Mỗi phương thức bóc lột, mỗi hành vi bóc lột có thể mang một hoặc một số tính chất sau:
Tính liên tục hay ngắt quãng
Tính liên tục phán ánh sự bóc lột diễn ra trong toàn bộ hay phần lớn thời gian tồn tại của mối quan hệ xã hội. Tính liên tục được duy trì khi mối quan hệ bị mất cân bằng trong một giới hạn nhất định hoặc hành vi bóc lột được che dấu khéo léo, thủ đoạn bóc lột tinh vi. Hành vi bóc lột được thực hiện đồng thời với sự phát sinh giá trị của người bị bóc lột. Tính liên tục của bóc lột chỉ có khi mối quan hệ giữa người bị bóc lột và người bóc lột tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó đủ cho người bị bóc lột có nhiều lần tạo ra giá trị. Điều này có nghĩa là tính liên tục cần có điều kiện về mối quan hệ. Mối quan hệ dễ thực hiện sự bóc lột liên tục là mối quan hệ chủ thợ. Khi người thợ tạo ra giá trị thì có một phần trong đó bị người chủ chiếm đoạt. Giá trị bị chiếm đoạt có thể là giá trị thặng dư, có thể là giá trị sức lao động. Tính liên tục không phản ánh mức độ bóc lột. Cũng trong mối quan hệ này, nếu người lao động làm việc theo chế độ khoán sản phẩm tìm cách bớt xén quy trình công nghệ, không thực hiện chế độ bảo dưỡng thiết bị quy định trong đơn giá sản phẩm, làm sai một số tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho mình mà hậu quả là máy móc thiết bị nhanh chóng bị hư hỏng, chất lượng sản phẩm thấp thì người lao động đã thực hiện được hành vi bóc lột ngược lại chủ sử dụng lao động hoặc người tiêu dùng. Người chủ sử dụng lao động phải đầu tư nhiều tiền hơn cho việc sửa chữa máy móc thiết bị nên lợi nhuận giảm sút, người tiêu dùng bị bóc lột khi họ mua phải những sản phẩm có giá trị sử dụng thấp hơn giá cả. Khi những người lao động cho ra đời những sản phẩm có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn hoặc có giá trị sử dụng thấp và họ tiêu thụ các sản phẩm của nhau thì có nghĩa là họ bóc lột lẫn nhau. Đây là điều chẳng mang đến lợi lộc gì cho ai mà ngược lại nó hạ thấp giá trị sức lao động của người lao động khi họ phải sử dụng những sản phẩm không tương xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra để mua sản phẩm. Nói một cách đúng đắn thì khi mọi người lao động trong xã hội cùng tìm cách nâng cao giá trị sức lao động của mình không bằng con đường nâng cao năng lực và trình độ thì sự điều chỉnh tự nhiên sẽ trả họ về đúng giá trị thực của họ. Ngược lại, người lao động bị bóc lột thực sự khi có những tổ chức sản xuất và cung ứng cho họ những sản phẩm giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của họ nhưng có giá trị sử dụng thấp hơn nhiều giá cả hoặc những sản phẩm giả.
Nói chung, những người có thu nhập thấp là những người dễ bị bóc lột, dễ bị tổn thất nhất trong xã hội.
Tính ngắt quãng xuất hiện ở nhiều dạng và do những nguyên nhân khác nhau. Có thể là do của mối quan hệ chấm dứt sau đó được thiết lập lại. Có thể là do sự biến động của nền kinh tế hay xã hội mà sự bóc lột có thể có tác động bất lợi cho người bóc lột nếu họ thực hiện hành vi bóc lột. Những mối quan hệ đã chấm dứt sau đó được thiết lập lại là những mối quan hệ lỏng lẻo. Một trong những mối quan hệ dạng này là mối quan hệ giữa người mua hàng và những người bán hàng. Mối quan hệ này được thiết lập khi bắt đầu của giao dịch và chấm dứt sau khi giao dịch kết thúc. Hành vi bóc lột nếu có chỉ được thực hiện trong giao dịch. Nếu những người mua và bán lại tìm đến nhau cho những đợt mua bán tiếp sau thì mối quan hệ được thiết lập lại và hành vi bóc lột có thể lại xảy ra. Tính ngắt quãng có thể diễn ra theo chu kỳ hoặc không có quy luật nhưng nó xác định các đối tượng bóc lột và bị bóc lột. Tính liên tục có phạm vi hẹp hơn tính ngắt quãng của sự bóc lột. Vì vậy nếu nghiên cứu về sự bóc lột mà chỉ nhiên cứu những sự bóc lột có tính liên tục sẽ bỏ qua việc nghiên cứu rất nhiều dạng bóc lột xuất hiện trong xã hội.
