Kết quả điều tra cho thấy:
- Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều có công suất và quy mô hoạt động không lớn, hay nói cách khác, các cơ sở đó đều thuộc loại hình công nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở sản xuất thuộc các nghành chăn nuôi công nghiệp và giết mổ gia súc, chế biến thủy sản, làng nghề đúc đồng... nằm xen kẽ và rải rác trong khu dân cư, nên đã gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến đời sống và sinh hoạt cộng đồng xung quanh.
- Các cơ sở xây dựng hệ thống thu gom nước thải theo kiểu "Hệ thống kết hợp", tức là chưa tách riêng nước thải từ quá trình sản xuất, sinh hoạt và nước mưa chảy tràn, mà tất cả đều được thu gom vào một hệ thống thoát nước chung của cơ sở sản xuất.
- Nhóm nguồn công nghiệp bia, rượu và nước giải khát, chăn nuôi công nghiệp và giết mổ gia súc và trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Phú Bài có lưu lượng nước thải ra môi trường rất lớn. Nơi nhận thải của những nhóm ngành này là đất hoặc qua các kênh mương dẫn vào các sông như sông Hương, sông Phú Bài...
- Có rất ít cơ sở sản xuất có "Giấy chứng nhận xả thải đạt tiêu chuẩn môi trường" (3/89 cơ sở, chiếm tỷ lệ 3,4%), còn lại (96,6%) là không có giấy chứng nhận xả thải đạt tiêu chuẩn, do vậy, nước thải từ các cơ sở đó chưa đạt yêu cầu và gây lo lắng ô nhiễm môi trường.
- Có 38/89 cơ sở sản xuất có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại 51/89 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra môi trường, thấm xuống đất như các cơ sở thuộc làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc, Phường Thủy Biều hoặc đơn giản là xử lý nước thải sản xuất chung với nước thải sinh hoạt qua hệ thống hố ga.
Một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải như:
- Hệ thống xử lý nước thải ở Công ty TNHH Bia Huế (Nhà máy Bia Huda) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2000 với công suất 400 – 500 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ đệm bùn kỵ khí ngược dòng (UASB). Trước năm 2005, hệ thống hoạt động chưa hiệu quả, từ 2005 đến này, hệ thống hoạt động tốt. Song, trong giai đoạn 2006 – 2011, rất thiếu số liệu kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý ở công ty này.
- Hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Phú Bài được đầu tư xây dựng và vận hành thử từ tháng 12/2009 với công suất 4.000 m3/ ngày đêm (giai đoạn 1). Hệ thống này thu gom và xử lý nước thải của các nhà máy, các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp theo công nghệ kết hợp – xử lý hóa lý bằng keo tụ, lắng, rồi xử lý bằng kỹ thuật bùn hoạt tính, lắng và khử trùng trước khi thải ra môi trường; bùn được ép tách nước, rồi đem phơi khô và thải ở bãi thải chất thải rắn (CTR) T.P Huế (ở Phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy). Kết quả kiểm tra chất lượng nước thải sau khi xử lý năm 2013 cho thấy, các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu theo quy định hiện hành.
- Hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP dệt may Huế (HUEGATEX) công suất 1000 m3/ngày đêm, hoạt động từ tháng 5/2010, sử dụng công nghệ kết hợp – xử lý hóa lý bằng keo tụ, lắng, rồi xử lý bằng kỹ thuật bùn hoạt tính, lắng và hồ sinh học trước khi thải ra môi trường; bùn được đem phân hủy sinh học, rồi phơi khô và thải ở bãi thải CTR TP. Huế. Công ty đã có đơn từ tháng 6/2010 đề nghị chứng nhận cơ sở đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ – TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng". Kết quả kiểm tra chất lượng nước thải sau khi xử lý năm 2013 cho thấy, nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu theo quy định hiện hành.
Nói chung, ở Thừa Thiên Huế, hầu hết các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định hiện hành nên gây lo lắng về ô nhiễm
các nguồn nước nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung (các thông tin về tình hình kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các cơ sở công nghiệp được nêu ở Phụ lục 4).