Một trong những công cụ quan trọng nhất để đảm bảo quản lý chất lượng nước thải tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh là tăng cường thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả các công cụ pháp lý. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan quản lý môi trường như Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Ban quản lý các KCN tỉnh...cần có sự phân cấp trách nhiệm cụ thể để phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Yêu cầu tất cả chủ đầu tư các cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đảm bảo xử lý nước thải đạt TCCP trước khi thải vào môi trường. Đặc biệt những cơ sở xả thải vào các lưu vực quan trọng như sông Hương, sông Lợi Nông, sông Phú Bài…và vùng đất gần khu dân cư hoặc vùng canh tác nông nghiệp.
- Yêu cầu tất cả các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp có nước thải phải xử lý cục bộ sao cho đạt tiêu chuẩn xả thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Ở Khu công nghiệp Phú Bài cần đặc biệt chú ý những cơ sở có nồng độ và tải lượng chất ô nhiễm cao như Công ty TNHH Bia Huế - Nhà máy bia Phú Bài, Công ty TNHH NN MTV khoáng sản Thừa Thiên Huế - xưởng Phú Bài...và những cơ sở có phát thải KLN như Công ty TNHH sơn Hoàng Gia, Công ty CP Tài Phát, Công ty CP Vinh Phát.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để xử lý các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc các cam kết về BVMT trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cương quyết đình chỉ hoạt động khi doanh nghiệp để tình trạng ô nhiễm kéo dài.
- Thực hiện tốt chương trình quan trắc chất lượng nước nói chung và chất lượng nước thải nói riêng. Đồng thời phải xây dựng CSDL môi trường, từ đó có CSDL các nguồn NTCN.
- Huy động và khuyến khích các nguồn đầu tư khác nhau (kể cả các nguồn đầu tư nước ngoài) để giải quyết các vấn đề về môi trường như: các công trình thu gom và xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường…