Nguyên nhân

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hà tĩnh (Trang 68 - 74)

Nguyên nhân của những tồn tại trong quản lý rủi ro của chi nhánh NHNo&PTNT Hà Tĩnh gồm nhiều loại. Có thể phân thành 2 nhóm là nhóm nguyên nhân khác quan và nhóm nguyên nhân chủ quan.

2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan

Trên thực tế, nguyên nhân sự gia tăng rủi ro tín dụng của chi nhánh NHNo&PTNT Hà Tĩnh không chỉ đến từ phía chủ thể đi vay hay từ phía các ngân hàng mà còn xuất phát nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó môi

trường kinh tế với những ảnh hưởng tiêu cực từ sau khủng hoảng là một nhân tố quan trọng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến mất khả năng thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó điều kiện môi trường pháp lý chưa thực sự phù hợp cũng đặt hoạt động tín dụng ngân hàng trước nguy cơ gia tăng rủi ro.

- Thiếu thông tin thực tế về khách hàng

Do thiếu thông tin cần thiết nên việc xét duyệt cho vay nhiều khi chưa chính xác như: không biết rõ tình hình thực tế của doanh nghiệp, các thông tin thương mại về tình hình giá cả, cung cầu biến động của thị trường, sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn cho vay. Như vậy trong điều kiện không nắm bắt được đầy đủ, chính xác các thông tin về khách hàng cũng như không nắm bắt đầy đủ các thông tin có liên quan thì rủi ro xảy ra là điều khó tránh khỏi. Điều này xuất phát từ các lý do sau:

Hệ thống quản lý thông tin CIC còn nhiều hạn chế. Mặc dù, trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng CIC của NHNN đã được thành lập từ năm 1999 song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tra cứu thông tin về khách hàng của các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, hệ thống thông tin của Agribank chưa quan tâm đúng đến công tác thông tin tín dụng, chưa quán triệt về sự cần thiết và khả năng khai thác sử dụng nguồn thông tin thu được, chưa có sự phối hợp giữa các cán bộ làm tín dụng và cán bộ làm tin học, kế toán. Nguồn thông tin vẫn dựa vào khách hàng là chủ yếu mà thông thường thì đây là nguồn thông tin thiếu chính xác. Khi chất lượng thông tin chưa được đảm bảo thì cũng không thể đáng giá khoản tín dụng đó có chất lượng tốt và thực tế công tác thẩm định của Chi nhánh còn thiếu chắc chắn, chưa xác định rõ được thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính nên hiệu quả và mức độ an toàn vốn thấp, khâu sàng lọc khách hàng còn yếu kém.

- Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn trong môi trường kinh tế còn nhiều biến động

Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính. Các doanh nghiệp vay nợ nhiều thời kỳ trước có thể gặp nhiều rủi ro nếu lợi nhuận thu được giai đoạn này không đủ bù đắp các khoản nợ sắp đến hạn. Việc sử dụng tài sản bảo đảm là bất động sản gây khó khăn trong việc thanh lý tái sản.

- Gian lận từ phía doanh nghiệp vay vốn

Thực hiện sai cam kết trong sử dụng vốn

Các ngân hàng sẽ quyết định cho vay sau khi đã phân tích cẩn thận yếu tố liên quan đến tính chân thật của người vay trong việc trả nợ. Tuy nhiên trong thực tế, tính chân thật và khả năng chi trả của người vay có thể thay đổi sau khi món cho vay đã được thực hiện. Rủi ro xảy ra khi khách hàng sử dụng món vay vào mục đích khác nhiều rủi ro hơn. Ví dụ như khách hàng sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư vào tài sản dài hạn, khi đến hạn trả nợ khách hàng sẽ đảo nợ hoặc xin cơ cấu lại thời gian trả nợ. Điều này gây ra tổn thất tới cho ngân hàng khi hoạt động đầu tư của doanh nghiệp gặp rủi ro.

Để được cấp vốn tín dụng, các khách hàng bắt buộc phải chứng minh với ngân hàng về các phương án kinh doanh cụ thể, khả thi và phải cam kết sử dụng nguồn vốn vay vào đúng mục đích đã được cán bộ tín dụng thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt là trong hoàn cảnh ngân hàng không thực hiện giám sát sát sao nguồn vốn tín dụng, không ít khách hàng chỉ sử dụng một phần vốn vay thực sự vào dự án đã trình bày, phần khác dùng cho mục đích khác như: đầu tư vào các dự án khác - có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro do cho được thẩm định, đầu tư chứng khoán, vàng hoặc thậm chí sử dụng cho mục đích tiêu xài cá nhân, mua sắm vật dụng, không nhằm mục tiêu sinh lời...

Gian lận trong việc tự tạo uy tín

Đạo đức của người vay là một yếu tố quan trọng của qui trình thẩm định, tính cách của người vay không chỉ được đánh giá bằng phẩm chất đạo đức chung mà còn phải kiểm nghiệm qua những kết quả hoạt động trong quá khứ, hiện tại và chiến lược phát triển trong tương lai.

Uy tín của khách hàng cũng là một yếu tố đáng quan tâm, uy tín của khách hàng là tiêu chí để đáng giá sự sẵn sàng trả nợ và kiên quyết thực hiện các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng từ phía khách hàng. Uy tín của khách hàng được thể hiện dưới nhiều khía cạnh đa dạng như: chất lượng dịch vụ, sản phẩm, mức độ chiếm lĩnh thị trường, các quan hệ kinh tế tài chính bạn hàng và ngân hàng. Uy tín được khẳng định và kiểm nghiệm bằng kết quả thực tế trên thị trường qua thời gian càng dài càng chính xác.

