Xây dựng chính sách lãi suất linh hoạt

Một phần của tài liệu công tác huy động vốn- thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực i - tỉnh thái bình (Trang 51 - 52)

Để có thể tăng cường hoạt động huy động vốn thì ngân hàng phải có những chính sách huy động vốn phù hợp để có thể vừa tận dụng được những lợi thế sẵn có của ngân hàng, vừa nâng cao được số lượng và chất lượng huy động vốn. Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào trước khi gửi tìên vào ngân hàng cũng đều quan tâm đến vấn đề đầu tiên là lãi suất huy động của ngân hàng. Chi nhánh cần nâng cao thêm lãi suất đối với các loại tiền gửi (đây là công cụ quan trọng trong cạnh tranh); từng bước có thể giảm lãi suất đối với tiền gửi giao dịch, đồng thời tăng lãi suất đối với tiền gửi trung - dài hạn. Có thể nói, lãi suất là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quy mô nguồn vốn huy động của ngân hàng, đặc biệt là tiền gửi. Đặc biệt là trong xu thế cạnh tranh trực tiếp qua lãi suất giữa các NHTM như hiện nay, để có thể duy trì ổn định nguồn vốn huy động của ngân hàng thì NHNo-KVI Tỉnh Thái Bình phải có chính sách lãi suất hợp lý để vừa đảm bảo kích thích người gửi tiền, vừa phù hợp với lợi ích của ngân hàng.

Trong điều kiện cạnh tranh của thị trường, lãi suất huy động có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả huy động vốn về quy mô và cơ cấu nguồn vốn. Việc tăng hay giảm lãi suất huy động vốn của Chi nhánh tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh ngân hàng. Bên cạnh việc phải bù đắp mọi chi phí hoạt động, lãi suất của ngân hàng đưa ra cần phải phản ánh đúng quan hệ cung cầu về tiền tệ trên thị trường, theo sát chỉ số biến động của lạm phát và phải có tính cạnh tranh thị trường. NHNo VN cũng như NHNo-KVI Tỉnh Thái Bình nên sử dụng hệ thống lãi suất tiền gửi như một công cụ quan trọng trong việc huy động và thay đổi quy mô nguồn vốn. Sự lên xuống bất thường của lãi suất trong việc kinh doanh theo cơ chế thị trường là tất nhiên và là rủi ro có nguy cơ cao, khó lường trước. Do vậy, lãi suất huy động vốn của ngân hàng cần phải xác định hợp lý cho từng loại vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng và hấp dẫn khách hàng, thông thường được xác định tối thiểu như sau:

Chi nhánh cần có chính sách lãi suất linh hoạt và phù hợp trong từng thời kỳ, từng địa bàn nơi ngân hàng đặt điểm giao dịch theo hướng nơi nào có tiềm năng huy động được nhiều vốn hơn thì áp dụng lãi suất cao hơn.

Lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp đến huy động vốn, đáng kể nhất là chi phí huy động vốn. Để có được lãi suất linh hoạt hợp lý, bản thân các ngân hàng phải làm tốt công tác dự báo lãi suất, nắm bắt được chính xác tình hình, diễn biến lãi suất thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Cần tối ưu hoá lãi suất tiết kiệm và phát triển các dịch vụ thanh toán, các sản phẩm thanh toán nhằm giảm chi phí vốn đầu vào:

Với một hệ thống lãi suất tiết kiệm theo nhiều hình thức khác nhau, Chi nhánh có thể tạo ra những sản phẩm đa dạng và hấp dẫn hơn để thu hút các khách hàng với lượng tiền gửi lớn, đồng thời có thể giảm chi phí vốn đối với các tài khoản tiền gửi có số dư thấp; khuyến khích khách hàng gửi tiền tham gia vào các đợt tiết kiệm dự thưởng và đưa ra cơ chế lãi suất cao hơn cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài; phát triển các sản phẩm thanh toán và quản lý vốn, dịch vụ thẻ để thu hút khách hàng mở tài khoản tại Chi nhánh và sử dụng số dư trên các tài khoản này nhằm giảm chi phí vốn, tăng độ ổn định của nguồn vốn. Để tránh tình trạng cạnh tranh về lãi suất huy động dẫn đến việc đẩy lãi suất lên cao, Chi nhánh cần cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng gửi tiền ngân hàng.

Một phần của tài liệu công tác huy động vốn- thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực i - tỉnh thái bình (Trang 51 - 52)