b. Nguyên nhân chủ quan
2.2.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
a. Nguyên nhân khách quan
Khủng hoảng kinh tế - tài chính Mỹ lan rộng ra toàn cầu. Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng chục công ty (trong đó có rất nhiều công ty, tập đoàn lớn) phá sản; tình trạng thất nghiệp lên tới báo động; thị trường tài chính,tín dụng đóng băng.... Kinh tế toàn cầu cũng phải trải qua những năm đầy thử thách với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng của khủng hoảng, dù chính phủ ra sức cứu trợ nhưng tăng trưởng âm vẫn kéo dài ở nhiều quốc gia; thêm vào đó là tình trạng khủng hoảng nợ công lên đến trầm trọng ở nhiều quốc gia EU… Sự đi xuống của nền kinh tế là một nguyên nhân khiến FDI vào Việt Nam cũng diễn ra thất thường, còn FDI vào Hà Nội thì liên tục sụt giảm.
b. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, các nhân tố của quá trình sản xuất trên địa bàn Hà nội còn có giá
tương đối cao, gây khó khăn cho quá trình tái sản xuất mở rộng đối với nhà đầu tư nước ngoài, như tiêu biểu nhất là giá đất, giá nhân công lao động, giá dịch vụ điện, nước, chi phí thuê văn phòng... có xu hướng tăng hơn so với các địa phương khác. Ngoài ra còn tồn tại nhiều vấn đề về nguồn nguyên liệu bán thành phẩm, thiết bị và cơ sở hạ tầng cần thiết khác cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, song về cơ bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh công nghiệp hiện đại: đường còn chật hẹp; kho tàng, điểm thông quan, bãi trung chuyển và các phương tiện vận tải, các đầu nút giao thông đối nội và đối ngoại trong vùng đều còn lạc hậu hoặc mới được sửa chữa, nâng cấp, song chưa đồng bộ và hiện đại. Các yếu tố đó dẫn đến môi trường đầu tư nước ngoài ở Hà nội có nguy cơ mất dần tính cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước cũng như các nước khác trong khu vực và quốc tế.
Vấn đề gây khó khăn cho việc thu hút FDI nhất là sự khó khăn về tiếp cận đất đai, cũng là nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hà Nội thấp và liên tục tụt hạng trong những năm gần đây:
- Vấn đề thuê đất: Đối với đất đai trong khu công nghiệp, các nhà đầu tư CN nếu có muốn vào Hà Nội cũng không có địa điểm SX do các khu công nghiệp của Hà Nội sẵn có điều kiện hạ tầng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đã được lấp đầy, không còn diện tích cho thuê. Đối với đất ngoài khu công nghiệp, giá thuê đất, chi phí đền bù GPMB tại Hà Nội đã tăng đáng kể so với các địa phương khác làm giảm tính cạnh tranh của Hà Nội làm nhiều nhà ĐTNN lớn cân nhắc lại (như Sumitomo, Inax- Nhật Bản…) chuyển hướng đầu tư công nghiệp sang các địa phương lân cận Hà Nội.
- Vấn đề quy hoạch: Quy hoạch chung Hà Nội vẫn đang trong quá trình báo cáo Quốc Hội và sẽ hoàn chỉnh phê duyệt vào cuối năm nên cũng không có địa điểm kêu gọi đầu tư mới của nhà ĐTNN, một số dự án đã được chấp thuận tại địa bàn Hà tây cũ cũng tạm dừng chờ quy hoạch (thực tế địa bàn Hà Tây cũ cũng như Mê Linh và 4 xã cũ Hoà Bình đã chấp thuận hầu hết địa điểm cho các nhà đầu tư trong nước và một số ít nhà ĐTNN). Các nhà đầu tư nước ngoài dù mong muốn đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài công nghiệp như bất động sản, thương mại, dịch vụ, cũng không có địa điểm giới thiệu cho đầu tư do nguyên nhân nêu trên.