Ngoài ra khách hàng còn có thể tạo uy tín qua việc gian lận, “làm đẹp” các bảo cáo tài chính. Như thủ đoạn bóp méo hoặc khai khống các giao dịch hay công bố không đầy đủ các giao dịch với các bên liên quan: bao gồm giao dịch khống và giao dịch có xung đột quyền lợi nhằm tăng lợi nhuận trên báo cáo tài chính. Điều này gây hiện tượng thông tin không cân xứng đối với ngân hàng.

Thực tế kinh doanh đã cho thấy, tính chân thật và khả năng chi trả của người vay có thể thay đổi sau khi món vay được thực hiện. Khách hàng có thể lừa đảo ngân hàng thông qua việc gian lận về số liệu, giấy tờ, quyền sở hữu tài sản, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng kinh doanh, phương án kinh doanh,…Việc khách hàng gian lận tất yếu sẽ dẫn đến những rủi ro cho ngân hàng.

- Hoạt động thanh tra ngân hàng còn hạn chế về chất lượng và thiếu khách quan.

Hệ thống quản lý rủi ro của NHNN trong vài năm gần đây đã được quan tâm ở mức độ nhất định, nhưng do những hạn chế có tính cơ chế, kỹ

thuật hệ thống này và năng lực cán bộ thanh tra chưa thể đáp ứng được đòi hỏi phức tạp của NHTM hiện đại hoạt động trong môi trường nhiều rủi ro và thiếu hoàn chỉnh như Việt Nam.

Ý nghĩa của giám sát từ xa và kiểm toán nội bộ đối với hoạt động ngân hàng là ở chỗ tạo ra các thông tin, các hệ thống tín hiệu cảnh báo để ngăn chặn sớm các sự cố có thể đến từ nhiều phía đối với ngân hàng, đồng thời giúp cho công tác thanh tra xử lý đúng trọng điểm, kịp thời và có hiệu quả thiết thực, không gây phiền toái cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống giám sát hoạt động của NHNN hiện nay quá coi trọng vào công tác thanh tra tại chỗ, xem nhẹ công tác thanh tra giám sát, phần lớn là giám sát dựa trên báo cáo hàng tháng, quý, năm của các NHTM. Nội dung và phương pháp thanh tra cũng chậm được đổi mới, chủ yếu theo phương pháp truyền thống chưa thật sự cải tiến theo hệ thống thông tin của các NHTM. Như vậy, thanh tra ngân hàng còn hoạt động thụ động theo kiểu cầm tay chỉ việc, ít có khả năng phát hiện và phòng ngừa rủi ro. NHNN chưa thực hiện đầy đủ vai trò hướng dẫn, điều tiết và giám sát hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam.

2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Mô hình tổ chức quản lý còn chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm quyền hạn và nghĩa vụ. Hiện tại Chi nhánh đang hoạt động theo mô hình của NHNo&PTNT Việt Nam định hướng nên chưa có bộ phận quản lý rủi ro tín dụng riêng biệt. Vì vậy, việc phân quyền và quá trình triển khai khó khăn nhất là đối với một số cán bộ tín dụng được đào tạo theo chương trình cũ, chưa có sự quan tâm về vấn đề quản lý rủi ro...

- Yếu tố con người là yếu tố tác động lớn nhất về phía ngân hàng đến rủi ro của hoạt động tín dụng. Bộ phận tín dụng chính là nơi trực tiếp thẩm định dự án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng cũng như trực tiếp tiến hành kiểm tra, định giá tài sản thế chấp, giám sát quy trình giải ngân, kiểm tra sử

dụng nguồn vốn tín dụng, là đầu mối trực tiếp tiếp xúc với khách hàng,... Như vậy, việc đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ của chi nhánh còn chung chung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý rủi ro tín dụng. Hơn nữa hiện tại, số lượng hồ sơ quá tải đối với 1 cán bộ tín dụng cũng là lý do khiến công tác quản lý rủi ro chưa hiệu quả.

- Sự chỉ đạo của Chi nhánh đối với quản lý rủi ro mặc dù đã quán triệt yêu cầu quản lý RRTD đến từng bộ phận tuy nhiên công tác giám sát của cấp quản lý chưa chặt chẽ. Việc thực hiện thẩm định KH chỉ dựa trên cảm tính hay mối quan hệ khiến việc xử lý rủi ro khi có nợ xấu khó khăn hơn.

- Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như Tòa án, Sở tài nguyên môi trường , cơ quan thanh tra các cấp... chưa phát huy hiệu quả tối đa. Thủ tục phức tạp, việc thanh lý tài sản để xử lý nợ diễn ra chậm...

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ RỦI RO TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ TĨNH

Với phương châm “Agribank mang phồn thịnh đến khách hàng”, được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNo&PTNT Việt Nam và sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan trong và ngoài ngành từ TW đến địa phương trên toàn địa bàn, Đảng ủy và Ban giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh luôn thống nhất hướng chỉ đạo các mặt nghiệp vụ với mục tiêu và giải pháp kinh doanh cụ thể, chủ động, sáng tạo do đó đã huy động mọi nguồn lực và phát huy cao nhất yếu tố nội lực để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh năm 2012. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của Chi nhánh trong năm 2012 đã đạt được kết quả nổi bật, phát triển đồng đều và toàn diện trên tất cả các mặt công tác, góp phần đáng kể vào kết quả kinh doanh của hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam, cũng như sự phát triển trên địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh.

Một phần của tài liệu giải pháp nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hà tĩnh (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w