Tự định giá
Tự định giá là hình thức người lao động hoặc một tổ chức tự định lượng giá trị sức lao động trên một đơn vị sức lao động của mình theo một số tiêu chí tự đặt ra hoặc theo một số tiêu chuẩn do một tổ chức quy định hoặc được hình thành trong xã hội. Các tiêu chí đó thường là các tổn hao về thời gian, sức lực, trình độ, tính chất sản phẩm, mức độ tiêu thụ, điều kiện sản xuất, v.v...Hình thức tự định giá dẫn đến việc hình thành giá sản phẩm. Bằng việc bán sản phẩm, hàng hoá và thông qua giá bán, người lao động thu lại giá trị sức lao động của mình. Hình thức tự định giá thường được áp dụng khi người lao động hoặc tổ chức sản xuất ra sản phẩm để trao đổi hoặc bán cho người khác sử dụng. Việc tự định giá có thể đúng hoặc sai lệch. Việc định giá đúng đem lại lợi ích chung cho cả người lao động và người sử dụng sản phẩm bởi người sử dụng thoả mãn được nhu cầu với chi phí hợp lý, còn người lao động thu được đúng giá trị của mình. Việc định giá sai có ảnh hưởng với mức độ ảnh hưởng tuỳ thuộc vào trị số sai lệch. Ảnh hưởng đầu tiên là có một trong hai người lao động và sử dụng được lợi, còn người kia chịu thiệt hại. Ảnh hưởng tiếp theo là việc sản xuất sản phẩm có thể tăng trưởng nhanh hoặc đình trệ.
Thoả thuận
Thoả thuận về giá trị sức lao động của người lao động thường được áp dụng trong trường hợp sức lao động là hàng hoá. Giữa người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận về giá cả sức lao động. Nhưng hình thức này cũng có thể được thể hiện cả trong trường hợp người lao động bán các sản phẩm do họ tạo ra khi giá sản phẩm cũng là thoả thuận. Điều kiện để áp dụng hình thức này là nhu cầu về sức lao động của người sử dụng không cao và người lao động cũng có nhiều lựa chọn. Việc thoả thuận nhằm đạt một mức hợp lý để không gây thiệt hại cho một bên nào hoặc nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Bình quân
Bình quân là một hình thái biến tướng của thoả thuận bởi tiêu chí của nó là dựa trên mức giá trị sức lao động trung bình của các sản phẩm cùng loại do những người lao động không có liên hệ với nhau tạo ra. Sự định giá bình quân đem lại bất lợi cho người có giá trị sức lao động cao bởi họ được trả giá thấp hơn giá trị của mình và ngược lại. Để đảm bảo tính hợp lý thì hình thức này phải được thường xuyên xem xét lại.
Áp đặt
Xét về mặt hiện tượng, sự biểu hiện của áp đặt giống như hình thức thoả thuận. Nhưng về bản chất, sự áp đặt dựa trên sự bất cập giữa nhu cầu và sự đáp ứng. Vì vậy hình thức
này có thể được che đạy bằng hình thức thoả thuận và ẩn chứa một sự bất bình đẳng về phân chia giá trị. Hình thức này thường được người sử dụng lao động áp dụng bởi số lượng người lao động luôn nhiều hơn số người sử dụng lao động. Người lao động có thể áp đặt được mức giá trị sức lao động của mình khi người sử dụng lao động thực sự cần năng lực, trình độ của họ. Người sử dụng lao động cũng áp đặt sự định giá khi giá trị của sản phẩm bị hạ thấp do lượng sản phẩm đã thoả mãn hoặc vượt quá nhu cầu. Sự áp đặt này do người sử dụng lao động chịu áp lực từ bên ngoài và việc áp đặt theo hướng hạ thấp giá trị sức lao động nhằm hạ giá sản phẩm.
Sự áp đặt cũng không phải luôn theo chiều hướng bất lợi cho người lao động. Trong thực tế có xuất hiện một vài trường hợp sự định giá đem lại quyền lợi cho một số người lao động. Điều này có thể xảy ra khi người áp đặt sở hữu những giá trị lớn hoặc có nguồn thu giá trị lớn. Trong trường hợp này, người áp đặt nhường lại một phần giá trị của mình cho người lao động và họ làm được điều đó khi trong họ có lòng nhân từ.
Trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền lợi của người lao động hoặc mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động, một tổ chức được gọi là nhà nước cũng áp dụng hình thức áp đặt hoặc can thiệp vào việc áp đặt trong các tổ chức tạo ra sản phẩm. Lợi ích thuộc về người lao động hoặc người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào nhà nước đứng về phía người nào. Hình thức áp đặt hoặc can thiệp của nhà nước có thể là trực tiếp thông qua việc ban hành đơn giá lao động hoặc gián tiếp bằng cách định giá một số loại sản phẩm chính trong xã hội. Nói chung, hình thức áp đặt không hoặc ít mang đến sự định giá đúng về giá trị sức lao động.
Công nhận
Công nhận là sự định giá giá trị sức lao động dựa trên một số tiêu chuẩn hoặc điều kiện được định trước. Những tiêu chuẩn hoặc điều kiện được xây dựng trên cở sở các tính toán khoa học hoặc do chủ quan, có thể được lượng hoá hoặc chỉ là định tính. Nói chung, các tiêu chuẩn hoặc điều kiện định giá rất khó thể hiện được đầy đủ và chi tiết, mặt khác, điều kiện lao động không phải luôn đúng với những điều kiện đã đặt ra trong các tiêu chuẩn định giá. Việc định giá do con người thực hiện cho nên khó tránh khỏi tính chủ quan áp đặt. Các tiêu chuẩn, điều kiện định giá nhiều khi được xây dựng chung cho nhiều loại hình lao động khác nhau. Vì những lẽ đó nên khó có thể nói rằng công nhận là một hình thức định giá đúng đắn giá trị sức lao động. Mức độ đúng đắn của công nhận là cao và chỉ cao khi nó được xây dựng chi tiết và cụ thể, hay nói cách khác, mức độ lượng hoá là cao.
Thừa nhận
Thừa nhận là hình thức định giá giá trị sức lao động sau khi giá trị sức lao động đã được thực hiện. Công nhận và thừa nhận đều là hai hình thức định giá giá trị sức lao động sau khi giá trị đã được thực hiện. Nhưng sự thừa nhận định giá dựa trên kết quả thực tế, còn
công nhận định giá theo những tiêu chí định trước. Thừa nhận dựa trên kết quả thực tế nên mang tính khách quan. Thừa nhận chỉ không chính xác khi việc tính toán không đầy đủ và chính xác.
Định giá giá trị sức lao động đúng hay không đúng đều tạo ra những vấn đề nào đó cho xã hội. Nó tạo nên sự công bằng hặc mất công bằng trong xã hội. Điều này cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc định giá giá trị sức lao động. Một xã hội công bằng cần có những phương pháp định giá giá trị sức lao động đúng đắn và cũng chỉ có những phương pháp định giá giá trị sức lao động đúng đắn mới đảm bảo được sự công bằng xã hội. Khi định giá sai giá trị sức lao động ở chỗ này thì tất yếu kéo theo sự định giá sai giá trị sức lao động ở chỗ khác. Điều này xuất phát từ nguyên lý tổng lượng định giá giá trị sức lao động của một đơn vị, một tổ chức, một khu vực, một quốc gia hay toàn xã hội luôn bằng tổng lượng giá trị sức lao động được thực hiện trong đơn vị, trong tổ chức, trong khu vực, trong quốc gia đó hay trong toàn xã hội. Khi một hoặc một số sức lao động được định giá cao hơn giá trị thực của sức lao động đó thì tất yếu có một hoặc một số sức lao động khác bị định giá thấp đi để tạo ra phần chênh lệch bù đắp cho sực định giá cao đã được nêu ra. Ngược lại, khi có một hoặc một số sức lao động bị định giá thấp thì sẽ có một hoặc một số sức lao động được nhận phần tăng thêm giá trị ngoài giá trị sức lao động của mình.