2.2.2.1. Về bộ máy tổ chức quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng
Với bộ máy tổ chức đã trình bày ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tĩnh chưa có phòng quản lý RRTD độc lập. Trong phòng tín dụng cũng không có bộ phận chuyên về quản lý RRTD. Rủi ro chỉ được xem xét theo từng giao dịch, từng khách hàng và dự án cụ thể. Thực tế mỗi cán bộ tín dụng phụ trách một hoặc một số hồ sơ vay vốn nào đó và chịu trách nhiệm với rủi ro của chính hồ sơ đó. Cán bộ tín dụng thực hiện tất cả các khâu trong qui trình tín dụng từ tiếp xúc khách hàng, thẩm định dự án, quyết định cho vay, giải ngân cho đến thu hồi nợ. Mặc dù đội ngũ cán bộ tín dụng đều được đào tạo đúng chuyên ngành và có đạo đức nghề nghiệp tốt nhưng do chưa có sự chuyện môn hóa nên hoạt động quản lý rủi ro tại chi nhánh rõ ràng là chưa được chú trọng và thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, ban lãnh đạo chi nhánh cũng quán triệt sát sao tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro của từng món vay đến từng CBTD.
2.2.2.2. Về chính sách và qui trình tín dụng của ngân hàng
- Nhìn chung chi nhánh chưa có chính sách riêng mà chỉ thực hiện theo chính sách tín dụng chung của NHNo&PTNT Việt Nam. Các văn bản, quy định được Chi nhánh Ngân hàng cập nhật thường xuyên và áp dụng thông suốt trong quá trình đưa vào thực tiễn. Chẳng hạn như: Quyết định số 666/QĐ-HĐQT- TDHo ngày 15/06/2010 của Hội đồng quản trị NHNo&PTNT Việt Nam về việc ban hành quy định cho vay đối với khách hàng trong hệ thống NHNo&PTNT
Việt Nam, Quyết định số 1434/QĐ-HĐQT-TDDN ngày 22/10/2010 về việc ban hành quy định cho vay đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong hệ thống NHNo&PTNT VIệt Nam, Văn bản số 3582/NHNo-TD ngày 26/11/2001 của Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam về việc “Hướng dẫn cho vay người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài”, Quyết định 1300/QĐ-HĐQT-TD về quy chế bảo đảm tiền vay; Quyết định số 1476/NHNo-TD ngày 29/05/2007 về việc hướng dẫn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mua nhà ở và kinh doanh bất động sản; Quyết định số 2473/NHNo-TDHo ngày 09/08/2007 về hướng dẫn cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán; Công văn số 1410/NHNo-TD ngày 23/05/2007 hướng dẫn cho vay người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài....Chính sách tín dụng hướng đến mọi đối tượng, mức lãi suất cho vay tương đối hấp dẫn để thu hút mọi khách hàng để mở rộng qui mô tín dụng. Bên cạnh đó, ngân hàng đã đưa ra hạn mức vay và mức lãi suất vay phù hợp với từng đối tượng nên phần nào hạn chế bớt RRTD cho ngân hàng.
- Các cán bộ tín dụng tại chi nhánh thực hiện tương đối đầy đủ các qui trình tín dụng mà NHNo&PTNT Việt Nam qui định. Qui trình này khá chặt chẽ và đầy đủ, nên nếu thực hiện đầy đủ các bước này sẽ ngăn ngừa được một số rủi ro thường gặp trong hoạt động tín dụng, ví dụ như: trong khâu thẩm định, nếu thẩm định kỹ theo yêu cầu rồi mới ra quyết định thì dĩ nhiên rủi ro sẽ được hạn chế nhiều. Tuy nhiên trong qui trình này có quá nhiều bước và thủ tục phức tạp rườm rà, để thực hiện hết các bước trong qui trình thì sẽ mất nhiều thời gian và công sức, vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến khách hàng, ví dụ như: cơ hội đầu tư, sản xuất của khách hàng,...Ví dụ như: một khoản tín dụng phải qua nhiều người ký và ký nhiều giấy tờ.