Trong khi đó các nhà đầu tư Hoa Kỳ lại thích đầu tư vào các lĩnh vực như: bất động sản, dịch vụ giải trí… Khó khăn về địa điểm thực hiện dự án đã làm các nhà đầu tư này e ngại và chùn bước.
- Vấn đề chậm chễ trong việc giải phóng mặt bằng cũng làm cản trở sự tiếp cận đất đai trong đầu tư, điển hình là sự dậm chân tại chỗ trong công tác GPMB ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nguyên nhân một phần là do giá đền bù mặt bằng chưa hợp lý; một phần là do người dân; phần khác là do việc tổ chức đền bù GPMB của địa phương còn nhiều bất cập, chưa tập trung cao,
chưa quyết liệt, việc thực hiện phân cấp thẩm định phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường của cấp huyện còn lúng túng.
Thứ hai là hạn chế và thiếu sót trong các cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách, điều kiện cần thiết của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được quan tâm xây dựng và hình thành bước đầu môi trường đầu tư tương đối thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, song chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ còn nhiều khiếm khuyết. Nhiều mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường có thể tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài chưa được giải quyết triệt để như nạn buôn lậu, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, nạn hàng giả, hàng nhái và những gian lận trong chấp hành chế độ kế toán, thuế và tín dụng khác...
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ban hành cho từng lĩnh vực riêng biệt còn thiếu, ví dụ như trong lĩnh vực hạ tầng có thể thu hút vốn đầu tư tư nhân nước ngoài (hiện nay chủ yếu thực hiện bằng vốn vay ODA Nhật Bản và một số tổ chức tài chính quốc tế) thì do chưa có khung pháp lý cần thiết nên cũng không triển khai được phải chờ. Rất nhiều các văn bản mới dừng lại ở mức hướng dẫn, cụ thể hoá thực hiện các chủ trương chung của Nhà nước. Nhiều chính sách được ban hành chưa đảm bảo tính đồng bộ, một số văn bản quy định còn chồng chéo, có trường hợp còn mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thẩm định cấp phép đầu tư, quy hoạch và xây dựng.
Thứ ba là những bất cập về thủ tục hành chính, cơ chế quản lý điều hành
kinh tế vĩ mô, sự phân cấp Trung ương - địa phương, sự phối hợp các cơ quan - ban- ngành và trình độ, năng lực công tác kém, thậm chí sự tha hoá, móc ngoặc, tham nhũng của đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước trong các cơ quan liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm xấu đi môi trường đầu tư, gây nhiều khó khăn cho tăng
cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Hà nội.
Thứ tư, các doanh nghiệp Hà Nội nhìn chung có quy mô, nguồn vốn kinh
doanh nhỏ, năng lực công nghệ và sản xuất sản phẩm chuyên sâu rất thấp (ví dụ như trong các ngành công nghiệp phụ trợ, CNTT,...) so với doanh nghiệp nước ngoài, nên không có nhiều khả năng hợp tác, phân công, liên kết, liên doanh sản xuất với các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt nam. Điều đó làm cho các doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án đầu tư sản xuất tại Việt nam, bắt buột phải nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, bán thành phẩm hoặc đưa thêm các doanh nghiệp phụ trợ vào, chậm đạt được mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất. Có thể nói đa phần các nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô đều phải nhập từ các tỉnh xa hoặc từ nước ngoài (theo ước tính của Hiệp hội công thương Thành phố Hà Nội thì khoảng 70-80% nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu của Hà Nội là phải nhập từ nước ngoài hoặc địa phương khác).
Thứ năm, khu vực kinh tế tư nhân với tư cách là một đối tác chủ yếu của đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chưa thực sự đủ năng lực, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước đều đang vấp phải vấn đề nan giải lớn là sự lạc hậu của trang thiết bị công nghệ. Ngay ở Hà Nội, nơi có trình độ khoa học - công nghệ và có tốc độ đổi mới trang thiết bị cao nhất trong vùng, thì tỷ lệ thiết bị hiện đại và tương đối hiện đại cũng chỉ đạt 36 - 38% tài sản cố định của các doanh nghiệp công nghiệp.