Phân loại theo phương thức, thủ đoạn bóc lột

Một phần của tài liệu Luật về lao động và bóc lột (Trang 64 - 66)

Về phương thức bóc lột thì có hai phương thức chủ yếu là bóc lột trực tiếp và bóc lột gián tiếp, tự thực hiện hay thực hiện thông qua người khác và có thể vô tình tham gia thực hiện hành vi bóc lột. Trong thực tế hai phương thức này có thể biến đổi thành nhiều phương thức bóc lột khác bởi các thủ đoạn bóc lột. Các thủ đoạn bóc lột có thể có rất nhiều, từ các thủ đoạn cưỡng ép trắng trợn đến những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Sự phát triển về nhận thức xã hội làm cho bản chất và sự xấu xa của bóc lột ngày càng lộ rõ. Vì vậy những phương thức bóc lột cũng dần chuyển hoá để tránh bị lật tẩy. Các phương thức bóc lột chuyển dần từ bóc lột trực tiếp sang bóc lột gián tiếp, từ cưỡng bức trắng trợn sang lừa đảo tinh vi khiến cho người bị bóc lột không nhận ra được rằng mình đang bị bóc lột.

Lịch sử phát triển của loài người đã trải qua rất nhiều giai đoạn có sự hiện diện của bóc lột. Có thể nói rằng sự bóc lột đã hiện diện trong phần lớn thời gian từ thời nguyên thuỷ đến thế kỷ XXI này và có thể vẫn còn kéo dài. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có một phương thức bóc lột chủ yếu. Trong thời kỳ đầu khi xã hội bắt đầu phân chia giai cấp, có thể do nguồn của cải còn dễ kiếm, sự phân hoá giai cấp chưa rõ ràng thì sự bóc lột cũng chưa thể hiện rõ. Đến thời kỳ ra đời của chế độ chiếm hữu nô lệ, sự phân hoá giai cấp đã rõ ràng thì phương thức bóc lột là cưỡng bức, các chủ nô thực hiện hành vi bóc lột trắng trợn sức lao động của các nô lệ thuộc quyền chiếm hữu của họ. Các vua chúa, quan lại, địa chủ trong chế độ phong kiến bóc lột sức lao động của nông dân không hoàn toàn là sự cưỡng bức mà là sự pha trộn gữa sự cưỡng bức và các thủ đoạn lừa đảo. Sự bóc lột trắng trợn dẫn đến hệ quả tạo ra sự phản ứng mạnh mẽ từ những người bị bóc lột. Đây là một trong những nguyên nhân và là nguyên nhân chính dẫn đến việc xoá bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sự bóc lột trong chế độ phong kiến không tàn bạo và trắng trợn bằng sự bóc lột trong chế độ chiếm hữu nô lệ nên chế độ phong kiến tồn tại được lâu hơn. Sự bóc lột trong chế độ tư bản được thực hiện trong nhiều phương thức khác nhau. Trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, phương thức bóc lột được thực hiện là bóc lột giá trị thặng dư. Phương thức bóc lột giá trị thặng dư là phương thức bóc lột được thực hiện giữa người sử dụng lao động với người lao động, giữa giới chủ và giới thợ thuyền. Đây là phương thức bóc lột trực tiếp do giới chủ thực hiện bằng việc chiếm đoạt phần giá trị mới do những người lao động tạo ra cao hơn hao phí lao động của những người lao động. Trong thời kỳ này, lao động chủ yếu là thủ công, năng suất lao động thấp cho nên phần giá trị tăng thêm không nhiều, phần giá trị thu được từ bóc lột giá trị thặng dư không cao nên giới chủ phải áp dụng các phương thức có tính cưỡng ép như ép giá sức lao động thấp hơn chi phí lao động hoặc không chịu chi phí cho việc đảm bảo môi trường làm việc tốt và an toàn. Việc áp dụng phương thức bóc lột bổ xung này đã trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động và do đó làm gia tăng tới mức sâu sắc mâu thuẫn giữa giới chủ và thợ thuyền. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến sự đấu tranh đòi xoá bỏ sự bóc lột. Sự xuất hiện các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của thợ thuyền đã buộc giới chủ phải tìm các phương thức bóc lột kín đáo hơn, tinh vi hơn, không đối đầu trực tiếp với quyền lợi của người lao động nhằm tránh xung đột. Phương thức bóc lột được

