Nguyên tắc kế thừa

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học về quản lý trường đại học thuộc Bộ Công Thương theo hướng tự chủ và trách nhiệm xã hội (Trang 110 - 111)

10. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

3.1.1. Nguyên tắc kế thừa

Tự chủ và TNXH được hình thành dựa trên các mức độ năng lực và văn hóa khác nhau của từng nhà trường trong các giai đoạn khác nhau. Chính vì vậy cần thực hiện tự chủ và TNXH xem xét trên những gì đã có. Nguyên tắc kế thừa được xem là nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc quan trọng khi lựa chọn các giải pháp quản lý trường đại học theo hướng tự chủ và TNXH.

Nguyên tắc kế thừa được thể hiện trên nhiều khía cạnh: Kế thừa cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, bộ máy quản lý và kinh nghiệm quản lý của các nhà quản lý đi trước; kế thừa uy tín, truyền thống đào tạo của nhà trường.

Để thực hiện công tác quản lý hiệu quả trong nhà trường theo hướng tự chủ và TNXH, đôi khi cần thiết có sự cải tổ, điều chỉnh nhất định đối với tổ chức bộ máy của nhà trường (mở rộng quy mô, mở rộng ngành đào tạo, yêu cầu nhiệm vụ...). Việc cải tổ và điều chỉnh đó cần phải đặt trên nguyên tắc kế thừa bộ máy quản lý sẵn có. Sự thay đổi quá lớn sẽ khó có thể xây dựng môi trường làm việc thích ứng hiệu quả cho các thành viên trong bộ máy và nhận được sự đồng thuận chung. Đây là rào cản lớn nhất khi triển khai các biện pháp quản lý.

Bên cạnh đó, các quyết định về lĩnh vực tổ chức, tài chính, nhân sự, học thuật gắn liền với sự phát triển hoặc tụt hậu của nhà trường, đặc biệt nó đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường về hội nhập quốc tế sâu rộng và taonf cầu hóa, đòi hỏi tính phù hợp và chính xác cao. Vì vậy, các giải pháp quản lý phải xuất phát từ việc đánh giá, tổng kết, đúc rút qua nhiều giai đoạn, thời kỳ của quá trình hoạt động đào tạo trong nhà trường, điều này có sự kế thừa, học hỏi từ chính kinh nghiệm của những người tiền bối, các nhà quản lý đi trước. Từ kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, các nhà quản lý có thể đúc rút được những kinh nghiệm quý báu để phát huy, nối dài những thành công. Đồng thời né tránh được những vết trượt trong công tác quản lý.

Bức tranh thực trạng hoạt động quản lý nhà trường trong những năm gần đây sẽ là “kim chỉ nam” dẫn dắt để lựa chọn đúng đắn các giải pháp đảm bảo cơ sở khoa học. Tùy thuộc vào thực trạng công tác quản lý trong thời gian qua, các trường sẽ phải lựa chọn những giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường.

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học về quản lý trường đại học thuộc Bộ Công Thương theo hướng tự chủ và trách nhiệm xã hội (Trang 110 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)