Những yếu tố cấu thành giá trị sức lao động

Một phần của tài liệu Luật về lao động và bóc lột (Trang 26 - 28)

Những yếu tố cấu thành giá trị sức lao động có thể là một số trong các yếu tố sau:

Yếu tố thời gian

Yêú tố thời gian là yếu tố được tính đến trong mọi quá trình lao động. Nhưng nó không phải luôn được thể hiện bằng cách đo thời gian làm việc. Trong một số trường hợp nó được biểu hiện qua khối lượng sản phẩm được tạo ra. Còn trong những trường hợp sản phẩm không xác định được khối lượng thì việc đo thời gian để định giá giá trị sức lao động là cần thiết. Trong trường hợp thứ nhất thì do giá trị thời gian được ẩn trong khối lượng sản phẩm cho nên nó không được chú ý nhiều, việc định giá giá trị sức lao động được thực hiện thông qua khối lượng công việc hoặc số lượng sản phẩm. Nhưng nếu nhu cầu xã hội tăng cao thì thời gian sẽ có giá trị lớn hơn bởi việc tận dụng thời gian tốt sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội tốt hơn và do đó giá trị được tạo ra nhiều hơn, giá trị sức lao động trong những khoảng thời gian tận dụng này ( thường được gọi dưới cái tên là làm thêm giờ) cũng cần được định giá cao hơn bình thường bởi trong sức lao động đã bao hàm thêm sự cố gắng của người lao động sau mỗi chu kỳ làm việc. Sự cố gắng của cá nhân trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội cần được ghi nhận bằng hình thức công lao động trong thời gian làm thêm được trả cao hơn cho khối lượng công việc bằng với khối lượng công việc được thực hiện không cần đến sự cố gắng.

Cường độ lao động

Cường độ lao động là biểu hiện của khả năng sinh công trong một đơn vị thời gian. Khả năng sinh công cao đồng nghĩa với khả năng thực hiện được khối lượng công việc lớn trong một chu kỳ làm việc. Cường độ lao động thường ít được chú ý nếu khối lượng công việc cần được thực hiện không có giới hạn hoặc giới hạn rộng về thời gian. Nhưng khi công việc đòi hỏi giới hạn thời gian khắt khe thì cường độ lao động được tính đến bởi người lao động phải tăng cường độ sinh công thì mới có thể hoàn thành được công việc. Trong trường hợp này, việc tăng cường độ lao động sẽ làm tăng khối lượng công việc hoặc số lượng sản phẩm được thực hiện

Trình độ lao động

Trình độ lao động thể hiện khả năng thực hiện những công việc có tính phức tạp. Tính phức tạp của công việc càng nhiều thì yêu cầu trình độ lao động càng cao. Trình độ lao động là kết quả của đào tạo và rèn luyện. Để có trình độ, người lao động phải được đào tạo và rèn luyện. Quá trình học tập và rèn luyện thực sự là quá trình lao động, nhưng là lao động không tạo ra giá trị. Đây là một dạng lao động quá khứ. Để thu được kỹ năng hay trình độ lao động, người lao động phải tổn hao sức lao động. Sự tổn hao này chỉ đem đến giá trị cho người lao động và nâng cao giá trị cho người lao động khi người lao động sử dụng trình độ lao động để tiến hành tạo ra sản phẩm, họ đã kết hợp hai sức lao

động của bản thân họ là sức lao động hiện tại và sức lao động quá khứ. Sự kết hợp này tạo ra giá trị sức lao động cao hơn giá trị của sức lao động hiện tại.

Trình độ lao động được phân biệt ở ba dạng: đào tạo, rèn luyện và kết hợp cả đào tạo và rèn luyện. Việc đào tạo giúp cho việc nâng cao trình độ diễn ra nhanh, thời gian để người lao động đạt tới một trình độ quy định có thể xác định trước. Để có thể đạt được điều này, người lao động cần có nhiều sự hỗ trợ. Còn quá trình rèn luyện để nâng cao trình độ là quá trình vận động tự thân của người lao động. Quá trình này kéo dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Quá trình rèn luyện có thể được xen kẽ trong thời gian đào tạo hoặc là sự rèn luyện trong quá trình lao động. Việc rèn luyện trong lao động là việc tạo ra sự thành thục lao động ở một trình độ. Sự thành thục trong lao động có thể làm giảm nhiều chi phí trong quá trình tạo ra sản phẩm. Phần chi phí giảm do sự thành thục này là giá trị sức lao động mới hay giá trị sức lao động gia tăng và thay thế được cho một số giá trị tạo nên giá trị sản phẩm. Sự thành thục giúp cho người lao động thu được hiệu quả lao động cao ở những sản phẩm quen thuộc và nó ít có ý nghĩa ở những sản phẩm mới. (Nếu có ý nghĩa thì đó là quá trình thành thục diễn ra nhanh hơn). Việc được đào tạo và học tập giúp người lao động có sự linh hoạt trong thực hiện các công việc khác nhau, thực hiện được các sản phẩm khác nhau dễ dàng .