Tính cơ hội
Sự bóc lột mang tính cơ hội chỉ được thực hiện khi có cơ hội. Điều đó có nghĩa là chủ thể bóc lột dù muốn nhưng cũng không thể bóc lột được nếu thiếu cơ hội. Anh đồ tể có cơ hội bóc lột người nuôi lợn khi người nuôi lợn gặp phải hoàn cảnh khó khăn bất ngờ và cần một khoản chi tiêu lớn. Anh đồ tể thực hiện hành vi bóc lột bằng cách ép giá mua bán con lợn của người nuôi thấp hơn giá thị trường. Một người bán hàng có cơ hội bóc lột người mua hàng khi người mua hàng không biết giá thực của hàng hoá. Một bác sỹ vô đức bóc lột người bệnh hiểm nghèo bằng dịch vụ chữa bệnh với giá cắt cổ và không có thương lượng. Không phải luôn có người nuôi lợn gặp hoàn cảnh khó khăn để anh đồ tể ép giá, còn người bệnh thì nhiều hơn. Điều này có nghĩa là vị bác sỹ vô đức có nhiều cơ hội bóc lột hơn anh đồ tể. Khi liên tục có cơ hội thì hành vi bóc lột có thể cũng được thực hiện liên tục. Nhưng đây không phải là sự bóc lột có tính liên tục bởi đối tượng bị bóc lột thay đổi. Sự bóc lột mang tính liên tục khác với sự bóc lột có cơ hội liên tục. Trong thực tế cũng có những trường hợp mà hành vi bóc lột vừa có tính cơ hội, vừa có tính liên tục. Anh nhân viên cung ứng vật tư liên tục được cử đi mua vật tư cho đơn vị sẽ có nhiều cơ hội thực hiện hành vi bóc lột cơ quan đơn vị của mình khi yêu cầu nơi cung cấp vật tư khuyến mãi cho anh ta sau mỗi lần bán hàng, tiền khuyến mãi nằm trong giá vật tư. Trong trường hợp này, mối lần đi mua vật tư là một cơ hội, còn đối tượng bị bóc lột là đơn vị của anh ta không thay đổi.
Phổ biến hay cục bộ
Các phương thức bóc lột thay đổi theo các hoàn cảnh xã hội, các hình thái và sự phát triển kinh tế. Chúng có thể được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi , nhiều khu vực nhưng
cũng có thể chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và trong một phạm vi hẹp, chúng có tính phổ biến hay cục bộ. Khi chúng mang tính phổ biến có nghĩa là chúng có những cơ sở nhất định đảm bảo cho sự tồn tại của chúng, còn khi chúng mang tính cục bộ thì khả năng tồn tại của chúng là khó khăn, chúng có nhiều nguy cơ bị phản đối. Khi trong một xã hội mà số lượng người lao động nhiều hơn số chỗ làm việc thì sự bóc lột sức lao động rất dễ xảy ra và phổ biến trong xã hội đó. Bóc lột sức lao động là bóc lột phổ biến trong các xã hội có sự phân chia giai cấp và sự thống trị. Trong luật hôn nhân của một quốc gia có quy định chia đôi tài sản khi ly hôn thì có thể xuất hiện việc có những người tìm cách lập gia đình với những người giàu sau đó ly dị để được hưởng tài sản mà không mất công sức lao động. Đây là hành vi bóc lột được hợp pháp hoá nhưng không phổ biến bởi không phải pháp luật ở mọi nơi đều quy định như vậy và đạo đức của xã hội cũng ngăn cản.