- Chính sách tín dụng của ngân hàng luôn hướng tới đối tượng là khách hàng truyền thống, do đó việc thẩm định, đánh giá có nhiều thuận lợi hơn, tiến hành nhanh hơn, đỡ tốn kém về chi phí hơn so với việc thẩm định một
khách hàng mới. Hơn nữa, vì mối quan hệ, niềm tin đã được thiết lập từ trước nên những khách hàng này ít rủi ro hơn các khách hàng vay lần đầu.
2.2.2.3. Về thực hiện quản lý rủi ro tín dụng
Trong phần này tập trung vào việc đánh giá các nội dung của hoạt động quản lý RRTD tại ngân hàng
- Về nhận diện và kiểm soát RRTD:
Tại chi nhánh, việc nhận diện RRTD thường chỉ được phát hiện khi RRTD đã hoặc sắp xảy ra, tức là khi mà các khoản nợ có dấu hiệu của sự rủi ro như: khách hàng trả nợ chậm, nợ bị cho vào nhóm nợ xấu.
Ngân hàng theo dõi tình hình tài chính của khách hàng thông qua việc khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng và khách hàng phải cung cấp cho ngân hàng thông tin tình hình tài chính của mình bằng các bản báo cáo tài chính, qua đó ngân hàng nắm được một số thông tin về khách hàng. Tuy nhiên các thông tin này có thể bị bóp méo và có sự sai lệch, một số khách hàng mở tài khoản cả ở ngân hàng khác. Vì vậy mà ngân hàng không thể kiểm soát hết được tình hình tài chính của khách hàng. Ngân hàng chủ yếu nhận diện rủi ro qua dấu hiệu khách hàng chậm thanh toán khoản vay. Đây là biểu hiện của việc doanh nghiệp đang gặp khó khăn, mặt khác đây là dấu hiệu của việc khoản vay này sắp vào khoản tín dụng chất lượng xấu, chính là RRTD.
- Về đánh giá RRTD
Ngân hàng đánh giá RRTD thông qua việc chấm điểm chất lượng tín dụng và xếp hạng đối với mỗi khách hàng là cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp. Hệ thống chấm điểm khách hàng của NHNo&PTNT Hà Tĩnh dựa vào NHNo&PTNT Việt Nam nên khá chi tiết và dễ áp dụng, vì vậy mà việc áp dụng với từng loại khách hàng tại chi nhánh có thể thực hiện được. Thực tế là tại ngân hàng, định kỳ, các cán bộ tín dụng phải lập bảng tính điểm khách hàng của mình và nộp lại cho cán bộ quản lý, sau đó sẽ cùng nhau đánh giá chất lượng tín dụng
tại ngân hàng, qua đó đánh giá được RRTD và đưa ra những hướng giải quyết cho vấn đề này. Mặc dù vây, các thông tin của khách hàng chưa thực sự chính xác nên điểm được tính cũng chưa thật sự đúng . Vì vậy ngân hàng cần có những giải pháp để quản lý thông tin khách hàng sát sao hơn.
- Về trích lập dự phòng rủi ro và xử lý RRTD
Chi nhánh Hà Tĩnh luôn thực hiện đúng theo chính sách tín dụng đã xây dựng của NHNo&PTNT Việt Nam để hoạt động tín dụng được mở rộng về qui mô và nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó chi nhánh thực hiện một số biện pháp nhằm quản lý RRTD, hạn chế tối đa tổn thất trong hoạt động tín dụng cho chi nhánh.
Theo định kỳ, cán bộ tín dụng phải phân loại nợ theo chỉ tiêu đã định sẵn, qua đó có thể xác định chính xác mức độ rủi ro để có biện pháp quản lý, phòng ngừa kịp thời và có biện pháp xử lý thích hợp. Như đã phân tích trong phần thực trạng đã chỉ ra, nợ xấu của ngân hàng luôn được kiểm soát ở dưới mức cho phép (<3%), các khoản nợ quá hạn được xử lý chưa để lại hậu quả là không thu hồi được vốn. Tuy nhiên việc tính toán và kiểm soát rủi ro ngân hàng đang gặp phải một vấn đề là do rủi ro không được dự báo tố nên việc kiểm soát phần nhiều mang tính đối phó. Mặc dù các rủi ro phát hiện đã được xử lý tương đối tốt, chưa có khoản nợ xấu nào gây hậu quả nghiêm trọng nhưng điều này không đảm bảo trong tương lai những khoản nợ xấu khác cũng được xử lý an toàn như vậy.
