ của nó đồng thời ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng (oan, sai) có thể xảy ra, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối với bị cáo. Vì vậy, nên chăng chỉ áp dụng thủ tục xét xử này đối với các vụ án tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng khi có đủ các điều kiện sau:
- Bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do lỗi vô ý;
- Bị cáo là người đã thành niên và không có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần;
- Chứng cứ rõ ràng, bị cáo nhận tội ở cấp sơ thẩm;
- Người bị hại không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị; - Bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc mức bồi thường thiệt hại và người bị hại không phản đối;
- Quan điểm xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng không trái ngược nhau;
- Bị cáo không phản đối thủ tục này.
Các điều kiện trên có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu thiếu bất kỳ một điều kiện nào thì thủ tục phúc thẩm bút lục sẽ không được áp dụng mà phải giải quyết vụ án theo thủ tục chung.