Theo chiều rộng hay chiều sâu
Sự bóc lột theo chiều rộng là sự bóc lột nhiều đối tượng khác nhau. Còn sự bóc lột theo chiều sâu là sự bóc lột chỉ nhằm vào một số đối tượng hay là các đối tượng bị bóc lột có chọn lọc. Sự bóc lột theo chiều rộng nhằm vào nhiều đối tượng là sự bóc lột dựa vào nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của phần lớn các đối tượng trong xã hội. Còn sự bóc lột theo chiều sâu nhằm vào một số nhu cầu đặc biệt của một số , một nhóm đối tượng trong xã hội hoặc bóc lột những người có giá trị sức lao động rất cao. Khi bóc lột theo chiều rộng, chủ thể bóc lột dễ bị phản ứng lại mạnh mẽ nếu hành vi bóc lột lộ liễu và sự bóc lột nặng nề. Còn bóc lột theo chiều sâu thì điều này sẽ ít gặp hơn và do đó chủ thể bóc lột cũng ít nguy hiểm hơn mặc dù kết quả bóc lột có thể là như nhau. Để thực hiện bóc lột theo chiều rộng, chủ thể bóc lột sẽ phải đầu tư, phải chi phí nhiều hơn, phải bỏ công sức nhiều hơn và hiệu quả bóc lột có thể thấp khi xuất hiện sự cạnh tranh. Còn bóc lột theo chiều sâu có thể thu được siêu giá trị do chi phí ban đầu và trong quá trình bóc lột không cao.
Đơn lẻ, bột phát hay có tính tổ chức và có kế hoạch
Các hành vi bóc lột có thể do cá nhân, nhóm người, tổ chức, giai cấp thống trị thực hiện. Sự bóc lột có thể diễn ra liên tục hay ngắt quãng, hoặc chỉ được thực hiện khi có cơ hội. Vì vậy sự bóc lột cũng có thể chỉ mang tính đơn lẻ do một chủ thể bóc lột thực hiện một lần hoặc bột phát do có cơ hội. Các hành vi bóc lột đơn lẻ, bột phát thường là các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật,v.v... Còn sự bóc lột có tính tổ chức và có kế hoạch bao gồm cả những sự bóc lột vi phạm pháp luật hoặc được hợp pháp hoá, thậm trí còn do chính quyền thực hiện. Sự bóc lột có tính tổ chức và có kế hoạch thường được che dấu dưới một hình thức nào đó hoặc nhằm một mục đích cụ thể, lượng giá trị bóc lột có thể được ấn định hoặc nhằm mức tối đa. Nói chung, lượng giá trị bị chiếm đoạt bởi sự bóc lột có tổ chức và có kế hoạch là nhiều hơn lượng giá trị bị chiếm đoạt bởi sự bóc lột đơn lẻ và bột phát.
Hội tụ hay đơn tuyến
Đây là những sự bóc lột mà giá trị bóc lột từ nhiều nguồn tập trung vào một nơi hoặc chủ thể bóc lột chỉ chiếm đoạt giá trị của một đối tượng bị bóc lột trong suốt thời gian tồn tại mối quan hệ giữa chủ thể bóc lột và đối tượng bị bóc lột. Sự bóc lột hội tụ thường đem lại hiệu quả bóc lột cao hơn do đó chủ thể bóc lột có thể hạ thấp mức độ bóc lột đối với từng đối tượng bị bóc lột. Mục đích của việc làm này nhằm hạn chế xung đột quyền lợi, từ đó hạn chế được sự đấu tranh từ những người bị bóc lột. Trong sự bóc lột đơn tuyến, để thu được nhiều giá trị bóc lột, chủ thể bóc lột phải áp dụng mức bóc lột cao. Vì vậy mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng dễ bị phá vỡ, chủ thể dễ mất đối tượng bóc lột. Xu hướng bóc lột hội tụ là xu hướng phổ biến.