Phương pháp tổng thể

Một phần của tài liệu ứng dụng mô hình toán nghiên cứu tính toán dòng chảy tối thiểu trên dòng chính lưu vực sông cả (Trang 32 - 34)

V. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

1.4.4. Phương pháp tổng thể

Trong suốt thập kỷ qua, các nhà sinh thái học về sông đã đưa ra ngày càng nhiều cách tiếp cận tổng thể hơn để xác định DCMT, duy trì và bảo tồn hệ sinh thái sông, chứ không chỉ tập trung vào một số loài. Từ phương pháp tiếp cận tổng thể hệ sinh thái do Arthington đề xuất năm 1992, các phương pháp tiếp cận tổng thể đã được xây dựng và áp dụng, đầu tiên ở Úc và Nam Phi và gần đây là ở Anh. Loại phương pháp này cho rằng nếu các đặc trưng nào đó của chế độ thủy văn tự nhiên của sông được xác định và lồng ghép vào chế độ dòng chảy đã biến đổi, thì cần phải duy trì tất cả các yếu tố khác đang cân bằng, quần thể sinh vật hiện tại và sự toàn vẹn của các chức năng hệ sinh thái. Tương tự như vậy, Spark (1992, 1995) đã chỉ ra rằng thay vì việc tối ưu hóa chế độ dòng chảy cho một hay một số loài, cách tiếp cận tốt hơn là xác lập chế độ dòng chảy tự nhiên duy trì tất cả các loài.

Các phương pháp tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết nhu cầu nước của toàn bộ hệ sinh thái sông, chứ không chỉ của chỉ một số loài (thường là cá hay các loài không xương sống).Các phương pháp này tuân thủ khái niệm về “sơ đồ dòng chảy tự nhiên” và các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc trả lại nước sông. Chúng có mục tiêu chung là duy trì hay hoàn trả lại chế độ dòng chảy liên quan đến các thành phần sinh học và các quá trình sinh thái trong sông và nước ngầm, các vùng đồng bằng lũ và các khu nhận nước hạ lưu (như các hồ cuối hạ lưu hay các vùng đất ngập nước, hệ sinh thái khu vực cửa sông và ven biển).

Các thành phần hệ sinh thái thường được xem xét trong phương pháp tiếp cận tổng thể bao gồm địa mạo, môi trường sống thủy lực, chất lượng nước, các loài thực

vật sống ven sông và sống trong nước, các loài không xương sống, cá và các động vật có xương sống khác và một số loài sống phụ thuộc vào hệ sinh thái sông và ven sông (tức là động vật lưỡng cư, bò sát, chim, động vật có vú). Mỗi thành phần này có thể được đánh giá bằng nhiều kỹ thuật phân tích chuyên ngành và sau đó lồng ghép các nhu cầu dòng chảy vào các đề xuất đánh giá DCMT theo các cách tiếp cận hệ thống.

Đánh giá DCMT tổng thể có thể bao gồm sự đánh giá các phương pháp giảm thiểu khác, ví dụ như, làm thế nào để hoàn trả lại sự liên tục theo chiều dọc và chiều ngang sông bằng cách tạo đường đi cho cá hay thay đổi hình dạng bờ bao của vùng đồng bằng lũ. Một số phương pháp tiếp cận tổng thể cũng xem xét đến ảnh hưởng của các quá trình và các nhiễu loạn không hoặc ít liên quan trực tiếp đến dòng chảy và đề xuất các phương pháp giảm thiểu để khôi phục lại môi trường sông và khu vực ven sông hay việc quản lý các loài thực vật và cá bị ảnh hưởng.

Nhìn chung, các phương pháp tiếp cận tổng thể có sự tham gia của nhóm chuyên gia và các bên liên quan để đảm bảo quy trình là tổng thể về các bên tham gia cũng như các vấn đề khoa học. Khi nào các phương pháp mang tính chất tổng thể, thì chúng sẽ bao quát được toàn bộ hệ thống thủy văn – sinh thái – các bên tham gia. Nhược điểm của phương pháp là tốn nhiều chi phí cho việc thu thập tài liệu.

Mục đích của phương pháp là tiếp cận tất cả các vấn đề của sông để đưa ra một chế độ dòng chảy không phải là chế độ dòng chảy tự nhiên nhưng có khả năng duy trì được hệ sinh thái tiêu biểu và các chức năng tự nhiên của dòng sông. Chế độ nước của dòng sông được điều chỉnh theo thời gian để lượng nước lấy đi không làm biến đổi hệ sinh thái từ trạng thái đang phát triển sang trạng thái không mong muốn. Phương pháp này được áp dụng nhiều ở Nam Phi và Úc vì hai quốc gia này không có các loài cá nước ngọt được sử dụng cho mục đích thương mại và giải trí như ở Mĩ và Canada. Tuy nhiên, gần đây các phương pháp đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của cả các khu vực phát triển và dang phát triển trên thế giới, với sự quan tâm lớn của trên 12 nước ở châu Âu, châu Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi.

Hiện nay, các phương pháp tiếp cận tổng thể chiếm khoảng 8% với ít nhất 16 phương pháp hiện có dựa trên các nguyên tắc tổng thể được mô tả ở trên đang được xây dựng trong suốt 10 năm qua (theo Tharme, 2003).

Có hai cách tiếp cận theo phương pháp này là tiếp cận từ dưới lên (xây dựng một chế độ dòng chảy biến đổi bằng cách tăng các thành phần dòng chảy đến giá trị ngưỡng) và cách tiếp cận từ trên xuống (trả lời câu hỏi “chúng ta có thể biến đổi chế độ dòng chảy đến mức nào trước khi hệ thủy sinh bắt đầu thay đổi đáng kể hoặc bị suy thoái nghiêm trọng?”). Phương pháp tiếp cận “dưới lên” thường bắt đầu xây dựng với chế độ dòng chảy bằng cách thêm các thành phần của dòng chảy mong muốn vào dòng chảy bằng 0.Còn phương pháp tiếp cận “trên xuống” thì thường bắt đầu với dòng chảy tự nhiên. Sau đó cố gắng xác định mức độ thay đổi dòng chảy tới hạn mà những tác động đến sự lành mạnh của dòng chảy không vượt quá ngưỡng cho phép, hay xác định mối quan hệ giữa sự thay đổi của chế độ dòng chảy đối với các loại ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng.

Một số phương pháp tiếp cận từ dưới lên như phương pháp BBM (Building Block Methodology) và phương pháp phục hồi dòng chảy FSRM (Flow Stress Respond Method) ,… Các phương pháp tiếp cận từ trên xuống gồm có phương pháp Benchmarking và phương pháp DRIFT (Downstream Response to Imposed Flow Transformation ),… Việc ứng dụng các phương pháp này phụ thuộc vào mục tiêu dòng chảy của những đoạn sông trong các lưu vực và trong những điều kiện cụ thể về kinh phí, thời gian tiến hành và đòi hỏi của các nhà quản lý, những người ra chính sách.

Yêu cầu về số liệu khi ứng dụng phương pháp này là rất lớn, nhất là số liệu sinh thái cho nên chỉ có thể ứng dụng đối với những dự án nghiên cứu có quy mô và quan trọng.

Một phần của tài liệu ứng dụng mô hình toán nghiên cứu tính toán dòng chảy tối thiểu trên dòng chính lưu vực sông cả (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)