Nghề nuôi cá nước ngọt ở tỉnh Kon Tum có từ nhiều năm nay nhưng chưa phát triển. Kon Tum là một trong những tỉnh miền núi nghề nuôi cá nước ngọt chưa được quan tâm phát triển. Nhưng từ những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền nghề nuôi cá nước ngọt ngày càng được phát triển. Hiện nay, số hộ nuôi cá nước ngọt không ngừng tăng lên, diện tích nuôi cá nước ngọt được mở rộng. Theo thống kê
trong năm 2012: sản lượng thủy sản của toàn tỉnh 17.145 tấn [5].
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi đề xuất một số mô hình nuôi cá nước ngọt ở các địa bàn dọc tuyến sông Sông Đăkbla.
- Nuôi cá ao đất: Đây là hình thức nuôi rất phù hợp với các hộ ven sông ở khu vực các xã Vinh Quang, xã Ngọc Bay, xã Ia Chim.
- Nuôi cá ao nước chảy: Đây là hình thức nuôi phù hợp với các hộ gia đình ở vùng suối núi cao thuộc huyện Mang Giang. Loài nuôi chủ yếu là cá ăn thực vật: cá Trắm cỏ, có thể nuôi xen cá Chép, cá Rô phi với số lượng ít hơn.
- Mô hình nuôi kết hợp cá trong ruộng lúa vùng ven sông ở khu vực huyện Sa Thầy. Kết hợp đa dạng hoá sản phẩm trên ruộng lúa cá ăn sâu rầy, hạn chế dịch bệnh của lúa, hạn chế dùng thuốc trừ sâu. đảm bảo cân bằng hệ sinh thái giữa các quần thể sinh vật trong ruộng. Đồng thời tạo sản phẩm lúa, cá sạch, tạo ra môi trường lành mạnh cho người sản xuất và an toàn cho người sử dụng. Mang lại hiệu quả kinh tế cao ở những vùng đất trũng, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng nguồn thực phẩm cho xã hội, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi.
Các loài cá chọn nuôi trong ruộng là Mè vinh, Rô phi, Chép, Mè trắng, Rô đồng,… Mật độ nuôi từ 1 - 2 con/m2, nếu ruộng nuôi cá có chăm sóc và cho ăn thêm thì có thể tăng hơn. Kích cỡ cá nuôi phải đều, khỏe mạnh, không quá nhỏ (2 - 5g/con). Tỷ lệ ghép có thể chọn loài cá chính với số lượng và tỷ lệ cao (40 - 50%) ghép với các loài cá khác không cạnh tranh thức ăn với loài cá chính.