giới chủ áp dụng là bóc lột thông qua nhu cầu tiêu dùng. Với phương thức bóc lột này, đối tượng bị bóc lột không còn giới hạn trong những người lao động nữa mà đã mở rộng đến mọi đối tượng tiêu dùng, địa bàn bóc lột cũng không còn bó hẹp trong một quốc gia mà vươn tới mọi nơi trên toàn thế giới, do đó lượng giá trị bóc lột mà giới chủ thu được có thể với tốc độ chóng mặt. Người lao động đồng thời là người tiêu dùng, họ bị bóc lột không phải ở nơi họ làm việc mà bị bóc lột khi họ phải mua hàng hoá giá cao do sự độc quyền của các nhà sản xuất. Việc người lao động không bị bóc lột trực tiếp bởi những người sử dụng lao động đã triệt tiêu mâu thuẫn hoặc mâu thuẫn không còn trầm trọng giữa chủ và thợ, giữa người sử dụng lao động và người lao động, do đó làm giảm số lượng và quy mô các cuộc đấu tranh về quyền lợi giữa hai giới này mặc dù sự bóc lột vẫn được thực hiện và thực hiện với quy mô lớn hơn. Sự bóc lột dựa vào tính chất độc quyền và nhu cầu của người tiêu dùng đã kích thích nhiều người lao vào sản xuất loại mặt hàng đó để kiếm tìm lợi nhuận. Tính độc quyền bị mất đi do các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau trong tiêu thụ hàng hoá bằng việc giảm giá hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự cạnh tranh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất và đây là điều họ không mong muốn. Vì vậy nhiều phương thức bóc lột khác được tiếp tục áp dụng. Một trong các phương thức dễ dàng và được áp dụng nhiều là phương thức dựa vào sự hám lợi của người tiêu dùng thông qua hình thức mua hàng có thưởng. Với một số ít người trúng thưởng và lượng giá trị trúng thưởng thấp hơn lượng giá trị do số đông người tiêu dùng phải mua hàng giá cao hơn nhiều giá thành, những người sản xuất và bán hàng đã trục lợi, mà thực chất là bóc lột người tiêu dùng. Biện pháp khác được giới chủ áp dụng nhằm thu được nhiều lợi nhuận khác là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Đây là biện pháp nhằm khai thác lao động quá khứ. Phương thức khai thác lao động quá khứ là phương thức giúp thu được lợi nhuận rất hiệu quả bởi việc chi phí cho lao động quá khứ có số lần thực hiện ít hơn số lần khai thác, đồng thời giúp tránh được việc bóc lột người lao động hiện tại để nâng cao lợi nhuận, hơn thế, nó còn làm xuất hiện cơ hội định giá cao giá trị sức lao động của người lao động hiện tại và do đó kích thích người lao động tích cực làm việc hơn, gắn bó với công việc hơn, quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động chuyển dần từ thế đối lập sang thế hợp tác, sự đấu tranh dễ dàng bị triệt tiêu. Để có thể có các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giới chủ sử dụng sức lao động của các nhà khoa học, của những người có trình độ và năng lực lao động cao. Đây là đội ngũ lao động có giá trị sức lao động cao hoặc rất cao. Những giá trị mà họ tạo ra có thể rất lớn so với những cái mà giới chủ trả cho họ, mặc dù lượng giá trị mà họ nhận được đó nhiều hơn so với những người lao động bình thường khác. Đây là phương thức bóc lột những người có giá trị cao. Khi lượng giá trị bóc lột từ những người có giá trị sức lao động cao và một vài phương thức khác đủ thay thế cho việc bóc lột những người lao động bình thường chiếm số đông thì giới chủ sẽ không thực hiện việc bóc lột nhóm lao động chiếm số đông nữa. Điều này sẽ làm triệt tiêu các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi giữa giới chủ và những người lao động bởi những người có giá trị sức lao động cao không chiếm số đông và thu nhập của họ mặc dù thấp hơn rất nhiều giá trị sức lao động của họ nhưng vẫn đủ cao để họ không cảm thấy bị bóc lột. Cảm giác bị bóc lột là yếu tố quyết định đến sự hình thành ý thức đấu tranh đòi quyền lợi của người

lao động. Người lao động sẽ cảm thấy sự bóc lột bởi tỷ lệ giữa giá trị bị bóc lột với giá trị sức lao động của họ nhiều hơn là lượng giá trị bị bóc lột. Khi người lao động tạo ra được hai phần mà bị bóc lột mất một phần thì họ sẽ cảm nhận sự bóc lột rất rõ ràng và phản ứng sẽ rất mạnh mẽ. Nhưng nếu họ có khả năng tạo ra mười phần mà bị bóc lột mất bốn phần, còn sáu phần giúp cho họ thoả mãn được mọi nhu cầu của mình thì họ sẽ không còn cảm thấy bị bóc lột và họ sẽ không còn muốn đấu tranh. Đây là xu hướng bóc lột chủ yếu trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển. Ngoài ra, việc cho vay nặng lãi cũng là một phương thức bóc lột có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.

Sự thay đổi các phương thức bóc lột qua các thời đại, qua các thời kỳ phản ánh sự chuyển mình để thích nghi với sự phát triển của xã hội của chủ nghĩa bóc lột, còn bản chất của sự bóc lột vẫn không thay đổi. Sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức bóc lột và các thủ đoạn bóc lột cho thấy khả năng thích nghi cao của chủ nghĩa bóc lột và điều đó cũng cho thấy sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa bóc lột. Còn những người lao động với tâm lý muốn những nhu cầu cần thiết của họ chỉ cần đủ nhưng được sống bình yên nên họ dễ thoả hiệp với chủ nghĩa bóc lột. Đây là những cơ hội cho chủ nghĩa bóc lột áp dụng nhiều thủ đoạn bóc lột tinh vi mà không bị đấu tranh.

Một phần của tài liệu Luật về lao động và bóc lột (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)