- Năng lực cá nhân

Năng lực cá nhân thường được quan niệm bao hàm cả trình độ và một vài phẩm chất riêng của mỗi cá nhân. Đây là một quan niệm mặc dù không sai nhưng nó dễ dẫn đến suy nghĩ rằng chỉ cần có trình độ là đủ. Trong thực tế thì trình độ là cái nhân tạo, mỗi người có thể phấn đấu để giành được. Còn năng lực cá nhân là phẩm chất riêng mà con người không thể tạo ra, con người chỉ có thể phát hiện và khai thác nó trong bản thân người lao động. Vì lẽ đó mà ở đây phân biệt trình độ và năng lực cá nhân. Khai thác năng lực cá nhân trong lao động sẽ thu được nhiều giá trị sức lao động mà không tổn hao thêm về sức lao động. Có nghĩa là sức lao động của những người có năng lực mang giá trị cao. Giá trị sức lao động từ năng lực cá nhân là giá trị được chuyển hoá trực tiếp từ bản thân người lao động. Vì vậy nó làm gia tăng giá trị xã hội. Định giá trình độ lao động để sử dụng, định giá năng lực cá nhân để khai thác.

Năng lực cá nhân thể hiện ở khả năng vận dụng tổng hợp tri thức, kinh nghiệm thực tiễn vào thực hiện những công việc cụ thể. Điều dễ nhận thấy về năng lực cá nhân là sự sáng tạo trong lao động và luôn đổi mới phương pháp làm việc. Nhưng không ít trường hợp năng lực cá nhân không thể hiển rõ bằng trình độ, nó lẩn trong trình độ. Trình độ có thể định giá được thông qua một số tiêu chuẩn. Còn năng lực cá nhân rất đa dạng và có nhiều sự thể hiện khác nhau nên tiêu chuẩn cho năng lực cá nhân khó được xây dựng. Bởi không có tiêu chuẩn định giá nên năng lực cá nhân dễ bị lạm dụng. Để có trình độ, người lao động cần có kinh phí và sự hỗ trợ, còn năng lực cá nhân do bẩm sinh. Năng lực cá nhân giúp cho việc nâng cao trình độ nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, năng lực cá nhân mang đến trình độ cho người lao động mà không phải trải qua đào tạo và

rèn luyện. Điều này rất có ý nghĩa bởi xã hội không phải mất thời gian và tiền bạc để đào tạo người lao động.

Tính chất công việc

Nhu cầu của con người ngày càng đa dạng, do đó chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú. Công việc tạo ra các sản phẩm cũng rất đa dạng và có tính chất khác nhau. Tính chất công việc đặt ra các yêu cầu cho sức lao động. Về cơ bản tính chất công việc thể hiện ở năm dạng: đơn giản, phức tạp, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Tính phức tạp yêu cầu về trình độ và năng lực cá nhân, tính nặng nhọc yêu cầu về cường độ lao động, còn tính độc hại làm suy giảm sức khoẻ, tính nguy hiểm tạo nên sự căng thẳng thần kinh và sự huy động tối đa sức mạnh của cơ thể, vì vậy làm cho sức lực bị tổn hao nhanh. Tuỳ theo từng công việc cụ thể mà các yếu tố này xuất hiện. Sự xuất hiện của chúng là đơn lẻ hay kết hợp. Giá trị sức lao động khi thực hiện những công việc đơn giản được định giá không cao. Khi công việc xuất hiện các yếu tố còn lại thì giá trị sức lao động phải được tính đến cho từng yếu tố bởi ngoài sự tổn hao về sức lực còn có sự tổn hao về trí lực và tuổi thọ.

Một phần của tài liệu Luật về lao động và bóc lột (Trang 26 - 28)