Cán bộ tín dụng theo dõi sát sao khách hàng của mình từ khâu kiểm tra hồ sơ, thẩm định dự án, cho đến khi khách hàng nhận được khoản vay, cán bộ tín dụng phải theo dõi xem khoản vốn vay có được sử dụng đúng mục đích hay không, thu hồi nợ đúng hạn. Nói tóm lại, một cán bộ tín dụng phải thực hiện đầy đủ các bước trong qui trình tín dụng định sẵn của ngân hàng.
Ngân hàng đã có biện pháp quản lý nợ có vấn đề. Hiện nay, chủ yếu ngân hàng vẫn sử dụng các thông tin từ phía khách hàng cung cấp, thông tin
này không khách quan dẫn đến ngân hàng không chủ động trong việc nhận diện và đánh giá rủi ro, việc quản lý rủi ro khó khăn.
Tại ngân hàng, chủ yếu là khi rủi ro bắt đầu xuất hiện thì ngân hàng mới nhận ra và xử lý rủi ro. Tùy thuộc vào tình hình mà ngân hàng có những hướng giải quyết khác nhau, các giải pháp này nói chung la xử lý được các rủi ro xảy ra giúp cho ngân hàng tránh được tổn thất nặng nề. Ngay từ năm 2005, NHNo&PTNT Việt Nam đã sớm có chỉ đạo các Chi nhánh, các đơn vị chủ động trong việc dự kiến trích lập dự phòng và xử lý rủi ro. Ngay từ đầu năm, chi nhánh đã nghiêm túc thực hiện việc trích lập theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc NHNN đồng thời xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp tích cực, triệt để trong thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro. Sau khi phân loại nợ, ngân hàng xác định quĩ phải trích theo tỷ lệ đã qui định đối với từng nhóm nợ khác nhau. Kết quả như sau:
Bảng 2.6. Kết quả trích lập và xử lý dự phòng rủi ro của NHNo&PTNT Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2012
Đơn vị tính: triệu đồng Chỉ tiêu 2010 2011 2012 Trích lập dự phòng rủi ro - Dự phòng cụ thể - Dự phòng chung 158.268 115.554 42.714 144.867 143.445 1.422 162.650 144.416 18.234 Nguồn dự phòng hiện còn - Dự phòng cụ thể - Dự phòng chung 1.750 (220) 1.970 106.665 75.113 31.552 134.967 85.408 49.559
Thu hồi nợ đã xử lý rủi ro
(Gốc + lãi) 73.377 97.632 76.444
Nguồn: Báo cáo công tác trích lập và xử lý RRTD của NHNo&PTNT Hà Tĩnh từ năm 2010- 2012
Từ bảng số liệu trên ta thấy, số trích lập dự phòng cụ thể có xu hướng tăng còn số dự phòng chung có xu hướng giảm. Trong khi đó việc thu hồi các
khoản nợ có sự tiến triển đặc biệt là vào năm 2011. Điều này chứng tỏ công tác thẩm định khách hàng và giám sát sau cho vay của CBTD thực hiện tương đối tốt. Để thực hiện tốt công tác thu hồi nợ, Chi nhánh đã chỉ đạo bằng nhiều biện pháp như:
• Phân công lãnh đạo phụ trách và giao khoán chỉ tiêu thu hồi nợ đối với từng cán bộ tín dụng phụ trách trên địa bàn.
• Phối hợp với với ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan nội chính, cơ quan pháp luật xử lý phát mại tài sản nếu doanh nghiệp phá sản hoặc không có khả năng trả nợ.