Thời kì bong bóng kinh tế

Một phần của tài liệu văn hoá, kinh tế, chính trị của đất nước nhật bản (Trang 31 - 32)

2. Kinh tế Nhật Bản

2.1.2.3. Thời kì bong bóng kinh tế

Thời kỳ bong bóng kinh tế của Nhật Bản kéo dài 4 năm 3 tháng, từ tháng 12 năm 1986 đến tháng 2 năm 1991. Kinh tế Nhật Bản thời kỳ này có những đặc điểm như đồng Yên cao giá so với Dollar Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế cao, tỷ lệ lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, giá tài sản (bất động sản lẫn tài sản tài chính) cao, tiêu dùng mạnh.

Nguyên nhân khiến bong bóng kinh tế hình thành có nhiều. Nguyên nhân đầu tiên là việc Yên lên giá sau Thỏa ước Plaza (năm 1985) gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngân hàng Nhật Bản đã phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (hạ lãi suất) để đối phó với điều đó, nên tính thanh khoản cao quá mức hình thành. Kết quả là kinh tế tăng trưởng mạnh và đầu cơ tài sản bắt đầu làm tăng giá tài sản. Mặt khác, các nhà đầu tư bắt đầu thay đổi danh mục đầu tư của mình khi tỷ giáYên/Dollar thay đổi và nhất là sau sự kiện Ngày thứ Hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ. Họ giảm đầu tư vào tài sản của Mỹ và tăng đầu tư vào các tài sản của Nhật Bản. Giá tài sản trong đó có giá cổ phiếu và trái phiếu công ty tăng kích thích xí nghiệp đầu tư. Lạm phát tăng tốc kích thích tiêu dùng. Bong bóng kinh tế nói chung và bong bóng giá tài sản chỉ được nhận ra sau khi chúng bắt đầu vỡ vào đầu thập niên 1990.

Đồng Yên tăng giá đã kích thích các xí nghiệp của Nhật Bản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Nó cùng với việc người Nhật trở nên giàu hơn đã kích thích họ mua các tài sản của nước ngoài (chẳng hạn như mua xưởng phim của Mỹ, mua các tác phẩm hội họa nổi tiếng) và đi du lịch nước ngoài.

Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác của Nhật Bản sau một thời gian dài đầu tư vào các xí nghiệp trong khu vực chế tạo thì đến thời kỳ này bắt đầu đầu tư vào các tài sản tài chính. Họ cũng tích cực cho vay đối với các dự án phát triển bất động sản. Họ còn sẵn sàng chấp nhận các tài sản tài chính và bất động sản làm thế chấp khi cho các xí nghiệp và cá nhân vay. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các tổ chức tín dụng của Nhật Bản sau này mắc phải tình trạng nợ khó đòi khi bong bóng kinh tế và bong bóng giá tài sản vỡ.

Năm 1989, Nhật Bản nâng thuế suất thuế tiêu dùng. Cùng năm Iraq xâm lược Kuwait dẫn đến Chiến tranh vùng Vịnh khiến giá dầu lửa tăng vọt. Tháng 10 năm 1990, Ngân hàng Nhật Bản thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Bong bóng kinh tế vỡ vào năm 1991 và bong bóng giá tài sản vỡ vào năm 1992.

Một phần của tài liệu văn hoá, kinh tế, chính trị của đất nước nhật bản (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(52 trang)
w