Nguyên tắc đề xuất các giải pháp

Một phần của tài liệu nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi ở công ty tnhh một thành viên đầu tư và phát triển thủy lợi mê linh (Trang 65 - 70)

L ỢI

3.2.2.Nguyên tắc đề xuất các giải pháp

a, Nguyên tắc xây dựng định mức lao động

Căn cứ xây dựng định mức lao động là quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn về quản lý vận hành công trình; hiện trạng công trình và máy móc thiết bị; điều kiện khí hậu thời tiết của khu vực tưới tiêu (tính toán trong điều kiện bình thường) và các chế độ chính sách hiện hành của nhà nước đối với người lao động.

- Định mức lao động phải hình thành từ định mức nguyên công (nguyên công công nghệ, nguyên công phụ trợ, phục vụ) của toàn bộ nội dung các công việc trong từng công đoạn của quản lý vận hành công trình và định biên của từng bộ phận và lao động quản lý.

- Mức lao động phải hợp lý và tiên tiến, phản ảnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm lao động tiên tiến, thể hiện được sự tiến bộ về tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và quản lý sản xuất.

- Định mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc công việc và phù hợp với cấp bậc công nhân; bảo đảm cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới kỹ thuật công nghệ và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động. Quá trình xây dựng định mức lao động phải gắn liền với công tác chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất, cải tiến tổ chức lao động nhằm tăng năng suất lao động ở cơ sở.

- Đối với định mức lao động tổng hợp cho đơn vị sản phẩm thì trong quá trình tính toán, xây dựng định mức phải căn cứ vào các thông số kỹ thuật quy định cho sản phẩm, quá trình công nghệ sản xuất sản phẩm, chế độ làm việc của thiết bị, kết hợp với những kinh nghiệm tiên tiến theo điều kiện áp dụng rộng rãi và các yêu cầu về chấn chỉnh tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và quản lý.

- Khi xây dựng định mức lao động tổng hợp thì không tính hao phí lao động làm sản phẩm phụ, sửa chữa lớn máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng cơ bản, chế tạo, lắp đặt thiết bị. Những hao phí lao động cho các loại công việc này được xây dựng định mức lao động tổng hợp riêng. Khi xây dựng định mức lao động tổng hợp, công ty đồng thời phải xác định độ phức tạp lao động và cấp bậc công việc bình quân theo phương pháp bình quân gia quyền.

b, Nguyên tắc lập đơn giá tiền lương

Đơn giá tiền lương được lập phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:

-Đơn giá tiền lương phải được xây dựng trên cơ sở định mức lao động trung bình tiên tiến của doanh nghiệp và trên cơ sở chế độ chính sách tiền lương do Nhà nước quy định.

-Tiền lương và thu nhập của người lao động phụ thuộc vào khối lượng sản phẩm dịch vụ thực hiện và chất lượng sản phẩm dịch vụ đó.

c, Nguyên tắc xây dựng định mức sửa chữa thường xuyên tài sản cố định

Định mức SCTX TSCĐ phải tính toán được đầy đủ hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công đúng, đủ các hao phí cần thiết phù hợp với mức độ trang bị và năng lực thực hiện của các đơn vị.

+ Thời gian định mức: cho từng công việc đã kể đến thời gian nghỉ ngơi, do nhu cầu tự nhiên, thời gian ngừng việc do trình độ tổ chức nơi làm việc, khả năng

kỹ thuật và tình hình trang bị, dụng cụ làm việc. Thời gian định mức được tính theo giờ công, giờ công được quy đổi ra ngày công tính theo cấp bâc công việc bình quân cho từng hạng mục công việc.

+ Thành phần công nhân: Bố trí người để thực hiện các công việc trong định mức căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật và tổ chức lao động hợp lý để thực hiện công việc đó.

+ Xây dựng định mức cần thực hiện công tác kiểm tra: trước khi sửa chữa cần kiểm tra khảo sát cơ bản toàn bộ hoặc bộ phận máy móc, thiết bị, công trình, kênh mương, nhà, xưởng.

- Công tác sửa chữa máy móc: Công nhân sửa chữa cần nắm vững tính năng của máy móc, thiết bị, các phương pháp kiểm tra, tháo lắp, sửa chữa không làm hư hỏng phụ tùng (phụ tùng có thể còn sử dụng lại). Sau mỗi công việc lắp, phải tiến hành kiểm tra nghiệm thu từng phần, kết quả sửa chữa phải đạt yêu cầu kỹ thuật quy định.

- Sau sửa chữa: Phải kiểm tra toàn bộ, thử máy, nghiệm thu, bàn giao.

