2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.1.6. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất
Tài nguyên đất của xã Hương Phong chủ yếu gồm 2 loại đất chính sau [37]: - Đất mặn phèn trên phù sa (Salic, Thionic Fluvisols): Nhóm đất này có diện tích lớn nhất, phân bố hầu như trên toàn bộ diện tích của xã. Đất có cấu trúc 3 tầng khá rõ, tầng bề mặt thường là các lớp phù sa mới bồi có màu nâu tươi. Thành phần cơ giới thịt nhẹ, dẻo, ít dính, trong đất có nhiều limon. Đất có phản ứng hơi chua, độ no bazơ lớn hơn 50%. Hàm lượng các chất trong đất trung bình. Tầng chuyển tiếp đến tầng phèn thường có biểu hiện oxy hóa khoáng pyrit, tầng đất thường có màu nâu, nâu vàng, phần đáy thường có màu xám xanh. Tầng phèn tiềm tàng thường nằm ở độ sâu trên 50cm có màu nâu, xám xanh.
- Đất mặn trên phù sa: Đất có cấu trúc 2 tầng chính: tầng bề mặt có màu nâu tươi, đất có phản ứng hơi chua; tầng dưới có màu nâu xám, xanh đen, ở độ sâu trên 40cm thường có mạch nước ngầm.
Cơ cấu sử dụng đất của xã Hương Phong năm 2012 được thể hiện trong Bảng 1.4. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong năm 2012 chủ yếu là từ đất bằng chưa sử dụng (0,07 ha), đất mặt nước hoang (0,09 ha) sang quy hoạch đất ở nông thôn tại thôn Vân Quật Đông. Sự biến động cơ cấu sử dụng đất của xã Hương Phong không đáng kể trong giai đoạn năm 2008 đến tháng 6 năm 2013. Việc thay đổi mục đích sử dụng chủ yếu là chuyển từ đất chưa sử dụng sang đất phi nông
nghiệp và đất nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản) hoặc từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (Hình 1.5).
Bảng 1.4. Cơ cấu sử dụng đất ở xã Hương Phong năm 2012 [50]
TT LOẠI ĐẤT DIỆN TÍCH (ha) TỶ LỆ (%)
1 Đất nông nghiệp 787,83 50,2
1.1 Đất sản xuất nông nghiệp 563,35 35,9
1.1.1 Đất trồng lúa 563,35 35,9
1.1.2 Đất hoa màu - 0,0
1.2 Đất lâm nghiệp 4,59 0,3
1.3 Đất nuôi trồng thuỷ sản 219,89 14,0
1.4 Đất nông nghiệp khác - 0,0
2 Đất phi nông nghiệp 762,3 48,6
2.1 Đất ở 88,59 5,6
2.2 Đất chuyên dùng 89,19 5,7
2.3 Đất tôn giáo, tín ngưỡng 9,17 0,6
2.4 Đất nghĩa trang, nghĩa địa 68,65 4,4 2.5 Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 506,7 32,3
2.6 Đất phi nông nghiệp khác - 0,0
3 Đất chưa sử dụng 19,87 1,3
Tổng số 1.570,00 100,0
Hình 1.5. Biến động cơ cấu sử dụng đất ở Hương Phong từ 2008 - 2013 [50], [52]
Tài nguyên nước
Tài nguyên nước trên địa bàn nghiên cứu khá phong phú, chủ yếu được cung cấp từ hai nguồn chính là nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt của xã Hương Phong chủ yếu được tiếp nhận từ nước mưa và nước của các con sông nhỏ như sông Kim Đôi, kênh mương được bổ cập từ nhánh sông Bồ và chi nhánh sông Hương chảy qua địa bàn. Tài nguyên nước mặt rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, lượng nước trong mùa mưa quá lớn, nước trở nên dư thừa gây ra ngập úng. Ngoài ra, mặt nước đầm phá trên địa bàn xã cũng tương đối thuận lợi cho việc tổ chức phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Về nguồn nước ngầm, qua điều tra thăm dò
địa chất thuỷ văn cho thấy tầng nước ngầm của khu vực tương đối phong phú và có đều quanh năm [37].
Tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học
- Thảm thực vật trồng trên địa bàn xã Hương Phong chủ yếu phân thành các loại sau: Lúa nước chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của xã. Những vùng có địa hình cao thường trồng 2 vụ, các vùng thấp trũng chỉ trồng được 1 vụ; hoa màu phân bố tại các vùng có địa thế cao, các cây trồng chủ yếu là đậu, ngô, khoai, sắn và các loại rau; các cây trồng trong khu dân cư thường là các loại cây lấy gỗ hay bóng mát, một số loại cây ăn quả, ngoài ra còn có diện tích các loại cây hoa màu xen lẫn trong khu dân cư.
- Rừng ngập mặn Rú Chá ở Hương Phong. Theo kết quả khảo sát, điều tra của Hoàng Công Tín (2012) [41] đã xác định các loài thực vật rừng ngập mặn ở Rú Chá gồm 19 loài thực vật ngập mặn. Trong đó, số lượng cá thể của Giá (Excoecaria agallocha L.) và Quao nước (Dolichandrone spathacea (L.f.) K. Schum.) chiếm đa số trong thảm thực vật nơi đây, tạo thành các quần thể Giá xanh tốt mà trước đây nơi này là căn cứ địa cách mạng của quân dân địa phương. Vì vậy Rú có tên là Rú Chá, do tiếng địa phương đọc trại của từ “Giá” lâu ngày. Rú Chá cũng là nơi trú đông hằng năm của nhiều đàn chim như: Cò, Vạc, Cu, Triết....