Định mức chi tiết cho công tác sửa chữa TSCĐ toàn bộ hệ thống công trình thuỷ lợi gồm nhiều danh mục, trong mỗi danh mục công tác sửa chữa phải lựa chọn được thước đo định mức, đơn vị đo và được thể hiện rõ đơn vị tính khối lượng phù hợp đầy đủ các khoản mục hao phí.

d, Nguyên tắc xây dựng định mức sử dụng nước

Việc tạo cho cây trồng một chế độ nước thích hợp đồng thời với các điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, gió, độ ẩm không khí, loại cây trồng, đất đai, phương thức canh tác, kỹ thuật tưới là một vấn đề hết sức quan trọng. Để đảm bảo chế độ cung cấp nước thích hợp trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng, định mức sử dụng nước mặt ruộng cần phải được tính toán dựa trên cơ sở:

-Loại cây trồng, đặc điểm sinh trưởng và phát triển cụ thể tương ứng với yêu cầu nước trong từng giai đoạn để sao cho cây trồng và vật nuôi đạt được năng suất cao cũng như đạt hiệu quả sử dụng nước tối ưu.

-Phương thức canh tác của loại cây trồng (ví dụ như đối với cây lúa thì chế độ tưới sẽ khác nhau nếu áp dụng phương thức gieo sạ hoặc cấy, v.v…)

-Các yếu tố khí tượng thủy văn bao gồm lượng bốc hơi, lượng mưa vụ, độ ẩm, tốc độ gió và số giờ nắng trong năm.

-Các yếu tố về đất đai (loại đất và địa hình của khu đất)

Các yếu tố trên thường khác nhau từ khu vực này đến khu vực khác và cũng thay đổi thường xuyên theo thời gian. Do vậy việc tính toán phải dựa trên cơ sở sử dụng các số liệu điều tra thí nghiệm cho từng khu vực tưới đối với từng loại hình nuôi trồng và tính theo tần suất của các yếu tố khí tượng nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp ứng với năm thực tế tưới tiêu.

e, Nguyên tắc xây dựng định mức điện tưới

Định mức điện tưới được tính toán dựa trên các yếu tố về đầu vào của quá trình bơm tưới (tổng lượng nước sử dụng tại mặt ruộng cho từng loại đối tượng canh tác), các yếu tố trung gian (năng lực chuyển tải nước của hệ thống kênh mương từ đầu mối trạm bơm tới mặt ruộng) và các yếu tố đầu ra (năng lực thực tế của trạm bơm trong việc bơm nước tưới) trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Việc tính toán định mức điện tưới cần phải dựa trên:

- Quy trình, quy phạm quản lý vận hành công trình thuỷ lợi; - Hiện trạng hệ thống công trình thuỷ lợi; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Điều kiện sản xuất nông nghiệp (biện pháp canh tác, thời vụ, đặc trưng đất trồng, cây trồng...);

- Điều kiện tự nhiên khí hậu (mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi,...).

f, Nguyên tắc xây dựng định mức điện bơm tiêu

Về nguyên tắc bơm tiêu là việc sử dụng năng lượng điện để bơm lượng nước thừa không sử dụng trong một thời đoạn nào đó ra ngoài sông, biển để đảm bảo nước không gây tác hại lớn cho sản xuất, môi trường và phát triển kinh tế trong vùng hệ thống.

Định mức điện tiêu được tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào như khí tượng thủy văn của vùng tính toán kết hợp với các yếu tố của các đối tượng sử dụng đất

(đất trồng lúa, màu và đất phi canh tác), và các yếu tố đầu ra (năng lực thực tế của trạm bơm tiêu) trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Định mức nước tiêu và phân bố khối lượng nước cần bơm tiêu từng thời đoạn căn cứ vào điều kiện khí tượng thủy văn như mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi,... và điều kiện sản xuất nông nghiệp như biện pháp canh tác, thời vụ, đặc trưng đất trồng và khả năng chịu ngập của cây trồng,....

g, Nguyên tắc xây dựng định mức tiêu hao vật tư

Việc xây dựng định mức tiêu hao vật tư phải dựa trên các nguyên tắc sau: Dựa trên thực trạng về máy móc và thiết bị hiện có trong hệ thống công trình thuỷ lợi đơn vị đang quản lý (gồm số lượng, chủng loại, tuổi thọ, tình trạng kỹ thuật,…).

Dựa trên các quy trình quy phạm vận hành bảo dưỡng các loại máy móc thiết bị hiện có (máy bơm, động cơ, thiết bị đóng mở).

Dựa vào số giờ vận hành thực tế của các trạm bơm và số lần vận hành các thiết bị đóng mở cống (có thể theo thống kê).

Dựa vào các đặc thù trong vận hành bảo dưỡng của từng loại máy móc thiết bị cụ thể của đơn vị để có các điều chỉnh trong quá trình xây dựng định mức.

h, Nguyên tắc xây dựng định mức chi phí QLDN

Các khoản mục chi phí QLDN được lập dựa trên yêu cầu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị và chế độ chính sách của nhà nước.

-Danh mục các hạng mục chi phí cần thiết phục vụ công tác quản lý cần lập định mức và khối lượng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ quản lý

-Các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành và UBND tỉnh sở tại có liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, mức, giá trong chi phí quản lý doanh nghiệp.

3.3. Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc quản lý khai thác CTTL ở Công ty

Một phần của tài liệu nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi ở công ty tnhh một thành viên đầu tư và phát triển thủy lợi mê linh (Trang 65 - 70)